April 19, 2024, 12:31 am

Thổ Tang

1.

Y tìm về Thổ Tang vào đầu thu; cuối chiều; tháng chín… Bầu trời xắn huyết đỏ rực đổ vung xuống cánh đồng vừa gặt trước mặt, loang mãi về cuối trời; mùi lúa chín vẫn đọng lại nơi gốc rạ vương vít vờn bay; những thân lúa bị phạt sát gốc nham nhở; ở Yên Bái năm ba mươi thế kỉ trước cũng bị phạt đi như thế; người chết năm ấy có Nguyễn Thái Học quê làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên đây; nghĩ đến đó y chợt ngậm ngùi; đời người bình thường nhiều mơ mộng, nhiều hư thực chẳng biết đâu mà xác tín; nhưng Nguyễn Thái Học chết thật rồi; cái chết bao giờ cũng dễ dàng xác tín hơn sự sống; song y hôm này về Thổ Tang không phải để tìm Nguyễn Thái Học, cũng như quãng cuối đời tự sát của Nguyễn Thị Giang - tức cô Giang; người y muốn tìm là bà Nguyễn Thị Cửu, vợ cũ của lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng năm nào; như ông Nhượng Tống viết lại thì đây là một mối tình duyên do bố mẹ sắp đặt, hai người không yêu thương nhau; năm 1927 khi lập Đảng ông Học đã ly hôn với vợ; bà Cửu lấy chồng ngay sau khi ly hôn và hiện có bốn con.

Ở Hội đồng Đề hình xét xử vụ án Yên Bái cuối tháng ba năm ba mươi, Nguyễn Thái Học nhận trách nhiệm trong tất cả các cuộc biến động vừa xảy ra, xin cùng cha mẹ anh em chết theo bộ luật Gia Long, xin tha cho tất cả những người theo mình vì họ vô tội.

Y tò mò tự hỏi bà Nguyễn Thị Cửu có biết tất cả những lời ông Nguyễn Thái Học đã nói trong phiên xét xử không; bà có cảm thấy may mắn, nếu giờ phải chết vì người chồng cũ bà có sẵn sàng?

2.

Minh họa của ĐẶNG TIẾN

Trời chiều nhanh chóng chuyển đêm; không có chuyến đò nào cho y qua sông; mà cũng không cần qua sông; từ đầu này sang đầu kia cánh đồng chỉ đi bộ một chặp là tới; ở lại bên này hay sang đầu bên kia; y kéo dựng cổ áo sơ mi trắng đắn đo; gió lạnh từng cơn được dịp thổi xốc tới; xa xa xập xình tiếng nhạc vọng lại, đèn nháy quáng quàng góc trời; chắc nay làng có đám cưới; thở dài, đám cưới của bà Cửu xưa diễn ra thế nào; có nhạc xập xình nhỏ to thế; ông Học có uống say hết mình với bạn bè trong làng mừng hạnh phúc lứa đôi; bà Cửu có e ấp đứng cạnh hay không? Y muốn hỏi nhiều thứ lắm mà chỉ có tiếng dế xa xăm vọng lại; những con dế rồi sẽ chết già trên cánh đồng này, bải hoải Thổ Tang, đêm vào buồn bã; y thèm uống với bạn bè, ngay lúc này.

Từ rượu y nhớ Hòa, Hòa hay buồn, y bao lần bảo Hòa đừng buồn nữa, mọi thứ rồi cũng sẽ qua nhanh thôi, tuổi trẻ nào cũng phải chết ngoẻo cả; “chết như Nguyễn Như Liên người đầu tiên, Nguyễn Văn Chuân thứ mười một, Phó Đức Chính thứ mười hai – đòi đặt ngửa để xem lưỡi máy chém xuống thế nào hay chết như Nhượng Tống sau này ở Hà Nội cũng là chết”; Hòa không tin, Hòa thường chẳng bao giờ tin ai; Hòa sống trong thế giới của Hòa, mà cái thế giới ấy chỉ có những con cừu lững thững đi qua giấc mơ; “mơ nhiều quá cũng không tốt, phải thực tế lên, phải nhìn nhận chính xác chúng mình có một gia đình, có người thân, có nhiều mối bận tâm chẳng bao giờ rũ hết”; y từng nhiều lần đếm cừu tìm giấc ngủ: mà không được; y nhớ dòng sông đỉnh màn ngày nhỏ khi đi ngủ cùng bố trong chợ, rìa thị trấn; hai giờ đêm bố là bảo vệ phải dậy đi gác, khoảng hụt bên cạnh cùng việc lạ giường làm y thức giấc, ánh sáng hắt vào đỉnh màn làm thành dòng sông sống động chảy; trên cái dòng sông đó có khuôn mặt một người thiếu nữ tóc dài khi ẩn khi hiện, lúc cười lúc khóc; càng cố nghĩ đỉnh màn chỉ là đỉnh màn thì khuôn mặt kia càng hút lấy… nhưng Hòa không tin điều y nói; Hòa chỉ tin những gì thực tế, nhìn, sờ, nắm lấy; mà y từ nhỏ, ở thị trấn đã sống với những gì không thực tế; từ con ma trẻ con năm tuổi ở sau nhà đến con ma đường tàu khuất về phía ga; con ma đường tàu lúc sống có tên tuổi, chết thì không, ma không biết mình ở đâu đến, sẽ đi đâu, chết thế nào; ma trẻ con thì y vài lần nghe thấy tiếng cười, lanh lảnh, lanh lảnh…; còn nhiều con ma khác, như ma áo nâu tươi, y chỉ nghe mẹ kể chứ chưa thấy bao giờ; khu vực con ma xuất hiện giờ nằm ở mảnh đất nhà bên, mảnh đất bố mẹ bạn để chữa mắt cho y năm bảy tuổi.

Thế bảy tuổi người ta nhớ gì?

Lần đầu tiên y nói mình thương mẹ nhiều lắm; lần đầu tiên y biết mình chỉ là một người khách trú trong chính căn nhà của mình; cũng như bây giờ, nhiều lúc y nhớ thị trấn, nhớ căn nhà, con đường, hàng bàng hai bên, rồi bố mẹ đến quay quắt mà không thể tìm về ngay được, lại phải sắp xếp công việc, lại phải nhìn xem nỗi nhớ của mình rơi vào thứ mấy; “khách bao giờ cũng chỉ là khách”; đã có lúc y nghĩ mình sẽ luôn luôn duy trì mối liên hệ với thị trấn, tức một ngày có vài giờ đặt chân trên mảnh đất ấy, hít thở thứ không khí toàn bụi than, chạm vào những đồ vật quen thuộc; nơi y đã chôn nhau trên đồi bệnh viện; nhưng chẳng được, cố nhiên đời y xê dịch, đúng như tử vi, phải đi xa mới sống được.

3.

Y sinh năm rắn, một ngày lưng lửng tháng sáu Tây, giữa tháng năm ta, vào quãng mười đến mười một giờ đêm; bà đỡ buồn ngủ làm rơi y xuống bàn cân; y khóc váng, may không chết, các kí ức nhờ thế sống sót đến hôm nay; y vẫn nhớ trên chuyến xe từ thị trấn lên thành phố khám mắt, với số tiền bán ba con lợn tạ trong chuồng, cùng vô vàn nước mắt của mẹ bố y đã chơi một chuyến đỏ đen đúng nghĩa lớn nhất trong đời.

Ba lá bài đặt trên nệm ghế: hai con chín đỏ, một con chín tép đen.

Tay người tráo rất chậm; tuồng như có thể phân biệt được đâu là đỏ, đâu là đen ngay; và chỉ cần lật trúng lá đỏ là có tiền, cơ hội thắng là hai phần ba; có vài người xung quanh đã lật được đỏ, rất dễ, tiền tươi cầm ngay; bố y cũng nghĩ mọi việc thật dễ, trong đời bố nghĩ cái gì cũng dễ thế; với bố, chỉ có quãng mười năm là khó khăn; bố có một người vợ trước, y có một người anh cùng bố khác mẹ; ngày anh cùng mẹ đi thị trấn có trận mưa lớn chưa từng thấy suốt mấy chục năm; mưa đắp ngày sang ngày, nối nước sang nước; các vạt mây đen từ phía biển, từ trên núi ùn ùn kéo về; anh khóc thất thanh gọi bố ơi, bố ơi, bố ở đâu rồi; mưa vẫn mưa, trận này chưa qua trận khác đã tới, bạo liệt, ráo hoảnh, bố không nghe thấy lời anh gọi; bố còn đang viết nhật kí, những trang nhật kí ướt nhòe của mưa sau này chuyền đến y vẫn ướt; mẹ đẻ của y đã không đốt những trang nhật kí ấy đi; mẹ đưa nó cho y, ở trong vẫn kèm vài lá thư viết bằng thứ mực xanh theo thời gian đã mờ, kèm cả ảnh hai mẹ con từ bên kia vĩ tuyến gửi ra với lời nhắn mong đợi ngày sum họp; vĩ tuyến thời chiến tranh quá khứ thành vĩ tuyến của thời hiện tại; trong mười năm ấy bố không một lần có ý định vượt vĩ tuyến; nhà nội nói đủ điều về những người đi – những người không thể thanh minh được điều gì; bố chui vào những cuốn sách đặt tiền trước lấy ở hiệu sách trên phố huyện về, trốn vào những bức thư từ bên kia vĩ tuyến và trốn cả vào cuốn nhật kí nhàu nát dày lên ngày qua ngày; bố đợi tin về vợ con, đồng thời bố gồng mình lên sống vì nhà nội; bố tưởng thế là bố đang sống, tốt, và rất tốt; nhưng không, bố chưa từng sống, bố chỉ ảo tưởng mình sống mà thôi; bố chưa từng nghĩ đến ngày mai, khi mà cái vĩ tuyến vô hình dựng lên ngày một cao; mười năm ở vùng đất mới là mười năm khó khăn đấu tranh giữa nhiều sự khác biệt và thích nghi; đặc biệt lại là người Bắc.

Đến ngày bố lấy vợ mới, người bên kia vĩ tuyến lấy chồng mới thì một vĩ tuyến khác lập ra chồng lên vĩ tuyến cũ, vĩ tuyến chồng vĩ tuyến; vĩ tuyến mới này mang tên quá khứ; mười năm đã thành quá khứ, mười năm cũng là một phần sáu đời người nếu cuộc đời con người kéo dài sáu mươi năm; bố những tưởng thời gian có thể kéo dài mãi, mười năm hóa hai mươi năm cho đến ngày năm tháng không còn quan trọng nữa, nhưng khốn thay, mười năm là quá dài cho một đời người; bố nghĩ gì khi lấy mẹ đẻ của y; y không biết; tại sao bố cùng người vợ cũ ly dị y cũng không biết; y lờ mờ đoán định mọi thứ từ nhật kí của bố; hình như có ngoại tình, có nghi ngờ, có cả đám đông hối thúc về một âm mưu cắm sừng mười mươi hiện diện; bố y vẫn lờ mờ giữa tất cả; “có thật là mình bị phản bội không?”; cho đến khi chia tay mỗi người một phương trời riêng biệt bố y vẫn lờ mờ giữa hiện diện có/ không, dù điều đó giờ chẳng còn quan trọng gì; nhật kí vì thế cũng đầy ắp nghi ngờ; tràn ngập đám đông.

Y ghét đám đông; bao gồm cả nhà nội của y; họ hối thúc, mường tượng, thêu dệt, thúc đẩy; và tất nhiên họ không chịu trách nhiệm gì trong mọi việc; bố y, vợ cũ, anh cùng bố khác mẹ của y chịu đựng tất cả khổ đau mà chia lìa mang lại; dù ngày đưa nhau lên tòa họ vẫn gọi nhau dậy, lịch kịch nấu mì ăn sáng, lai nhau đi trên cùng một chiếc xe đạp màu xanh hoen gỉ; ăn bữa cơm trưa cuối cùng có cá biển kho giềng, châu chấu rang lá chanh, rau cải đắng nấu tép khô, cùng một bát mắm cốt nhiều ớt đỏ; bữa ăn bằng nửa tháng lương của bố, nhưng có hề gì trong bữa ăn cuối cùng: Judas phản Chúa vẫn bình tĩnh ngồi ăn; bố y vừa nốc rượu vừa huyên thuyên nói về những con chim hải âu mất nơi đi về trên biển cả; vợ cũ của bố im lặng lắng nghe, thật lòng không hiểu, hải âu thì liên quan gì lúc này?; vợ cũ của bố lo lắng đứa con gửi nhà ngoại có khóc; nó có hiểu từ đấy bố mẹ không ở cùng nhau nữa; ăn xong, cả hai vào hàng sách giữa phố huyện, nhưng họ không mua cuốn sách nào cho mình vì sách vở không giúp sự chia tay chính thức trên giấy tờ bớt gượng gạo.

Bố y nghĩ hai con chín đỏ chắc chắn nằm cạnh nhau, không sai được; thế mà khi lật lên, lần thứ nhất, lần thứ hai, thứ ba… vẫn chỉ là con chín tép đen im lìm lạnh lẽo; lần cuối cùng bố y tháo đồng hồ ở tay trái đắn đo lựa chọn; y nôn thốc nôn tháo vào túi bóng; ba con lợn cùng nước mắt của mẹ một đi không trở lại; người phụ xe nhìn, lẳng lặng lắc đầu; khi bố y vẫn còn ngơ ngác về số tiền mình vừa mất thì cả nhóm sáu người đã xuống xe; cả những người được, người mất lẫn chủ trò đỏ đen.

Bố cay đắng nhìn y, nhìn những tàng cây xanh lướt qua phía ngoài cửa xe; bố chưa bao giờ giỏi trong các trò đỏ đen; cho đến tận sau này bố cũng không hiểu vì sao mình thua thế, trong khi mắt nhìn rõ mồn một hai con chín đỏ vòn vọt…

4.

Y về Thổ Tang làm gì?

Chính y cũng không biết; anh cùng bố khác mẹ với y chưa từng đặt chân ra Bắc từ ngày nắm tay mẹ đi năm ba tuổi rưỡi, nửa đầu của chuyến đi bằng tàu hỏa, nửa sau bằng ô tô khách nhồi nhét ngốt đến nóc phải mất thêm bảy chặng nữa mới đến nơi cần đến: vùng đất Hà Tiên của Mạc Cửu; anh sợ đất Bắc như muôn vạn người sợ những cuộc trở về sau di cư, hai miền, trên dải đất hình chữ S này; y cũng không dám nói với anh rằng giờ chỉ cần một chặng máy bay và hai chặng xe khách thoáng mát, chưa đầy nửa ngày anh sẽ gặp lại bố, vợ mới của bố, cùng nhà thờ họ có tên anh xếp trên tên y, nơi bia đá đen chữ trắng, sau nhiều cái tên còn sống hay đã chết: nhà nội; nhà thờ chính là căn nhà anh đã sinh ra; y muốn anh nhớ, đồng thời lại không muốn; y muốn lần đầu tiên gặp gỡ của hai anh em phải diễn ra thật tự nhiên, nhưng y không làm được; sau vài câu hỏi vòng vo về chị, việc học hành của cháu, nhà ngoại anh, công việc nhà nước anh vừa bỏ, y đã vội vàng kéo quá khứ ra tra vấn.

ba tuổi khi đi anh nhớ gì?

Khói thuốc bay ngập ngụa phủ mờ các khuôn mặt bị quá khứ dồn vây nơi vùng đất Hà Tiên; vợ anh ngồi cạnh nghe câu hỏi thở dài nhìn về phía biển, chị hơn anh mười tuổi, anh luôn cần che chở của người mẹ/ chứ không phải bố; “anh nhớ cây mít nhà bên cạnh, nhớ chấn song cửa sổ nhà ngoại anh cố trèo lên với sang gọi bố…”; nhà ngoại, nhà nội cạnh nhau; hai bà thông gia không vừa ý với nhau trong nhiều việc; cuối cùng họ làm việc cần làm là bắt hai con lựa chọn giữa mẹ và chồng/ vợ; cả hai đã chọn mẹ; các câu chuyện cổ tích luôn luôn hướng đến sự chia ly rồi tái hợp; nhưng đây là câu chuyện có thật diễn ra nơi trung tâm thị trấn vào cuối những năm bảy mươi nơi thế kỷ trước; không có tái hợp nào xảy ra, y là con của vợ mới bố; cả hai có chung một người bố thừa lãng mạn, đau buồn, nhưng lại thiếu sự tính toán, lo toan cho tương lai trước mặt; để rồi đến khi sự lãng mạn sụp đổ bố đã cuốn pháo hết số sách đã mua trong mười năm, những Dấu chân người lính, Cuốn theo chiều gió, Con trai người đánh cá, Sống như anh, Tam quốc diễn nghĩa, Chủ tịch huyện, Chiến tranh và hòa bình, Máu và hoa, Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu, Mặt đường khát vọng… dắt tay nhau về miền cực lạc trong tiếng nổ rền hơn ngày mới hết; trẻ con hàng xóm giờ đã già vẫn còn nhớ trận pháo kinh thiên động địa năm đó kể lại cho con cháu vào mỗi tối ba mươi tết khi đã cấm pháo, thêm mắm thêm muối: có mười ba người nghe tiếng nổ to quá thủng màng nhĩ phải đưa đi viện cấp cứu; còn bố thì quên, quên hết, chỉ có cuốn nhật kí thoát nạn nổ đùng nổ đoàng bao năm lạc đến tay y; y ước nó chưa từng tồn tại trên đời thì hơn; nó đến với y vào lúc y đang cố tạo cho mình một cuộc sống khác bố; nhưng y hiểu mình cũng đang dần giống bố.

bố có nhắc anh không?

Anh ghé sang hỏi y khi cuộc gặp đầu tiên của hai anh em sắp kết thúc, chị đang nghe điện thoại từ người con riêng bên Mỹ, báo sẽ về chơi vào dịp giáng sinh; tiếng nhạc vàng vẫn đều đặn nhèo nhẽo gieo xuống từ lúc vào ngồi cho đến lúc sắp ra; y không biết trả lời anh sao, trong cuộc sống đằng đằng mấy chục năm qua bố chưa từng nói về người vợ cũ, con riêng của mình; điều này không phải do mẹ y; chính mẹ y là người đã gợi ý cho bố gửi tiền, gửi thuốc, bố trí một chuyến vào thăm anh trong này nhưng bố không muốn; bố gạt bỏ tất cả mọi thứ liên quan đến quá khứ, trong đó có mẹ anh và anh; cũng chính mẹ y khi không thể sống chung với gia đình nhà chồng nữa đã ra điều kiện: “ra ở riêng hoặc em bỏ anh”, “em bỏ anh thì anh phải lấy mấy đời vợ nữa?”; y không dám kể với anh điều này, vì ngày xưa giá ra ở riêng thôi, cách nhà nội vài cây số anh sẽ không phải cùng mẹ ruổi mãi vào đất Hà Tiên này; nơi mà anh sống giữa sự xa lạ, phân biệt Bắc - Nam; nơi được coi là vùng đất của những kẻ lưu đày, khi không còn nơi lưu trú nữa dạt đến, như Mạc Cửu xưa…

Anh trai y không còn mang mấy tính cách người Bắc, dù họ vẫn cùng họ y, lí lịch vẫn là nhiều cái tên ở tít tắp phương nào xa ngái; đó chính là vùng đất của y đã, đang, sẽ sống, giữa các lễ nghĩa và quy định ràng buộc; nơi lòng người khó đoán…

bố vẫn thường nhắc anh…

Khi thấy chị từ cửa đi vào y nói nhanh; anh trai y tuồng như không nghe rõ câu trả lời; y không nói lại, anh không hỏi lại, chị bảo hai anh em uống cà phê xong thì đi nhậu lai rai, chẳng mấy khi chú ấy mới ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào đến trong này; y nghe, mùi quá khứ hòa lẫn với mùi tanh của cá biển lởn vởn bủa vây; ban đầu, khi mới vào quán mùi tanh ấy chỉ thoang thoảng, lúc có lúc không, giờ càng ngày càng đậm đặc; y châm thêm thuốc, anh trai không hút, khói thuốc cũng không giúp gì cho việc xua mùi tanh đi;

5.

lòng người giữa cuộc cách mạng càng khó đoán hơn

Y tự nói với mình, Thổ Tang đêm đã thật đêm, tiếng nhạc xập xình từ xa vọng về cũng không còn nữa; tất cả chắc đã giải tán, đám thanh niên choai choai rút vào mấy chiếu bạc sát phạt nhau bằng tổ tôm, ù chín cây, liêng, xóc đĩa, ba cây / đám phụ nữ bắt đầu đun nước chuẩn bị cho cuộc thịt gà vào hai, ba giờ sáng mai / người già cùng trẻ con về ngủ không dự vào những cuộc này; y đã từng dự một cuộc như thế ở quê ngoại, nhạc to hết cỡ, đàn ông đàn bà cùng nhảy trong những bản nhạc Việt remix lẫn nhạc chế; y sợ hãi, nút chặt lỗ tai bằng bông mà từng mảng âm thanh lớn vẫn lùa được vào; y chưa từng nghĩ con người ta có thể bộc lộ bản thân nhiều đến thế; thậm chí, có người còn cầm cả mũ cối quạt như quạt chả giữa phố, hùng hục, hùng hục, mắt đỏ vằn vì rượu, miệng lè nhè đớp theo, chế tạo lại cả lời lẫn nhịp: “nụ cười tao luôn trên môi cả làng cả tổng chúng mày phải nhận ra… ố ô ô… hãy uống say không cần mời… và giờ đây tao vui khi gặp tao… gút mò ning, e vờ ninh, ninh khoai…

Khi lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng hô “Việt Nam Vạn tuế” rồi thản nhiên chết theo mười hai đồng chí của mình ở Yên Bái thì bà Nguyễn Thị Cửu làm gì?; bà có linh cảm thấy người chồng cũ của mình đang chuyển từ cơn mơ này sang cơn mơ khác; cơn mơ ở kiếp sau dài, buồn và thăm thẳm hơn; bà có nhớ được kỉ niệm gì giữa hai người, khi ông xuống Hà Nội học, còn bà ở Thổ Tang chăm sóc bố mẹ, anh em, gia đình nhà chồng; khi mỗi năm người chồng trở về trong lạnh nhạt; vợ nào là vợ chẳng thương chồng; đêm nào là đêm không tối; y không muốn đặt ra quá nhiều câu hỏi: mà câu trả lời lại chẳng có gì; đêm Thổ Tang tĩnh lặng như đêm những năm ba mươi, tháng sáu, ngày mười sáu chuyển vào mười bảy; đêm mười bảy những người của Việt Nam Quốc dân Đảng lên tàu từ Hà Nội đi Yên Bái; họ biết, chuyến đi ấy là kết thúc những ngày tra hỏi, cật vấn đến mệt mỏi.

- người nói cô Giang đi cùng chuyến tàu với Nguyễn Thái Học.

- người nói cô đi chuyến sau.

Y đã từng đáp xe ùa lên Yên Bái, dù cố đến mấy cũng không có được cảm giác sắp bị hành hình; xuống khỏi xe, y gọi tay xe ôm đầu tiên mời, nhờ chở đến Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học cùng nơi Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của mình bị chém; hai nơi như hai thế giới khác nhau, Khu di tích với tượng đài hoành tráng, nơi chém giờ chỉ là căn nhà thờ ngói nhỏ tróc lở với bàn thờ, bát hương cùng ảnh Nguyễn Thái Học ở giữa, ảnh mười ba đồng chí của ông giăng kín bốn bức tường xung quanh.

Người chết ở đâu hồn ở đấy

Nguyễn Thái Học đã nhìn y, từ bức ảnh; y cũng nhìn lại Nguyễn Thái Học, bức ảnh với vệt ố mờ của khói hương quện đặc; trở ra ngoài, y mường tượng ra con đường đoàn người đã đi sáng sớm ngày mười bảy cùng chỗ đất cao đặt máy chém, chỗ các viên quan Tây, ta lố nhố ngồi bình phẩm thỏa mãn về sức mạnh nước mẹ đại Pháp, chỗ viên đao phủ tên Cai Công cùng người học trò gốc Hoa mồ hôi nhễ nhại bước lên thử máy, chỗ nhúm người đứng xem từ tờ mờ đất - người đứng xem: ngoài cô Giang cùng vài đồng chí trong Đảng là biết rõ việc hành hình sáng nay, còn lại là người quen của đám lính tập khố xanh khố đỏ trong tỉnh lỵ ưa cảm giác mạnh; việc chém đầu được giữ bí mật đến phút cuối cùng với phần lớn đám dân cư tại đây; toa chở máy chém vào sáng ngày mười sáu kéo theo một lũ hề từ Hà Nội lên tấu nhạc diễu từ phố này sang phố khác để hút người.

+ người chém đầu: Cai Công: không hài lòng với một buổi hành hình ít người đến xem thế, nhưng vẫn phải chuẩn bị tất cả thật chu đáo, gọn ghẽ; Cai Công biết sau cuộc này mình sẽ đi vào lịch sử nước Việt từ cánh cửa khác với cánh cửa anh hùng, chính danh; cánh cửa của Cai Công là cánh cửa gián tiếp mở từ địa ngục thông ngoắt vào cõi bất tử mà rất ít người mở được; sẽ có lúc người ta cố tình quên ông, nhưng người ta không thể quên mười ba người mất đầu ở Yên Bái, trong đó có lãnh tụ Nguyễn Thái Học; “ai lấy đầu họ?”; sẽ có người hỏi và có người trả lời; với hơn hai trăm cái đầu đã lấy trong cuộc đời đao phủ thì đây là những cái đầu quan trọng nhất; và đâu phải cứ mất đầu mới thành anh hùng;

+ người học trò gốc Hoa mắc bệnh thích màu đỏ; mà đỏ nhất chỉ có máu người;

+ cũng máy chém này, đến sáng ngày mùng chín, tháng ba, năm một chín ba mốt, trước nhà tù Hỏa Lò xử tử bốn người của Việt Nam Quốc dân Đảng; khi chém đến Ký con – tức Đoàn Trần Nghiệp, dao máy phải hạ hai lần đầu mới đứt lìa;

Mường tượng về con người chán y mường tượng con đường máy chém cùng hai chiếc quan tài dư, mấy chục tên hề được chở về Hà Nội sau khi việc hành hình hoàn tất, có mười lăm quan tài đề phòng phát sinh, ngộ nhỡ có thêm người bị xử vào giờ chót; con đường chẳng khác gì con đường đoàn người đã đi; tất nhiên không có ai thêm ngoài con số mười ba người đã được lịch sử chọn lựa bước lên đoạn đầu đài.

Xa xa tiếng sông Hồng tao tác vọng lại…

Ga cũ Yên Bái ở bên trong - ga mới ở bên ngoài; ga năm ba mươi khác ga năm hai nghìn mười mấy; mảnh đất Yên Bái không vui vẻ gì khi đón y; ngay lúc này, y hiểu, lịch sử đã qua lâu rồi; có người nào còn sống từ năm ấy đến bây giờ đâu; y cũng chẳng biết chính xác mình cần tìm gì; tay xe ôm đáp lại tất cả các câu hỏi của y bằng im lặng hoặc vu vơ trả lời cho có; gã người Hưng Yên lên đây lập nghiệp đã gần chục năm; chỉ biết nhãn lồng chém ngập dao phay, gà con nhảy ổ ba ngày được con và mảnh đất cảnh vật như thần tiên, con người như thánh hiền nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng của mình; gã không thiết gì đến những chuyện quá khứ từ nửa đầu thế kỷ trước – trên mảnh đất đang sống tạm bợ này; nhưng khốn thay, những địa điểm dính đến Việt Nam Quốc dân Đảng và Nguyễn Thái Học gã buộc phải nằm lòng; vì luôn luôn có những tay khách vu vơ đến đây chỉ để tìm về tượng đài, lăng mộ Nguyễn Thái Học và nơi bị chém của ông ta cùng đồng Đảng, không hơn, thường những cuộc đi thế gã nói bao tiền họ cũng đi, không mặc cả.

6.

Bố không hề mặc cả với quá khứ; một là quên, hai là nhớ; bố chọn quên ngay tắp lự, không vấn vương thêm; điều đó rất tốt với mẹ, với y – nhưng lại không đúng với người anh cùng bố khác mẹ; anh đã sống mười năm chờ bố và dăm năm nữa với người bố dượng cũng từng có một đời vợ trước khi vào đại học; rồi anh có thêm một người em gái cùng mẹ khác bố nữa, nhưng điều ấy chẳng quan trọng bằng việc: “bố không hề trả lời thư anh”; những lá thư đến giờ y vẫn giữ, chữ to, mực xanh nắn nót; anh đã từng mơ về ngày sum họp, nhưng miền Bắc và miền Nam là hai miền khác biệt; nhớ thương bố dành cả cho y, một là một… nhưng một có lúc nào không là một; bố có khi nào mơ về khoảng trời cũ.

Giấy mời hai đám cưới cách nhau hơn chục năm trùng ngày trùng tháng, chỉ khác năm.

Y thở dài hỏi: “anh có nhớ mặt bố không?”

Y chưa từng hỏi bố có nhớ mặt anh không.

Anh mông lung suy nghĩ câu trả lời trong tiếng sóng biển gắt gỏng xô vội vào bờ, mặt bố có nét của hai anh em cộng lại, vừa khác vừa giống; y định hỏi thêm về mẹ của anh, giờ sao, làm gì nhưng kìm lại được, mọi sự cho đến ngày hôm nay tuồng như đều vô nghĩa; như việc y đến Thổ Tang rồi đắn đo có nên đi qua cánh đồng trước mặt hay không vậy; sau bao năm địa chính thay đổi, có thể cánh đồng này chẳng phải cánh đồng Thổ Tang; bà Cửu cũng chẳng bao giờ nhớ về người chồng cũ, các con bà càng không, chúng còn mải làm ăn, sinh sống cho hết đời mình; đến đời cháu thì Việt Nam Quốc dân Đảng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang, khởi nghĩa Yên Bái… chỉ là những câu chuyện xảy ra trong sách giáo khoa; mà những thứ trong sách thì được khu niệm là rất xa vời.

Giờ y bỏ Thổ Tang tìm về thị trấn…

7.

… Thứ 5 em đưa con lên chỗ anh làm. Để con đó cho anh. Anh không hiểu sao em lại bế con lên tận đây. Trời nắng thế này mà anh đi làm, đâu có phải đi chơi. Anh hỏi em không gửi con ở đâu được à. Thiếu gì chỗ gửi phải không Hiền. Sau anh nghĩ là em đang suy nghĩ theo ý khác. Hôm qua anh định đưa con xuống chỗ em, song con ngủ, không đi được, về bà ngoại mắng, vậy mà hôm nay thế này đây. Đến 3h em lên đón con, anh đưa em và con xuống hết dốc anh về. Em cho con về nhà bác Nguyện chơi, song về nhà bố mẹ bảo ăn cơm sao em không dám nói sự thực là lên chỗ anh ăn cơm rồi, mà lại bảo ăn cơm bên cái Bằng, em nói vậy bố mẹ sẽ nghĩ gì…

3h chiều. 5- 10 - 79. Công trường TL2b

Quyển nhật kí mất bìa, y không dám chắc nó có bao nhiêu trang; ngay trang đầu y đọc được những dòng trên đây; y không biết mình đọc nó làm gì; có một khoảng tối giữa bố và người vợ cũ - nguyên nhân chính cho việc chia tay của họ; y cũng không dám hỏi trực tiếp người đằng nội bởi sợ phải đối diện với các kí ức ngụy tạo; đằng nội sẽ nghĩ những người nhà mình đúng, bao giờ cũng thế; nhưng không phải khi đọc nhật kí của bố, lên Yên Bái, tìm về Thổ Tang hay đếm cừu chính y cũng đang ngụy tạo những kí ức của mình hay sao…

Nguồn Văn nghệ số 26/2020

 


Có thể bạn quan tâm