April 19, 2024, 10:41 pm

Thời trang hay trò lố phản văn hóa

Vừa qua sự việc đoàn xe Jeep cắm cờ Mỹ với những lái xe mặc quần áo rằn ri vằn vện chở dàn người đẹp ở Lễ hội áo dài Hoa Cúc biển tại Cửa Lò đã gây xôn xao dư luận. Thậm chí có những người diện bộ quân phục thêu hình con diều hâu trên tay áo, đội mũ nồi đỏ của sư đoàn lính dù Mỹ - những kẻ trước đây đã gây ra nhiều tội ác trên đất nước ta với biệt danh “thiên thần sát Cộng”.

Những năm qua, quyền tự do của công dân Việt Nam trong mọi lĩnh vực đều được chính quyền và cộng đồng tôn trọng. Việc ăn mặc, xu hướng thẩm mỹ của từng cá nhân cũng thay đổi theo sự phát triển đa chiều của thế giới. Văn hóa mặc đã được đề cao, chú trọng bởi điều kiện kinh tế-xã hội phát triển và người dân, nhất là giới trẻ có thể nhanh chóng cập nhật các xu hướng thời trang mới qua các nền tảng mạng xã hội. Ở khía cạnh khác, theo quy định, trang phục dành cho quân nhân của quân đội bất cứ nước nào cũng có mục đích dùng riêng cho hoạt động quân sự nhằm đảm bảo tính thống nhất, nghiêm ngắn trong thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ cơ thể và sức khỏe của người lính và một số khác dùng trong hoạt động chiến đấu, tuần tra. Việc lạm dụng và làm biến tướng bộ quân phục của các nước là một việc làm phản cảm và phản văn hóa trầm trọng.

Trên một số hội nhóm Facebook, sẽ rất dễ dàng để gia nhập các group “Yêu đồ lính Thành Nam”, “Anh em yêu đồ lính Thủ đô”, “Đồ lính Mỹ” hay “Hội đam mê đồ lính Hải Dương”, “Chơi đồ lính xứ Lạng”, “Phong cách lính miền Trung”…, có số lượng thành viên mỗi nhóm lên tới hàng ngàn người. Hoạt động của các nhóm này khá sôi nổi với việc giao lưu khu vực trong nội tỉnh, giao lưu giữa các tỉnh với nhau. Họ tự hào khi sở hữu những món đồ  “độc”, “lạ” là những món đồ lính Mỹ, Ngụy đã qua sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Xuất xứ, lai lịch của món đồ càng “thảm thiết”, chủ nhân cũ của món đồ càng “oanh liệt” có nhiều thành tích chống Cộng, giết hại dân lành… thì nó lại càng có giá trị sưu tập. Đây thực sự là biến tướng đáng quan ngại vì đã ngầm cổ suý, kích động hận thù, gieo lại nỗi đau chiến tranh, ngầm tôn vinh bè lũ bán nước và đám tàn quân lưu vong.

Hiện nay, trên mạng xã hội lan truyền hàng chục video clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt với phần âm nhạc là những ca khúc của chế độ Sài Gòn cũ với ca từ sến sẩm và nội dung sặc mùi chống cộng sản. Minh họa hình ảnh cho những ca khúc ấy là hàng chục con người mặc đủ các thể loại quần áo rằn ri, vằn vện của ngụy quân và lính Mỹ trước 1975, diễn lại những cảnh chiến đấu với quân đội Việt Nam, có đầy đủ súng ống, lựu đạn, dao găm và bị thương tơi tả. Địa điểm quay clip được chú thích là trong các cánh rừng vắng ở Khe Sanh (Quảng Trị), Cao Phong (Hòa Bình), Đình Lập (Lạng Sơn), Cúc Phương (Ninh Bình)… Đỉnh điểm là cuối năm 2020, tại hội trường khu 1, thị trấn Cao Phong, Hòa Bình, những kẻ có sở thích “dị hợm” này lại tập chung nhảy nhót, đú đởn và hát những ca khúc đầy kích động ngay dưới Quốc kỳ, Đảng kỳ.

Và cũng trong vài năm trở lại đây, bỗng xuất hiện hàng loạt các câu lạc bộ, hội nhóm có tên là “Yêu đồ lính” với số lượng đông đảo lên đến hàng nghìn người từ Bắc Vào Nam. Họ hội họp, gặp gỡ, giao lưu, cười nói rủ nhau chụp ảnh, livestream tung lên mạng, nghênh ngang giữa thanh thiên bạch nhật với vẻ mặt hầm hố, bạo lực. Đa phần họ đều đã ở tuổi trung niên, mặc “hầm bà lằng” các loại quân phục khác nhau, lẫn lộn kiểu “lính” ngụy, “lính” Hàn, “lính” Trung Quốc và “Bộ đội cụ Hồ” cùng ngồi khề khà ăn nhậu, hát “văng thiên địa” và thể hiện “vũ đạo” theo kiểu giang hồ… Rồi tập trung đông đảo “hàn huyên” tại Quảng trường Ba Đình. Thậm chí, một số người trong đó từng là cựu chiến binh, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn ồn ào, náo nhiệt mặc quân phục cỏ úa để nhảy và hú hét cùng “lính” ngụy.  

Điều này cho thấy, vấn đề về nhận thức của nhiều người Việt đối với việc mang, mặc quân phục của Mỹ, Ngụy là rất đáng báo động. Thậm chí, đã có nhiều biến tướng quan ngại trong hoạt động, giao lưu của nhiều nhóm người thuộc các Câu lạc bộ “Yêu đồ lính” tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều kẻ cơ hội chính trị đã nhân hiện tượng này để bình luận, “chém gió” trên các trang phản động với lời ca tụng “chế độ Việt Nam cộng hòa đã chết nhưng vẫn còn sống trong lòng dân”. Đồng thời, chúng cũng bình phẩm xúc phạm quân phục của Quân đội nhân dân Việt Nam là “xấu”, “rách rưới” … nên chẳng ai thích, không ai thèm mặc nó, đồng nghĩa với việc “chế độ đang sống mà như…chết”.

Rất nhiều người dân, đặc biệt là các cựu chiến binh tỏ ra rất bức xúc trước sở thích kì dị và sự lố lăng, kém hiểu biết của những người tự cho rằng mình mặc “trang phục ngụy” là thể hiện ngưỡng mộ “chất lính”, nét đẹp khoẻ khoắn, hay đó là sự “tự do”, “phá cách”, khẳng định đẳng cấp về “sự ăn mặc”. Dẫu rằng xu hướng mặc đồ lính ngụy vốn dĩ đã thịnh hành trong các tỉnh phía Nam một thời gian dài bởi có khá nhiều người miền Nam còn hoài niệm về ký ức của cuộc chiến đã qua từ rất lâu, họ mua đồ “nhà binh” nhằm thể hiện sự hiểu biết, chứng tỏ được đẳng cấp của một người lắm tiền bạc. Song, khi trào lưu này âm thầm lan ra miền Bắc, và thể hiện một cách đầy “kiêu hãnh” bởi hàng trăm con người được gọi là thành viên ưu tú của CLB Yêu đồ lính miền Bắc khi họ mặc đủ loại quần áo lính để tụ tập, hội hè tại các cơ sở thờ tự như Chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Nội rồi diễu hành trên xe jeep khắp các ngả đường trung tâm, gây sự chú ý của người dân, thì câu chuyện có lẽ không chỉ dừng lại ở một sở thích ăn mặc nữa, mà nó mang ý nghĩa chính trị rõ ràng.

