March 29, 2024, 7:25 pm

Thời đã xa

 

Tặng T.H

Làng tôi nằm dọc theo một dòng sông nhỏ. Thực lòng mà nói, cho đến bây giờ, con sông thân thuộc ngày đó tôi vẫn chưa biết tên gì. Mà đâu phải riêng tôi, cả dân làng tôi cũng thế. Thôi thì cứ tạm gọi Sông Quê vậy, đó cũng là cách thể hiện cái tình của một kẻ lang bạt kỳ hồ đối với quê hương, với xứ sở, với dòng sông tuổi thơ mang nhiều kỷ niệm của một thời đã xa.

Thời đó, thường vào những buổi trưa, nhất là những trưa hè oi ả, bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng mình trần trùng trục, trai có, gái có, tụ tập trước dinh làng gầy đủ các trò chơi như nhảy dây, đánh vụ, bắn bi, chơi ô ăn quan... Một lũ lóc nhóc cứ tranh cãi nhau, hò hét nhau làm náo động chốn miếu đình thâm nghiêm. Chơi chán lại cởi tuột hết quần áo nhảy ùm xuống bến sông bơi lội thoả thích. Lũ trẻ con chúng tôi hồi đó vô tư lắm, hồn nhiên lắm, không phải như trẻ con thời bây giờ.   

Dinh làng tôi nằm cạnh bến Sông Quê. Nhỏ thôi, diện tích chưa bằng hai manh chiếu gộp lại. Bên trong duy nhất một bàn thờ nhưng không ai biết thờ vị thần nào. Sau lưng dinh là cây đa cổ thụ ngàn năm, gốc năm người ôm không hết, rễ đa chằng chịt y như hàng trăm con trăn xoắn chặt vào nhau bảo vệ triền sông không bị xói lở trong mùa mưa lũ. Tán đa rợp mát cả một vùng sông rộng. Dưới gốc đa lổn ngổn nào là ông táo đã sứt đầu, ông bình vôi mẻ miệng, có cả những kiềng sắt long chân, tất cả do dân làng góp lại từ nhiều đời.

Nghe nói dinh làng tôi thiêng lắm. Cứ vào khoảng quá nửa khuya, một cục lửa to bằng chiếc nón lá từ trong dinh bay vút lên trời rồi mất hút... Thỉnh thoảng vào những đêm trăng lạnh, vài người trong làng nửa đêm đi tháo nước ruộng tình cờ bắt gặp một cô gái mặc toàn đồ trắng đứng trước dinh, bỏ tóc xõa nhìn trăng... Và nhiều chuyện ma mị, huyễn hoặc khác nữa lưu truyền trong tâm tưởng người dân quê tôi từ thế hê này sang thế hệ khác... Đó là những câu chuyện tôi chỉ nghe người lớn kể lại chứ chưa thấy tận mắt bao giờ.

Mà cũng lạ thật, qua lớp rêu phong, qua lối kiến trúc rồng cuộn hổ ngồi trên mái ngói, chứng tỏ dinh làng tôi đã tồn tại từ lâu đời. Vậy mà người dân ở đây chẳng ai biết dinh thờ vị thần nào. Các vị bô lão trong làng người thì bảo thờ thành hoàng làng, cụ lại nói thờ ông tổ nghề thợ chạm, có cụ khẳng định dinh thờ một vị tướng triều Nhà Lê có công chống giặc Minh được sinh ra tại đây... Thôi thì đủ mọi truyền thuyết, mọi chuyện hoang đường do các cụ tự nghĩ ra nhằm bảo vệ lập trường quan điểm của mình, trong đó có ông nội tôi.

