April 18, 2024, 11:21 pm

Thơ trên Facebook

Thế giới lướt rất nhanh trên mạng ảo là câu thơ viết lúc sinh thời của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong bài thơ Tổng thống. Hàng ngày, tôi vẫn lướt nhanh trên mạng ảo và thường dừng lại ở những bài thơ để chọn những câu thơ mà tôi thích. Có lẽ vì tôi yêu thơ và cũng để bổ sung vào cuốn Những câu thơ hay Đông Tây Kim Cổ (Nhà xuất bản Giáo Dục 2013) sắp tái bản của tôi.

“Đừng dày vò em, đừng đánh thức em/ Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước/ Thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau/ Em sợ những ngày trên thế gian thảm sầu...”  (Con thú). Tôi thực sự ngạc nhiên khi đọc bài thơ Con thú của nhà văn Như Bình. Cứ ngỡ Như Bình thả “Bùa mê” trong văn, ai hay Như Bình còn thả bùa mê trong thơ nữa. Nếu không lướt fb, làm sao biết được điều này.

Nguyễn Anh Tuấn một người thơ Phúng dụ đăng thơ thường xuyên trên Facebook, táp cả vào dòng thời gian của tôi, mới đây tôi có đọc một bài viết trên một tờ báo mới hay người thơ này đã xuất bản cả một tập thơ gần trăm bài Phúng dụ từ những đám mây (Nxb Hội Nhà văn, 2020): Những câu thơ như thế này của Nguyễn Anh Tuấn thật thích: “Chữ trỗi dậy loạt gà gáy/ Vang lên không trung những tia mặt trời... Sau đêm biếc kỷ niệm/ Những chồi non bỗng thức giấc thành người...”.

Đỗ Anh Thư và Hằng Thu là hai người thơ xuất hiện thường xuyên trên Facebook, nhiều câu thơ của hai người thơ này tôi thích: “Em cầm đôi đũa gỗ/ Múa vũ điệu tơ tằm/ Nhịp nhàng bàn tay nhỏ/ Kéo sợi dài trăm năm...” (Đỗ Anh Thư - Tơ Tằm). Còn Hằng Thu: “... Gối đầu lên những vu vơ/ Lòng tay đan những đợi chờ tóc mây...” (Gối đầu); “... Em ngồi nghe lá rơi mềm / Heo may trải nhớ bên thềm vàng mơ” (Bên hồ GƯƠM xanh).

Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều (Đồng nội Hoa) ở tận Cà Mau cũng thường xuyên đưa thơ lên Facebook: “... Phơi ngày tác phía cơn mưa/ Phơi đêm tách phía mình chưa là mình...”, lạ đấy chứ! Còn Vũ Tuyết Nhung thì viết: “Khi anh xé tan bức ảnh/ Em trốn vào phòng tối/ Nằm nghe âm thanh hỗn tạp qua mình...”, ấy là Vũ Tuyết Nhung đã thực sự là một nhà thơ…

Nhiều câu thơ của nhiều tác giả thường xuyên xuất hiện trên Facebook tôi đã chép vào sổ tay… Qua Facebook, tôi cũng được đọc những câu thơ của các nhà thơ quen biết như Phan Cung Việt: “Cả đời chẳng chịu nghe ai/ Đêm nằm nghe mọt giảng bài thế gian”; Phạm Hồ Thu “Sắc lá vàng thu và những ánh mắt nhìn”; “... Ta chỉ là ngọn cỏ/ việc của mình là xanh” (Nguyễn Sỹ Đại); “... Chiều tất niên mộng mị/ Bếp bay đầy tro than” (Trần Kim Hoa); “... Xót xa hỡi bày chi cơn đấu tố/ Mình với nhau cũng cát bụi thôi mà...” (Hoàng Xuân Tuyền); Ngô Minh (đã mất) thì có “Đêm mỏng dày trăng khuyết/ Đêm buồm căng gió tình”; Mai Văn Hoan “Rượu tình chưa ngấm đã say... Lưới tình đã mắc, đừng hòng gỡ ra”

Có những nhà thơ, nhà văn chưa lên Facebook, hay tôi chưa kết bạn được với họ, hay họ không đưa thơ họ lên, nhưng, tôi đã đọc những câu thơ hay của các nhà thơ này do những người yêu thơ đưa lên Facebook: “Tập như trái đất/ lặng thầm mà quay/ Tập như ánh trăng/ lặng im mà đầy” (Phạm Khải); “Cái nguyên thì vẫn còn nguyên/ Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan” (Trần Đăng Khoa); “Chúng mình bơi tìm nhau giữa biển nhu cầu/ Ta phải gạt như cầu ra để tiến lên trong nước/ Ta phải phun phì phì như cầu ra, không thì chết ngạt...” (Lê Anh Hoài); “Tôi mơ thành chó đá / Đứng canh chừng lãng quên” (Vương Cường); “Bốn bề thin thít lặng thinh/ Buồn vui thế thái nhân tình đều suông” (Võ Thanh An - đã mất); “Không chỉ ngã trên dây phòng tập hay trên sàn diễn/ Mà ngã ngay bên số phận mình...” (Vũ Từ Trang - đã mất)...

Thú vị nhất là tôi đã được đọc nhiều bài thơ của các nhà thơ, của những người viết trẻ đã từng đoạt giải “Tác phẩm tuổi xanh” do báo Tiền Phong tổ chức: “Chiều nay bỏ học tôi về/ Bố tôi quăng cái roi tre lên trời” (Nguyễn Vĩnh Tiến); “Khắc khoải chim kêu đời khổ nạn/ Còn ai ngồi rạng cội cây già...” (Lý Thành Tâm); “Ánh trăng qua tuổi la đà/ Buồn dâng lên ngọn cau già cuối đông” (Huỳnh Thạch Thảo), “Dép đi vào đêm/ Chân để lại thềm” (Trần Tuấn)...

Nhiều nhà văn, nhà báo mà tôi quen biết cũng có thơ trên Facebook. Tôi đã chọn những câu thơ hay (theo ý mình): “Ta đã nói quá nhiều điều cần nói/ Hãy để lặng im ngàn tuổi đá già/ Khi biết vậy, ta đã già hơn đá/ Khanh khách cười, nhìn nước gặm chân ta...” (Nguyễn Thế Hùng); “Em đi đi, em đi đi/ Để tôi chầm chậm chia ly với mình” (Nguyễn Huy Cường)…

Có khá nhiều người làm thơ, xuất bản thơ trên Facebook mà tôi không quen biết, nhưng tôi vẫn tìm thấy nhiều câu thơ mình thích: “Trời dâng lạnh trong cơn mưa/ Chiều hưu hắt ướt cho mùa tàn phai ...”; “Hỏi thăm gió, hỏi thăm diều/ Trời ôm đất ấy, còn thiêu thiếu gì...”; “Và chiều nay có người đàn bà chạy xe như điên/ Đến điểm hẹn của thời hai mươi tuổi...” (SallHà)...

Nhà văn, dịch giả Thái Bá Tân có lẽ là người có nhiều bài thơ trên Facebook được truyền bá nhiều nhất. Có hai bài thơ được đông đảo người đọc biết đến và gây ra nhiều tranh cãi nhất trên Facebook đó là bài thơ của cô giáo Lam ở Hà Tĩnh viết sau vụ Formosa và bài thơ  Xin đổi kiếp này của Nguyễn Bích Ngân, học sinh lớp 8A1trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Tĩnh), bài thơ của Bích Ngân khá dài, xin trích mấy câu:  “Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa ruộng đồng/ Thử nếm vị thuốc sâu, thử sặc mùi hóa chất/ Thử chịu bão giống, thử sâu rầy, khô khát/ Thử ngập mặn, triều cường, núi lửa, sóng thần dâng...”.

Bài thơ của một cô giáo dạy văn và một nữ sinh quả thực làm ta suy nghĩ rất nhiều. Nhiều người đề cao, khen hết lời, cũng có nhiều người coi đây chỉ là cảm xúc bức bối trước hiện tượng ô nhiễm môi trường trầm trọng, nó có tác dụng nhất thời, chứ chưa phải là những bài thơ hay theo đúng nghĩa là thơ. Gần đây, còn có bài thơ nhại lại một bài thơ nổi tiếng Hai sắc hoa Tigôn của TTKH... phải chăng đó là hiện tượng bình thường trên mạng xã hội?! Điều đáng nói là người chơi Facebook, người đọc các bài thơ, cũng như các thông tin khác trên mạng, thiển nghĩ, phải chắt lọc rất nhiều... Trên mạng xã hội, người ta có quyền xuất bản và chúng ta cũng có quyền chắt lọc, lựa chọn...

Xưa, một viên quan cai trị xứ ta thời Pháp nói rằng: Trong mỗi con người Việt Nam có một ông quan và một nhà thơ! Có người cho là đáng lo cho nền thơ ca, có người nói có sao đâu. Nhiều kẻ tham nhũng, lãng phí, lười biếng... mới đáng lo chứ. Vấn đề là ở chỗ các nhà xuất bản, các tòa soạn báo chỉ nên xuất bản những bài thơ hay, nếu không thật giả lẫn lộn thì có hại cho nền thơ nước nhà. Riêng tôi thiển nghĩ, chỉ những người làm thơ để khoe mẽ, để làm cái cớ tiến thân... là có hại thôi. Còn làm thơ là một nhu cầu chính đáng để giải tỏa tâm tư, để tìm tri âm tri kỷ và thơ cũng chính là một trong những cứu cánh của con người. Và, nếu coi mạng xã hội Faceboock như là một tờ báo, thì đây là tờ báo lớn nhất hành tinh với trên một tỷ người đọc, cho nên xuất bản thơ trên Faceboock bây giờ phải chăng là nơi có nhiều người đọc nhất?!

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2021


Có thể bạn quan tâm