March 29, 2024, 5:18 pm

Thơ Tố Hữu: Khát vọng và hạnh phúc của nhân dân

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tố Hữu là một sự kiện văn hóa lớn. Vì ông đã tham gia quá nhiều vào cuộc đời của mỗi chúng ta. Vì chúng ta quá quen có Tố Hữu trong mỗi chặng đường của cách mạng. Và vì Tố Hữu không chỉ cần thiết cho quá khứ mà còn rất cần thiết cho hiện tại và tương lai. Thơ của ông là tiếng hát thiết tha, nóng bỏng và ngọt ngào vì độc lập tự do và hạnh phúc của con người.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm.                                                   Ảnh: HỮU ĐỐ

 

Năm 1938, Tố Hữu công bố bài thơ Từ ấy. Lúc đó Thơ Mới đang lên, cuốn hút những tài năng lớn nhất của thơ ca tiền chiến, tạo nên một thi đàn tráng lệ trước sự chiêm ngưỡng, trầm trồ, sung sướng của hàng vạn trí thức và lớp thanh niên đang miệt mài Âu hóa. Thời thế là như thế. Ấy vậy mà Tố Hữu, và chỉ có một Tố Hữu, lặng lẽ và can đảm rẽ sang một lối khác, quyết liệt làm nên một thế giới khác, một vẻ đẹp khác, một sức mạnh khác. Tôi bỗng nhớ đến một câu nói của một học giả phương Tây. “Đại bàng và mãnh sư thường đi một mình”. Tố Hữu là như vậy. Ông đọc kỹ Thơ Mới, đọc vượt lên tận cái nguồn của Thơ Mới là thơ ca lãng mạn Pháp, và ông còn đọc rộng ra thêm nữa. Với tất cả cái vốn ấy, đủ làm ông tự tin để tách hẳn quỹ đạo Thơ Mới, làm nên một quỹ đạo thơ khác, khác hẳn, đó là thơ cách mạng, một nền thơ chưa từng có. Một sự bổ sung vinh quang cho thơ ca Việt, giữa cuộc tiếp xúc hai chân trời Âu - Á. Tôi thử tìm hiểu Tố Hữu chịu ảnh hưởng của làn sóng nào: Câu trả lời là Phương Đông, dân tộc. Truyền thống thi ca dân tộc. Đó là xu hướng nhập thế. Nhập thế là cao vọng của Nho gia. Đó cũng là lý tưởng của Phật gia. Tôi đã đến Bồ đề đạo tràng bên đất Ấn. Bên cạnh gốc cây bồ đề đại thụ của tâm linh, người ta chỉ cho tôi những dấu chân do dự, ngẫm nghĩ trước quyết định ra cứu đời của Đức Phật Tổ. Tố Hữu kéo vương miện của thơ ca làm chiếc nón nơi cày cuốc. Làm vành mũ nơi chiến trường. Từ ấy là một tập thơ nội dung một trăm phần trăm và nghệ thuật một trăm phần trăm như ý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi đọc lại với sự kinh ngạc. Không thể tưởng tượng một thư sinh chưa đầy hai mươi tuổi lại có thể chín sớm như thế về mặt lý tưởng và điêu luyện như thế về mặt nghệ thuật.

Chỉ riêng một Từ ấy đã đủ để làm nên một sự nghiệp thơ ca lớn của Tố Hữu. Và nền thơ cách mạng có thể tự hào xem Từ ấy là pháo đài vinh quang, là trận thắng mở màn của thơ ca cách mạng. Ở đó, ta bắt gặp biết bao giục giã nồng nhiệt của một người say lý tưởng, bắt gặp niềm trắc ẩn của một thi nhân cúi xuống những cuộc đời hèn mọn, khổ đau và rách nát; ta thấy tình yêu và khí phách của những người cộng sản; và ta thấy một vẻ đẹp thi ca bừng sáng lên “ở những chỗ không ai ngờ nhất”. Cũng cần nói thêm rằng, để viết những vần thơ ấy, chỉ có tài năng và nhiệt huyết không đủ, mà còn cần một sự dũng cảm. Nhà thơ bất cứ lúc nào cũng có thể bị vào tù và thực đã bị cầm tù, bị tra tấn dã man vì những bài thơ yêu nước của mình.

Sau Cách mạng, Tố Hữu tiếp tục đi tiên phong nồng nhiệt chào đón chế độ mới và luôn đặt tâm thế sáng tạo ở trung tâm của những chuyển động lịch sử dồn dập của đất nước. Ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội và Lễ tuyên ngôn độc lập ở Hà Nội thật vĩ đại. Ngày tổng khởi nghĩa Sài Gòn cũng rất vĩ đại. Ở cả nước rất vĩ đại. Ở đó, có rất đông các thi nhân đi dưới cờ. Nhưng chỉ có ở Huế, với Tố Hữu, chúng ta mới được nghe những câu thơ xuất thần hào sảng, như thế này:

Ngực lép bốn nghìn năm trưa nay cơn gió mạnh

Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời

Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi

Ha. Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ

Gió ơi gió hãy làm giông làm tố

Cuốn tung lên cờ đỏ máu thêm tươi

Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!

