April 25, 2024, 3:48 pm

Thông điệp nguồn gốc Vũ trụ - Trái đất - Loài người

 

Phạm Xuân Hiếu được biết đến là một nhà sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn cổ vật nổi tiếng. Bên cạnh đó ông cũng là một nhà văn. Vừa qua, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng phối hợp với Trung tâm bảo tồn cổ vật UNESCO vừa tổ chức chương trình ra mắt cuốn tiểu thuyết Thiên Hà cổ vật, tác phẩm được thai nghén trong quãng thời gian 10 năm của Phạm Xuân Hiếu. Cuốn sách đầy đặn dày 512 trang do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm đông đảo người yêu văn chương và cổ vật ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đây là cách tiếp cận mới trong gắn kết văn chương với văn hóa, đưa văn chương đồng hành với nhịp sống hiện thực. Dưới đây là cuộc trò chuyện nhanh với tác giả Phạm Xuân Hiếu nhân sự kiện này.

 

Nhà văn/nhà nghiên cứu bảo tồn cổ vật Unesco Phạm Xuân Hiếu và tác phẩm mới ra mắt của mình.

 

* PV: Hiếm có tiểu thuyết viết khái quát rất nhiều nội dung, tư tưởng về quy luật tự nhiên, quy luật của tạo hóa, quy luật của gần 30 triệu loài động thực vật trên trái đất. Tất cả được diễn tả trong không gian bao la: từ vũ trụ đến đến tận cùng trái đất. Có thời gian từ 13,7 tỷ năm đến ngày nay. Vậy xin tác giả cho biết, đây có phải là cuốn tiểu thuyết giả tưởng? Xuất phát từ nguyên căn nào đã thôi thúc tác giả viết cuốn sách này?

Nhà văn Phạm Xuân Hiếu: Tiểu thuyết Thiên Hà Cổ Vật không hoàn toàn là giả tưởng, tác phẩm có nội dung, ý tưởng rất rộng, gồm nhiều thể loại. Giả tưởng là phần nhỏ trong diễn giải các tư liệu vũ trụ, khảo cổ, lịch sử, khoa học, thiên văn, địa lý và quy luật sinh tồn của loài người cùng muôn loài động thực vật sống trên trái đất từ 4,5 năm trước. Tất cả muôn loài được hình thành từ mầm gen vũ trụ. Các chi tiết trong tiểu thuyết được các nhân vật tự kể đồng hiện suy nghĩ, hành động, lời nói của mình trong quá khứ, hiện tại, tương lai… Các sự việc được kết nối với nhau thành mạch truyện thực mà hư, hư mà thực. Cuốn hút bạn đọc đi vào mê cung vũ trụ, mê cung cổ vật, mê cung cuộc sống loài người cùng muôn loài động thực vật trên hành tinh xanh từ khi hình thành trái đất 4,5 tỷ năm trước đến ngày nay. Tác phẩm gồm 3 phần: phần 1 Vũ trụ loài người, phần 2 Cổ vật loài người, phần 3 Trái đất loài người. Phần 1 có phần giả tưởng. Phần 2 hoàn toàn hiện thực. Phần 3 hoà đồng hai phần trên... 

Với tiểu thuyết Thiên Hà Cổ Vật, tôi đã nuôi dưỡng ý tưởng từ 10 năm trước bằng kiến thức, kinh nghiệm cổ vật, khảo cổ, tìm hiểu thêm nhiều tư liệu vũ trụ, thiên văn, quy luật sống của muôn loài động thực vật trên trái đất. Và tôi đã hoàn thành tác phẩm đúng ý nguyện của mình. 

* Tiểu thuyết đã đưa ra học thuyết mới, đó là HỌC THUYẾT GIEO MẦM muôn loài động thực vật trên trái đất. Trong đó có loài người, loài động vật thông minh, khôn ngoan nhất nhưng cũng là loài tàn bạo nhất trong muôn loài. Xin tác giả cho biết, cuốn sách này nhắm tới độc giả là ai? Có phải cho tất cả mọi lứa tuổi và mọi tầng lớp? Ý đồ chủ đạo của tác giả nhắm tới lượng độc giả dàn trải này là gì?

Câu hỏi này đã được nhà văn Sương Nguyệt Minh nhận xét trong ngày ra mắt sách: “Tiểu thuyết Thiên Hà Cổ Vật rất dễ đọc, dễ hiểu. Ai cũng đọc được, từ giáo sư rất khó tính đến các cháu thiếu nhi yêu văn chương mới chập chững vào đời, các bạn văn, đọc từ đầu đến câu cuối. Vì sao vậy? Vì quyển tiểu thuyết này anh viết không giống ai. Không giống ai một tí nào. Nó đi ngược lại với cách viết truyền thống của các nhà tiểu thuyết Việt Nam đã từng viết, các nhà văn thế giới viết...”. 

Nhà giáo Quỳnh Lê, trường chuyên Trần Phú - Hải Phòng mượn bản thảo về đọc.  Người mẹ 90 tuổi cầm xem rồi đọc hết mấy chương con gái mang về. Như vậy là tác phẩm của tôi không kén bạn đọc, ai cũng đọc được. Tôi đã hoàn thành việc chuyển thể những tư liệu vũ trụ, thiên văn, địa lý, khảo cổ… khó hiểu thành lời nói, hành động cuốn hút bạn đọc dễ hiểu những điều ít biết về vũ trụ, trái đất, loài người. Và khi viết tôi luôn tâm niệm: trong thời đại điện tử 4.0 mấy ai muốn đọc dài, nghe kể lê thê một vấn đề. Đừng bắt họ phải đọc những điều không có gì mới lạ, không mang lại cảm hứng cho tinh thần. 

* Trong cuốn sách có rất nhiều chi tiết lạ, thảo dược lạ, món ăn lạ… Đó là hư cấu hay sự thật? Tác giả có thể “bật mí” tóm tắt về điều này?

Đúng vậy, trong tiểu thuyết tôi diễn tả nhiều chi tiết thực mà hư, hư mà thực. Vì tất cả những món ăn lạ đó đều là thực phẩm có trên thị trường. Chỉ có cách chế biến là bí mật. Chương 14 trang 405-406 có chi tiết súp Thiền tăng leo cây. Món súp được chế biến từ thực phẩm có thật là tinh dịch cá mập xanh ở Bắc Đại Tây Dương, vây cá sủ, huyết yến cùng một số thảo dược bí mật gia truyền bào chế thành thuốc viên. Trong truyện tôi chuyển thể sang dạng súp dùng trong bữa tiệc cho ly kỳ, hấp dẫn. Hay rượu Tinh trùng bìm bịp ngâm với nhân sâm 100 năm ở Triều Tiên, đông trùng hạ thảo ở Tây Tạng Trung Quốc, đòng đòng lúa nếp ở núi Mẫu là thực phẩm có thật. Món khổng tước khẩu là món độc lạ, được chế biến đặc biệt, hiệu nghiệm. Người có giọng nói khàn khàn, ồ ồ, ăn vài lần sẽ chuyển sang giọng trong sáng, ngọt ngào, dịu dàng, dễ nghe. Còn nhiều chi tiết mới lạ, bạn đọc muốn hiểu cụ thể hãy đọc tác phẩm. 

* Cuốn sách dành nhiều thời lượng để nói về Cổ vật. Hẳn là tác giả là nhà sưu tầm đích thực, có hiểu biết sâu rộng về phạm trù này. Thường thì các nhà sưu tầm hay giấu giếm, thậm chí ngần ngại nói về bộ sưu tập của mình, nhưng nếu có thể, xin tác giả cho độc giả biết đôi điều về thú chơi này cũng như ý nghĩa mang lại của nó?

Đồ cổ là thú chơi có giá trị tinh thần, văn hoá và luôn mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao. Đồ cổ là những món đồ được chế tác từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thuộc các thời đại. Những hiện vật đó thường độc, lạ nên luôn thu hút người chơi ở mọi tầng lớp. 

Trong tiểu thuyết Thiên Hà Cổ Vật, tôi lấy đề tài cổ vật diễn tả đời sống con người cùng vạn vật xuyên suốt tác phẩm. Nội dung tác phẩm được dẫn đắt từ hai cổ vật có xuất xứ từ vũ trụ bị chôn vùi dưới sa mạc châu Phi từ 4,5 tỉ năm trước là pho tượng người ngoài hành tinh hoá thạch cùng nhiều cổ vật quý hiếm nhất trên trái đất. Được nhóm mộ tặc châu Phi tìm thấy mang chào bán khắp năm châu. Qua những chi tiết mua bán tôi đã lồng ghép giới thiệu, diễn tả thú chơi cổ vật của nhiều nhà sưu tầm có nhiều hoàn cảnh khác nhau để bạn đọc hiểu về lĩnh vực cổ vật. Có nhiều cách chơi, người chơi đồ đồng, người chơi đồ đá, người chơi đồ gốm sứ, người chơi tranh, tượng, vàng bạc kim cương đá quý… Mỗi người mỗi hoàn cảnh chơi theo cách của riêng mình. Người nhiều tiền tìm mua đồ quý hiếm. Người ít tiền mua đồ bình thường. Từ đó hình thành phong cách chơi, đẳng cấp nào chơi ở đẳng cái đó. Có một quy luật chung là đồ quý hiểm trong các nhà sưu tầm người bình thường ít được xem. Vì không hiểu biết giá trị văn hoá, kinh tế của món đồ, không có nhu cầu mua bán, không hứng thú xem. 

* Nói đến sưu tầm Cổ vật, hẳn đây là thú chơi chỉ dành cho các đại gia, vậy những người bình thường có thu nhập như công chức là khó tiếp cận với Cổ vật, chưa nói đến sở hữu hoặc hiểu biết về nó. Vậy có cách nào để phổ cập kiến thức về Cổ vật cho mọi người nói chung cũng như giới trẻ biết đến vì ít nhất họ không sở hữu được thì cũng biết đến ý nghĩa, giá trị để trân trọng?

Chương 1 phần 1 trong tiểu thuyết tôi đã giới thiệu khái quát về cổ vật. Người chơi cổ vật có nhiều cách chơi khác nhau. Người có nhiều tiền, người ít tiền, người không có tiền vẫn am hiểu chơi được cổ vật. Cổ vật là hiện vật văn hoá, cuộc sống của một thời đại quá khứ. Nên người chơi cổ vật cần có trình độ mới nhận ra giá trị cổ vật quý hiếm, phải có tiền mới được sở hữu làm của riêng. Những người không có tiền vẫn được ngắm, được nhìn, được hiểu biết giá trị các hiện vật khi đến tham quan bảo tàng hay tìm mua đồ giả cổ, đến các nhà sưu tầm học hỏi, nghiên cứu. Nói tóm lại ai cũng hiểu biết chơi được cổ vật, chỉ có sở hữu đồ đẹp, quý hiếm mới khó. 

* Vâng, xin cảm ơn nhà văn, nhà nghiên cứu bảo tồn cổ vật Unesco Phạm Xuân Hiếu về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc ông dồi dào sức khỏe và tràn đầy năng lượng để tiếp tục có nhiều cuộc nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa.

Khánh Phương thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 49/2022


Có thể bạn quan tâm