March 29, 2024, 7:50 pm

Thu này…

Tôi sinh ra ở một ngôi làng nhỏ dưới chân núi Trà Sơn của dãy Trường Sơn âm u và hùng vĩ. Không biết có phải số phận không, mà mọi cuộc chiến tranh, mọi biến cố lịch sử từ thế kỷ XV với cuộc xâm lược của giặc Minh rồi Trịnh – Nguyễn phân tranh cho đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước đều quét qua làng tôi những trận bão tàn khốc. Mọi biến cố lịch sử đều in đậm trong ký ức các thế hệ dân làng, để mỗi dịp vui buồn lại ôn cố tri tân, luận đàm ngẫm ngợi…

Dưới bóng cờ sao, tự nhắc mình không xa rời lý tưởng và vững bước tiến lên. Tương lai nhìn ta. Và quá khứ cũng nhìn ta . Ảnh Internet

1.

Ông nội tôi thoạt đầu là một nông dân. Hai ông bà kiệm cần, từng năm, từng năm tích lũy, dư tiền thì tậu ruộng. Qua nhiều năm, có hàng chục mẫu đồng trên ruộng dưới. Ông còn là một nghệ nhân dân gian, thường cưỡi con ngựa bạch giao du, hát xướng khắp các huyện của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Từ năm 1925, ở Nghệ Tĩnh có Hội Phục Việt, sau đổi thành Hội Hưng Nam, sau nữa đổi thành Tân Việt Cách mệnh đảng. Không biết ai là người đưa ông tôi vào tổ chức cộng sản này, nhưng đến năm 1930 thì ông đã là Bí thư Tổng ủy của Đảng Cộng sản tổng Lai Thạch vùng Thượng Can Lộc. Thời kỳ địch khủng bố trắng, ông bị bắt. Một lần ra ngoài trại giam làm tạp dịch (corvée), chợt gặp một cô gái năm xưa từng hát đối. Cô gái cảm thán: Ới anh thân thế thầy nho/ Vì sao anh phải ăn cơm vo (cơm nắm) với mắm đùm? Ông tôi hát lại: Cũng vì độc lập tự do/ Cho nên anh đây phải ăn cơm vo với mắm đùm/ Dù nay tay kẹp chân cùm/ Mốt mai tháo cũi sổ lồng mà xem/ Em về nhắn với chị em/ Giương cờ độc lập một phen anh hùng...

Ông tôi chết, không nhìn thấy được thành quả huy hoàng của cách mạng, tháng Tám năm 1945!

2.

Bất kỳ cuộc cách mạng nào trên thế giới đều dựa trên bạo lực và có sự quá khích của bạo lực, thậm chí là những cuộc tắm máu không cần thiết. Cách mạng tư sản Pháp (1789-1799) là rất vĩ đại với Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền, với khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” nhưng đã xử chém vua Lu-i XVI và hoàng hậu Ma-ri Ăng-toan-nét. Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện rất vĩ đại, vì đã lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại xây dựng chính quyền Xô-viết công nông, mở đầu cho sự xuất hiện hệ thống phe XHCN, kích thích phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nhưng mãi đến nay, nhiều người dân Nga vẫn không thể hiểu được vì sao một cuộc cách mạng tiến bộ như thế lại đem xử bắn cả hoàng gia gồm Sa hoàng Ni-cô-lai đệ nhị, hoàng hậu A-lếch-xan-đra Phê-ô-đô-rốp-na, 5 người con và các hầu cận, trong đó có một công chúa mới 13 tuổi vào rạng sáng ngày 17 tháng 7 năm 1918. Và họ gọi đó là “nỗi xấu hổ của lịch sử”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã thực hiện được những sứ mệnh lịch sử to lớn như Tuyên ngôn Độc lập nêu rõ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Trong một tuần, dân tộc ta đã nhất tề “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Cái không khí giải phóng, không khí thoát ách trăm năm thực dân xâm lược, nghìn năm phong kiến áp bức, hồ hởi, tưng bừng đến mức mỗi người dân đều thấy “Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hoá mặt trời”; còn vua Bảo Đại thì tuyên bố: “Thà làm công dân của một nước tự do, còn hơn làm vua của một nước nô lệ”. Và ông vua cuối cùng của triều Nguyễn không những không bị xử tử mà còn được bầu vào Quốc hội, được mời làm cố vấn của Chính phủ mới. Sự bao dung, hòa hợp của dân tộc Việt Nam, thật sự khác biệt với một số dân tộc khác.

Dẫu rằng Bảo Đại sau này suy nghĩ khác, hành động khác. Nhưng sự vĩ đại, sức hấp dẫn, sức cảm hóa của Cách mạng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng kỳ diệu. Và nhờ đó mà Cách mạng đoàn kết rộng rãi toàn dân, thể hiện ý chí nguyện vọng toàn dân, kết tinh được trí tuệ và sức mạnh toàn dân.

3.

Càng tự hào bao nhiêu về cách mạng, về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, càng phải cảnh giác với những khuyết tật, sự tha hóa của chính mình. Bất cứ sự vật nào cũng có khả năng tha hóa, kể cả cách mạng. Nói đến cách mạng, trước hết nói đến Đảng. Đảng là người lãnh đạo, tổ chức, nguyên nhân của mọi nguyên nhân tạo nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vậy thì mọi sai lầm, vấp ngã của dân tộc trong mỗi giai đoạn lịch sử đều có nguyên nhân từ Đảng.

Bởi vậy, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng Đảng, chống lại sự tha hóa của đảng viên, của từng tổ chức đảng và nhà nước. Ngươi nói rất rõ ràng: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”; “Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích gì khác”; “Ðảng ta là một Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thực tế cho thấy, lớp người tiền bối đi làm cách mạng là từ bỏ giàu sang phú quý, dám hy sinh thân mình vì nghĩa lớn, giữ gìn danh dự của mình, của Đảng như ngọc sáng: Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành (Hoàng Văn Thụ, Nhắn bạn). Thời này, nhiều người “tham gia cách mạng” có xu hướng ngược với các bậc tiền bối, không những không hy sinh cống hiến mà còn nhờ làm quan để phát tài, giàu có bất chính. Vì có làm quan thì mới phát tài nên dù mọi quy định của Đảng, của pháp luật có chặt chẽ đến đâu, nghiêm khắc đến đâu, thì họ cũng sẵn sàng xé rào. Nén bạc đâm toạc tờ giấy là đây; siêu lợi nhuận 300% là đây, nên dù có treo cổ, họ cũng sẽ làm nhưn Lê-nin từng cảnh báo. Nhà báo Hữu Thọ cũng từng nói: Nếu không có anh bán chức, thì làm gì có anh chạy chức?

Bản tính con người vốn có sự kỳ thị. Cả người giàu, người nghèo, lớp trên, lớp dưới, người cách mạng hay không cách mạng… đều có sự kỳ thị này. Vấn đề là làm sao hạn chế tối đa óc kỳ thị mà thôi. Sự kỳ thị của người giàu, của giai cấp thống trị trước đây đối với người nghèo, với tầng lớp dưới trở thành sự miệt thị, coi họ như súc vật. Cách mạng vô sản trong khi đề cao giai cấp công nông, có khi và có nơi lại kỳ thị với những người giàu có (đây là nói những người giàu có chân chính); tệ hơn nữa là kỳ thị với đội ngũ trí thức, ghép họ với thành phần tiểu tư sản, dễ dao động, khó tin cậy… bởi vậy mà hạn chế trong việc thu phục nhân tâm, thu hút được những người tài giỏi, chính trực.

Cổ thư Trung Hoa có câu chuyện “Tam cố thảo lư”. Lịch sử cách mạng Việt Nam có câu chuyện Bác Hồ cầu hiền. Trên báo Cứu Quốc ngày 20/11/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam - Hồ Chí Minh kêu gọi viết:  “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. Đồng thời, Bác cũng viết thư riêng đến cụ Huỳnh Thúc Kháng và nhiều trí thức khác mời các vị cùng với Chính phủ lo việc nước nhà. Khi cụ Võ Liêm Sơn từ Miền Trung ra Việt Bắc, Bác không giấu được sự mừng rỡ: Công lai ngã hân hỉ/ Công khứ ngã tư công (Cụ đến tôi mừng rỡ/ Cụ đi tôi nhớ mong).

Con người vốn có khát vọng về một thế giới tốt đẹp hơn thế giới mình đang sống. Đó là thiên đường, là cõi tiên... Đó cũng là động lực để người ta phấn đấu, giúp cho xã hội phát triển theo mô hình lý tưởng. Nhưng đó cũng là sự ngây thơ của con người, làm giảm đi cái nhìn tỉnh táo để có cách sống tỉnh táo, có được niềm vui, hạnh phúc nơi trần thế, có được ứng xử đúng đắn trong từng tình thế. Cái ngây thơ này, cộng với sự tuyên truyền vụ lợi, cộng với cái hoan hỉ được báo thù, tính cơ hội thừa gió bẻ măng... đã làm cho phong trào cách mạng có nơi, có lúc phạm phải những sai lầm đáng tiếc!

Người ta cứ tưởng đánh đổ giai cấp phong kiến địa chủ, đuổi sạch quân xâm lược, “giết” xong những “kẻ thù” thì thiên đường sẽ hiện ra. Không, chúng ta cần minh bạch, cần nhận thức rõ hơn đường lên hạnh phúc còn dài. Giặc trong, giặc ngoài còn đó; nhất là “giặc trong” rất gian ngoan, quỷ quyệt khôn lường.

Dưới bóng cờ sao, tự nhắc mình không xa rời lý tưởng và vững bước tiến lên. Tương lai nhìn ta. Và quá khứ cũng nhìn ta…

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2021


Có thể bạn quan tâm