April 26, 2024, 2:29 am

THƠ VUA VÀ TIẾP NHẬN THẨM MỸ

Bạn đọc và giới nghiên cứu biết đến Nguyễn Phước Hải Trung qua nhiều bài viết được công bố trên các diễn đàn khác nhau: từ bài viết đăng trên các báo đến bài nghiên cứu đăng tại các tạp chí, kỷ yếu hội thảo khoa học cũng như những công trình nghiên cứu văn hóa, văn học đã xuất bản và bây giờ là Thơ Vua & suy ngẫm. Phải nói rằng Nguyễn Phước Hải Trung hội tụ được một tinh thần làm việc đam mê và trách nhiệm, một tư duy khoa học sắc bén và một thao tác nghiên cứu logic khi tham gia khảo cứu và biện giải những vấn đề có liên quan đến từng nội dung cụ thể, từng sự kiện học thuật còn để ngỏ hoặc từng nội dung cần khẳng định lại hay các phát hiện mới... Chừng ấy phẩm tính đã minh định cho kết quả khoa học có giá trị của anh qua từng trang viết.

 Toàn công trình, có 23 bài khảo luận về thơ các vị vua triều Nguyễn, tuy dài ngắn khác nhau, nhưng đều toát lên tinh thần nghiên cứu công phu qua từng luận điểm, luận cứ và luận chứng với phương pháp tiếp cận được tuân thủ nhất quán là phương pháp phê bình văn bản học. Theo tôi, đây là chìa khóa đúng đắn và tối ưu nhất khi tham gia phê bình và đối thoại, nhất là với văn học chữ Hán và Trung đại - lĩnh vực cần phải tra cứu và liện hệ đến nhiều quan hệ bản chất và quan hệ tương tác (văn - sử - triết - mỹ) mới mong từng bước làm sáng tỏ vấn đề một cách tin cậy và thuyết phục. Đó là chưa kể đến yếu tố quan trọng nữa, ấy là trực giác nghệ thuật và sự đồng cảm văn chương qua từng thi phẩm. Khảo cứu thơ chữ Hán với bản chất gắn liền cùng với hệ thống điển cố, điển tích mang nhiều sắc thái ngữ nghĩa đòi hỏi tác giả phải làm chủ chúng một cách tối đa mới mong tạo ra sự đa dạng, linh hoạt trong việc phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ, sau đó là khám phá từng hình thức mang tính quan niệm của mỗi thi phẩm như anh đã suy nghĩ trong Khai từ: “Đọc thơ trước tiên thấy được cái tình, cái ý của tiền nhân lưu gửi vào mai hậu như đúng quan điểm về thơ của các vua, sau rốt là thấy hiện lên ‘những trang thi sử’ với xác tín hiển ngôn. Điều khiến tôi tâm đắc là từ các bài thơ này có thể ‘đính chính’ về một vài ‘nhầm lẫn cố hữu’ vốn đóng băng trong nghiên cứu lịch sử và văn chương thời Nguyễn cũng như thời Trung đại”. Đó chính là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt những trang nghiên cứu trong Chuyên khảo Thơ Vua & suy ngẫm mà tôi lấy làm tâm đắc và trân quý.

Ngoài hướng tiếp cận chính là phê bình văn bản học như vừa đề cập, thành công đáng ghi nhận nữa ở Nguyễn Phước Hải Trung, đó là anh đã linh hoạt trong từng đối tượng cụ thể để vận dụng những hệ hình lý thuyết phù hợp, nhằm phát huy được hiệu quả của các phương pháp nghiên cứu. Ở đây, nổi lên sự vận dụng tốt lý thuyết phê bình thể loại, ngôn ngữ học, thi pháp học, văn hóa học, văn học so sánh và so sánh văn học; có chỗ, anh liên hệ có chừng mực đến phương pháp sử học, liên ngành... đã làm cho những khảo cứu có tính linh hoạt, tránh được sự mệt mỏi và nhàm chán cho người đọc khi tiếp cận mảng văn học chữ Hán và Trung đại vốn đòi hỏi người đọc phải hội đủ nhiều yếu tố và nhiều tầm đón nhận khác nhau mới mong thỏa mãn nhận thức thẩm mỹ của từng chủ thể tiếp nhận.

