April 20, 2024, 8:23 pm

Thời đại cuốn màn sương…

 

Lịch sử là thứ vĩnh viễn không bao giờ có thể thay đổi. Nhưng lịch sử lại ẩn khuất sau màn sương mù thời gian của quá nhiều sự kiện đối chọi nhau nên nó có thể gây ra rất nhiều tranh cãi đối với hậu thế. Vì vậy, ngay từ bây giờ, muốn minh định giá trị của hoà bình, cần nhìn nhận cục diện quốc tế trong bối cảnh rộng lớn hơn, đặc biệt khi mà bang giao Mỹ - Trung ngày càng bước vào thời kỳ bất định.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á (ARIA) được cho là nhằm tăng cường vai trò của Mỹ ở khu vực Ấn Thái Dương (Indo-Pacific) . Ảnh Internet

Khoảnh khắc giữa Mậu Tuất và Kỷ Hợi dầu chỉ là một thời đoạn chuyển giao mang tính ước lệ, nhưng vào mùa Xuân này, giới phân tích quốc tế nhấn mạnh tới nhiều điều bất thường so với các năm trước. Ngày 31/12/2018, ngay trước thềm năm mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á (ARIA) được cho là nhằm tăng cường vai trò của Mỹ ở khu vực Ấn Thái Dương (Indo-Pacific) trước những thách thức nổi lên từ phía Trung Quốc. Thông báo của Nhà Trắng viết: “Tổng thống Donald Trump đã kí ban hành ARIA nhằm thiết lập chiến lược đa phương để bảo vệ an ninh, lợi ích kinh tế và giá trị của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Như vậy là Trung - Mỹ tuy tạm "chùng bớt" trong cuộc chiến mậu dịch nhưng lại “căng lên” về Đài Loan. Cũng vào dịp cuối năm, tướng La Viện, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học quân sự Trung Quốc đã phát biểu về cục diện đối đầu Trung - Mỹ. Ông tướng một sao này đòi áp dụng ngay những biện pháp cứng rắn để giáng trả mạnh mẽ điều mà ông gọi là “chiến lược toàn diện của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc”. Các tướng tá trong buổi họp cùng ông La Viện cũng “rổn rảng” chủ trương phải đánh chìm tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông để răn đe.

 

Đối phó với thay đổi lớn

Đạo luật ARIA bao gồm cam kết của Mỹ trong 5 năm tới, mỗi năm chi ngân khoản 1,5 tỷ USD để tăng cường sự hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh chiến lược trong khu vực liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và an ninh. Đạo luật này được Tổng thống Trump ký ban hành đúng vào dịp kỉ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ và 40 năm “Luật quan hệ với Đài Loan” của Mỹ có hiệu lực. Hẳn nhiên, đạo luật đã khiến Trung Quốc tức giận, phản ứng quyết liệt. Ngày 2/1/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi trả lời câu hỏi của một phóng viên bình luận trước việc ông Trump ký ban hành Đạo luật ARIA đã nói: “Đạo luật này đi ngược lại nguyên tắc “Một Trung Quốc” và quy định của 3 bản tuyên bố chung Trung - Mỹ, can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc. Trung Quốc bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối phía Mỹ cố ý ký ban hành luật này, đã nghiêm khắc giao thiệp với phía Mỹ”.

Trước đó, trong bài phát biểu tại “Hội nghị công nghiệp quân sự 2018”, tướng La Viện cũng đã nêu bật những thay đổi lớn trong các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Thay đổi đầu tiên, đó là sự đối lập về tư tưởng chiến lược giữa hai quốc gia. Thứ hai, từ chỗ trước đây chỉ coi Trung Quốc là mối đe dọa đứng thứ 5, sau Iran, Triều Tiên, Nga và tội phạm xuyên quốc gia, thì nay Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu, đối thủ cạnh tranh chủ yếu. Thứ ba là Trump đã thay “Chiến lược tiếp xúc” của Obama trong quan hệ với Bắc Kinh bằng “Chiến lược cạnh tranh”. Thứ tư là Mỹ mở rộng địa bàn đọ sức với Trung Quốc ra tới Ấn Độ Dương bằng chiến lược Ấn Thái Dương (IPS). Thứ năm, trong khi Trung Quốc giảm quân số thì Mỹ lại tăng quân và ngân sách quốc phòng (tăng thêm 20 ngàn quân so với thời Obama và ngân sách năm nay lên đến 750 tỷ USD). Thay đổi thứ sáu, chi phí cho vũ khí hạt nhân từ mức 4% ngân sách quân sự vượt lên 6,4%, mức cao nhất từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trong bối cảnh nói trên, các nhà học phiệt từ Bắc Kinh cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ không chỉ đơn thuần là sự va chạm về mậu dịch, mà còn thể hiện việc thay đổi về chiến lược quốc gia của Mỹ. Đằng sau sự thay đổi này là nỗi lo sợ mô hình Trung Quốc sẽ thay thế mô hình Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc không thể thỏa hiệp nhượng bộ, không thể chỉ phản kích đối xứng (tức Mỹ đánh thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thì Trung Quốc cũng trả đũa với quy mô tương tự). Theo lập luận cứng rắn này, phải chuyển sang “đối đầu trực diện, chấp nhận thách thức” và cần áp dụng “phản kích phi đối xứng”, (tức dùng sở trường của Trung Quốc đánh vào sở đoản của Mỹ). Sáng kiến được đưa ra là, nước Mỹ lập quốc dựa vào quân sự, dựa vào đồng đô-la, nhân tài và phiếu bầu, vậy thì Trung Quốc phải đánh phá vào từng hạng mục một. Về quân sự, Trung Quốc cần tăng cường ngân sách quốc phòng, đẩy mạnh phát triển các vũ khí sát thủ chủ chốt, như các loại tên lửa đạn đạo chống hạm. Mỹ sợ nhất là chết người, chỉ cần đánh chìm 2 tàu sân bay, chết 10 ngàn người là Mỹ sợ ngay (!). Cho nên, công nghiệp quân sự Trung Quốc cần căn cứ vào gót chân a-sin của Mỹ để phát triển. Ngoài ra, Trung Quốc cần đẩy nhanh việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, đào tạo nhân tài, phát triển công nghệ cao.

 

Tập hợp chống Trung Quốc

Từ một góc nhìn khác, Mỹ và các nước đồng minh đã và đang làm gì để đối phó với “vấn nạn toàn cầu mang tên Trung Quốc”? Năm 2018, cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung trở thành tiêu điểm được cả thế giới quan tâm theo dõi. Trước những hành động đáp trả kiểu ăn miếng trả miếng của Bắc Kinh, Trump đã nhiều lần cảnh cáo “Mỹ có trong tay rất nhiều đạn”, ám chỉ đến việc có thể mở rộng quy mô trừng phạt về thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Căn cứ vào những diễn tiến cuối năm, giới phân tích thấy rõ Mỹ đang sử dụng nhiều loại “đạn độc” khác, đó là liên kết với các nước đồng minh để chế ngự Trung Quốc. Ngày 20/12/2018, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố liên kết 12 nước đồng minh khởi tố hình sự 2 tin tặc Trung Quốc, lên án hành vi không chính đáng của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Các tin tặc này bị cáo buộc mưu đồ lấy cắp bí mật thương mại công nghệ và phá hoại hệ thống máy tính của chính phủ những nước này. Hãng truyền hình CNBC chỉ rõ, việc các đồng minh liên kết chống lại gián điệp mạng của Trung Quốc thể hiện phương thức mới của Mỹ nhằm đối phó lại việc Trung Quốc lấy cắp bí mật về thương mại và cơ mật của chính phủ, phương thức đó chính là liên kết các đồng minh.