Hồi còn sống, ông tôi nổi tiếng văn hay chữ tốt nhất làng lại thông hiểu ít nhiều kinh sử. Về lai lịch dinh làng, có lần ông kể: "Năm Canh thân 1800, Chúa Nguyễn Ánh cử đại binh vượt biển ra đánh thành Quy Nhơn. Đại tư đồ Vũ Tuấn nhắm cự không lại phải dâng thành xin hàng. Con gái út của Vũ Tuấn là Vũ Thị Thu Hương tuổi chưa đầy 20 nhưng nổi tiếng tài sắc vẹn toàn, lại có khí phách. Thu Hương nhảy xuống sông tự vẫn. Thể xác người con gái tài hoa xinh đẹp mãi xuôi theo dòng sông quê suốt mấy ngày liền, cuối cùng dừng lại trên một bến vắng có gốc đa ngàn tuổi. Một buổi chiều dân làng phát hiện, họ vớt xác người con gái xấu số lên đặt cạnh gốc đa chờ sáng hôm sau nhằm ngày hoàng đạo sẽ tổ chức lễ mai táng. Điều lạ thay, ngọc thể của công nương họ Vũ trôi sông đã mấy ngày rồi mà vẫn tươi, nét mặt thanh tú hồn nhiên y như nàng đang thiêm thiếp giấc nồng. Ngay đêm hôm đó, một vị bô lão đạo cao đức trọng trong làng nằm mơ thấy có người con gái xiêm y rực rỡ, đẹp tựa tiên nga đến kể rõ thân thế của mình, rồi bảo rằng, nàng vốn con nhà quyền quí, ngọc thể trinh nguyên. Để hồn phách sớm được siêu thoát, thể xác sớm lẫn vào cát bụi như người bình thường, người trực tiếp thay đồ khâm liệm cho nàng ngày mai phải là một chàng trai làng thông minh, học giỏi, tư chất hơn người. Sáng hôm sau, vị bô lão vội vã triệu tập các chức sắc đến kể lại giấc mộng kỳ lạ rồi bảo, việc chưa biết thực hư thế nào nhưng không nên phụ lòng người báo mộng.

           Quả nhiên, trong lúc chàng trai họ Trần đích thân thay xiêm áo, tay chạm vào ngọc thể của Công nương họ Vũ, bỗng nhiên sắc diện nàng biến đổi đột ngột trước sự kinh ngạc của dân làng. Sau khi chôn cất Thu Hương, năm nào làng cũng được mùa, dịch bệnh lánh xa, cuộc sống dân làng ấm no hạnh phúc, con cháu học hành đỗ đạt thành danh. Đặc biệt, dòng sông từ đó nước trong như lọc suốt hai mùa mưa nắng. Để tưởng nhớ công đức của người con gái họ Vũ, dân làng lập dinh thờ ngay tại bến sông, cạnh gốc đa cổ thụ, gọi là dinh Trinh Nữ. Hàng năm, cứ vào tiết Thanh minh, làng tổ chức cúng tế trọng thể. Ngày rằm, mùng một hàng tháng, bà con tự nguyện mang hương đăng, trà quả, bánh trái đến tưởng vọng. Qua mấy triều hưng phế, dinh đã nhiều lần tu sửa và tồn tại cho đến ngày nay". Kể xong, ông vò đầu tôi mấy cái, hỏi: "Cháu có biết chàng trai họ Trần đó là ai không?". Không đợi câu trả lời, ông tiếp: "Đó là ông tổ đời thứ 5 của dòng họ nhà ta cháu ạ. Ông tôi trầm giọng tiếp - Hồi còn là mưu sĩ dưới trướng của Thống suất Diệu, ông và Công nương họ Vũ yêu nhau say đắm, nhưng hai người không lấy nhau được vì Vũ Tuấn không ưa bản tính thẳng thắn, trung thực của ông. Sau này, thấy Quang Toản nhu nhược, Thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng hành, đại thần giết hại lẫn nhau...dự đoán triều đại Tây Sơn không bao lâu nữa sẽ lọt vào tay Nguyễn Ánh nên ông cáo bệnh lui về quê mở lớp dạy học. Ông không ngờ chính tay mình khâm liệm người ông hết lòng yêu dấu". 

            Chuyện do ông tôi kể phảng phất màu sắc lịch sử nhưng có chỗ hoang đường, khó tin. Tôi nghe chỉ để bụng.

Ở tuổi hồn nhiên trong sáng, chúng tôi không tin trên thế gian này lại có thánh thần ma quỉ, mà nếu có cũng chẳng sao, bởi lũ học trò chúng tôi đang ở tuổi hiếu động, ai nỡ khắc khe quở phạt làm gì. Vì vậy, mặc cho người lớn đe nẹt, đem chuyện ma quỷ ra hù doạ, lũ trẻ chúng tôi vẫn cứ tụ hội trước dinh làng chơi đùa thoả thích mỗi khi có dịp, nhất là trong những ngày hè. Chơi chán nhảy ùm xuống sông tha hồ bơi lội, lặn ngụp giữa làn nước trong mát của bến sông quê. Có đứa còn táo tợn dám bám theo gốc đa chuyền sang cành de ra giữa sông nhảy ùm xuống nước…

Thời gian cứ thế trôi dần theo năm tháng... Rồi một hôm, gần hết kỳ nghỉ hè, lũ chúng tôi đứa nào cũng mình trần như nhộng đang bơi lội, lặn ngụp sau cuộc chơi đùa thỏa thích. Bỗng thằng An thảng thốt kêu lớn: "Con Hà bị nước cuốn trôi rồi chúng mày ơi!". Tôi giật thót mình quay lại thấy Hà đang chới với giữa dòng nước, cách chỗ tôi độ năm sải tay. Trong lúc các bạn cứ đứng nhìn ngơ ngác, tôi vội phóng người lại chỗ Hà. Cô bạn gái bám riết lấy tôi. Tôi bình tĩnh dìu Hà vào bãi cát gần nhất. Qua cơn hoảng hốt, chợt nhận ra hai đứa trần truồng như nhộng đang ôm nhau, Hà bỗng ngơ ngác nhìn tôi một thoáng rồi đẩy mạnh tôi ra, chạy đến quơ vội quần áo dông tuốt về nhà, không dám quay đầu nhìn lại. Bây giờ, nhớ lại hình ảnh đó tôi không khỏi buồn cười lẫn chút bâng khuâng. Từ đó, tâm hồn trẻ thơ trong trẻo của Hà bỗng dưng thay đổi đột ngột. Hà không bao giờ tắm sông cùng với bọn con trai, hạn chế tham gia các trò chơi do đám con trai tổ chức. Với tôi, Hà thường hay bẽn lẽn, né tránh. Được thể, nhóm bạn bạo mồm cắp đôi tôi với Hà khiến cô bé càng thêm lúng túng mỗi khi gặp tôi. Riêng tôi, tôi vẫn là chú bé hồn nhiên thủa nào.

  Những ngày hè cuối cùng cũng trôi qua trong, lũ trẻ con hay đùa hay nghịch buộc phải chia xa để bước vào năm học mới. Nhiều đứa lên tỉnh, lên huyện học năm đầu cấp trung học, tôi theo chú ruột vào Sài Gòn, Hà được lên lớp Năm tiếp tục học trường làng. Khoảng vài ba năm sau, cuộc chiến tranh chống Mỹ đến thời kỳ ác liệt, quê tôi bị bom đạn tàn phá nặng nề, trai làng đi theo Cách mạng, trong đó có ba tôi, số còn lại dìu dắt nhau đến sống chen chúc tại các trại định cư trên phố huyện. Thế là tụi bạn cùng quê mỗi đứa một phương trời...

            Tôi tốt nghiệp Tú tài phần hai chưa giáp năm thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Niềm vui, nỗi buồn, cái được, cái mất cứ đan xen nhau trong ngày đại thắng. Ba tôi đã mất trên chính quê hương mình. Nhóm bạn thời trẻ nhỏ đứa mất, đứa còn. Nghe nói thằng An, Thằng Hiếu, Thằng Tâm là sĩ quan Nguỵ đã bỏ xác trên chiến trường “Vùng I” sau ngày ra quân chưa đầy ba tháng. Thằng Huy, con Liên là bộ đội Trường Sơn hy sinh ngay trước cửa ngõ thành phố Sài Gòn. Thằng Đại, thằng Luân thuộc diện con gia đình có công cách mạng được cử ra Bắc học tập, hiện đang giữ chức vụ gì đó lớn lắm, khó gần! Hà thì bặt vô âm tín!.

Riêng tôi, sau ngày đất nước thống nhất, tôi trúng tuyển vào Khoa văn Đại học Sư phạm. Ra trường dạy được một thời gian thì ngộ ra rằng, ngành Giáo dục lúc bấy giờ rơi vào thế khủng hoảng về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy. Tuy có nhiều cuộc cải tổ, cải tiến, cải cách... lần lượt diễn ra nhưng chẳng ăn thua, mấy thế hệ học sinh trở thành vật thể nghiệm! Đã thế, bệnh thành tích trong ngành cứ lan nhanh như dịch cúm gia cầm, bị dư luận xã hội lên án gay gắt, vị trí cao quí của người thầy được xã hội dành cho trên chiếc chiếu hoa tri thức bị lung lay, giá trị của người thầy đôi lúc bị đánh đồng với phu phen.

Tôi dứt khoát bỏ nghề, quyết không thèm ngoảnh lại. Đến khi va chạm với thực tế cuộc sống ma bụt lẫn lộn, xấu tốt đan xen của nền kinh tế thị trường, tôi lại tỏ ra hối tiếc về quyết định nông nổi của mình. Nhưng nghĩ lại, việc được mất, hơn thua, thăng hoa, tàn lụi trong cõi vô thường khó ai tránh khỏi. Tôi trở thành kẻ phiêu bạt trên đường mưu sinh lắm gian truân nhưng cũng nhiều thú vị. Thoạt đầu, tôi theo bạn lên Pleiku đốt than, suýt bị kiểm lâm bắt giam vì tội phá rừng; vào Đắc Lắc hái cà phê bị chủ vườn quỵt nợ; vô Long Khánh phát rẫy bị heo rừng rượt chạy thục mạng; xuống Nha Trang làm gia sư được một thời gian thì lão chủ nhà lặng lẽ vượt biên... Bí quá, tôi quay lại thành phố làm "chuyên viên" phát hành vé số, cuối cùng làm lính lác cho thằng bạn học thời phổ thông.

Hồi còn học trung học, thằng Du gầy nhách như que tăm, nét mặt lúc nào cũng lờ đờ như người thiếu ngủ, học hành lập dập, chưa hết lớp đệ tứ (lớp 9) đã bỏ học theo nghề phụ hồ. Hôm tình cờ gặp lại, tôi không tài nào nhận ra Du. Du bây giờ tướng tá đường bệ, da dẻ hồng hào, nói năng hoạt bát. Đúng là khuôn mẫu quan chức thời hiện đại! Sau này tôi mới biết, Du là giám đốc Công ty chế biến gỗ xuất khẩu khá nổi tiếng của thành phố, có hai bằng đại học! Phải chăng trong quá trình tiến triển sinh học đã xảy ra hiện tượng đột biến gien? Thấy tôi lận đận trong cuộc mưu sinh, Du kéo tôi về giữ chân nhân viên văn phòng của công ty. Du bảo, cử nhân Văn khoa mà làm "chuyên viên" phát hành vé số thì phí lắm. Làm nhân viên văn phòng cho một đơn vị kinh tế cũng khá nhàn nhã. Thỉnh thoảng viết bản báo cáo sơ kết, tổng kết, làm tờ trình, soạn thảo văn bản hợp đồng... Hết việc ngồi đọc báo, tán gẫu, lương tháng vẫn nhận đủ. Thời gian đầu của một nhân viên văn phòng, thực tình mà nói, tôi không thích cái kiểu cách quản lý điều hành công ty của Du. Vậy mà ở thời đại này, Du lấy quyền lực áp đặc thuộc cấp, hà khắc với công nhân, lại còn dùng đủ mọi thủ đoạn ranh ma với các đối tác, luồn lách, o bế với cấp trên...

Một buổi sáng chủ nhật, Du đánh xe đến chỗ tôi ở mời đi ăn điểm tâm. Du bảo: "Từ ngày ông về công ty, chúng ta chưa có dịp hàn huyên tâm sự. Hôm nay chúng ta thoải mái một bữa". Du lái xe đưa tôi đi vòng quanh thành phố một lúc rồi hỏi: "Hay là mình ra vùng ngoại ô hưởng thú hương đồng cỏ nội đi, lẩn quẩn mãi trong thành phố cũng chán ngắt ông à!". Không đợi tôi trả lời, Du cho xe ra khỏi khu trung tâm. Quay sang tôi, Du tỏ vẻ thân thiện: "Tôi biết ông là người thông minh, mẫn cảm, nhưng tôi đoan chắc ông chưa hiểu gì lắm mặt trái của nền kinh tế thị trường. Khắc nghiệt lắm, bạo liệt lắm, lại còn bị chi phối bởi định hướng nữa! Để tồn tại và phát triển phải hết sức nhạy cảm với môi trường kinh doanh, phải linh hoạt trong công tác quản lý điều hành, đôi lúc cần phải thủ đoạn, phải tàn nhẫn nữa. Lơ mơ sẽ bị nghiền nát, sẽ bị vô tù.Thực tế cho thấy, không ít nhà doanh nghiệp trẻ trung, năng động, chỉ vì quá chủ quan hoặc đi lệch hướng một chút là lập tức bị phá sản, bị ra toà. Du quay sang tôi cười - Tôi biết, trong thời gian qua, ông chẳng ưa gì cách điều hành, quản lý công ty của chúng tôi đâu, nhưng rồi ông sẽ hiểu. Qui luật cạnh tranh khắc nghiệt lắm. Thương trường là chiến trường mà!".

Ở chừng mực nào đó, có lẽ Du nói đúng. Hoá ra lâu nay tôi cũng chỉ là gã duy lý tầm thường, lạc hậu với nền kinh tế của cơ chế mới. Mà cũng phải thôi, một thời gian dài với nghề dạy học, tôi cứ lẩn quẩn trên từng trang giáo án, tự đóng khung trong bốn bức tường lớp học nên không nhìn thấy ngay phía bên ngoài cửa sổ đời sống xã hội chuyển biến từng ngày. Rồi những năm phiêu bạt phải vật vã với chén cơm manh áo, còn thời gian đâu quan tâm đến diễn biến phức tạp của đời sống xã hội! Ngay cả một số thuật ngữ thông thừơng của nền kinh tế thị trường tôi còn đang lớ ngớ, nói chi đến việc hiểu mặt trái, mặt phải của nó! Thương trường là chiến trường, phải đấu tranh quyết liệt để tồn tại. Trong chừng mực nào đó, tôi tán thành lập luận của Du.

       Du bỗng dừng xe trước một cửa hàng ăn khu ngoại ô rồi quay sang tôi: "Ơ đây có nhiều món đặc sản biển nổi tiếng, tôi cũng chỉ nghe nói thôi chứ chưa đến lần nào". Chúng tôi vào quán tìm chỗ ngồi thoáng mát, cạnh ô cửa lớn ăn thông ra dãy hành lang. Một cô gái tiếp thị bia không còn trẻ cũng chưa thể gọi là già nhưng có nét mặt thanh tú, nhân hậu, từ bên trong thong thả đi lại chỗ chúng tôi lịch lãm chào mời. Thoạt nhìn, tôi thấy cô gái có nét quen quen nhưng chưa nhớ đã gặp ở đâu, gặp trong trường hợp nào, lại giọng miền Trung quê tôi nữa! Tôi đang lục tìm trong ký ức ngổn ngang hình bóng cũ, bỗng tấm bảng tên trên ngực cô gái khiến tôi đứng bật dậy mừng rỡ kêu lên: "Thu Hà! Có phải Vũ Thị Thu Hà đấy không?". Cô gái ngơ ngác nhìn tôi một thoáng rồi buông tiếng: "Anh Lộc!". Sau nhiều năm gặp lại, Hà vẫn là cô gái tự  tin, nhiều cá tính như thời tuổi nhỏ nhưng lịch lãm hơn, sâu sắc hơn, đằm thắm hơn.

        Ngay buổi chiều hôm đó, tôi và Hà hẹn gặp nhau trong quán càphê vườn vùng ngoại ô yên tĩnh. Qua cuộc gặp này, tôi mới biết quãng đời đã qua của Hà cũng lênh đênh chìm nổi. Tôi rời quê chưa đầy hai năm thì Hà theo mẹ lên thành phố Buôn Mê Thuột sinh sống - Cha của Hà là sĩ quan pháo binh chế độ Sài Gòn đang đóng quân trên đó - Tháng ba năm bảy lăm, Buôn Mê Thuột hoàn toàn giải phóng. Ba của Hà chết trận trên đường rút quân xuống Phú Yên. Miền Nam vừa giải phóng xong, theo chủ trương của chính quyền Cách mạng, dân trước ở đâu phải về lại nơi đó. Gia đình Hà phải trở lại Buôn Ma Thuột. Hà và cậu em trai được tiếp tục học tập. Với tư chất thông minh, chị em Hà năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Đến kì thi đại học, Hà đậu thủ khoa Sư phạm văn. Nhưng vì lý lịch có cha là sĩ quan chế độ cũ nên Ban tuyển sinh tỉnh không gửi giấy báo. Kì thi năm sau, Hà lại đậu thủ khoa trường Y. Lần này chính quyền phường xã không chịu cắt hộ khẩu cũng vì lý lịch! Thế là mọi ước mơ tan thành sương khói, tương lai mù mịt. Tinh thần cô gái trẻ đầy tràn mộng ước bị khủng hoảng, mất hết ý chí phấn đấu vươn lên. Đó là những ngày tháng bi đát nhất của đời Hà. Cuối cùng mẹ con Hà phải rời mảnh đất Tây Nguyên vào Cần Thơ sống với người cậu họ. Về Cần Thơ được vài năm thì mẹ Hà qua đời, Hà có trách nhiệm phải nuôi em ăn học. Hà nói giọng tự tin - Để có đồng tiền chân chính việc gì em cũng làm anh à. Phụ hồ, bán vé số, rửa bát nhà hàng, chạy bàn quán nhậu... làm tất, miễn là có tiền nuôi thằng em làm xong luận án tiến sĩ. Hà thở dài - Đời em học hành dang dở bởi cách nhìn nghiệt ngã của một thời đã xa. Thời này, em trai của em quyết phải đạt cho kỳ được những gì trước kia em hằng mơ ước. Hà trở lại giọng lạc quan, nụ cười ấm áp - Thấy em gian nan vất vả trong cuộc mưu sinh, bạn em giới thiệu vô làm tiếp thị cho một hãng bia. Thú thật với anh, lúc đầu em ngại lắm! Nhưng làm được một thời gian, em thấy nghề tiếp thị cũng lương thiện, cũng đáng quí như bao nghề khác. Xấu, tốt, nên, hư tại mình". Về đời sống riêng tư, Hà thản nhiên tâm sự: "Em biết tuổi xuân của mình đã qua rồi, qua lâu rồi anh. Gần ba mươi rồi, còn trẻ trung gì nữa! Nhưng không hiểu tại sao cho đến bây giờ em vẫn chưa hề yêu ai mặc dù đang có nhiều người rất tha thiết muốn đến với em. Hầu hết họ đều là những người có sự nghiệp vững vàng, có địa vị xã hội..."

          Đột nhiên tôi hỏi: "Hà còn nhớ câu chuyện chàng trai họ Trần và Công nương họ Vũ mà ông tôi ngày xưa thường kể?". "Vâng, em còn nhớ! Một chuyện tình dang dở. Nhưng khí phách của các cụ ngày xưa, chúng ta bây giờ thua xa! Rất xa". Cố lắm tôi mới nói được điều mình muốn nói: "Tình yêu của hai cụ họ Vũ -Trần không thành vì định kiến cá nhân, còn ngày nay, chúng ta là con cháu của các cụ..." Hà bỗng ngắt lời tôi bằng giọng cười trong trẻo, đưa tay phủ mặt, nhìn tôi qua kẽ tay, một thói quen ngày xưa, nay Hà vẫn giữ.

          Sau nhiều năm đi xa, chúng tôi về thăm quê cũ. Bộ mặt làng tôi ngày nay đã thay đổi hoàn toàn. Cái được quá lớn nhưng phải đánh đổi rất nhiều mất mát hy sinh không gì bù đắp nổi. Hơn một trăm người dân làng tôi đã lần lược ra đi vì cuộc chiến trong đó có các bạn tôi thời tuổi nhỏ. Riêng ba tôi may mắn được nguyên vẹn trở về làm thường dân. Rồi trong cuộc đấu tranh của dân làng yêu cầu một vị lãnh đạo tỉnh nghiêm túc thực hiện lời hứa với bà con trước đó, chính quyền nghi ba tôi là kẻ cầm đầu nên bắt giam gần 3 tháng. Mãn hạn tù được trả về, chỉ 3 hôm sau thì ba tôi đột ngột qua đời!

Con đường liên huyện đúc bê tông chạy ngang cắt làng tôi thành hai nửa. Dây dẫn điện lùng nhùng rối rắm mắc trên những cột tre khẳng khiu chay dọc hai bên đường. Xóm nhỏ có năm nóc nhà nằm thoi loi giữa cánh đồng mômg quạnh bị bom đạn san bằng nay trở thành sân bóng chuyền. Dinh làng với cây đa cổ thụ không để lại vết tích. Các cụm dân cư ngày càng nới rộng còn dòng sông quê mang nhiều kỷ niệm đã bị thu hẹp dần. Sân đình nay là khu chợ làng, chung quanh là những ki ốt kinh doanh đủ các loại dịch vụ như điện thoại di động, cho thuê áo cưới, karaoke, trò chơi điện tử, dịch vụ cầm đồ, quán nhậu lai rai….

Việc đô thị hoá nông thôn đã biến làng tôi, ngôi làng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành thành một thị trấn lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt bởi âm thanh của chốn thị thành. Nạn tranh nhà lấn đất, cướp tình, xù huê giựt hụi… dẫn đến bạo lực diễn ra hàng ngày trên cái thị trần còn nhếch nhác dấu ấn của thời chiến tranh làm tổn thương đến tình làng nghĩa xóm vốn đã gắn kết nhau từ rất lâu đời!

Văn minh hiện đại ngày càng len lỏi đến tận vùng sâu vùng xa làm thay đổi bộ mặt nông thôn nghèo nàn lạc hậu. Nhưng chừng mực nào đó, đã đẩy lùi nếp sống văn hoá đã được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử!

         Tất cả chỉ còn là kỷ niệm!

Đứng cạnh bến sông xưa nhìn về quá khứ, Hà bỗng quay sang áp mặt vào vai tôi, những giọt nước mắt nóng hổi hoài niệm về một thời đã xa.

 

Nguồn Văn nghệ số 11/2019

           

 


Có thể bạn quan tâm