April 23, 2024, 10:13 pm

Thông điệp từ Trâu vàng đến Sao la…

Những ngày này, bật T.V lên hay giở bất cứ một trang báo điện tử nào ra, tôi đều bắt gặp hàng chữ SEA Games 31 với hình những đường đua màu cách điệu vút lên cao. Ký ức 19 năm trước lại ào ạt đổ về...

Ấy là năm 2003, Đại hội thể thao Đông Nam Á, thường được gọi tắt là SEA Games, lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, theo thứ tự là lần thứ 22. Lần đầu nên cái gì cũng bỡ ngỡ, cũng cãi nhau! Cãi nhau từ rất sớm, mấy năm trước đấy. Để tổ chức một đại hội thể thao quốc tế, dẫu mới ở tầm cỡ Đông Nam Á, nước chủ nhà bắt buộc phải xây dựng một số cơ sở vật chất hoành tráng vừa đón tiếp vận động viên các nước bạn, vừa là các địa điểm tổ chức thi đấu.

Theo thông lệ là nước chủ nhà phải xây dựng một Làng vận động viên để tập trung vận động viên, quan chức các nước bạn đến ở trong thời gian thi đấu. Rồi các sân, các nhà thi đấu đa năng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn bắt buộc cho các cuộc thi đấu quốc tế. Nhưng nước mình nghèo, xây Làng vận động viên nhà cửa đồ sộ nguy nga tốn cả núi tiền, phòng ốc phù hợp cho vận động viên ở chứ gia đình đâu có ở được? Lại còn đến sau khi đại hội kết thúc rồi để đấy không ai sử dụng thì biết làm gì?

Thế nên phương châm là “theo kiểu Việt Nam”, vừa tận dụng những gì đã có sẵn, vừa nâng cấp một số cơ sở khả dĩ đáp ứng yêu cầu, đồng thời xây mới một số công trình bắt buộc phải có. Vận động viên các nước được bố trí ở các khách sạn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Lý lẽ là để cho các bạn quốc tế cảm nhận rõ đời sống của người dân bình thường, từ đó thêm yêu mến Việt Nam hơn, kết hợp nhiệm vụ thể thao với quảng bá du lịch và công tác ngoại giao! Các khách sạn lại được chọn ở gần các địa điểm thi đấu, thuận lợi cho vận động viên di chuyển, tránh tắc đường, kẹt xe, mất sức... Vậy là hợp lý quá còn gì!

Một số cơ sở thể thao ở địa phương được nâng cấp cho phù hợp với các môn được phân bổ về thi đấu. Nhưng một số địa điểm thi đấu thì bắt buộc phải xây mới, mà quan trọng nhất là Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nơi diễn ra lễ khai mạc lẫn bế mạc và một số trận đấu môn bóng đá nam.

Theo báo chí, nhà nước phải bỏ ra tới 69 triệu USD từ nguồn vốn ngân sách, một khoản tiền “khủng” khi ấy để xây sân Mỹ Đình. Bắt đầu một cuộc đua tranh âm thầm giữa các nhà thầu, cuối cùng còn lại ba nhà thầu là Mỹ (thực chất là công ty do một số người Việt đứng đằng sau), Đức và Trung Quốc; để rồi sau bao tranh cãi, nhà thầu Trung Quốc trúng thầu với giá rẻ nhất!

Cái sân trị giá gần ngàn tỷ đồng này sau đấy đã để lại nhiều hệ lụy xấu, từ trận bóng đá trong ngày khánh thành sân U-23 Việt Nam thua Thân Hoa Thượng Hải cho đến 40 quả cầu đá lớn bị xích bên ngoài sân mà phải đến 15 năm sau mới di dời đi được để - theo lời của các nhà phong thủy - giải phóng năng lượng tích cực cho bóng đá Việt Nam!

