March 29, 2024, 10:21 pm

Thương, Lan

 

“Em thích tên mình được gọi bởi bố. Chính ông nằng nặc chọn tên đó. Nếu không là Thương Lan, em không thể mang tên nào khác. Ông chưa từng gọi em là Lan vì đó là tên của mẹ em. Lúc nào cũng là “Thương Lan, ra tưới cây với bố. Phần này cho cá, chỗ này cho chim, con đừng nhầm nhé, Thương Lan. Cám ơn con, Thương Lan. Bố xin lỗi, Thương Lan”. Lúc nào cũng thế mà em không thấy chán vì đó là cách duy nhất em cảm nhận được sự kết nối với mẹ. Điều duy nhất chúng ta có thể làm cho người đã chết là nhớ đến họ thật lâu, anh nghĩ có phải không?”

   Sau tất cả những lời chia sẻ, điều khiến tôi ấn tượng là cách Thương Lan nhắc đến cái chết của mẹ. Không phải mất, qua đời, đã khuất, đi xa, lên một vì sao khác, Thương Lan chọn cách diễn đạt bộc trực nhất để nói về tồn tại của người phụ nữ đã sinh ra mình: chết. Tôi còn nhớ thời trung học từng bị cô giáo Ngữ văn rầy la vì dõng dạc thuyết minh một tác giả đã “chết” năm 1985. Cô nói “Em không thể dùng từ hay hơn à? Em không có chút tôn trọng nào dành cho tác giả ư? Ông ấy là một nhà thơ lớn”. Phải rồi, tôi đã nói về Xuân Diệu. Tôi nhớ là mình rất tôn trọng nhà thơ ấy nhưng hoàn toàn đồng tình với việc ông đã chết trước khi tôi được sinh ra. Sách giáo khoa và cô giáo khiến tôi đâm dè chừng từ “chết” và cái chết. Đó là một khái niệm thật thà ngang ngửa với sự sống nhưng trong một chừng mực nào đó lại không nên được công khai. Sau nhiều năm thận trọng hết mức có thể, cái chết một lần nữa hiện về nguyên hình dáng bộc trực, thô ráp và thực thà khi Thương Lan đẩy cửa bước vào phòng và ngồi xuống chiếc ghế đối diện tôi.

            Mẹ Thương Lan chết sau một cuộc đấu súng. Chẳng ai nghe nhầm cả, chuyện đó có thật và nó xảy ra với cuộc đời cô. Bà không chết vì bất kỳ viên đạn nào xuyên qua da thịt nhưng cô nói cho tới hôm nay vẫn tin bà đã bị chính chồng mình bắn hạ. Năm Thương Lan một tuổi rưỡi, bố cô vẫn còn là một người thanh niên chưa qua ngưỡng ba mươi ưa tụ tập bạn bè chơi điện tử. Trò mà nhóm bạn ông say mê nhất là đấu súng, hễ nhập vai là họ quên sạch thời gian, chơi cho đến khi tất cả đã thỏa mãn mới nhớ tới việc về nhà. Và trong một buổi đấu như thế, ông ghim chặt viên đạn vô hình vào cổ họng người vợ mà phải hai tiếng sau mới hay. Mẹ cô mắc chứng bệnh nói đơn giản là dị ứng lạc, hễ ăn món đồ nào có hạt lạc bà lập tức bị sốc phản vệ. Bên cạnh bà luôn có một chiếc bút tiêm cấp cứu phòng trường hợp xấu. Thương Lan đương nhiên chưa từng chứng kiến cảnh mẹ mình lên cơn dị ứng, bố cô thì biết rõ nên ngoài việc thủ sẵn bút tiêm trong nhà, ông không bao giờ nấu món ăn có lạc. Tuy nhiên sơ suất luôn xuất hiện vì chúng tôi chỉ là con người, món bò kho ngon lành nấu cho bữa chiều chứa một lượng bột dừa với thành phần từ lạc đủ lớn để thắt chặt cổ họng mẹ Thương Lan chỉ sau vài muỗng nếm thử. Bà nằm trên sàn bếp, lặng lẽ trút dần từng hơi thở hay nói cách khác là từ từ chết đi khi Thương Lan nằm ngủ say trong nôi, người chồng đang mải mê ấn tay lên phím bấm ở tiệm điện tử cách nhà ba trăm mét còn chiếc bút cứu tinh thì nằm yên trong ngăn kéo đầu giường.

            “Em không biết mình nên biết ơn hay căm ghét sự thực thà của bố. Lúc ấy em chưa tới hai tuổi, bố có quyền giấu nhẹm chuyện này đi, chỉ việc nói rằng “Thương Lan, bố rất tiếc nhưng mẹ con đã chết vì một căn bệnh khủng khiếp”. Em sẽ chẳng phiền gì mà chỉ buồn thôi. Nhưng ông ấy chọn nói ra sự thật ngay khi em bắt đầu có ý thức, lặp đi lặp lại cho tới lúc em hiểu tường tận về cái chết của mẹ. Ông ấy muốn gì? Một sự trả thù ư? Hay muốn em giận ông ấy suốt đời? Làm sao em làm được chuyện đó khi chưa từng cảm nhận được tình yêu của mẹ nhưng lại gắn bó mật thiết và được bố yêu thương hơn tất thảy! Kẹo bánh, quà vặt, thú bông, sách vở, giấy bao, bút viết, cặp sách, đồng phục, đồ lót, băng vệ sinh, cây son đầu tiên, chúng đều do bố mua cho em. Tình yêu thương, trách nhiệm, hẳn rồi. Ông ấy làm quá tốt nhưng lại giết đi mẹ của em, em buộc phải lặp lại câu hỏi trong đầu: chuyện kỳ cục gì thế này?”

            Thương Lan ngả người ra sau, hai tay vịn lên thành ghế, đầu gối xếp cạnh nhau thành một hình dáng ngay ngắn đẹp đẽ. Cô khiến tôi liên tưởng tới một nhân viên văn phòng không bao giờ phải lòng sếp của mình nhưng lại khiến anh ta nghĩ mình sẽ có cơ hội một lúc nào đó. Việc tiếp xúc qua với quá nhiều loại người mỗi tuần làm tâm trí tôi buộc phải tự ý đưa ra vài nhận định cá nhân.

            “Em có ghét bố không?”

            Trước khi trả lời câu hỏi, Thương Lan xin phép được hút thuốc. Tôi gật đầu. Cô rút trong túi xách ra một hộp nhỏ với hoa văn trang trí đẹp mắt trông như một món quà, bên trong đựng mấy điếu thuốc mảnh. Bằng động tác tự nhiên nhất, cô châm lửa rồi nhanh chóng phả ra một màn khói. Tôi bỏ thuốc đã hơn ba năm nên việc này rất gần với cực hình. Cứ nhìn cách cô ung dung thưởng thức món đồ bé xinh trên tay thì rõ, tôi suýt quên mất lý do mình bỏ thuốc.

            “Xin lỗi, em phải có thứ này mới tập trung được”. Thương Lan nheo mắt nói.

            “Không sao”

            “Câu hỏi là gì nhỉ? Em có ghét bố không ư? Chà, em không biết. Vì không biết nên em mới tìm tới anh. Đáng lý anh phải nói em nghe mới phải”.

            Tôi nói mình không có quyền và khả năng áp đặt cảm xúc của một người. Chúng tôi thử lần dò lại cảm giác của cô mỗi khi đối diện với bố. Bắt đầu từ những bữa cơm gia đình.

            “Bố biết món em thích, em biết món bố thích. Hai bố con chưa bao giờ làm nhau phật lòng vì miếng ăn. Nhà em không có truyền thống xem tivi trong bữa cơm nên đó là thời điểm trò chuyện. Em nói bố nghe về những chuyện xảy ra với mình, cô bạn thân mới kết hôn, cậu trai trẻ tỏ tình nhưng em còn suy nghĩ, chiếc điện thoại bị nứt màn hình nên em đang tính việc đổi chiếc mới. Những chuyện kiểu ấy”

            “Còn bố em, ông ấy nói gì?”

            “Phần lớn thời gian ông chỉ nghe thôi. Bố em là một người lắng nghe giỏi, khác với đám người đợi đến lượt mình nói. Ông ấy ngấu nghiến từng chuyện em kể, đưa ra vài nhận xét hợp lẽ rồi ăn tiếp. Đời sống của ông ấy đâu có gì để được hào hứng phơi bày ra nữa”

            “Ông ấy không gặp người mới à?”

            Thương Lan lắc đầu, nhoẻn miệng cười. Cô không chỉ hút thuốc khi cần tập trung mà còn là một con nghiện nặng, cái gạt tàn bỏ túi cô mang theo chẳng mấy chốc đã đầy. Tôi mang nó đi đổ và nghe cô nói cám ơn. Từ lúc bước vào đây cô không đứng dậy lấy một lần, khác với nhiều người thích đi quanh phòng một lượt ngấm ngầm nhận định, có người còn mượn tôi món gì đó cầm trên tay mới bắt đầu nói chuyện nghiêm túc được. Thương Lan chỉ ngồi yên hút thuốc.

            “Tên em là một lời nguyền bố tự gieo vào mình”. Cô nói tiếp. “Chỉ cần gọi lên thành tiếng, ông ấy buộc phải nghĩ tới mẹ em, làm sao mà thương người khác!”

            “Em có nghĩ ông ấy từng muốn gặp người khác chưa? Một ý muốn thường tình, vô tội, thoáng qua trong đầu”

            “Anh từng giết ai chưa, bác sĩ?”. Thương Lan đổi tư thế, cô bắt chéo chân trái lên chân phải.

            “Nếu có thì chúng ta đã không ở đây”

            “Cái chết là một thứ rất kỳ lạ, bác sĩ ạ. Khi chúng ta chết đi, chúng ta sẽ được yên. Một sự yên ổn hoàn toàn dành cho riêng chúng ta. Nhưng những người xung quanh thì chịu tác động vĩnh viễn. Mẹ em, bà ấy không chọn cách ôm hết đồ đạc bỏ lại hai bố con em, bà ấy bị cái chết tóm đi. Chuyện đó rất khác. Thứ tình cảm giữa bố mẹ em vẫn ở nguyên đó, bị gián đoạn ngay chỗ đang nồng thắm, chẳng ai phản bội ai cho nên dù mẹ đang ở đâu thì bố vẫn yêu bà, ông ấy đã thề như thế trong lễ cưới”

            “Thế còn câu cho đến khi cái chết chia lìa đôi lứa?”

            Thương Lan từ tốn lắc đầu. “Cái chết của mẹ dường như càng khiến bố phải nhớ về bà nhiều hơn, sâu đậm hơn, phải yêu bà, thương bà hơn. Tất cả đều nằm ở quyết định của ông ấy, từ cái ngày đặt em tên Thương Lan”

            Tôi đọc nhẩm tên cô vài lần, đó quả thực là một cái tên đặc biệt. Tôi luôn để ý và ưa thích sự độc đáo trong tên của những người mình gặp. Có cặp anh em song sinh từng tới đây tên Chén và Tô vì bà mẹ lâm bồn ngay trong nhà bếp. Một cô gái trẻ tên Nguyễn Tùy Ý Anh vì ông bố khiến bà mẹ phát cáu khi loay hoay chọn tên đứa trẻ điền vào giấy khai sinh, bà gào lên “Tùy ý anh”. Thương Lan lại mang tới một nét đặc biệt khác. Người chồng chọn cách bày tỏ tình yêu với vợ ngay trong tên đứa con chung của hai người. Từ đầu ông đã không mảy may nghĩ tới ngày mình thay lòng và dường như chính người vợ cũng thế. Ông nói “Thương Lan”, bà đáp lại “Thương, Lan”. Một tình yêu thuần khiết và đẹp đẽ. Người duy nhất chịu đựng tấn bi kịch lạ đời mà mình không nhúng tay vào lại chỉ có mình Thương Lan.

            “Câu hỏi này sẽ làm em khó chịu, hãy suy nghĩ kỹ rồi trả lời nhé. Em có yêu mẹ không?”

            Tôi nhìn cô hút gần hết điếu thuốc vẫn chưa đưa ra lời hồi âm. Tôi không vội. Chúng tôi có cả buổi chiều. Lúc đặt lịch hẹn cô đã nói thế, “Hãy dành cho em cả buổi chiều” và tôi đồng ý. Tôi nhìn ra màn nắng đậm đà ngoài cửa sổ, còn lâu lắm chiều mới tắt trên những mái nhà.