Thậm chí, trò diễn “thời trang ngụy” đầy ồn ào và tưởng như vô hại lại ẩn chứa sự thâm hiểm của “diễn biến hòa bình”, đã giúp cho đám phản động lưu vong đạt được nhiều mục đích: Một là, bằng việc phổ biến hình ảnh mặc đồ ngụy tại Việt Nam mà trước hết là tại thủ đô Hà Nội, nó sẽ làm hình ảnh người lính ngụy trở nên phổ cập trở lại, biến đây thành một trào lưu, một đam mê của không ít người. Hai là, khi đã khơi gợi sự đam mê và cuốn theo trào lưu này, không ít người từ mê quần áo ngụy sẽ có cái nhìn thiện cảm về ngụy quân, xóa nhòa ranh giới của một đội quân tay sai, bán nước. Sự nguy hại của trào lưu này cũng tương tự như cách một số nhà sử học xét lại lịch sử, đòi bỏ chữ ngụy đối với chính thể Việt Nam cộng hòa.

Và rất có thể, từ việc xóa nhòa ranh giới, sự phân định của ngụy quân, ngụy quyền, các thành viên “yêu đồ lính” ở các tỉnh thành sẽ dần dần trở thành cơ sở tiếp tay cho các đối tượng phản động lưu vong, biến các CLB này trở thành một tổ chức ngoại vi, phục vụ cho hoạt động chống Đảng, chống Nhà nước khi có điều kiện cần thiết. Khi vào các trang cá nhân của một số người được coi là thủ lĩnh của các hội nhóm, có thể thấy được nhiều tư tưởng, nhìn nhận về đất nước khá cực đoan, thiếu niềm tin và bất mãn với chế độ. Các thành viên khác cũng cho thấy sự lệch lạc về nhận thức cũng như cảm tính cá nhân mà quy chụp nhiều vấn đề một cách tiêu cực, không cần biết phải, trái, đúng sai. Nếu bị kích động, họ hoàn toàn có thể trở thành những “que diêm” dự trữ nằm trong âm mưu gây dựng những đốm lửa nhỏ ở trong nước, để đốt lên một ngọn lửa lớn của bọn phản động đang nhăm nhe “chuyển lửa về quê hương”.

Ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu: “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” hay: “Hơn nhau tấm áo manh quần/ Thả ra mình trần ai cũng như ai”. Trên thế giới, việc ăn mặc cũng hết sức được coi trọng và được các nhà khoa học, văn nghệ sĩ đúc rút thành nhiều câu nói ấn tượng như: “Hãy ăn để thỏa mãn mình, nhưng mặc để thỏa mãn người khác” của Nhà bác học Albert; “Đầu tiên hãy biết mình là ai, và sau đó ăn mặc cho phù hợp” của nhà văn Lee Mildon hay “Ăn mặc không phải làm tốt cho mình mà để tôn trọng kẻ khác” của nhà sử học nghệ thuật James Laver. Điều đó cho thấy, việc mặc cũng là một phần hết sức quan trọng thể hiện tư duy thẩm mỹ, văn hóa và nhân cách của con người, cộng đồng.

 “Mặc cái gì tốt đẹp thì nên mặc, còn mặc đồ của những kẻ bán nước, lưu vong, là nỗi ô nhục của dân tộc thì có nên mặc không? Mặc đồ của những kẻ đi đến đâu đàn áp, bắn giết, cướp bóc đốt nhà, đánh đập, tra tấn người Việt Nam đến đó thì có nên cổ súy không?” - Đó là câu hỏi của nhiều bạn trẻ comment vào các trang, hội nhóm “Yêu đồ lính”. Tuy nhiên điều đáng nói là trước hiện tượng đáng phê phán nêu trên, đến nay vẫn chưa được chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng nào quan tâm một cách đúng mức để có biện pháp chấn chỉnh hành vi phản cảm khiến dư luận xã hội bức xúc, phẫn nộ này.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần có một chế tài, một quy định cứng rắn cho việc mang mặc “quân phục ngụy”, không để cho những chiêu trò ấu trĩ và lố bịch như bài viết đã nêu tiếp diễn.

Nhà thơ Phạm Vân Anh 

Nguồn Văn nghệ số 13/2023


Có thể bạn quan tâm