April 24, 2024, 7:32 pm

Thử tìm đến Con đường vô tận

 

Cuốn bút ký này ghi lại những điều mà tác giả chứng kiến trên con đường đến với đất nước Ấn Độ huyền bí, nơi được coi là quê hương của đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni).

Đã và đang có rất nhiều người Việt Nam hành hương đến Ấn Độ, đến quê hương đức Phật. Bản thân tôi cũng đã đến Ấn Độ và đã viết một cuốn sách về những chuyến đi của mình đến xứ sở huyền bí này. Ấy vậy nhưng khi đọc Con đường vô tận của Lê Thanh Minh tôi mới nhận ra nhiều điều mà khi đến xứ sở này tôi chưa hiểu hết. Hay nói đúng hơn, khi đọc Con đường vô tận tôi mới hiểu hết ý nghĩ sâu xa những điều mình đã nghe, đã thấy ở xứ sở huyền bí này.

Ngay trong Khúc dạo, phần mở đầu của cuốn sách, tác giả đã cho biết: “Theo dấu chân Bụt, chúng tôi có duyên được nhập vào tăng đoàn của thiền sư, học giả Thích Nhất Hạnh để tìm về bốn chứng tích. Nơi Phật sinh ra, nơi đắc đạo, nơi giảng pháp đầu tiên và nơi Ngài nhập diệt”. Thật là may mắn và có Duyên mới có được một chuyến đi như thế.

Nhưng “Cái nơi mà ta cần tìm không phải xa nơi chân trời góc biển. Cái ta cần tìm lại ẩn giấu chính nơi lòng mình” (tr.11). Đúng vậy. Chẳng phải đức Phật đã từng nói: “Ta là Phật đã thành, các người sẽ thành Phật”. Con đường đến với cõi Phật, chính là con đường đến với lòng mình… Tôi tâm đắc với tác giả Lê Thanh Minh khi ông nói về cái mà ta cần tìm. Nhưng, để đến được cái đích cần tìm đó, quả là một con đường gian nan, khổ ải, là “Con đường vô tận” chăng?

“Con đường vô tận” mà tác giả nói đến trong cuốn sách này là con đường của Đức tin, của Chánh niệm, của sự giải thoát, buông bỏ, hay chính là con đường của sự hiểu biết?... Ai cũng biết rằng sống ở trên đời không có gì quan trọng bằng niềm tin, đức tin. Nhưng, nếu đức tin mù quáng, nó sẽ không lâu bền, nhiều khi còn là tai họa. Nếu đức tin được xây dựng trên nền của học thức, tri thức, xây dựng bằng sự hiểu biết đến tận cùng nó sẽ thực sự lâu bền chăng?

Nhưng, cho đến tận bây giờ, con người vẫn mãi tìm kiếm, vẫn có vô vàn những điều mà con người không biết được, dù tri thức nhân loại, dù khoa học có phát triển đến đâu. Và “Trớ trêu thay, kết quả của nhiều cuộc tìm kiếm thực sự có giá trị lại quay về cái huyền diệu của sự nhiệm mầu, quay về cái không và cái có của nhà Phật...” (Tr.11).

Có lẽ hầu hết những người hành hương đến Ấn Độ, đến quê hương đức Phật đều mong muốn điều may mắn, tốt lành sẽ đến với mình, với gia đình mình. Thế nhưng tác giả Con đương vô tận khi đến đây lại nghĩ đến điều sâu xa hơn “Đen hay đỏ suy cho cùng cũng từ tâm mà ra. Tâm ham hố thì mới có may, rủi, đỏ, đen. Tâm mà tịnh thì mọi sự có như không, không như có...” (tr.58). Đó mới là một trong những điều cốt lõi của đạo Phật chăng?!

