April 24, 2024, 1:51 pm

Thơ Paul Christiansen

Nhà thơ Paul Christiansen sinh năm 1986, quốc tịch Mỹ, tốt nghiệp cử nhân Đại học St Olaf (Northfield, Minnesota), thạc sĩ nghệ thuật Đại học Florida International University (Miami, Florida). Là một học giả Fulbright, anh sang Quy Nhơn làm việc năm 2015 rồi sau đó tình yêu đối với mảnh đất này khiến anh chuyển hẳn đến Việt Nam làm việc. Anh hiện là Tổng Biên Tập của tạp chí Saigoneer và đang miệt mài chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Thơ của Paul Christiansen đã xuất hiện trên các tạp chí văn học nghệ thuật uy tín của Hoa Kỳ như Atlanta Review, Pleiades, Quarter After Eight, Threepenny Review, Zone Three và đã đoạt 2 giải thưởng thi ca của Viện Hàn Lâm Thi Ca Hoa Kỳ.

Thơ của Paul Christiansen hiện đại kiểu Mỹ nhưng cũng mang trong mình sự trân trọng, nâng niu và tình yêu da diết dành cho văn hóa, con người Việt Nam nói chung và phương đông nói riêng. Xin trân trọng giới thiệu chùm thơ của anh qua sự chuyển ngữ của nhà văn Trần Thị NgH. Ảnh tác giả Paul Christiansen do nhà văn Trần Thị NgH vẽ (sơn dầu trên vải bố, 50 x 70cm).

 

Khi Phúc

     trở thành Phuc

 

Sắc huyền hỏi ngã vặn vẹo

bên trên các mẫu tự như những con cá heo nhảy lên khỏi mặt nước,

dấu nặng tròn đầy bên dưới tựa trái chanh dây chín rụng còn lấm lem đất cát,

chúng làm nên ý nghĩa, phân biệt đâu là má

đâu là mả đâu là ma;

quệt  nhẹ một nét khiến muối trở thành muỗi

Vậy tên Phúc thì sao?

Gia đình em đã vất những cái dấu xuống biển

khi bọn hải tặc Thái Lan xuất hiện ở chân trời,

thà ném bỏ chúng đi còn hơn thấy chúng bị hủy hoại?

Hay chúng đã bị thất lạc ở trại tị nạn,

bị cuốn đi bởi một cơn bão làm rách toang những bức vách nhựa.

Có phải một viên chức lo việc nhập cư đã bỏ những cái dấu ra khỏi hồ sơ

như cái cách người ta phủi sạch những vụn bánh ra khỏi mặt bàn?

Cũng có thể chính Phúc tự hất đi cái dấu,

quẳng nó vô các lùm bụi để tránh những lời chọc ghẹo của bạn bè

giờ thì em viết tên mình, chẳng rõ nó thể hiện điều gì,

hạnh phúc hay là hàng phục

hay chỉ là vô nghĩa vì không có dấu (phuc)?

                    

Thờ Cúng Tổ Tiên

 

Ở tít xa nơi quê nhà, ông bà tổ tiên tôi được táng quay lưng về phía tôi,

làm sao họ có thể dõi theo tôi mà phù hộ?

Tôi đã sống ở đây đủ lâu để cười nhạo

thứ ngôn ngữ được dùng trong các tập sách hướng dẫn du lịch:

Thức dậy vì tiếng động cơ rì rầm của những chiếc xuồng câu lúc bình minh

bài ru để dỗ dành những con hổ dữ thì có!

và không chỉ là tiếng động cơ kỳ quái của những chiếc xuồng câu loang lỗ nước sơn

khục khặc, dập dềnh, tròng trành trên sóng sục tìm lai rai vài con cá mòi béo dầu lấp lánh vảy

Những cánh tay gầy guộc như sợi nắng, các ngư dân xổ lưới trên bờ biển

bán đi những mẻ cá bắt được gom cho đủ tiền mua mãng cầu xiêm,

nếp, những gói bánh quy giòn, thuốc lá, thịt gà luộc

bày trên bàn thờ bên những cây nhang tỏa khói và ảnh thờ người đã khuất

Văn hóa xứ tôi không có ý niệm gì về bàn thờ đặt trong phòng khách

Mà rồi liệu ông tôi sẽ nghĩ gì về mãng cầu xiêm?

Thứ trái cây và tên gọi của nó nghe ngọt lịm và kỳ lạ trên đầu lưỡi ông

vốn là một tay to con vùng trung tây được nuôi dưỡng bằng thịt thăn bò, rượu mạnh, đậu phộng,

khoai tây phó mát.

Sau chén kem ông ăn buổi tối, tôi thường sà xuống ngồi cạnh chân ông

để được dạy cho những từ mới: behoove, susurrus, kadarum

Mấy chữ này ích gì cho tôi ở đây chứ?

Thậm chí người có năng khiếu học ngôn ngữ thứ hai cũng chẳng biết chúng là gì.

Thế nên tôi chỉ thì thầm với chính mình trong những thời khắc tĩnh lặng,

môi lầm bầm như tiếng động cơ của những chiếc xuồng máy

bởi có nghĩa lý gì đâu – chặng đường từ đây đến nước Mỹ,

so với khoảng cách giữa Đất và Trời.

 

Và ngày thứ tám

Đức Chúa Trời

minh xử vụ ly hôn

 

 

Ngài ban cho mẹ tôi tất cả sông, suối, kênh, rạch trên thế giới, trong khi cha tôi được phần biển, hồ, phá, vịnh, đồng bằng, đầm lầy.

Sau khi kể lể về tình yêu của mình dành cho đàn bướm chấp chới đôi cánh như thủy tinh lung linh, ca khúc nỉ non của bọn ếch nhái trong các lùm cây và phần mọng nước ngọt lịm ẩn trong những trái chanh dây, mẹ tôi cầu xin quyền có được những khu rừng già, cha tôi đồng ý để dành quyền thụ hưởng những ngọn núi khoác dải lụa mây và các quả đồi xúm xít quanh chân núi

tíu tít lũ chim lam.

Họ lần lượt tính đến các tòa nhà chọc trời và hệ thống dẫn nước, phế tích Aztec vùng Trung Mỹ và cột đá phấn ở bãi đá cổ Stonehenge,

mọi thành tựu kiến trúc đều được chia đôi.

Thậm chí các thứ nhỏ nhặt cũng được cân phân, nhạc lễ ẩm thực của Đức, chân ngôn Thiền Tông, công thức làm bánh nướng chảo, và những giả định đầy tranh cãi về nguồn gốc của động tác đập tay đều được sắp xếp rạch ròi phần nào của ông phần nào của bà.

Khi ngày lụi tàn, cuộc tranh chấp càng thêm căng thẳng. Luật sư phải can dự để cùng phân xử làm thế nào mà cha tôi vẫn giữ được chủ quyền nhạc rock, trong khi Đức Chúa Trời lại ban cho mẹ tôi

quyền sở hữu tất cả trống, đàn.

Sôi sục, cặp vợ chồng đã-từng-yêu-nhau gần như ẩu đả khi mẹ tôi xin được ban cho âm thanh xé gió của viên đạn đồng, do biết quá rõ cha tôi vô cùng háo hức đi săn lợn rừng và bò rừng sau khi bị vợ cấm tuyệt chuyện man rợ này trong suốt những năm chung sống.

Để đáp lại cha tôi thuyết phục Đức Chúa Trời xin Ngài cho mình độc quyền về những tư thế làm tình trong dâm thư Kama Sutra, đồng thời mong Ngài dành cho mẹ tôi bọn chí rận,

các vết sẹo lồi và mụn sinh dục.

Đêm càng lúc càng sâu và Đức Chúa Trời sai thiên thần đi mua cơm Tàu mang về trong khi Ngài kiểm qua danh sách các thứ mà cha mẹ tôi không còn có thể chia chác gì được nữa.

Tiếng xì xì của cụm lửa trại bị tạt nước, mùi cay nồng từ món xúc xích đang được rán xèo xèo, những động từ trong ngôn ngữ Papua, đồng cắc của bọn hải tặc và tất cả các giai đoạn sáng tác của Picasso, hãy còn quá nhiều thứ để chia đôi - thậm chí những hạt bụi li ti trôi lênh đênh trong bóng râm của phòng xử án, nơi tôi đang ngồi chờ tên mình được gọi.

Theo từng cách riêng*

 

Cha tôi là loại hoa từng được dùng trang trí bàn thánh thể trong lễ đăng quang của các vị vua chúa, giờ chỉ nở ở tiệm tạp hóa như hoa cài áo dạ tiệc bán cho học sinh lớp mười một.

Cha của cha tôi là một lần đi buôn lỡ chuyến đành phải trèo đèo lội suối, hàng hóa hư thối cả

trong cuộc hành trình.

Mẹ của cha tôi là một nhà máy điện lực ven biển, phả hơi nóng vào các dòng nước cạn, xua bọn lợn biển ra khỏi lộ trình di cư bình thường của chúng.

Mẹ tôi là một đô thị có lịch thu gom rác hỗn loạn, đường phố tràn lan gấu mèo xé toạc các túi rác

to phồng vào buổi chạng vạng.

Mẹ của mẹ tôi là cái xô từ thiện của Đội Quân Cứu Thế nhặt nhạnh lềnh khênh cúc áo và đồng cắc ngoại tệ.

Ông ngoại tôi là cái tủ lạnh nhà bếp dán đầy tem phiếu giặt khô đã quá hạn và thực đơn mang đi

của những nhà hàng đã thôi kinh doanh.

Trước khi qua đời, bà cô duy nhất của tôi là một trang lẻ loi xé ra từ tập bản đồ chỉ đường đã rách nát, đường cao tốc dễ bị nhầm là những dòng sông.

Tôi có bốn ông bác, mỗi người là giờ làm phụ trội chắt bóp từng xu để tậu cho con trai mình bản sao chiếc áo đội tuyển của một cầu thủ bóng rổ quốc gia vốn sẽ được chuyển nhượng tuần lễ sau Giáng Sinh.

Em trai tôi là một hạt cười có phần thịt ngọt nhốt trong cái vỏ không chịu tách môi cười khi nướng.

Chị tôi là cánh tay có hình xăm lời một bài hát mà ban nhạc đã bỏ không thèm chơi và

 thề sẽ chẳng bao giờ chơi.

Hình ảnh tôi phản chiếu qua gương là cọng cỏ phấn hương bám rễ trên một mảnh củi rều trôi giạt, cành nhánh héo úa trong nắng triền miên,

hạt mầm lả tả trong đại dương hoang tàn.

Trần Thị NgH Chuyển ngữ

______

*Leon Tolstoy (Anna Karenina): “Tất cả các gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng khi bất hạnh họ bất hạnh theo từng cách riêng”.

Nguồn Văn nghệ số 9/2021


Có thể bạn quan tâm