March 29, 2024, 2:29 pm

Thử đi tìm một bí mật văn chương

Truyện Kiều của Nguyễn Du mang lại cho ta một mối tình lãng mạn “người quốc sắc, kẻ thiên tài”, và một mối tình bay bổng “trai anh hùng, gái thuyền quyên”; song tất cả đều giữa đường đứt gánh khiến người đọc tiếc nuối, phải quay về tìm trong dĩ vãng vàng son của họ những kỉ niệm êm đềm... Trong khi nhặt nhạnh mảnh vỡ của quá khứ, ai nấy bỗng ồ lên, là tại sao không tìm thấy một kỉ vật lẽ ra phải có? Đó là Tiếng đàn Thuý Kiều dành cho Từ Hải.

Vì sao nàng Kiều sẵn sàng “phung phí” tiếng đàn cho thiên hạ, mà với Từ Hải, lại không, dù chỉ một lần? Câu hỏi ấy treo lơ lửng đã trên dưới hai trăm năm nay, khiến nhiều người đâm ra hồ nghi về cái sự quên của tác giả, hoặc đặt ra câu hỏi “Hay chính Nguyễn Du cố ý như vậy?”. Theo đà suy nghĩ ấy, nhà văn Nguyễn Tuân đặt ra câu hỏi phải chăng đây là “một sơ suất lớn”, hay là “một cao kiến” gì của cụ Nguyễn Tiên Điền? Còn Gs - nhạc sĩ Trần Văn Khê, một người nổi tiếng, rất rành Truyện Kiều, cũng đang tạm đặt ra một cái dấu “chấm than” trước câu chuyện lạ lùng sẽ còn tốn nhiều giấy mực này. Trong điều kiện đó, xin mạo muội nêu lên một thiển ý, rằng đây không phải do “quên”, mà là câu chuyện cao tay ấn của cụ Tố Như.

Trong Truyện Kiều, Thuý Kiều chỉ đánh đàn duy nhất cho Kim Trọng nghe vào hai lần trước và sau mười lăm năm lưu lạc, nghĩa là đời nàng thực chất chỉ mang tiếng đàn đến với mỗi mình chàng Kim mà thôi, ngoài ra không hề đàn cho các đối tượng khác. Tình thế bắt buộc nàng ôm đàn nhiều lần, nhưng cuối cùng, khi gặp lại chàng Kim, chính nàng phủ nhận tất cả, như rũ bỏ những kỉ niệm buồn. Nàng nói rất rõ: Nàng rằng: “Vì chút nghề chơi/ Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu/ Một phen tri kỉ cùng nhau/ Cuốn dây từ đấy, về sau cũng chừa!”.

Đó là lời tự bạch rất đáng để tâm, nếu lướt qua, sẽ không thấy được nét sâu sắc tuyệt vời trong ngòi bút Nguyễn Du. Câu thơ “Cuốn dây từ đấy, về sau cũng chừa” là chìa khoá mở ra vấn đề đang bàn. Nàng Kiều nói “cuốn dây” đàn, tức cuốn sợi tơ lòng, rồi “chừa” luôn “từ đấy”, tức từ sau lần gặp đầu tiên và đánh đàn cho chàng Kim nghe, từ đó về sau, suốt mười lăm năm lưu lạc, nàng chia tay vĩnh viễn với tiếng đàn, dẫu tình thế buộc phải nhiều lần nâng đàn lên mua vui cho thiên hạ, nhưng không bao giờ nàng xem đó là tiếng đàn – tiếng lòng của mình nữa! Điều này càng rõ hơn, khi bước chân vào chốn lầu hồng, nàng từng dặn lòng với “tuyên ngôn”: “Vui là vui gượng kẻo là/ Ai tri âm đó mặn mà với ai”…

Tiếng đàn dành cho chàng Kim mới là tiếng đàn tình yêu, là tiếng lòng say đắm. Gs. Trần Văn Khê đã nói rất rõ về những bản đàn ấy, nào là khúc “Hán Sở chiến trường”, “Tư Mã Phượng cầu”, rồi khúc “Quảng Lăng”, khúc “Chiêu Quân”… Đó là những bản đàn đẹp nàng Kiều tấu lên để tặng người tình lí tưởng; còn sau này, khi buộc phải làm vui lòng thiên hạ, nàng đàn gì, Nguyễn Du không nói, chỉ bảo nó thê thảm, đau xót, thậm chí là “bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay”! Nếu có nói, thì rất đúng chỗ, đó là lúc phải đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe, nàng đã tấu lên khúc “Bạc mệnh” ai oán soạn từ thủa xuân thì, chưa lần nào đụng đến! Đó là một lời tố cáo hơn là một tiếng đàn. Xem vậy, để thấy rõ nàng Kiều bảo “cuốn dây”, là xếp tiếng đàn lại, là đúng hoàn toàn với tính cách của nàng; và đó chính là thâm ý của Nguyễn Du chứ không do sơ suất.

Vậy việc Kiều không đàn cho Từ Hải nghe, có quan hệ gì tới câu chuyện trên?

Trước hết, cần thấy mối tình Từ Hải - Thuý Kiều không phải là mối tình lí tưởng. Mối tình Từ Hải - Thuý Kiều, cũng như Thúc sinh - Thuý Kiều, là mối tình do đồng tiền sắp đặt, tuy mức độ, tính chất có khác nhau; cho nên dù yêu thương bao nhiêu, gắn bó mức nào cũng không thể sánh ngang mối tình đẹp đẽ Kim - Kiều, nên nàng không thể đưa những tiếng đàn êm ái, ngọt ngào dành cho chàng Kim thưở nào lần nữa tấu lên với Từ Hải, nếu vậy thì câu thề Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai hoá ra không còn chút giá trị; và sau này, chàng Kim thốt ra cái câu Mảnh hương còn đó, tiếng đàn còn đây mới xứng đáng với lòng thuỷ chung của nàng Kiều dù bão táp mưa sa cũng không lay chuyển.

Mặt khác, Từ Hải là người đàn ông thứ hai trong Truyện Kiều được Nguyễn Du dành cho những lời đẹp đẽ; riêng trong lĩnh vực xã hội, tác giả còn đặt Từ Hải cao hơn Kim Trọng rất nhiều. Đó là bậc anh hùng yêu tự do, công lí, sẵn sàng san phẳng mọi ngang trái ở đời; còn trên đường tình, là một người cao thượng, thuỷ chung. Trong Truyện Kiều, duy nhất chỉ có Từ Hải là người mang lại hạnh phúc cầm tay cho nàng Kiều. Từ nô lệ, Thuý Kiều đã trở thành “đại phu nhân”, từ phận con đòi nàng thành người ngồi ghế chánh án tìm lại công lí trong xã hội thối nát… Tóm lại, Từ Hải là một nhân cách, trên nhiều khía cạnh được Nguyễn Du đề cao một cách rất xứng đáng.

Chính vì thế, nên Nguyễn Du đã nhìn Từ Hải với biệt nhãn trong mọi vấn đề, chẳng hạn như với cái chết, cũng không hề tầm thường, mà đầy tráng khí, tin vào tình yêu mà tử nạn chứ không hề thua trận!... Một nhân cách như thế không thể xếp ngang hàng với những kẻ tầm thường “giá áo túi cơm” như Mã Giám sinh, hay nhát gan như Thúc sinh, hoặc thâm hiểm như Hoạn Thư… Đó là lí do khiến Nguyễn Du không thể đánh đồng, đặt Từ công ngồi cùng chiếu với họ để nghe nàng Kiều đàn những tiếng đàn ai oán, khổ đau! Không bao giờ để Từ Hải chung số phận với đám người kia, nhờ thế người anh hùng chẳng việc gì phải hổ thẹn với nhân gian. Đó cũng chính là cái tâm, cái tài của tác giả. Quả là một mũi tên, trúng hai đích: Thuý Kiều và Từ Hải đều rất cao đẹp.

Nguồn Văn nghệ số 49/2020


Có thể bạn quan tâm