Hôm 19/12/2018, WTO tiến hành hội nghị họp kín xem xét chính sách mậu dịch của Mỹ. Theo tài liệu nội bộ mà Reuters có được, Đại sứ Mỹ tại WTO, ông Dennis Shea đã phát biểu chỉ rõ, thủ phạm gây nên khủng hoảng của WTO chính là Trung Quốc. Ông Dennis Shea nói, nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này là Trung Quốc làm méo mó mậu dịch và thể chế kinh tế phi thị trường, không thể dung hòa với hệ thống mậu dịch quốc tế nhấn mạnh mở cửa, minh bạch và có dự báo trước. Nhiều năm qua các nước thành viên WTO không cùng nhau xử lý vấn đề này nên đã làm gia tăng nguy cơ. Ông Dennis Shea kết luận, quy phạm của WTO đã bị Trung Quốc lạm dụng, Mỹ yêu cầu dẫn dắt cải cách WTO. Ngày 20/12, Ủy ban châu Âu lần thứ 2 đưa ra cáo buộc Trung Quốc cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ trước WTO, lần cáo buộc thứ nhất là hồi tháng 6 năm nay. Ủy ban châu Âu nói, Trung Quốc đưa vào điều luật đầu tư liên quan quy định về cái gọi là “yêu cầu thi hành”, ép buộc hoặc dụ dỗ các công ty châu Âu chuyển nhượng công nghệ thông qua các công ty chung vốn để đổi lấy sự phê chuẩn của chính quyền Trung Quốc. Ngoài ra, các công ty nước ngoài còn bị yêu cầu tiến hành hoạt động nghiên cứu phát triển tại Trung Quốc.

Hai trong số những sự kiện mới xảy ra gần đây là, Mỹ và đồng minh liên kết cùng nhau tẩy chay các thiết bị và dịch vụ của Huawei (Hoa Vi) và chống lại “bẫy nợ” của Trung Quốc thông qua Sáng kiến “vành đai - con đường” (BRI). Với sự khởi đầu của thời đại 5G, Mỹ rất cảnh giác về ý đồ muốn dẫn đầu thế giới của Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao. Mỹ là nước đầu tiên cấm các cơ quan chính phủ sử dụng các thiết bị và dịch vụ của Huawei. Lý do chủ yếu khiến Mỹ ra tay là qua xem xét thấy mối quan hệ đặc biệt giữa Huawei với chính phủ Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh thông qua Huawei để giám sát hoặc can dự, gây nên nguy cơ về an ninh cho Mỹ và các quốc gia phương Tây. Những năm gần đây, Trung Quốc thông qua việc thúc đẩy sáng kiến BRI để gia tăng ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thế nhưng, hiện nay BRI của Trung Quốc đã khiến ít nhất 13 nước ở các châu Á, Phi, Âu lâm vào nguy cơ nợ nần. Từ đầu năm, một số quốc gia tham gia BRI bắt đầu hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng vì phát hiện thấy các hạng mục này quá đắt đỏ hoặc không cần thiết.

 

Ngăn ngừa một cuộc chiến

Dõi theo quá trình “phản đòn” và “ra đòn” giữa hai đại cường Trung Mỹ, giới think-tank dường như đang nghiêng về ý kiến đã đến lúc phải tìm kiếm một phương cách tiếp cận tỉnh táo hơn. Cuộc chiến thương mại là điều tồi tệ, hiển nhiên, nhưng vẫn còn có thể xẩy ra những cuộc xung đột tồi tệ hơn nhiều. Năm vừa qua, các nhà nghiên cứu đã điểm lại các sự cố nguy hiểm trong bang giao Mỹ - Trung đương đại. Đó là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1995-1996, vụ Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư năm 1999, sự cố máy bay Trung Quốc đâm vào máy bay Mỹ ở đảo Hải Nam năm 2001. Tất cả đều đã có thể đưa Trung Quốc và Hoa Kỳ đến bờ vực xung đột công khai. Nay là lúc nên ôn lại các chi tiết liên quan đến cách thức mà mỗi bên, cả Bắc Kinh lẫn Washington đã tỉnh táo và tìm được cách vượt qua khỏi các giai đoạn kịch tính ấy. Những quyết định do chính con người đưa ra vào những thời điểm lúc bấy giờ có ý nghĩa tối hậu. Điều tương tự ấy cũng đúng đối với mỗi cuộc khủng hoảng Mỹ Trung hiện nay. Các quyết định trước đây đã mang lại hoà bình cho Mỹ và Trung Quốc trước đây hoàn toàn có thể lặp lại một lần nữa.