“Không nước, không trăng; tay tôi rỗng không, tâm tôi rỗng không...”.  Tôi bỗng nhớ tới câu trên của thiền sư Osho, người được coi là “Phật sống” của thế kỷ 20, với tác phẩm Bát nhã tâm kinh nổi tiếng. Chẳng phải trong đạo Phật mà tôi thiển nghĩ trong thế giới vô cùng vô tận này suy cho cùng mọi thứ cũng như trăng, như nước, như có, như không, như sương, như khói, muốn đến, muốn đi ư, đều là “Con đường vô tận”!

Ấn Độ được coi là quê hương đức Phật, nhưng hầu hết người dân Ấn Độ lại theo đạo Hindu. Trong đạo Hindu có ba vị thần quan trọng nhất là thần Brahma (Đấng sáng tạo), Thần Shiva (thần sức mạnh hủy diệt, sinh sôi phát triển) và thần Vishnu (thần gìn giữ và bảo vệ). Thần Shiva được coi là quan trọng nhất trong ba vị thần… Câu chuyện mà tác giả kể trong cuốn sách là cuộc “hợp lực” của hai vị thần Vishnu và Shiva để đánh một cậu bé, cuối cùng thì “...thần Shiva hoảng hốt nói “Là ta, ta đã chặt đầu con mình sao?!” (tr.91) Thì ra, cậu bé đó là con mình! Đằng sau câu chuyện, tác giả đã gửi tới đọc giả một triết lý nhân văn sâu sắc.

“Người ta đổ về sông Hằng ngoài việc cầu nguyện, tắm, uống nước con sông huyền thoại để lấy may mắn, còn để được chết tại đây. Người ta tin rằng nếu được chết ở đây quả là một điều hạnh phúc. Họ được thần linh che chở, tiễn đưa họ tới cõi vĩnh hằng” (tr.65,66). Đó là tâm lý chung mà tác giả muốn nói. Nhưng, tác giả Lê Thanh Minh không chỉ có cái nhìn đơn giản thế, sâu xa hơn là triết lý về đức tin, về sự sống vầ cái chết ở nơi này: “Sự sống cái chết đan xen lẫn nhau diễn ra hàng ngày bên bờ sông này một cách tự nhiên như nó vốn có từ ngàn xưa. Tôi tin rằng có lẽ một ngàn năm sau cũng không thay đổi. Niềm tin vào thượng đế của họ là tuyệt đối, không hề suy giảm theo thời gian. Họ có thể thay vợ, đổi chồng, có thể thay đổi nghề nghiệp chứ không thay đổi thượng đế, thay đổi đức tin. Điều này lý giải tại sao họ có thể sống hồn nhiên và hài lòng với cuộc sống của mình nơi trần thế còn nhiều khổ đau, còn nhiều bất công, khốn khó...” (tr.70).

Lê Thanh Minh đã từng đi lính, đã có 10 năm học tập tại trường Mỹ thuật Repin và Surikov (Liên Xô). Là hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều bức tranh của Lê Thanh Minh như Nỗi buồn chiến tranh, Dĩ vãng, Khất thực... thấm đẫm chất thiền. Lê Thanh Minh cũng đã xuất bản 7 cuốn sách và đang chuẩn bị xuất bản 3 tập truyện dài. Và, đây là câu cuối cùng của Con đường vô tận: “Thế mới hay, biết chính là không biết. Không biết mới chính là biết... Thời gian vẫn không ngừng mải miết... trôi” (tr.243).

Sống ở đời ta đi để biết nhưng có khi cũng chẳng biết gì hơn, đi để thấy nhưng cũng chẳng thấy gì hơn. Phía sau sự thật, nhiều khi là một sự thật khác. Phía sau những điều ta thấy, nhiều khi không phải là những điều đích thực ta nhìn thấy. Tôi thích những điều tác giả giãi bày trong cuốn sách Con đường vô tận, vì nó đa chiều, vì nó nhiều khi không như nó, vì nó làm ta hiểu hơn những gì ta tin hay không tin, cả điều ngược lại.

Nguồn Văn nghệ số 14/2019

 


Có thể bạn quan tâm