Việc chọn linh vật (mascot) cho SEA Games 22 cũng dẫn đến bao tranh cãi, phản biện. Từ Rồng Vàng đến Rùa Hồ Gươm, rồi chim Lạc, chú Tễu… được đề xuất. Cuối cùng chú Trâu Vàng mặc khố đấu vật đã được chọn làm linh vật cho sự kiện thể thao trọng đại trong khu vực mà Việt Nam đăng cai lần đầu...

Cho đến sát ngày khai mạc SEA Games 22, công việc vẫn còn hết sức bộn bề. Nhưng cũng như nhiều sự kiện khác “theo kiểu Việt Nam”, đến ngày khai mạc thì mọi sự đều đâu vào đấy! Và bất chấp những tranh cãi bất tận, những lời phàn nàn không thể tránh khỏi ở bất cứ một sự kiện thể thao lớn nào, SEA Games 22 đã thật sự là một ngày hội của  người yêu thể thao Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Không khí hồ hởi bao trùm các thành phố nơi diễn ra các cuộc thi đấu, từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cho đến Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương...

Còn hồ hởi phấn khởi hơn là khi tổng kết đại hội, đoàn thể thao nước chủ nhà Việt Nam vọt lên đầu bảng xếp hạng, vượt lên trên Thái Lan vốn là “ông kẹ” trong khu vực, với số huy chương vàng cao hơn gấp rưỡi! Không chỉ áp đảo ở những môn “thế mạnh chủ nhà” - một đặc trưng của các kỳ tranh tài khu vực Đông Nam Á - như lặn, đá cầu chinh… đoàn Việt Nam ở SEA Games 22 cũng bắt đầu tấn công vào những môn “vua” trong thể thao thế vận hội như điền kinh, bơi lội, vật... Những tấm huy chương giành được ở các môn thi đấu này cho thấy thể thao Việt Nam đã lớn mạnh vượt bậc ở kỳ SEA Games đầu tiên trên sân nhà.

Có một nốt lặng trầm trong bức tranh tươi sáng của thể thao Việt Nam ở SEA Games năm ấy: đội tuyển U-23 Việt Nam đã thua U-23 Thái Lan 1-2 trong trận chung kết kéo dài sang hai hiệp phụ trên sân Mỹ Đình mà bàn thắng gỡ hòa 1-1 của Phạm Văn Quyến ở phút 90+1 chỉ giống như ánh hồi quang lóe sáng của một thần đồng bóng đá Việt Nam. Phải mãi 16 năm sau, tại SEA Games 30 năm 2019 trên đất Philippines, dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân kỳ tài Park Hang Seo, bóng đá của nước Việt Nam thống nhất mới lần đầu tiên đăng quang ngôi vô địch SEA Games, hoàn thành giấc mơ 60 năm cho người hâm mộ bóng đá nước nhà.

Từ sau SEA Games 22 thành công trên sân nhà năm 2003, thể thao Việt Nam chưa bao giờ lọt ra ngoài top 3 chung cuộc SEA Games (thành tích tốt nhất trước đó là hạng tư toàn đoàn ở SEA Games 21). Không chỉ luôn nằm trong tốp đầu của thể thao Đông Nam Á, các vận động viên Việt Nam đã tấn công vào các kỳ thi đấu đỉnh cao khu vực như Asiad, Thế vận hội Olympic… Bóng đá Việt Nam đã hai lần dành ngôi vương Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á năm 2008 và 2018. Ở các kỳ Olympic, vận động viên Việt Nam đã hơn một lần đoạt huy chương các môn bắn súng, cử tạ, taekwondo; trong đó màu vàng chói lọi đã đến với chiếc huy chương vàng môn bắn súng của vận động viên Hoàng Xuân Vinh ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 2016...

Có người cho rằng SEA Games chỉ là kỳ thi đấu thể thao tầm cỡ “ao làng”, nhưng chính từ cái “ao làng” ấy, chúng ta đã đi ra biển lớn. Và trong tháng 5-2022 rực rỡ này, chúng ta lại giang rộng vòng tay đón bạn bè quốc tế. Một lần nữa, ngày hội thể thao khu vực SEA Games quay lại đất nước Việt Nam ở SEA Games 31, khởi tranh từ 12-5 tại Hà Nội và 11 tỉnh thành lân cận, thi đấu 40 môn, 526 nội dung với sự tham gia của khoảng 10.000 người đến từ 10 quốc gia trong khu vực và nước chủ nhà.

