March 29, 2024, 1:22 pm

Thương đến cả một kiếp hoa

 

 Đọc Đàn bò lạc vào thành phố, tôi cứ nhớ mãi Sông Thương của Phạm Hồng Nhật. Con sông có cái tên ấn tượng ấy như mãi ở lại với anh, mở đầu bằng: Một bên đục, một bên trong/ nghĩ mà thương hai nửa/ như mối tình dang dở/ Sông Thương đôi dòng và kết thúc bằng: Đói cơm rách áo đi biền biệt/ mơ ước mai về sông Thương xưa/ nơi ấy có tuổi thơ và em gái/ cả hai dòng trong, đục của đời tôi… Cả bài thơ là một khúc tâm sự nặng lòng và thương cảm trong hoàn cảnh cụ thể: Một con sông chảy luôn chia thành hai nửa, luôn chia hai dòng, như mối tình dang dở vậy. Dẫu vậy nhưng thi nhân vẫn không dứt bỏ được và dẫu phải Đói cơm rách áo đi biền biệt thì trong lòng vẫn Mơ ước mai về sông Thương xưa.

 Chấp nhận và không từ bỏ; coi quá khứ buồn đau như một phần máu thịt của mình; coi đời sống như một cái cớ để ngẫm nghĩ và luôn muốn vượt nó, không để nó nghiền nát… phải chăng đã làm nên xuất phát điểm thơ của Phạm Hồng Nhật?

            Rồi trên cái “nền” này, như nhiều người làm thơ khác, Phạm Hồng Nhật đã có ý thức nuôi nấng sự cô đơn cần thiết và đủ độ. Không thế, sao ông lại bộc bạch qua Uống rượu một mình: Vàng chìm, phận nổi, bèo trôi/ dễ đâu thiên hạ một người hiểu ta. Không thế, sao ông lại Kiếm tìm: Buồn thiu, tôi lại tìm tôi/ bao nhiêu khao khát thả trôi Tháp Rùa. Không thế, sao có lúc ông tự nhận mình trong Mỗi ngày thế này: Anh người lữ khách đường xa/ bước chân lên dải Ngân Hà về quê…Bao cô đơn đỗ bến cũ này thôi/ rừng vải chín đỏ tiếng chim tu hú.

             Đó là những câu thơ tài hoa, có thân phận và mang “hàm lượng” một mình rất đáng kể. Nhưng với Phạm Hồng Nhật, cô đơn không có nghĩa là co cụm lại, là yếm thế, là chỉ biết có mình và triệt tiêu chính bản thân mình. Trong nhiều bài thơ, ông đã hướng ra ngoài, cốt để thương cho hết những phận người quanh ông.

            Cho nên, khi xem những em bé múa ô bằng chân ở quảng trường Thiên An Môn, ông mới tự đặt ra câu hỏi: Nào ai hiểu vũng nước kia, dưới áo/ nhơn nhớt mồ hôi hay máu chảy ra? Cho nên, khi đến Easúp tháng ba, ông mới ngậm ngùi trước Mắt đỏ lúc chia tay/ hoàng hôn tro tàn/ nửa con đường làm dở... Cho nên, khi chứng kiến cuộc sống của một người mài dao thuê mà ông triển khai bài thơ Ông đá mài có ý, có tứ thật sâu. Khi khởi hành thì Đi cùn cả đất/ ở dưới gầm trời; còn lúc ra về thì Dao sắc đường trơn. Cho nên, khi nhìn “Các em nằm giữa bốn bề ngái ngủ” mà ông thương cho của giấc ngủ của trẻ lang thang và cảm thấy có một cái gì đấy không thật không yên tâm: Sẽ về đâu? Hỡi giấc ngủ không màn/ túi xách rỗng, áo quần táp túa/ vai dặt dẹo bao điều phải nhớ/ với con đường giông bão đuổi sau lưng… Cho nên, khi bắt gặp dòng chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” ở cổng lầu Vạn Lý Trường Thành, ông vẫn nhìn ra cái giá phải trả của nó. Bởi thế mà ông mới thốt lên: Hơn hai nghìn năm rồi/ lừng lững ngoằn ngoèo Trường Thành đá/ bao nhiêu nghìn cây số/ bấy trăm nghìn xác phơi. Cho nên ông đã ngậm ngùi trước bi kịch của chiến tranh khi Về chiến trường xưa: Người đi nườm nượp núi sông/ người về lẻ tẻ trống không bến bờ…

            Phạm Hồng Nhật còn có những khoảnh khắc bồng bềnh chao đảo, thực hư hư thực thi sĩ đáng quý. Rõ nét nhất là trong Uống rượu một mình:

Nâng ly tay chạm tay mình

Lạnh lưng thì góp cho thành mùa đông.

Trong bộn bề của những chi tiết thơ không yên, Phạm Hồng Nhật vẫn có những chi tiết thơ đẹp, như là những khoảnh khắc lắng xuống của riêng ông

Cây gạo đỏ

khách ngồi bên ngóng đợi

như người tương tư người

nhớ mà không dám gọi

đò ơi!

(Tiếng gọi đò trên bến Hà Châu)

            Một người thương đến hoặc thương hết cả một kiếp hoa, cho dù hoa đã rụng, từ đó mở rộng nội hàm mà “thương cho bao số phận” như thế, thì quả là hiếm hoi!

            Những năm 70 của thế kỷ trước, Phạm Hồng Nhật đã có thơ đăng báo, in sách. Sau nhiều năm, thơ Phạm Hồng Nhật đã chuyển động về chữ nghĩa, về ý tứ, về cách đào bới và thể hiện cảm xúc. Qua Đàn bò lạc vào thành phố và những tập thơ xuất bản gần đây, ông đã mang đến cho người đọc những ngẫm ngợi và day dứt khôn nguôi về thời mà chúng ta đã và đang sống.

Nguồn Văn nghệ số 45/2019


Có thể bạn quan tâm