March 29, 2024, 6:56 pm

Thượng đỉnh Mỹ - Triều gia tăng vị thế Việt Nam

 

Theo chuyên gia Pháp Jean-Francois Di Meglio, từ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Pháp (Asia Centre), Thượng đỉnh Mỹ - Triều rõ ràng là một bước tiến tiếp theo nhằm nâng Việt Nam trên bản đồ thế giới. Việt Nam và châu Âu từng có những mối quan hệ lịch sử và Việt Nam đã có một vị thế, nhưng xét đến đến những gì mà Việt Nam đại diện, đến tiềm năng phát triển thì vẫn có một sự “thiệt thòi” nào đó trong sự thừa nhận mà Việt Nam đáng ra phải được hưởng. Việt Nam đã tổ chức thành công APEC 2017 và hiện tại, đất nước này rất quan trọng châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, Việt Nam vẫn chưa “lấy lại được” vị thế địa-chính trị của mình. Vì vậy, cuộc gặp Trump - Kim lần này là cách để cài đặt lại vị thế của Việt Nam trên vũ đài thế giới.

 

Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã đến ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn trên chuyến tàu hỏa đặc biệt, bắt đầu chuyến công du tới Việt Nam để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội

Đúng 8 giờ 13 phút ngày 26/2/2019, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã đến ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn trên chuyến tàu hỏa đặc biệt, bắt đầu chuyến công du tới Việt Nam để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội và thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ra đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un về phía Việt Nam có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm; Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Lê Bá Vinh và nhiều lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn.

 

Nhộn nhịp ngoại giao trước Cấp cao

Trong thời tiết khá lạnh, hàng nghìn người dân địa phương cầm cờ hoa đã có mặt tại khu vực ga Đồng Đăng để chào đón Nhà Lãnh đạo Triều Tiên. Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Chủ tịch Kim Jong-un rời Bình Nhưỡng hôm 23/2. Tháp tùng Nhà Lãnh đạo Triều Tiên trong chuyến đi này có nhiều quan chức cấp cao, trong đó có bà Kim Yo-jong, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Trưởng ban Ban Tuyên truyền Đảng Lao động Triều Tiên và ông Kim Yong-chol, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/2/2019, tại Hà Nội. Đây được coi là sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2019, là biểu hiện sinh động của việc cụ thể hóa chủ trương “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế”. Việt Nam và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 31/1/1950. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với Triều Tiên và sẵn sàng cùng Triều Tiên thúc đẩy giao lưu, hợp tác song phương.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ rời Washington cũng đã rời Hoa Kỳ hôm  25/2/2019 để tới Hà Nội tối 26/2 để họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong hai ngày 27-28/02. Để chuẩn bị cho hội nghị này, phái đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên tuần qua đã tiếp tục đàm phán với nhau, với cuộc tiếp xúc sau cùng diễn ra hôm 25/2 tại Hà Nội. Nội dung đàm phán không được tiết lộ, nhưng Seoul vào hôm nay đã tỏ ý lạc quan trước triển vọng hai lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ đưa ra một bản tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến Tranh Triều Tiên 1950-1953. Theo ghi nhận của hãng tin Hàn Quốc Yonhap, vào hôm qua, đặc sứ Bắc Triều Tiên Kim Hyok Chol đã tiếp xúc với đồng nhiệm Mỹ Stephen Biegun tại một khách sạn ở Hà Nội. Hôm 26/2, trong một cuộc họp báo ở Seoul, ông Kim Eui Kyeom phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, cho biết rằng ông “tin tưởng” vào khả năng là tại Hà Nội, Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ đưa ra một tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc nói rõ: “Lúc này chưa thể biết được tuyên bố đó mang hình thức nào, nhưng tôi tin Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được một thỏa thuận”. Tuy nhiên, Seoul cũng lưu ý rằng bản tuyên bố chấm dứt chiến tranh không phải là một hiệp ước hòa bình chính thức, một văn kiện chỉ có thể được ký kết ở “giai đoạn cuối của tiến trình phi hạt nhân hóa” trên bán đảo Triều Tiên, đòi hỏi thêm nhiều thời gian đàm phán, và liên quan đến nhiều bên khác như Hàn Quốc và Trung Quốc.

Về phần mình, trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bảo vệ quan điểm đối thoại với Bình Nhưỡng trong bối cảnh tại Mỹ vẫn có dư luận phản đối. Hôm qua, Bắc Triều Tiên đã thúc giục Hoa Kỳ nắm bắt “một cơ hội lịch sử hiếm hoi”, chống lại các quan điểm hoài nghi tại Quốc Hội cũng như trong giới truyền thông Mỹ về thực tâm hòa bình của Bình Nhưỡng. Theo chuyên gia Pháp Jean-Francois Di Meglio, Giáo sư kinh tế - chính trị, từ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Pháp (Asia Centre), lý do Mỹ và Triều Tiên lại chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức Thượng đỉnh lần 2 giữa các ông Donald Trump và Kim Jong-un là khá đơn giản; đó là vì tất cả các biểu tượng mà Việt Nam đang có… Giống như một cuốn sách đã viết, lịch sử của thế kỷ 20 được viết nên ở châu Á, và ở đấy thì Việt Nam và Triều Tiên là hai trong số những địa điểm mà lịch sử được viết nên. Trong lúc đó thì ở phía ngược lại, nếu nhìn vào Mỹ thì chúng ta mới thấy, đây là một sự thú nhận và một sự công nhận ngoạn mục đến nhường nào của ông Trump, dĩ nhiên là đối với tầm quan trọng của Việt Nam và đối với cả một thực tế là giờ đây, Hoa Kỳ đang tiến hành cuộc đàm phán hòa bình tại một địa danh nước Mỹ đã để lại nhiều chứng tích.