Đương thời, Tổng thống Obama tuy bị chỉ trích khá nặng nề về các chủ trương của ông đối với Trung Quốc, nhưng vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ đáng được lưu danh bởi một đúc kết súc tích bằng câu nói “Chớ làm trò ngu ngốc!” Việc thử tên lửa để cố gắng gây ảnh hưởng đến một cuộc bầu cử, quyết định ném bom vào toà nhà đại sứ quán hay đâm vào một chiếc máy bay… tất cả đều là những ý tưởng tồi. Các quan chức hàng đầu, trong những tình huống ấy, cần được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc không làm những trò ngu ngốc. Bài học luôn cần nhớ đến là, Trung Quốc và Hoa Kỳ có lợi ích to lớn trong sự thịnh vượng của đối phương. Theo đánh giá của Tạp chí Foreign Affairs số cuối năm 2018, trong ¼ thế kỷ vừa qua, bang giao Trung - Mỹ không chỉ có vấn đề Đài Loan hay máy bay do thám. Đối với Bắc Kinh đó là thương mại, tham gia WTO… Đối với Washington, đó là việc đưa Trung Quốc hội nhập vào cộng đồng quốc tế… Các doanh nghiệp Mỹ hiện nay đang cho thấy sự miễn cưỡng khi phải thoái lui khỏi thị trường khổng lồ ở Trung Quốc. Một danh sách các vấn đề, từ biến đổi khí hậu, chống khủng bố đến thương mại, xoá đối giảm nghèo, đòi hỏi hai đại cường phải tìm được điểm cân bằng, vì chính lợi ích của mỗi nước trong việc tránh một ngày tận thế!

 

Hoà bình trong tự cường

Giao thừa 2019 (tính theo lịch Tây) vẫn rúng động bởi khủng bố từ Âu sang Á. Những tuyên bố từ giới quân sự của Trung Quốc và Mỹ vẫn “rổn rảng” tiếng khua của vũ khí... Bế tắc của nước Pháp trước những “người áo vàng”, lúng túng của châu Âu đối với vấn đề hậu Brexit, hệ luỵ từ chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Trump hay vấn đề Iran và Syria… Dường như vấn đề nào cũng liên quan đến vận mệnh của hoà bình và an ninh quốc tế. Trong khi đó thì các quốc gia, dầu lớn hay nhỏ, cũng đang dần tiến vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với toàn cầu hóa đang nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Trong bối cảnh cuộc “so găng” giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang vào hồi cao trào, Chủ tịch ASEAN Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, các quốc gia nhỏ hơn luôn thường trực mối lo sợ rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể phá vỡ quá trình hội nhập chuỗi cung ứng trên khắp châu Á, tạo ra các bộ quy tắc khác nhau trong hợp tác với hai cường quốc này. Bày tỏ sự quan ngại về tác động của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đến các quốc gia Đông Nam Á, Thủ tướng Lý Hiển Long đã đưa ra cảnh báo: ASEAN có thể buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lý hy vọng điều này sẽ chưa xảy ra một sớm một chiều!

Bước vào năm 2019, tiến đến gần 2020 để đảm lãnh chiếc ghế Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ phải suy nghĩ nhiều về sựa lựa chọn ngặt nghèo nói trên, sẽ phải chuyển tải tiếp thông điệp “Tự cường và Sáng tạo” như thế nào là cả một đại vấn đề. Các nước Đông Nam Á từ lâu đã nỗ lực cân bằng quan hệ với các nước lớn. Chiến lược này đã góp phần củng cố sự ổn định, một mặt tăng cường thương mại với Trung Quốc, mặt khác, kiến tạo các mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Lập luận như thế là mọi quốc gia đều hiểu rằng, trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực đang bị đe dọa với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Để trấn an các nước ASEAN, Phó Tổng thống Mike Pence đã khẳng định cam kết “kiên định và bền vững” của Hoa Kỳ đối với chiến lược Ấn Thái Dương (IPS). Ông cũng tuyên bố, trong khu vực này không có chỗ cho “bành trướng và xâm lược”, một phát biểu ám chỉ Trung Quốc. Ở đây, người Mỹ khá minh bạch trong việc đề xuất các nguyên tắc hợp tác: “Chúng tôi không cưỡng ép hay buộc quý vị phải thỏa hiệp sự độc lập của quốc gia. Chúng tôi không mời chào các bạn đi vào ‘vành đai’ bóp nghẹt hay ‘con đường’ một chiều” (Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu tại APEC26, ám chỉ tính chất nguy hại của sáng kiến BRI của Trung Quốc). Thông điệp này chắc hẳn được ASEAN trong đó có Việt Nam đón nhận một cách thuận chiều.

Về phần mình, không một người Việt yêu nước nào có thể an tâm trước tình trạng “tứ bề thọ địch” mà đất nước đang phải gồng mình đối phó. Đầu năm mới, một vị tướng ba sao có đưa ra thông điệp “Phải biết trân trọng giá trị của hòa bình”. Vâng, nhưng chắc chắn đó phải là một nền hoà bình trong tự cường và tự chủ, chứ không thể là nền hoà bình kiểu hiệp ước Brest-Litovsk. Tướng Nguyễn Chí Vịnh giải thích về xu thế chung hiện nay, trang bị vũ khí hiện đại để thể hiện ý chí của dân tộc, tôi không xâm phạm đến anh nhưng anh động đến tôi thì tôi có quyền và có khả năng tự vệ. Đúng! Nhưng liệu triết lý này có thể bổ sung và mở rộng thêm chính sách “ba không” của Việt Nam? Nghĩa là không liên minh với bên ngoài, nhưng trong trường hợp bị xâm lược, không ai có thể ngăn cản Việt Nam hợp tác với các bên thứ ba để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hoà bình không phải là món hàng xin cho, hoà bình trong tự cường và tự chủ phải chăng chỉ có thể đạt được bằng cách ấy!

*

Cuối năm ngoái, Trung Quốc tập trận áp sát biên giới phía Bắc, sau khi đẩy mạnh các hoạt động quân sự hoá trên Biển Đông suốt cả năm. Chúng ta đã nhiều lần phản đối các hoạt động vô pháp ấy. Vào những ngày đầu năm, truyền thông quốc tế lại đưa tin “nóng”: Việt Nam cứng rắn bất ngờ với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Theo bản thảo Bộ quy tắc (COC) đang được đàm phán mà báo chí có được, Hà Nội muốn đặt ngoài vòng pháp luật nhiều hoạt động mà Bắc Kinh đang tiến hành trên khu vực Biển Đông trong suốt nhiều năm qua, trong đó bao gồm việc xây dựng các đảo nhân tạo, triển khai các loại vũ khí phong toả biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thúc đẩy những điều khoản nhằm ngăn chặn Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, một động thái mà Bắc Kinh đã từng đơn phương thực hiện trên khu vực biển Hoa Đông. Cũng theo các hãng tin quốc tế, Hà Nội đã yêu cầu các nước tham gia đàm phán minh định yêu sách của họ về chủ quyền trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế. Động thái này nhiều khả năng nhắm vào “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, vốn bao trùm phần lớn diện tích Biển Đông. Sự phản ứng cứng rắn này của Việt Nam không chỉ xuất phát từ bản năng sinh tồn của quốc gia, mà chủ yếu và trên căn bản ý thức giác ngộ về vị thế của đất nước và sự đồng thuận trong khu vực. Phải chăng từ bản năng và ý thức giác ngộ này đã dẫn đến “ý chí sinh tồn tối hậu”, và con đường độc đạo ấy chính là một trong những nguồn mạch của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam xưa cũng như nay?

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2019


Có thể bạn quan tâm