April 19, 2024, 11:54 pm

Thực tài ắt có danh

 

Xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú trong lình vực Văn hóa, văn nghệ vốn là công việc thường niên kiểu “đến hẹn lại lên” thế nhưng ở mỗi kỳ xét, phong tặng danh hiệu mang tính ghi nhận nói trên, lại không tránh khỏi những ồn ào, thậm chí cãi vã không đáng có. Và ở lần xét, phong tặng thứ 9 này, cũng không là ngoại lệ.

 

NSUT Minh Vương trong vở diễn " Đời cô Lựu". Ảnh internet

Theo Nghị định 89, danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú" được trao khi nghệ sĩ đạt 4 tiêu chuẩn. Trong đó phải đảm bảo có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên. Và có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia hoặc 1 Giải Vàng quốc gia và 2 Giải Bạc quốc gia. Đối với danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", 20 năm trở lên là  tiêu chuẩn về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên. Đồng thời, phải đáp ứng điều kiện đã được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú" và có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú".

Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế lại diễn ra với muôn hình vạn trạng, và đã có không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra đối với cá nhân nghệ sĩ đã có các đóng góp lớn cho nền nghệ thuật nước nhà, dành cả cuộc đời của mình để lao động nghệ thuật, được công chúng mến mộ lại trượt từ cấp cơi sở, hoặc cao hơn, chỉ vì họ là người của công chúng và không tham gia vào tổ chức, cơ quan Nhà nước nào, cũng không tham gia các liên hoan, hội thi… để có được những tấm huân chương cho đủ điều kiện. Và không ít người trong số họ đã buộc phải viết tâm thư gửi lên các cấp lãnh đạo trong đó có Chủ tịch nước.

Với lần xét phong tặng thứ 9 này cũng vậy, trong khi Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch còn đang lấy ý kiến chuyên gia trong giới và người dân về danh sách 77 cá nhân đủ điều kiện phong tặng, thì  ngay lập tức đã có không ít quan điểm cho rằng một vài cá nhân trong danh sách đó chưa xứng đáng, và Bộ đã bỏ xót những tên tuổi đã và đang khẳng định giá trị của dòng nhạc trữ tình, Cải lương như: NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu, chỉ với lý do họ chưa đủ điều kiện, tức chưa có những giải thưởng, hay huân chương như yêu cầu của nghị định.

Trả lời trước báo giới, không ít các giám đốc Sở và Bộ đã khẳng định “không có ngoại lệ” trong việc xét, phong tặng danh hiệu. Tức là nghị định quy định thế nào, thì các cấp cứ chẻ ra, đối chiếu mà bình bầu. Điều này không sai, nhưng nếu nghệ thuật mà cứng nhắc, dập khuôn thì hẳn sẽ không còn là nghệ thuật.  Ý thức “thầy già, con hát trẻ” là một quy luật bất thành văn trong giới nghệ thuật, thế nên chấp nhận lùi lại phía sau, nhường sàn diễn, nhường cơ hội diễn xuất, nhận giải thưởng cho lứa đàn em có cơ hội toả sáng là việc mà hầu hết người trong giới nghệ thuật lựa chọn. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc là họ đã nhường lại những hội diễn cấp quốc gia (vốn 5 năm, hoặc nhiều năm mới được tổ chức một lần). Nếu chỉ dùng số huy chương để đong đếm tài năng và sự cống hiến của họ, xem ra có phần thiệt thòi. Thiết nghĩ, người nghệ sĩ quan trọng nhất là cống hiến được khán giả thừa nhận bằng tác phẩm, giọng ca, diễn xuất... Đó mới là Nhân dân, mới là Nghệ sĩ ưu tú. Và hơn lúc nào hết, Nhà nước nên đãi ngộ nghệ sĩ ở chính sách, ở môi trường nghệ thuật chứ không phải ở danh hiệu.  

 

 


Có thể bạn quan tâm