April 24, 2024, 7:42 am

Thư pháp và nét đẹp khai bút đầu xuân

 

Thư pháp là nghệ thuật của chữ nghĩa, là cách vận dụng bút lông đưa những đường nét chữ Hán-Nôm lên các chất liệu biểu hiện, có những giá trị về mặt nội dung, nghệ thuật thẩm mỹ và cốt cách của người viết. Nói đến thư pháp là nói đến truyền thống văn hóa Á Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Đó là truyền thống hiếu học, truyền thống trọng chữ nghĩa, lấy tri thức để tạo lập, kiến tạo một thế giới tương lai. Thư pháp-khai bút đầu xuân mang đầy đủ những giá trị nhân văn trong văn hóa của người Việt Nam.

Thư pháp của người Việt Nam có thể thấy rõ nét trên tinh thần khuyến học. Người học chữ Hán, chữ Nôm đến một mức độ nhất định thì vận dụng kiến thức học được vào thể nghiệm đường nét ngòi bút lông. Đó là quá trình “học nhi thời tập chi” (học mà thường luyện tập) trong truyền thống học thuật của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Thư pháp đi từ quá trình học hành đến quá trình thể nghiệm bản thân từng cá nhân. Thư pháp vì thế, ngoài việc bổ khuyết cho việc học và hành thì còn là thú thanh tao của lòng người. Thầy đồ cho chữ, thầy đồ sáng tác câu đối, hoành phi, văn bia, thư tịch... để lại nét bút của tiền nhân, hiển hiện nên giá trị truyền thống của người Việt qua thư pháp trong từng giai đoạn lịch sử.

Thư pháp và nét đẹp khai bút đầu xuân

Hình ảnh ông đồ, giấy đỏ gắn liền với văn hóa Việt Nam. Ảnh: MINH NHI. 

Các giai đoạn lịch sử văn hóa của người Việt Nam đều có những danh gia bút mặc. Những danh gia đó, hoặc là tài thơ văn, hoặc là tài thư họa. Thời Trần với Phạm Sư Mạnh để lại những tác phẩm chữ Lệ thư trên văn bia; thầy giáo Chu Văn An dạy học trò truyền kinh chính học còn ảnh hưởng mãi về sau; thời Lê với Tô Ngại, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du; thời Nguyễn với Cao Bá Quát, Bùi Văn Dị... Mỗi giai đoạn đều để lại những dấu ấn nhất định về nghệ thuật chơi chữ của người Việt.

Người Việt Nam có truyền thống hiếu học, đời đời nối nhau truyền trao đạo học, nêu cao tinh thần trọng chữ. Từ ý nghĩa đó, mỗi độ xuân về, khi thời khắc bước vào năm mới, sau phần lễ trời đất, tổ tiên, người người cầm bút viết vài dòng cầu mong một năm mới những điều tốt đẹp nhất đến với bản thân và người thân trong gia đình. Khai bút, có thể là lời chúc, ghi chép lại đơn sơ; lời chúc có thể chép bằng bút lông; hoặc khai bút, cũng là tự thân thể nghiệm, chiêm nghiệm nhân sinh trong thời gian đã qua và mở ra thời kỳ mới. Tất cả đều có ý nghĩa cầu mong một năm mới tốt lành nhất đến với tự thân và người thân trong nhà. Thư pháp khai xuân dần thành thứ văn hóa phổ biến hơn, tao nhã hơn và trang trọng hơn. Người ta có thể dành cho không gian khai bút một bối cảnh trang trọng, hoặc ấm cúng, hoặc đơn giản với trà nóng trong hương trầm, vuốt bút lông nhẹ nhẹ và thả từng đường nét lên tờ giấy dó đã bạc màu. Khai bút, cũng tùy cách nghĩ của người trẻ, người già. Người già cầu mong bình an, khỏe mạnh cho mọi người; người trẻ cầu học tốt, cầu phát triển... Tất cả tùy tâm mà hiển hiện lên từng đường nét.

Đầu xuân, trong không gian nhà Thái học của Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội), nơi thờ thầy Chu Văn An và các vị tiên hiền, những học trò ngày nay xếp hàng xin chữ. Khi truyền thống khuyến học đã ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa của người Việt thì việc xin chữ đầu xuân cũng như cách hiểu khai bút đầu xuân tại các không gian biểu tượng văn hóa học đã phổ biến, trở thành nét đẹp văn hóa. Học trò xin chữ để cầu mong một năm học tốt, một năm thi đạt thành quả cao. Từ Bắc đến Nam, khi mùa xuân về, người Việt hướng tới tương lai bằng sự trân trọng những giá trị truyền thống, bằng học thuật, bằng cầu mong an lành, bằng tất cả những gì tốt đẹp nhất. Là thế hệ trẻ, những học sinh, sinh viên ánh mắt nhìn xa xăm, trên tay cầm bức thư pháp có chữ “đăng khoa”, "đỗ đạt"... Là những người xin chữ “tâm”, chữ “hiếu”, chữ “thọ”, xin chữ “an khang thịnh vượng”, “thành đạt”... Tất cả đều cầu mong sẽ đạt được những điều tốt lành như ý nghĩa của chữ đã xin cho bản thân, cho mọi người trong một năm mới vừa đến.

Tiến sĩ PHẠM VĂN TUẤN,Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm