March 29, 2024, 9:44 pm

Tích hợp văn hóa trong đọc hiểu văn bản

Trong quá trình dạy học Ngữ văn, việc sử dụng phương pháp “tích hợp văn hóa” trong việc đọc hiểu ở mức độ chuyên sâu các văn bản văn học trong chương trình và ngoài chương trình có thể giúp học sinh nâng cao hiểu biết và khả năng cảm thụ tác phẩm văn học, đồng thời có thể vận dụng  tốt những điều được trang bị từ chuyên đề để nâng cao năng lực học văn, viết văn. 

 

 Sự liên hệ văn hóa chỉ đóng vai trò giúp học sinh tìm hiểu sâu sắc hơn, trọn vẹn hơn

 

Vấn đề “tích hợp văn hóa” trong đọc hiểu văn bản văn học

“Tích hợp văn hóa” được hiểu là phương pháp đọc hiểu một văn bản văn học thông qua cái nhìn liên hệ, chiếu ứng với nền văn hóa trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sự ra đời, tồn tại và phát triển của văn bản ấy. Lý thuyết liên văn bản chỉ ra rằng không có văn bản nào thực sự cô lập, tồn tại riêng lẻ như một sự sáng tạo tuyệt đối, văn bản nào cũng chịu sự tác động của văn bản văn hóa. Dù tác giả của văn bản ý thức được hay không thì khi một văn bản ra đời, nó cũng mang dấu ấn sâu đậm của một nền văn hóa nào đó. Cho nên khi đặt văn bản văn học trong cái nhìn chiếu ứng với những yếu tố văn hóa gắn liền với nó ta sẽ dễ dàng giải mã được những thông điệp của văn bản.

Thực ra trong nghiên cứu phê bình văn học, góc nhìn văn hóa đã được áp dụng một cách rộng rãi và khẳng định hiệu quả của nó qua những công trình danh tiếng như Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại của Trần Đình Hượu, Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực của Đỗ Lai Thúy, Văn học trung đại Việt Nam dưới cái nhìn văn hoá của Trần Nho Thìn... Việc đọc hiểu văn bản học trong nhà trường phổ thông mặc dù không phải là nghiên cứu phê bình văn học nhưng lại có mối quan hệ tất yếu với nó. Bởi lẽ muốn hướng đến mục tiêu đọc hiểu chuyên sâu những văn bản văn học (đặc biệt là văn bản khó), học sinh bắt buộc phải có những tri thức văn hóa liên quan đến văn bản cần đọc. Điều này cho thấy đọc hiểu văn bản văn học trong cái nhìn liên hệ với văn hóa là một trong những phương pháp mà nếu áp dụng hợp lí sẽ mang lại hiệu quả cao.

Cần nhìn nhận văn hóa của một đất nước, một vùng miền (không gian) hay của một thời đại (thời gian) như là một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố hợp thành như ngôn ngữ, tổ chức xã hội,  phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng... trong đó có cả văn học. Từ đó đặt văn bản văn học trong mối quan hệ với các yếu tố khác cùng phông văn hóa sẽ dễ dàng tìm hiểu một cách sâu sắc, thấu đáo văn bản ấy. Chẳng hạn khi dạy thơ của các nhà Thơ Mới, những bài như Vội vàng của Xuân Diệu, Tràng Giang của Huy Cận, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Tương tư của Nguyễn Bính... nếu liên hệ với văn hóa giai đoạn 1932-1945 sẽ khám phá ra được nhiều điều thú vị. Đây là loại hình văn hóa thành thị hiện đại hình thành từ sự ảnh hưởng của phương Tây. Nó khác biệt so với văn hóa nông thôn và văn hóa thành thị trung đại trên nhiều phương diện như quan niệm về cuộc sống, con người, cái đẹp... Nó trở nên năng động, sáng tạo. Nó “nổi loạn” để kháng cự lại hệ thống văn hóa cũ vốn đã trở nên bảo thủ, xơ cứng, sáo mòn. Nó tạo ra một môi trường cởi mở, phóng khoáng để con người cá nhân, cá thể khẳng định mình. Thơ mới, sản phẩm của nền văn hóa ấy, dĩ nhiên in đậm dấu ấn con người thời đại với sự thăng hoa mãnh liệt của con người cá nhân, của tiếng nói bản thể. Vì vậy mà mỗi nhà Thơ Mới có một cái tôi riêng, một cá tính riêng không lẫn lộn với bất kì ai. Cái tôi Xuân Diệu thì cuồng nhiệt, đắm say. Cái tôi Huy Cận thì bơ vơ, ảo não. Cái tôi Hàn Mặc Tử thì hoang hoải, đau thương. Cái tôi Nguyễn Bính thì chân quê, mộc mạc. Nói như nhà phê bình Hoài Thanh: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng lớn như Thế Lữ,  mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (Thi nhân Việt Nam). Hiểu được điều này, ta sẽ dễ dàng đi sâu khám phá thế giới nghệ thuật, nắm bắt được linh hồn của mỗi bài thơ. Cũng như vậy, đọc hiểu thơ Hồ Xuân Hương dưới góc nhìn văn hóa phồn thực, ta sẽ cảm nhận sâu sắc được những khát khao đầy nhân bản của con người. Đọc hiểu Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân trong cái nhìn liên hệ với thú chơi thư pháp – một thú chơi tao nhã trong văn hóa cổ truyền của người Việt, ta sẽ khám phá ra biết bao nhiêu điều thú vị.   

