April 26, 2024, 4:41 am

Thơ thời chiến - Tình yêu, niềm tin và sức mạnh

 

Một nét ý nghĩa văn hóa của văn chương là tạo ra niềm tin trong xã hội. Đọc một tác phẩm (dù có thể nói cả về cái xấu, cái ác) người ta thấy tin vào tình người, yêu đời hơn để vươn lên khỏi cái tầm thường mà sống đẹp hơn. Hiểu theo nghĩa này thì thơ thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước rất đậm giá trị văn hóa.

Tình yêu thời nào cũng tỏa sáng nhưng ở thời chống Mỹ, hòa vào không khí xã hội hừng hực lý tưởng thì tình yêu tỏa sáng bội phần. Thế nên hình tượng ngọn lửa cứ cháy mãi trong thơ Xuân Quỳnh: “Tình yêu như tháng năm/ Mang gió nồng nắng lửa/ Anh hãy là đầm sen/ Anh hãy là phượng nở” (Tháng năm). Hình tượng mặt trời, hoa mặt trời tỏa ánh sáng niềm tin, tỏa hương lý tưởng trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Dù bão lớn có làm nghiêng trái đất/ Thì mặt trời vẫn mọc giữa lòng ta" (Những người yêu); "Nhớ lời anh dặn/ Dù gió mưa thét gào/ Dịu mềm mà rắn rỏi/ Hoa mặt trời vươn cao” (Hoa mặt trời) ...

Tình yêu là cá nhân, là riêng tư. Thơ tình yêu thời kháng chiến chống Mỹ đã kết hợp hài hòa cái cá nhân riêng tư với cái cộng đồng tạo ra một cặp hình tượng đặc sắc chỉ có ở thời này là cặp hình tượng: Người yêu-đất nước, quê hương: “Anh yêu em như yêu đất nước” (Nhớ-Nguyễn Đình Thi); “Mặt em là quê hương” (Mặt quê hương-Tế Hanh); “Em chính là quê hương ta đó” (Trở về quê nội-Lê Anh Xuân)... Hòa vào cái chung, hòa vào quê hương đất nước nên tình yêu trong vắt của suối nguồn sử thi ấy tạo ra một cặp phạm trù chung-riêng độc đáo.

Bay trên đôi cánh chung-riêng nên con chim tình yêu làm đẹp, sinh động thêm bầu trời quê hương. Cũng vì thế mà thường xuất hiện các cặp hình tượng tương ứng, như trong thơ Chế Lan Viên: “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét/ Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng/ Như xuân đến chim rừng lông trở biếc/ Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” (Tiếng hát con tàu). Đoạn thơ diễn tả thật hay nỗi nhớ như một thuộc tính của tình yêu qua cách dùng cặp hình tượng không tách rời: Đông/rét. Không rét sao có thể gọi là mùa đông cũng như không nỗi nhớ thì sao gọi là tình yêu được. Tình yêu thật đẹp, thật quý “như cánh kiến hoa vàng”. Tình yêu luôn đem lại điều mới mẻ với bao hy vọng ước mơ “Như xuân đến chim rừng lông trở biếc”. Say đắm và sâu sắc như vậy thế mà vẫn tỉnh táo trí tuệ để có một câu cuối: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” thấm đẫm tinh thần ý thức công dân cao cả!

Viết về tình yêu đắm say, nồng nàn, rất riêng tư nhưng cũng thật lý tưởng, rất chung, dù yêu nhau tha thiết thế nào, đẹp thế nào thì vẫn cứ ý thức tình yêu của chúng mình nằm trong tình yêu quê hương đất nước: “Đời đẹp thế, đời chiều ta đến thế/ Anh yêu đời, càng tha thiết yêu em/ Còn có gì tách được nỗi chung riêng” (Cảm ơn tình yêu và cuộc sống-Bằng Việt). Hãy sống lại cuộc sống ở cái thời đó, phải nhập hồn mình vào lý tưởng của cái thời đó may chăng mới nắm được tinh thần thơ ca thời đó: Trong sáng, nồng nàn, lý tưởng.

Cũng phải đặt tác phẩm vào bối cảnh lịch sử mới có thể hiểu sâu hơn cái kết bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh mà nếu cắt đi, bài thơ vẫn hay nhưng có nó thì bài thơ mới trọn nghĩa, mới rõ cái chủ đề tình yêu riêng hòa vào tình yêu chung: “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ”. Chung riêng mà vẫn sâu sắc da diết: “Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Thơ hôm nay, viết về tình yêu, chỉ riêng “ta với ta” đấy, có nhiều những câu hay hơn, mê đắm, khắc khoải đến tận cùng được như thế không?

Tình yêu là sự hóa thân, nhập thân. Thời kháng chiến chống Mỹ, những người yêu nhau nhập thân vào trong nhau rồi cùng nhập tình yêu vào đất nước. Đất nước hóa thân vào tình yêu hay tình yêu hóa thân vào đất nước thật khó phân biệt: “Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất Nước là nơi ta hò hẹn/ Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Tình yêu nhắn nhủ tình yêu, nguyện thề gắn bó với đất nước: “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời” (Mặt đường khát vọng-Nguyễn Khoa Điềm). Thơ nói lên tâm trạng một thời là thơ để đời. Thơ nói lên mẫu số văn hóa chung của con người mọi thời là thơ muôn đời. Những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm có thể chưa là của muôn đời nhưng chắc chắn sẽ sống ở nhiều thời vì nói lên được cái phẩm tính văn hóa của con người phải biết gắn bó và chia sẻ, biết hóa thân vào đất nước. Vì chẳng có một ai sống ngoài đất nước của mình. Nhất trong chiến tranh, tất cả phải đoàn kết thành một khối thống nhất để chống lại kẻ thù hung bạo hơn ta gấp bội lần.

Nằm trong quy luật nhập thân và hóa thân nên, như dải ngân hà, các vì sao tình yêu lấp lánh ở nhiều nơi, mọi nơi trong không gian Tổ quốc: “Trời lên màu trời/ Cây khác màu cây/ Nhưng đây phút giây/ Nắng lên đầy chiều/ Một điều không khác là lòng anh yêu” (Vẽ-Vũ Quần Phương). Hóa thân vào mùa xuân: “Đất như cô gái yêu/ Giấu bao điều chưa nói/ Bỗng nhú những mầm non/ Khi nghe mùa xuân gọi” (Lâm Thị Mỹ Dạ)... Hóa thân vào sóng, biển, gió, mưa: “Biển hay tình em đó/ Gọi lòng anh bay xa” (Xuân Quỳnh); “Em cũng giống như cơn mưa, như trận gió lúc sang hè/ Làm thức tỉnh hồn tôi nhiều biến động”; “Tình yêu như cánh gió không bờ; Em đã đến như một mùa gió lộng” (Bằng Việt); “Chúng mình như sông vì bãi bờ mà bồi đắp.../ Phóng khoáng như gió trời” (Phan Thị Thanh Nhàn)... Niềm dâng hiến muốn đến tận cùng nên phải hóa thân vào bầu trời thật rộng lớn: “Anh trở về, trời xanh của riêng em” (Xuân Quỳnh); “Một màu trời kỳ lạ/ Sáng lên từ hai ta” và “Em-màu trong suốt của trời xanh trên phố thợ”, hay: “Em như đường chân trời mỗi buổi nắng lên” (Bằng Việt)...

Thời của lý tưởng, của niềm tin, “người với người sống để yêu nhau” thì tình yêu lại càng thế. Niềm tin là cơ sở của tình yêu, tiếp thêm sức mạnh cho tình yêu vượt qua mọi thách thức, mà chiến tranh là thách thức lớn nhất: “Bao năm rồi đánh Mỹ/ Lòng tin vẫn y nguyên/ Đạn bom không xoá được/ Nét mùa xuân hồn nhiên” (Tiếng mùa xuân-Lâm Thị Mỹ Dạ). Một trong những lý giải có sức thuyết phục về nguyên nhân thắng Mỹ là người Việt Nam rất giàu niềm tin. Có niềm tin là có tất cả: “Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất/ Nhưng thuỷ chung như một sắc mai già/ Đôi mắt mở to, dịu dàng thấm mát/ Sau rất nhiều gian khổ đi qua” (Tình yêu và báo động-Bằng Việt). Tình yêu đã kiến tạo niềm tin!

Vì là quý nhất, giá trị nhất, thiêng liêng nhất, là để gửi trao, để cho, để nhận nên tình yêu đi liền với sự băn khoăn. Nhưng trong thời đuổi giặc thì sự băn khoăn nằm trong phạm trù đạo lý với những tốt xấu, hay dở. Điều băn khoăn của cô gái trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng là mối băn khoăn của trăm nghìn cô gái ngoài đời: “Trời anh mênh mông/ Mây em bay lượn/ Gió anh bao la/ Cây em ve vuốt/ Đất anh thẳm sâu/ Lúa em cúi đầu/ Nhưng sao vẫn hỏi/ Day dứt trong lòng/ Anh có tốt không” (Anh có tốt không). Khi đã yêu nhau thì mong muốn về nhau cũng là làm “người tốt lành”: “Hãy chỉ cho em cái kém/ Để em nên người tốt lành/ Hãy chỉ cho em cái xấu/ Để em chăm chút đời anh” (Anh đừng khen em-Lâm Thị Mỹ Dạ).

Một nét ý nghĩa văn hóa của văn chương là tạo ra niềm tin trong xã hội. Đọc một tác phẩm (dù có nói về cái xấu, cái ác) người ta thấy tin vào tình người, yêu đời hơn để vươn lên khỏi cái tầm thường mà sống đẹp hơn. Hiểu theo nghĩa này thì thơ thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước rất đậm giá trị văn hóa: “Càng đi vào mặt trận/ Càng sáng bừng thủy chung/ Càng lao lên lửa bỏng/ Càng yêu em tận lòng” (Tình ca-Nguyễn Khoa Điềm). Tình yêu là quý giá nhất. Người lính hy sinh điều quý giá nhất ấy để giành hạnh phúc cho đất nước, thử hỏi còn gì văn hóa hơn thế?

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn dientubqd@gmail.com


Có thể bạn quan tâm