            “Em chỉ có thể nói mình biết ơn bà”. Cuối cùng cô cũng trả lời. Một lời đáp rất đúng mực, tôi phải nói thế. “Bà hoài thai em, sinh ra em và chăm sóc em trong khoảng một năm rưỡi. Nếu may mắn có lẽ bà vẫn chăm lo cho em tới tận giờ phút này nhưng đó không phải điều bà được chọn lựa. Em rất tiếc phải thú nhận mình không biết tí gì về mẹ ngoài những ký ức được trích dẫn “Mẹ con học rất tốt. Tay nghề nấu ăn của mẹ con khá thất thường. Mẹ con biết nói tiếng Quan Thoại và có hai năm lang bạt ở đại lục. Mẹ con rất thích dọn dẹp, bà phải nhìn nhà cửa sạch sẽ mới an tâm dùng bữa. Mẹ con luôn phản ứng mạnh trước những câu đùa của bố. Có lần bà ngã ra ghế vì mải cười. Chiếc áo này chính tay mẹ con chọn. Mẹ con yêu con nhiều lắm, Thương Lan”. Em thuộc lòng những điều ấy nhưng tình yêu thương của bà ở đâu thì em đâu có được thấy. Con người của bà lúc sinh thời em nào đã biết. Nụ cười trong ảnh chụp tươi rói nhưng khi nó tắt đi trông mặt bà ra sao em chớ hề được chứng kiến. Em muốn yêu thương bà hết lòng cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu. Chúng ta không thể làm bộ nói yêu một người khi chưa từng gặp họ. Như thế này có biến em thành đứa con tệ hại không, bác sĩ?”

            Cô mím môi mấy giây, bổ sung. “Em rất thích mẹ qua những lời kể nhưng em không thể khẳng định mình yêu bà”

            “Em không cần làm bộ, đó là cảm xúc của em. Giờ thì nói xem, em có thích bố mình không?”

            “Chà, anh biết cách xoay người khác nhỉ. Giờ em mới thấy mình tệ. Em yêu bố, em biết thế, nhưng em không thích ông. Em không thích rất nhiều điều bố làm cho em và cho bản thân”

            Câu trả lời hoàn toàn không khiến tôi bất ngờ. Phần lớn những người tôi tiếp xúc khi được hỏi về tình cảm dành cho gia đình đều đưa ra câu trả lời tương tự với vẻ mặt ái ngại. Thực chất thì chính tôi cũng thế. Lúc mới sinh ra, tôi mặc nhiên đón nhận tình cảm của bố mẹ và vô tư mến thương họ bằng hết khả năng, tuy nhiên đến một lúc nào đó tình yêu thấm nhuần trong gien và ý thích khó mà song hành với nhau. Mẹ vẫn là mẹ nhưng cách bà luôn nêm món canh quá nhạt khiến tôi mất ngon. Bố từng là tàu lửa, là xe hơi và vẫn là trụ cột vững chắc cho mái ấm song tôi không thể nói mình thích việc ông bàng quan trước những khoản chi tiêu trong gia đình. Và rồi càng tiếp xúc chúng tôi sẽ càng nhận ra những điểm trái khoáy mình không thích nơi nhau. Bố mẹ ghét kiểu tóc tôi để thời trung học, không đồng tình việc tôi có bạn gái quá sớm, phản đối gay gắt trước lựa chọn nghề nghiệp của tôi. Chúng tôi vẫn là gia đình, từ đầu và sau này vẫn thế, chúng tôi yêu nhau trong chừng mực của một gia đình nhưng chúng tôi có quyền không thích phần nào đó của nhau. Vì không được lựa chọn bộ gien nên ý thích liên quan đến nó thì chúng tôi có toàn quyền quyết định. Giờ thì tôi phải hỏi Thương Lan một câu mấu chốt và nó không có ba-rem nào để phán xét, không có đúng – sai, hợp lý – phi đạo đức, một điều chỉ chúng tôi biết với nhau trong buổi chiều hôm nay.

            “Đối với em cái nào quan trọng hơn? Ý thích hay tình yêu? Hãy nói suy nghĩ thật của em”

            Cô rút ra một điếu thuốc mới nhưng khoan châm lửa. Có vẻ đây là câu khiến cô khó nghĩ nhất. Tôi không thường xuyên hỏi câu này với những người ngồi ở vị trí của cô, họ có những vấn đề khác mà chỉ những câu hỏi khác mới khai thác được. Khi đặt một câu hỏi có vẻ sáo rỗng, tôi đương nhiên đã hình dung ra một câu trả lời sáo rỗng nhưng cái nghề này chính là căng mắt tìm ra sự thực gai góc nằm phía sau bức tường chữ nghĩa hoa mỹ. Yêu và thích, bản thân và gia đình, chúng tôi đã đủ lớn để có lựa chọn cho riêng mình.