 

Những lợi ích của việc đọc hiểu văn bản văn học thông qua “tích hợp văn hóa”

Thực tế chỉ ra rằng: việc tích hợp văn hóa mang lại những hiệu quả tích cực, giúp nâng cao năng lực đọc hiểu văn bản văn học cho học sinh (đặc biệt là học sinh giỏi, học sinh chuyên văn).

Thứ nhất, nó sẽ tác động làm cho việc đọc hiểu văn bản văn học trở nên linh hoạt, sinh động, hấp dẫn hơn từ đó khơi gợi hứng thú và kích thích niềm say mê học văn cho học sinh. Thay vì đơn thuần chỉ bám sát văn bản để đọc hiểu, khi được trang bị những tri thức văn hóa liên quan đến văn bản, học sinh sẽ có thể mở rộng liên tưởng để khám phá đến tận cùng những mạch ngầm tư tưởng cũng như những giá trị tinh tế nhất của văn bản.  

Thứ hai, việc đọc hiểu văn bản  từ cái nhìn văn hóa sẽ giúp học sinh có cơ hội  nâng cao hiểu biết, mở rộng tầm nhìn thông qua việc tìm hiểu, khám phá những tri thức văn hóa liên quan. Nếu chỉ dừng lại trong khuôn khổ văn bản, kiến thức của học sinh chỉ giới hạn trong một phạm vi nhỏ hẹp. Trong khi đó nếu mở rộng ra theo hướng liên hệ văn hóa thì tầm kiến văn của các em  sẽ được nới rộng hơn, trí tuệ sẽ được làm giàu thêm từ những hiểu biết mới về văn hóa dân tộc và nhân loại.

 

Một số hướng đọc hiểu văn bản văn học qua “tích hợp văn hóa”

- Đặt văn bản văn học trong cái nhìn chiếu ứng với văn hóa của thời đại mà tác phẩm ấy ra đời (Tích hợp thời gian)

Văn học là hơi thở của thời đại, là tiếng vọng lại từ thời đại cho nên mỗi văn bản văn học ít nhiều đều có mang dấu ấn của thời đại mà nó ra đời. Vì vậy, khi đọc hiểu một văn bản văn học, có thể đặt văn bản ấy trong cái nhìn liên hệ với đặc trưng văn hóa thời đại, ta sẽ hiểu sâu hơn, nắm bắt kĩ hơn thông điệp của tác giả.

Chẳng hạn khi đọc hiểu văn bản Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão, nên đặt nó trong cái nhìn chiếu ứng với văn hóa thời đại Đông A, một trong những thời đại oanh liệt bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Chiều sâu văn hóa dân tộc, tinh thần nhập thế tích cực của Thiền tông thời Trần và hào khí thời đại đã quyện hòa vào nhau tạo ra một nền văn hóa vừa phóng khoáng, cởi mở; vừa trong sáng, bình dị lại vừa thấm đẫm tinh thần nhân văn. Nền văn hóa ấy đã sản sinh ra những con người mang vẻ đẹp đặc biệt: mạnh mẽ, tự tin, cao thượng, hào hùng. Hiểu vẻ đẹp của con người thời đại, học sinh sẽ dễ dàng cảm nhận sâu sắc hình ảnh người tráng sĩ thời Trần và quân đội thời Trần trong bài thơ; dễ dàng hiểu được vì sao một con người đã “cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông” chưa lúc nào ngơi nghỉ như Phạm Ngũ Lão vẫn cảm thấy chưa trả xong nợ công danh, cảm thấy thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu. Việc đọc hiểu văn bản sẽ trở nên thú vị hơn vì nó đã làm sống dậy trong tâm trí các em một thời hào hùng của cha ông.

- Đặt văn bản văn học trong phông văn hóa của đất nước, vùng miền (Tích hợp không gian)

Mỗi quốc gia, dân tộc hay mỗi vùng miền khác nhau đều có những đặc trưng văn hóa riêng, vô cùng độc đáo. Văn bản văn học ra đời trong một không gian văn hóa nào đó cũng sẽ là một yếu tố văn hóa thuộc không gian ấy và ít nhiều chịu ảnh hưởng từ những yếu tố văn hóa khác cùng phông. Do vậy, khi đọc hiểu một văn bản văn học, nếu đặt nó trong không gian văn hóa của nó, ta sẽ có thể thấu hiểu một cách sâu sắc hơn. 

Chẳng hạn khi đọc hiểu bài thơ Đàn ghita của Lorca của Thanh Thảo nếu không đặt nó trong cái phông văn hóa đặc trưng Tây Ban Nha, đất nước của cây đàn ghita, của điệu nhảy Flamenco và những trận đấu bò, mà Thanh Thảo tiếp nhận được từ thế giới nghệ thuật thơ Lorca thì khó có thể tìm thấy sự liên hệ của những hình ảnh tưởng chừng như rời rạc: tiếng đàn bọt nước, áo choàng đỏ gắt, vầng trăng, yên ngựa, tiếng hát nghêu ngao, giọt nước mắt vầng trăng, lá bùa cô gái Di-gan... vì thế cũng sẽ khó có thể cảm nhận được hình tượng Lorca in đậm trong tác phẩm. Bởi lẽ với Đàn ghita của Lorca đã có một dòng chảy văn hóa xuyên thấm từ Tây Ban Nha qua Thơ Lorca rồi đến với thơ Thanh Thảo. Khi đọc hiểu thơ Hai-cư, thể thơ linh diệu của Nhật Bản, học sinh sẽ khó hiểu hết ý nghĩa sâu thẳm của mỗi bài thơ nếu như chỉ chuyên chú vào văn bản mà không đặt nó trong mối liên hệ với vẻ đẹp nguyên sơ, trong trẻo, tĩnh lặng của Thiền học Nhật Bản và những cảm thức thẩm mĩ đặc trưng trong văn hóa Nhật như sabi (vắng lặng), wabi (đơn sơ), karumi (nhẹ nhàng), shi-o-ri (mềm mại)... Cũng như vậy khi đọc hiểu văn bản Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài không thể không đặt nó trong không gian văn hóa Tây Bắc, khi đọc hiểu văn bản Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi không thể không đặt nó trong không gian văn hóa Nam Bộ…

- Đặt văn bản văn học trong cái nhìn liên hệ với những hệ tưởng, triết học đương thời

Văn học của một thời đại sẽ chịu ảnh hưởng sâu đậm từ những triết thuyết được xem như nền tảng tư tưởng của thời đại ấy. Những tư tưởng triết học được xem như là một phương diện quan trọng góp phần tạo nên nền văn hóa của thời đại.  Chính vì vậy, khi đọc hiểu một văn bản văn học, nếu ta có cái nhìn đối chiếu với những tư tưởng triết học có liên quan, ta sẽ có điều kiện hiểu sâu hơn văn bản, khám phá được những vỉa tầng sâu kín nhất mà nhà văn gửi gắm trong văn bản. Đọc thơ thiền Lý Trần không thể không nhìn từ góc nhìn Phật giáo. Đọc Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nếu liên hệ với triết lý vô vi của Đạo gia, ta sẽ cảm nhận sâu sắc được quan niệm sống ung dung, nhàn tản, vô ưu, vượt thoát khỏi vòng lợi danh phú quý của nhà thơ. Cũng như vậy, khi đọc hiểu văn bản Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, để hiểu được sự sáng tạo mang tính đột phá trong tư tưởng nhân nghĩa của ông, cần thiết phải có một cái nhìn chiếu ứng với tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo.  

Từ những điều đã nói trên đây, có thể thấy tích hợp văn hóa là một phương pháp tích cực, một hướng đi hữu hiệu mà học sinh (đặc biệt là học sinh giỏi, học sinh chuyên văn) có thể sử dụng để đọc hiểu ở mức độ chuyên sâu những văn bản văn học trong và ngoài nhà trường. Mỗi học sinh tùy vào những tri thức văn hóa được trang bị mà có cách vận dụng để đọc hiểu có hiệu quả. Tuy nhiên sẽ thật sai lầm nếu xem tích hợp văn hóa là một phương pháp vạn năng và áp dụng trong mọi trường hợp. Nếu quá lạm dụng có thể sẽ vô tình biến việc đọc hiểu văn bản văn học thành việc khai thác văn hóa. Cần thấy rằng trong hoạt động đọc hiểu văn bản văn học thì cái trung tâm luôn luôn vẫn phải là văn bản. Sự liên hệ văn hóa chỉ đóng vai trò giúp học sinh tìm hiểu sâu sắc hơn, trọn vẹn hơn văn bản mà thôi.

_______

* Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên.

Nguồn Văn nghệ số 14/2020


Có thể bạn quan tâm