 

Hy vọng và thận trọng sánh đôi

Khi được hỏi liệu Mỹ và Triều Tiên kỳ vọng đạt được gì từ cuộc gặp thượng đỉnh lần này, Giáo sư Leon Sigal - Giám đốc Chương trình An ninh hợp tác Đông Bắc Á thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội của Mỹ cho rằng, không khó để nhận ra mục tiêu căn bản mà hai bên đặt ra đối với lần gặp này. Nếu như điều mà Mỹ vẫn theo đuổi trong tiến trình đàm phán là “lời hứa” phi hạt nhân hóa từ Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng lại đặt ưu tiên hàng đầu cho cam kết từ Washington trong việc cải thiện quan hệ, đồng thời hướng tới mục tiêu lâu dài hơn là tạo dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Trao đổi với phóng viên VOV thường trú tại Thái Lan, khi được hỏi liệu Hội nghị lần này sẽ đạt được nhiều kết quả đột phá hơn so với hội nghị lần đầu tiên tại Singapore hay không, ông Shawn Ho, chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề liên quan tới Triều Tiên tại Trường Rajaratnam thuộc đại học Nang Yang, Singapore cho biết: “Tôi cho rằng sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên tại Singapore, chúng ta có thể trông đợi nhiều kết quả hơn đối với lần thứ 2 tại Việt Nam”.

Bởi vì, vẫn theo vị chuyên gia nói trên, trước lần gặp mặt đầu tiên, Tổng thống Trump đã đề nghị hủy bỏ thoả thuận rồi sau đó lại nối lại. Còn bây giờ, Triều Tiên và Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc họp ở cấp làm việc, cấp quan chức cấp cao kể từ cuộc họp lần thứ nhất tại Singapore. Hai bên đã đàm phán về các vấn đề liên quan tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng niềm tin giữa hai nước trong hai tháng vừa qua. Đến nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 sẽ đạt được nhiều kết quả thuận lợi so với kỳ họp thứ nhất. Giáo sư-Tiến sỹ Lee Woong-Hyeon, Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Hàn Quốc, đồng thời là Chủ tịch Viện nghiên cứu địa chính trị Hàn Quốc cũng vừa đưa ra nhận định khá lạc quan về kết quả của sự kiện chính trị quan trọng này. Học giả này cho rằng, dù hai bên không thể giải quyết hoàn toàn các bất đồng, nhưng sẽ đạt được một số thỏa thuận trong một số vấn đề, ít nhất là Triều Tiên đưa ra được thời gian biểu phi hạt nhân hóa và Mỹ dỡ bỏ phần nào các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quyết định gặp nhau thêm lần nữa sau cuộc gặp chóng vánh lần đầu tiên tại Singapore vào ngày 12/6/2018 vẫn được đánh giá là một trong những bước tiến đột phá tích cực nhất trong một chuỗi các diễn tiến ngoại giao làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Điều quan trọng hiện giờ là cả hai bên cần thống nhất các kế hoạch hành động nhằm phân định rõ lộ trình theo từng giai đoạn cho các mục tiêu đã đề ra. Nhiều chuyên gia cũng đã nhất trí cho rằng điều cần thiết hiện nay là Mỹ và Triều Tiên phải tiếp tục duy trì đối thoại ngay cả sau khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 kết thúc, đảm bảo việc giữ đúng những cam kết mà 2 bên đã đạt được trước đó, trong khi theo đuổi các mục tiêu tiếp theo vì một bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng.

Chúng ta không được chứng kiến nhiều bước tiến mới từ sau Hội nghị tại Singapore. Nhưng nếu chúng ta đi ngược thời gian một chút, quay trở lại năm 2016 thì khi đó khu vực gần như đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, nếu như chúng ta dừng đồng hồ thời gian lại, dừng tất cả những đe doạ, những leo thang căng thẳng lại thì tính từ thời điểm mà Tổng thống Donald Trump thực hiện chuyến đi đầu tiên đến châu Á khi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, rồi dự APEC 2017 tại Việt Nam thì tất cả đã thay đổi. Tất cả đã ngừng lại, vì từ thời điểm đó, các bên đã bắt đầu nghĩ đến các cuộc gặp. Các cuộc gặp này không nhất thiết phải là tìm ra một giải pháp cụ thể nào, mà quan trọng hơn là để ngừng lại việc leo thang. Như thế là chúng ta đã có được thêm thời gian, có thêm thời gian hoà bình, có thêm sự yên ổn. Dĩ nhiên cái chúng ta mong chờ là một Hiệp định hoà bình giữa hai miền Triều Tiên, nhưng đó cũng không phải là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. Đối với Hội nghị tại Hà Nội, dĩ nhiên các bên sẽ lại phải đặt câu hỏi là đã có những gì làm được, và có thể làm tiếp những gì? Không ai có thể nói chắc là liệu có điều gì đạt được hay không. Ở đây chúng ta có hai nhà lãnh đạo rất khó dự đoán, rất khó lường mà cả hai lại đang quyết định tiến hành cuộc chơi mà không có bất cứ cường quốc nào trong khu vực tham dự./.

 


Có thể bạn quan tâm