 Nhờ sự vận dụng linh hoạt và phù hợp các phương pháp nói trên mà Nguyễn Phước Hải Trung đã thành công tối đa trong việc lý giải những bài thơ của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định... Từ đó, rút ra được mô hình sáng tạo, tư duy nghệ thuật cũng như tư tưởng triết mỹ và đặc điểm thi pháp nghệ thuật riêng của các vị vua triều Nguyễn. Qua cách lý giải các bài thơ của các vị vua nói trên, người đọc thấy hiện lên hình tượng những hoàng đế anh minh luôn nghĩ đến dân, đến nước, trọng nông, chăm lo cho triều đại lý tưởng; luôn nghĩ đến nhân đức và minh đức thông qua hành động tự răn mình, phê mình, “tiên ưu, hậu lạc” để quan lại và triều chính noi theo.

Các bài viết nói về lý tưởng triều đại qua việc sử dụng nhiều chữ “nhật” trong thơ hoặc việc xác định nội dung 4 bài thơ khắc trên điện Cần Chánh qua 2 tấm ảnh cũ hay bài thơ khắc ở vị trí trang trọng nhất trên Đại Cung Môn, Tử Cấm Thành cũng như vấn đề xác tín “cành vàng lá ngọc” qua một bài thơ... cũng đều được tác giả chuyên luận tra cứu, lật trở, luận lý một cách công phu từ cấp độ từ ngữ, điển cố và mô hình sáng tạo, sau đó mới đi đến đích nhận định. Cách tiếp cận văn bản học và các hệ hình lý thuyết bài bản như thế đã làm cho những kết luận luôn giàu sức thuyết phục.

 Các bài viết có tính minh định, bổ khuyết, đính chính và phản biện những nội dung còn để ngỏ hoặc cần khẳng định lại như: Từ “Quốc sử di biên” minh định lại tác giả một bài thơ, Đọc chùm thơ đề vịnh bốn mùa, bổ khuyết một bài thơ bị mất ở cổ diềm điện Thái Hòa, Nhân đọc bài thơ khắc trên chiếc nghiên mực của vua Thiệu Trị nói về “huyền thoại Tức mặc hầu”, Khát vọng tìm được Trạng nguyên qua bài thơ của vua Minh Mạng ban cho sĩ tử, Nghĩ từ bản “Truyện Kiều” chép tay của hoàng gia triều Nguyễn... cũng đều xuất phát từ phương pháp khoa học nhất quán - phương pháp văn bản học nói trên. Nhờ cách tiếp cận này mà những luận cứ, luận chứng đưa ra càng lúc càng sáng tỏ. Vì vậy mà qua 2 bài thơ giống nhau, tác giả đã minh định bài thơ Võ võ văn văn y cẩm bào là của vua Minh Mạng chứ không phải của vua Thành Thái. Cũng vậy, người đọc có lý để xác tín cùng Hải Trung việc vua Minh Mạng khát khao nước ta có được Trạng nguyên qua 01 bài thơ; từ đó, nhận thức lại rằng triều Nguyễn không hề đặt ra lệ “không lấy đỗ Trạng nguyên”. Và liên hệ đến “huyền thoại Tức mặc hầu” cũng thế, sự diễn dịch vô căn cứ và huyền thoại hóa một cái nghiên mực của nhiều người qua nhiều thời gian vô tình đã đẩy vấn đề đi xa với sự thật vốn có của đối tượng. Đóng góp của Nguyễn Phước Hải Trung là đã từ những chứng cứ lịch sử có thực để minh định, xác quyết vấn đề, làm “hiện lên một cách sinh động bóng hình của lịch sử, soi chiếu thêm vào sử liệu để thấy được những chân giá trị” (Khai từ).    

Chúng ta đều biết rằng, quan hệ giữa tác phẩm và người đọc luôn là mối quan hệ động. Nếu sáng tạo luôn mở ra quan hệ giao tiếp thì tiếp nhận lại luôn mở ra quan hệ đối thoại. Cứ thế, nhà phê bình tài năng phải biết biến tác phẩm văn chương vốn xuất thân là nghệ thuật thời gian trở thành nghệ thuật không gian bằng cách rút ngắn khoảng cách thẩm mỹ để thành đồng nhất thẩm mỹ sau mỗi lần đọc. Với Thơ Vua & suy ngẫm, Nguyễn Phước Hải Trung đã có ý thức tiệm tiến gần đến sự đồng nhất thẩm mỹ như thế.

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm