April 25, 2024, 1:17 am

Thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên Vó ngựa buồn rớt xuống chiều phai

Thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên mang đến một giọng điệu lạ, như những cung trầm của phía bên này giăng mắc, nhưng lại cố vượt thoát sang phía khác, phía của những khát khao yêu thương mà đời thì chật chội cưu mang.

Không cố tỏ ra trải đời, không cao đàm khoát luận, thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên cá tính và nữ tính, hơi thở cuộc sống đến từ những câu chuyện, xúc cảm mơ hồ và hơn hết là thái độ trân quý nâng niu từng thời khắc đó. Viết cho chính mình, cho những nỗi u hoài thường trực và một cảm thức về sự cô đơn, ranh giới giữa những yêu thương và hụt hẫng lại càng mỏng manh: Khóc/ rồi lại nồng nàn trỗi dậy khao khát được yêu thương da diết con đường vẫn heo hút cây cỏ lan ra ngoài vướng vít bông hoa dại nhàu gai níu áo người qua/ lối nhỏ/ kiếm tìm/ một lần dừng lại/ nửa đời… (Kiếm tìm).

Người đàn bà kiếm tìm tình yêu, rồi tự kể chuyện đời mình, tự hóa thân vào những vui buồn đắng đót mà khám phá ra cái thiên đường hạnh phúc hay địa ngục khổ đau. Những tự sự, độc thoại ấy có lúc không còn là chuyện của riêng một thân phận yêu. Nó là một diễn ngôn mang ý thức nữ quyền, tự giải phóng bản thân, tự xác lập một cái tôi cá thể…

Trần Hoàng Vũ Nguyên bày biện trong thơ mình nhiều động tính từ, dường như chủ đích xếp đặt cạnh nhau như một bản hợp âm của cuộc sống mong mỏi những tiếng lòng đồng vọng: khi hoang hoải trong một đêm mưa nguồn, khi xa xót kiếm tìm gom lá thông kim muốn níu ngày tháng cũ, khi gọi ngày khản giọng bên đồi vắng, khi soi gương cho tiếng thở dài biết con đường về ngút ngái… và dù ở cung bậc nào cũng phảng phất hình ảnh một kẻ lữ hành đơn độc mang trong mình nhiều khát khao.

Sắp hành trang bằng nỗi niềm trắc ẩn, ao ước là mây bay qua núi đồi, nhưng “con ngựa núi với trái tim lửa” vẫn miệt mài yêu, lặng lẽ gặm nhấm nỗi cô đơn nhìn con thuyền ra khơi mà tự nhủ “hãy cố mà… đừng yêu nhau”.

Hai tập thơ Ngựa núiHồi chuông khát đều thổn thức một niềm yêu tận hiến nhưng cũng nhiều e sợ, hoài nghi. Đã có lúc người đàn bà ấy cố công nhào nặn yêu thương, quẫy đạp tìm về một miền lấp lánh nhưng rồi cứ hướng tâm bão mà đi, mà trần trụi đương đầu. Bởi thế, thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên có khi khiến người ta chạm vào những đắng chát kể cả lúc thăng hoa, nhưng cũng có khi xui người ta hoài nghi cả trong những thời khắc hạnh phúc, bởi nó quá mong manh:

Hạnh phúc run rẩy chứa vào nghẹn đắng

cưu mang nỗi đau mặc định trên con thuyền không chở được ước mơ

 một lần anh vượt qua anh – em vượt qua em để gặp chính mình

trong ánh sáng tột cùng nỗi đau là hạnh phúc.

(Những ngôi nhà)

Càng ở quá trình sáng tác sau này, hình ảnh thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên ngày càng táo bạo hơn, quyết liệt hơn. Không còn là những cơn mê dài lẩn khuất nỗi khát khao đồng vọng mà le lói, có lúc bứt phá khỏi cô đơn để tìm một miền sáng: 

Người đàn bà giật tấm hình quẳng vào lửa

lửa cháy bùng sôi mắt đỏ

thổi Đinh đuk huyền bí như thổi lửa khát mê

lặng lẽ chờ người đàn ông sau cuối của đời mình

Cuộc cờ

ẩn số trắng phau.

(Đợi)

Đã có lúc rực sáng muốn bung phá khỏi sự cầm tù của thụ động nhưng rồi lại tự mâu thuẫn. Cũng từ đó, thơ chị dường như nhiều chuyển dịch hơn:

Mai về đồi cỏ cháy (…)

Mai em đi…

Một mình em dưới vòm nắng nghe mùa chuyển dịch

Chuyển động tròn đều – gặp gỡ rồi quên?

(Trước ngày mai)

… trôi theo dòng sông

về ngụ cư cùng nỗi đau

buồn – vui nép vào nhau cho vơi lạnh

vất tất cả giọt mặn để nhòa môi ấm

định hình một giấc mơ.

Thuyền em vượt thác.

(Phía dòng sông)

Dù tâm thế như sẵn sàng đương đầu với cuộc đời nhiều bão tố thì vẫn không giấu được nỗi đa đoan, yếu đuối rất đàn bà: Những khao khát muộn màng/ dẫu kiệt sức vẫn không bao giờ kết thúc giấc mộng/ phẳng phiu ấm trong tay người (Vỡ) và lại ước ao tận hiến trong tình yêu: Rồi một ngày gạch ngói trả đền thiêng/ hoài nghi anh đưa cô đơn em về bến cũ/ ngậm hạt nhớ nẩy mầm (Tận hiến).

Trần Hoàng Vũ Nguyên nhiều lúc muốn trốn vào quá vãng với những yêu thương với góc phố mù sương, con đường mưa bụi, tiếng ầu ơ của mẹ, tiếng ồ ề giận dữ của ba để đi qua những trắc trở trong đời, nhưng tất thảy không níu kéo được nỗi niềm đắng đót phía sau những cuộc tình, những chiêm nghiệm. Hành trình đi ấy, từ mộ địa im lìm/ người thiếu phụ tìm về cõi sống/ hành lễ với nhân gian! (Thiếu phụ và Trăng). Có lẽ Ngựa núi gói gọn được những tâm sự của người đàn bà đa đoan, với ngôn từ khô rụng, vụn vỡ của đau thương rời rạc, cộng hưởng với nhạc điệu khi dồn dập, khi suy tư của tâm trạng:

Đêm dài đời rung khát vọng

giật phắt lên bằng tất cả sức tàn

hít căng ngực gió

bỏ mặc yên cương

bỏ ngày hệ lụy

tung bờm nước đại

phía trời xa

                   nắng

                          gió

                               cỏ

                                   ngày.

Tạo được ấn tượng bởi những trải nghiệm về lẽ đời, những tung phá trong xúc cảm, và điểm mạnh để biểu đạt điều đó nằm ở sự lựa chọn thể thơ tự do nhiều phóng túng, thơ năm chữ, lục bát của chị lại chưa tạo được những nét đặc sắc, đây đó sáng lên những tứ lạ: Ta ngày đêm mê sảng/ Thực – mộng chắn đời nhau (Mỏi mòn).

Nét chiếm cảm tình của thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên cũng không phải ở ngôn từ, dù có những lúc chị dụng công để tạo nên những cách kết hợp riêng:

- Em vẫn biết

những muộn mằn sâu thẳm

Trót đi chung một quãng đường dài

Bóng xưa đổ

bên kia đời lạ lẫm

Vó ngựa buồn rớt xuống chiều phai.

(Thầm lặng)

- lá ướt

long lanh xanh

lẫm chẫm niềm vui

khuynh đảo khúc con người.

(Giấc mơ xuân)

Sức cuốn hút nhất của thơ chị đến từ giọng điệu. Nó thể hiện được cá tính sáng tạo của riêng tác giả, một chất giọng rất đàn bà, được kiến tạo từ niềm hoài vọng về một tình yêu tuyệt đích. Không cố công triết lý về tình yêu và phận người, cũng không tỏ ra trải nghiệm lẽ hiện sinh, dấu ấn trong thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên đến từ bản năng, từ sự đau đáu tận cùng. Trong một thế giới vắng hay hiếm hoi niềm vui, người đàn bà nhiều ưu tư kia luôn chấp chới trong trạng thái vừa chiếm lĩnh vừa tách rời hiện thực, một hiện thực nhiều ngã rẽ: Những linh hồn bơ vơ lạc lối/ lặng lẽ kiếm tìm nhau/ đơn độc/ đêm chúa giáng trần (Trầm khúc đêm đông).

“Bài thơ không chỉ là một hình thức văn chương mà là nơi hội ngộ giữa thơ và người” (Octavio Paz). Trần Hoàng Vũ Nguyên viết khi đã thấy “cái phù du của kiếp người – cái bi đát của cuộc sống – cái mong manh của tình yêu cùng những lạc lõng nhiều ẩn ức trong vô vàn hệ lụy”1. Tựu chung thơ chị nhiều nỗi buồn, như những dự cảm của một người đàn bà đã trải giông gió, ám ảnh cô đơn chông chênh không cần tìm nơi san sẻ, bởi thế, mâu thuẫn dùng dằng trong tâm trạng khiến những câu thơ của chị cũng ngập ngừng, rối bời theo dòng xúc cảm. Để cắt nghĩa, lại phải dùng những suy tư của một tâm hồn đồng vọng, có lẽ, cũng cô đơn? 

_________

1 Thay lời tựa tập Hồi chuông khát, Nxb. Hội Nhà văn, 2011.

Nguồn Văn nghệ số 47/2021


Có thể bạn quan tâm