April 20, 2024, 6:57 am

Thơ tình viết ở tuổi 80

 

Nhà thơ Mai Phương là một cộng tác viên thân thiết của báo Văn nghệ. Nhiều năm qua ông luôn là người đồng hành tích cực với tờ báo trong nhiều công việc, nhiều hoạt động của báo. Đã ngoài 80 tuổi nhưng Mai Phương luôn là một người có trái tim trẻ trung, đôn hậu xông xáo, nhiệt tình và vui vẻ.

Ông luôn được anh em trong tòa soạn xem như “người nhà”. Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây sức khỏe ông có phần giảm sút, đi lại chậm chạp, nói hơi run, ấy vậy mà có công việc gì ông vẫn cùng lái xe riêng dậy từ 4 giờ sáng để đi từ thành phố Hạ Long lên Hà Nội xử lý công việc, có khi 8 giờ đã xong và quay trở về Quảng Ninh. Lần gần đây nhất gặp anh em ở báo Văn nghệ, ông vẫn nói chuyện hài hước và thều thào bảo - “sắp đi rồi các ông ơi, mới 18, 28 tuổi đó mà bây giờ đã 78 rồi…”. Mọi người nghe đều cười vui vẻ bởi sự hài hước cố hữu của ông. Nói 18, 28, 78 là ông nói ngược lại số tuổi của mình, chứ năm nay ông đã 87 tuổi rồi, cũng là quá thọ rồi, chẳng có gì phải tiếc nuối. Mấy người ở tuổi đó mà có được sự trẻ trung, vui tươi, đi lại xông xáo như ông…

Bữa đó ông gửi lại cho anh em tòa soạn một bài thơ dài viết tặng vợ, kèm theo một lời nhắn nói vừa bị một cơn bệnh nặng phải nằm viện. Bài thơ như một lời tri ân của người gần đất xa trời dành cho người đã đầu gối tay ấp, chăm lo cho ông suốt mấy mươi năm sống cuộc đời vợ chồng. Báo Văn nghệ quyết định in bài thơ này của nhà thơ Mai Phương như một lời chia sẻ với ông trước tình cảm chân thành ông dành cho người vợ thân yêu, vừa như lời cảm ơn nhà thơ Mai Phương đã luôn luôn nhiệt tình với tờ báo trong rất nhiều hoạt động suốt bao năm qua. Và qua đây cũng muốn nói thêm đôi chút để độc giả hiểu thêm về nhà thơ Mai Phương.

Nhà thơ Mai Phương tên thật là Lê Viết Thuận, người con của Phú Yên. Năm 17 tuổi, ông vừa cầm súng đánh giặc tại quê nhà, vừa tập cầm bút viết báo và làm thơ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Lê Viết Thuận tập kết ra miền Bắc, về Bộ Công nghiệp nặng công tác tại vùng than Hồng Quảng (Sau này là Vùng than Quảng Ninh). Công việc chính là lao động xây dựng nên nền công nghiệp Xã hội chủ nghĩa, nhưng, thơ ca vẫn xâm chiếm tâm hồn Lê Viết Thuận. Vì đam mê văn chương ông đã từng xin nghỉ việc, xin ra khỏi biên chế để theo học viết văn. Cả một đời trăn trở với thơ, lăn lộn viết văn viết báo, cả một đời gắn bó máu thịt với vùng than với những người công nhân mỏ đã giúp cho Mai Phương hình thành nên một giọng điệu trong ngòi bút của mình, có thể chưa thật xuất sắc nhưng không nhạt và đã tìm được độc giả của mình. Ông cũng từng được các nhà thơ Xuân Diệu, Chế Lan Viên phát hiện, động viên làm thơ. Có lẽ Mai Phương không phải là ngòi bút tiêu biểu của vùng mỏ nhưng ông xứng đáng là một nhân vật tiêu biểu của mảnh đất này bởi tấm lòng và sự gắn bó với vùng than và những người thợ mỏ, cho dù đó không phải là quê hương bản quán của ông.

Thơ của Mai Phương, đặc biệt là những bài thơ viết về Bác Hồ, từng khiến cho người đọc xúc động, thấy được cái tình của của tác giả. Có thể nói ông là một trong những nhà thơ thành công khi viết về Bác Hồ, một đề tài tưởng dễ nhưng lại rất khó. Viết về Bác nhưng đã chạm được vào nỗi lòng của nhân dân, của thời cuộc… Bài thơ để đời của Mai Phưng về đề tài này là bài Thế gian này chỉ có Bác mà thôi, trong đó có những câu gan ruột:

Con không nói được gì về Bác nữa đâu

Có bao điều về Người

          nhân loại trên hành tinh đều nói hết

Con chỉ còn biết khóc

Khi thấy Bác mặc quần đùi hành quân và vừa đi vừa phơi áo...

Vậy nên có người nói, đọc Mai Phương ta có thể quên câu quên chữ để thấy được tấm lòng…

Mai Phương cũng có nhiều bài thơ tình rất hay ví như bài: Em Gái Trung Hoa, Không em… Thơ tình Mai Phương được viết bởi một tâm hồn tinh tế, một trái tim yêu say đắm dễ rung cảm trước vẻ đẹp, nhưng lại kết hợp với những trải nghiệm cuộc đời nhà thơ nên thơ không chỉ tạo được sự hấp dẫn mà còn sâu sắc khiến người ta nhớ lâu.

Không sinh ra trên mảnh đất Quảng Ninh nhưng chính tại đấy nhà thơ Mai Phương đã tìm thấy thổ âm của mình. Cả một đời đi tìm các nhân vật để đưa vào tác phẩm và giờ đây Mai Phương cũng trở thành một nhân vật của vùng đất đó. Mai Phương đã góp một phần nhỏ bé của mình để viết nên lịch sử vùng đất mỏ bằng văn chương. Và ông đã chọn cho mình được vùng đất để sống và để viết. Về điều này có thể nói, nếu không có vùng mỏ thì không có Mai Phương…

Văn nghệ số 39/2019

 


Có thể bạn quan tâm