Đón chào các vận động viên, quan chức và khách du lịch nước ngoài lần này là chú Sao la, linh vật của SEA Games 31. Sao la sừng dài là một trong những loài thú quý hiếm nhất thế giới, rất ít khi quan sát được trên thực địa, được giới khoa học quốc tế đặt tên là “Kỳ lân châu Á”. Vậy là từ Trâu Vàng, con vật quen thuộc của văn minh lúa nước rất phổ biến trong đời sống của người nông dân, đến Sao La, một loài động vật quý hiếm, dường như các nhà tổ chức đã “linh vật” hóa định hướng phát triển của thể thao Việt Nam sau 19 năm: Từ chỗ nhắm vào những môn thể thao có khả năng giành huy chương làm đẹp bảng thành tích, nay hướng vào các môn thể thao thành tích cao.

Đã qua thời kỳ “đi tắt đón đầu”, SEA Games giờ đây là bệ phóng để thể thao Việt Nam tiến vào đấu trường ASIAD, Olympic… Lẽ dĩ nhiên, những “mỏ vàng” tiềm năng như lặn chân vịt, đá cầu, bi sắt... vẫn tiếp tục được duy trì để đảm bảo đoàn Việt Nam có số huy chương vàng tổng sắp nằm trong nhóm đứng đầu khu vực!  Và bóng đá, môn thể thao “vua” mà ở kỳ đại hội nào nếu chỉ giành vị trí thứ hai đã bị coi như thất bại, cũng thu hút sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của ngành thể thao, sự chú ý của đông đảo người hâm mộ. Là đội đương kim vô địch, lại đại diện cho nước chủ nhà, đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam phải gánh chịu sức ép cực lớn từ cổ động viên, những người đã dựng lều trải bạt thức xuyên đêm ngoài sân vận động Việt Trì để mua vé xem đội tuyển U-23 Việt Nam thi đấu. Dẫn dắt đội tuyển vẫn là người thuyền trưởng tài ba Park Hang Seo, người đã trải qua biết bao vinh quang lớn nhỏ của bóng đá Việt Nam ở các cấp độ. Người hâm mộ Việt Nam chỉ có thể hài lòng khi đội tuyển U-23 từ Việt Trì tiến về sân Mỹ Đình trong ngày cuối cùng của SEA Games 31!

SEA Games 31 chắc chắn mang đến cho đông đảo người hâm mộ Việt Nam và khách quốc tế những cảm xúc thần thánh mà chỉ có thể thao mới có thể mang lại. Không chỉ là những tấm huy chương, đó còn là bản giao hưởng của niềm vui, là cảm xúc rưng rưng đặt tay lên ngực khi lá quốc kỳ từ từ được kéo lên trong tiếng nhạc quốc ca trầm hùng. Dĩ nhiên, sẽ không thiếu những nỗi buồn của những thất bại, nhưng, như quá khứ cho thấy, thể thao Việt Nam chẳng đã từng đứng lên, mạnh mẽ hơn, từ những thất bại đó sao?  

Nếu nói thành tích thể thao là một trong những biểu hiện của sức mạnh dân tộc thì kể từ cú hích SEA Games 22 năm 2003 ấy, sau 19 năm, đến SEA Games 31, sức mạnh Việt Nam đã không ngừng thăng tiến. Tổ chức một đại hội thể thao Đông Nam Á trên sân nhà trong khi đại dịch Covid-19 vẫn còn chưa chấm dứt, Việt Nam minh chứng cho chân lý: con người có thể chiến đấu và chiến thắng đại dịch. SEA Games 31, vì thế, là một nỗ lực đẹp đẽ của thể thao Việt Nam, Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn!

Nguồn Văn nghệ số 20/2022


Có thể bạn quan tâm