Thơ Tố Hữu là một pho sử thi rộng lớn về đất nước và con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại và công cuộc tái thiết sau chiến tranh. Mọi sự kiện của đất nước đều trở thành sự kiện của tâm hồn ông, kết đọng trong những trang thơ vừa lay động vừa khái quát. Đó là một kỳ tích mà không một thi sĩ nào cùng thời có thể đạt tới được. Không một thi sĩ nào có khả năng bao quát cục diện đất nước với cái nhìn toàn cảnh rộng lớn và sâu sắc bằng Tố Hữu. Nhà thơ nắm bắt tài tình xu thế của lịch sử, dòng chủ lưu của đời sống đến các sự kiện có tính cắm mốc cho từng giai đoạn. Với Tổ Hữu, sông núi đã hóa thành văn, biết bao tên đất tên người đã trở nên bất tử. Đó là một tài năng hiếm có về tình cảm hóa lịch sử, tình cảm hóa chính trị. Đất nước trong một con người, nhân dân trong một thi sĩ. Đó là Tố Hữu.

Thơ Tố Hữu là biên niên sử tâm hồn của một nhà thơ lớn. Với ông, cách mạng đã tìm thấy một tinh hoa thơ ca xuất chúng với một giọng lĩnh xướng tài hoa đủ sức biến những vấn đề sinh tử của dân tộc thành khúc ca tâm tình của mỗi cá nhân. Khi ông cất lên:

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người sống để yêu nhau

 thì người ta có thể xem đó như một tuyên ngôn chính trị, và cũng có thể là một tuyên ngôn nghệ thuật. Đã có biết bao nhiêu yêu mến dịu dàng ông gửi cho từng ngọn cỏ, gốc cây của Tổ quốc, cho mỗi tên xóm tên làng, cho những con người  vô danh, cho biết bao cặm cụi đời thường. Với Tố Hữu, nhân dân đã tìm thấy nhà thơ của mình, người có khả năng như vô tận nói lên những khát vọng mãnh liệt của biết bao cuộc đời giản dị và cao cả.

Trong thơ Tố Hữu, Tổ quốc và nhân dân hòa làm một. Khi ông tìm thấy mặt trời chân lý cũng là lúc ông nhận lấy sứ mệnh Tôi buộc lòng tôi với mọi người/ Để tình trang trải với muôn nơi. Tổ quốc và nhân dân là nguồn cảm hứng mãnh liệt nhất, sâu nặng nhất, và thiêng liêng nhất trong suốt cuộc đời ông. Tình cảm đó theo ông cho đến giây phút chót của cuộc đời.

Tạm biệt đời yêu quý nhất

Còn mấy dòng thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

Sống là cho, chết cũng là cho

 Thơ Tố Hữu là tâm tình mật thiết giữa lãnh tụ và nhân dân, nguồn sức mạnh vô địch của cách mạng. Ông đã phát hiện ra sự thay đổi lớn lao mang tính cách mạng sâu sắc trong mối quan hệ giữa lãnh tụ và quần chúng:

Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta

Ta bỗng lớn ở bên Người một chút.

Không một nhà thơ nào viết nhiều, viết hay và xúc động về Bác bằng Tố Hữu. Mỗi bài thơ của ông là một sự tiếp cận bừng sáng và một sự khái quát hình tượng Bác vô cùng lớn lao và gần gũi, vô cùng chân thực và xúc động.

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Thơ Tố Hữu có sức chinh phục lớn lao, từ người trí thức, đến những người dân quê bình thường, từ các cán bộ cách mạng đến những chiến sĩ ngoài mặt trận, những người đồng chí những người đồng sự, lớp thanh niên đang lớn lên và những người từng trải, mỗi người đều bắt gặp mình trong thơ của ông. Người ta truyền miệng cho nhau, người ta chép thơ vào sổ tay, thơ ông đi vào những lá thư người yêu gửi người yêu, đồng đội gửi đồng đội. Tố Hữu đã chứng minh khi thơ ca trở thành đồng điệu, đồng chí, đồng tình thì nó có sức sống vô tận trong lòng người như thế nào.

Tố Hữu là người hướng dẫn tinh thần, người tổ chức, người tiên phong của nền thơ cách mạng. Sự phát triển của mỗi tài năng mỗi nhà thơ có phong cách, giọng điệu riêng của mình. Nhưng vai trò và ảnh hưởng của Tố Hữu không ai có thể phủ nhận được.

Một trăm năm, Tố Hữu như một ngọn núi lớn, thời gian càng lùi xa càng thấy cao. Ông là một sự kết tinh đẹp đẽ của nền thơ ca cách mạng với những tố chất truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân văn. Tố Hữu đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một tinh hoa văn hóa kết tinh những phẩm chất cao đẹp của dân tộc và thời đại.

Hà Nội 8/8/2020

Nguồn Văn nghệ số 43/2020


Có thể bạn quan tâm