            Một tiếng tách phát ra, ngọn lửa nhóm lên một đốm sáng ở đầu điếu thuốc. Thương Lan nhíu mày phả khói.

            “Quan trọng là… em không ghét cái đó. Chỉ cần không ghét, em cảm giác mình sẽ tìm được cách mặc dù chưa biết cách thức chính xác. Em ghét thịt vịt, mùi của nó thật kỳ cục nên em sẽ chẳng bao giờ nếm thử. Em ghét rửa chén nên em luôn trì hoãn bằng cách phủ lên nó một tấm khăn hoặc xử lý nó nhanh hết mức có thể để không phải nhìn thấy chén bát bẩn nữa. Nhưng có thứ em không biết mình ghét hay không, tỉ dụ như trà pha với mật ong rất thơm, em có thể uống hai ly liền, nhưng mùi trà đi với gừng lại làm em phát bực. Đồng nghiệp của em, mái tóc em, bố em. Những điều đó luôn quanh quẩn chính giữa cán cân”

            “Và em không biết làm sao để có thể phết mật ong lên họ mọi lúc, đúng không nào?”

            Thương Lan mỉm cười gật đầu. “Không thể giữ họ tránh xa gừng mãi”

            Tôi thu xếp lại tư thế ngồi rồi đưa ra kết luận. “Chí ít những điều đó luôn tùy thuộc ở quyết định của em. Hôm nay em vui nên đồng nghiệp của em trở nên dễ mến. Câu đùa của bố em thật tức cười. Còn một hôm tâm trạng em quá tệ hại ư? Chỉ việc tránh đi là xong. Thế giới không xoay quanh một ai cả, em biết chứ? Em mới là người chủ động chọn thêm mật ong hay gừng vào trà. Nhân viên của quán cà phê được trả lương để làm theo ý khách hàng. Đồng nghiệp, bố em, bạn bè, người yêu em, họ đều dừng lại một lúc sau mỗi câu hỏi để nghe câu trả lời của em. Một khi em nói không, họ sẽ im lặng. Em không cần phải ưa thích họ mọi lúc, chúng ta chỉ là con người thôi mà. Chúng ta sống bằng ký ức và thói quen nên trước khi quyết định quẳng túi trà đi, em chỉ việc nhớ lại mùi thơm của nó khi pha cùng mật ong. Sẽ thật tuyệt nếu một hôm em mua được lọ mật ong hảo hạng”

            Thương Lan thở dài nói. “Lối ví von này làm em khát nước quá. Anh có trà không, bác sĩ?”

            Văn phòng tôi không có trà pha sẵn nên chúng tôi phải đợi nước sôi. Trong thời gian đó Thương Lan ngừng hút thuốc, cũng không bày tỏ thêm điều gì. Trà đã được cho vào tách, những lá trà bắt đầu nhào lộn trong làn nước dần chuyển sang thẫm màu.

            “Không có mật ong, em uống tạm”

            “Cám ơn anh”. Cô đón lấy bằng vẻ mặt cảm kích chân thật. Nói thẳng ra thì từ đầu chí cuối tôi luôn thấy cô rất chân thật, chỉ có những điểm mấu chốt vẫn chưa bộc lộ xong và trách nhiệm của tôi là lôi chúng ra trước ánh sáng trước khi nắng chiều tắt hẳn.

            “Sao em không nói về đời sống riêng của mình? Người yêu, hoặc một người rất thân thiết với em lúc này chẳng hạn”

            “Có quan trọng không?”

            “Tất cả mọi mối quan hệ đều có liên kết với nhau qua cách hành xử và thái độ của em. Chúng ta hay vô thức tìm những người có nét tương đồng với bóng hình trong quá khứ”

            Cô gật gù. Bạn trai của cô đang là quản lý một hiệu cà phê lớn. Anh hơn cô ba tuổi, thích mèo và nghe nhạc với âm lượng lớn.

            “Anh ấy chẳng giống ai em từng biết cả, chuyện ấy có thể liên quan thế nào được?”

            “Em thích cậu ấy ở điểm nào”

            Đúng hẹn, nói chuyện hay, thích dành thời gian bên nhau. Cô liệt kê bằng cách đếm đốt ngón tay. Qua nét mặt tôi đoán mối quan hệ của họ chỉ mới ở giai đoạn đầu.

            “Cách nói chuyện của cậu ấy, em có thể mô phỏng đôi chút được chứ?”

            Cô nghiêng đầu suy nghĩ. “Giống như một nét duyên thiên bẩm. Những chuyện nghiêm trọng qua lời anh ấy đều hóa nhẹ nhàng. Có những điều mà phải nhờ anh ấy nói em mới biết mình muốn nghe, thích nghe. Khá sến nhưng có thể nói anh ấy là kiểu bạn trai ngọt ngào trong mơ”.

            “Ví dụ vài câu ngọt ngào?”

            “Nếu em đến muộn anh ấy sẽ vỗ về thay vì nổi giận. “Em bận lắm à, không sao, thời gian anh có nhiều”. Công việc gây áp lực em cũng có thể đến tìm anh ấy. “Sẽ luôn có cách giải quyết từng chuyện một. Em đừng cuống lên. Khách hàng cũng chỉ là người thường”. Anh ấy hay nói những câu như thế và em thấy nhẹ nhõm sau mỗi buổi hẹn. Giống như uống thuốc giảm đau”

            Tôi có cảm giác cô gái này thông minh và nhạy cảm hơn mình tưởng. Không chỉ đưa ra ví dụ để tôi lấy làm lối ví von, cô còn có phép ẩn dụ của riêng mình và điều đó khiến tôi tin chắc cô đã biết lòng mình muốn gì, cô chỉ bị bức tường quá khứ cản chân. Điều này không bất ngờ, thành thật mà nói nhờ những bức tường vô hình mà con người xây nên mới có việc cho tôi làm.

            “Khi bị đau răng, em buộc phải đi chữa, trì hoãn bằng thuốc giảm đau chỉ gây khó chịu lâu dài. Em biết điều này đúng chứ? Thương Lan, em có câu trả lời rồi. Hãy nhớ lại những người em yêu quý hay chính xác là em chọn yêu quý, họ đều ngọt ngào và không bao giờ mang tin xấu đến cho em có phải không?”

            “Anh đang cố nói gì thế, bác sĩ?”

            “Sự thật, em biết đấy”. Giờ tôi mới nhìn thẳng vào mắt cô. Đôi mắt hai mí sâu thẳm như mặt hồ chốc chốc gợn lên từng đợt sóng. “Em chạy khỏi quá khứ bằng cách tìm những người không giống bố mình. Ai báo em tin dữ, ai nói sự thật mất lòng, em sẽ tránh xa họ. Bởi vì hung tin đầu đời của em là một mất mát không thay thế được. Không chỉ nghe thấy, đón nhận, em sống với điều đó đến tận giờ phút này. Với em một lần là quá đủ. Em không dám dành hết lòng yêu bố vì sợ sẽ phản bội mẹ song cũng không thể yêu mẹ thiết tha và làm điều gì cho bà bởi bố đã làm cho em tất cả. Ông ấy là gia đình duy nhất của em”

            Cảm xúc trong mắt cô chao đảo dữ dội. Chúng tôi sắp đi đến kết luận để chấm dứt sự vòng vo về mối quan hệ yêu – ghét của cô gái trẻ với gia đình.

            “Nhưng chính bố muốn thế, ông ấy muốn em thay mẹ ghét ông ấy. Anh phải ở vị trí của em mới biết cảm giác mỗi ngày nghe bố mình lặp lại từng chi tiết về cái chết của mẹ”

            “Em biết tại sao người ta chọn nói ra sự thật dù có nhiều lựa chọn khác hay hơn không? Vì nó là sự thật. Trái đất quay quanh mặt trời, Galileo chấp nhận hình phạt của tòa án dị giáo Roma chỉ để khẳng định điều đó. Lance Armstrong thừa nhận sử dụng doping. Một ngày người chồng nói mình không muốn sống cùng vợ con nữa. Rõ ràng họ có quyền nói khác, kệ xác những chuyện ấy và sống một cuộc đời dễ thở hơn bao nhiêu. Nhưng sự thật là cái móng mà người ta buộc phải dày công xây cất nếu muốn có mái nhà cho riêng mình. Những kẻ không nhà thì chỉ có thể hoài lang bạt với những ngã rẽ dối trá quẩn quanh. Dẫu em không bao giờ phát hiện ra thì bố em vẫn biết cái gì mới là thật. Chỉ cần một người biết là chuyện đã có cơ hội được phơi bày. Ông ấy nói ra vì một lý do giản dị nhất: em cần biết điều đó cũng giống như ông vậy. Bố con em có một mái nhà chung”

            “Biết rồi em có thấy tốt hơn đâu”

            Lại một câu nói quen thuộc mà tôi đã soạn sẵn đáp án.

            “Sự thật đâu có nhiệm vụ làm ai thấy khá hơn, nó bắt chúng ta tìm cách giải quyết. Nhà có chuột, chúng ta lập tức đi mua bẫy. Sao Diêm Vương bị giáng cấp khỏi danh phận “hành tinh”, đáng buồn đấy nhưng các nhà khoa học sẽ tập trung nghiên cứu số còn lại đáng gọi là hành tinh hơn. Thomas Edison là kẻ cắp, chúng ta giật mình bởi chuyện đó rồi cố đi tìm thành tựu thực sự của Tesla. Phải có những điều thật thà như vậy trên đời”

            “Vậy thì, bố em là kẻ giết người, em giải quyết như thế nào hả bác sĩ lỗi lạc thích đưa ví dụ?”

            Câu nói của cô không mang chút giễu nhại nên tôi đón nhận bằng nụ cười.

            “Thật ra, em biết không, đó là chuyện của em”. Tôi nhún vai. “Em chỉ muốn biết mình có ghét bố hay không nhưng câu trả lời đã ở đó từ trước khi em bước vào đây. Em giận bố, bực mình với bố, không thích rất nhiều thứ ở bố nhưng em biết đó là gia đình của em, mái ấm của em và em yêu ông. Bằng chứng là em đã đưa ông vào viện thay vì bỏ mặc ông chết đi tựa như cách mà em biết về cái chết của mẹ”

            Cô không đẩy cửa bước vào phòng tôi vì ý thích hay trí tò mò, cũng không vì chuyện yêu – ghét thường tình, cô được chỉ định đến phòng tư vấn tâm lý của tôi bởi vì ngày phát hiện bố mình lên cơn đau tim trong phòng, cô đã đứng rất lâu trước cửa mới quyết định gọi cấp cứu. Như một trò trả đũa được phóng đại, Thương Lan đã muốn làm một cái gì đó cho mẹ, vì mẹ. Song lòng căm ghét cuối cùng chỉ là một ký ức truyền miệng. Cô thú nhận với bác sĩ khi họ bảo suýt chút nữa đã muộn với trái tim yếu ớt của bố cô và ngay lập tức họ bắt cô tiếp nhận điều trị của tôi. Và tôi với cương vị một kẻ chữa bệnh bằng lời nói, chẳng thể kê đơn thuốc mà chỉ miệt mài đưa những ví dụ xa xôi hòng lôi ra được thứ cô cất rất sâu trong lòng. Tôi chẳng bao giờ biết mình có thực sự thành công hay chưa, những người đến gặp tôi rốt cuộc đã hạnh phúc lâng lâng hay vẫn hoài bất hạnh. Tôi chỉ có thể tự mình thở phào khi bắt gặp ánh mắt nhẹ nhõm của họ ở cuối cuộc hẹn và hoài mong sẽ không bao giờ gặp lại họ.

            Ánh mắt của Thương Lan khi ấy tĩnh lặng như đáy đại dương. Cô đã uống cạn tách trà, cất thuốc vào giỏ và không nói thêm điều gì dù là thật thà hay dối trá. Tôi cũng không còn gặp lại cô thêm lần nào. Một ngày tôi đến bệnh viện, tình cờ biết phòng của bố Thương Lan bèn tạt qua thăm ông. Bố cô ngủ say với tấm chăn kéo lên tận cằm, chung quanh không có ai. Trên đầu giường ông là mảnh giấy với chữ viết tay nắn nót:

            “Chóng khỏi nhé bố. Khỏi bệnh để nghe con nói mấy chuyện. Con gái của bố. Thương, Lan.”

Nguồn Văn nghệ số 23/2019

 

           


Có thể bạn quan tâm