March 29, 2024, 3:10 am

Thợ mỏ

 

Nắng- ánh nắng ban mai đã bắt đầu bao trùm lên vùng mỏ cũng là lúc gần một ngàn thợ mỏ của mỏ than Tràng Bạch thuộc công ty than Uông Bí đang hối hả chuẩn bị vào ca 1. Nhà ăn rộng lớn, quạt chạy tít mù, những công nhân cấp dưỡng mồ hôi lấm chấm trên mặt, luôn chân luôn tay cung cấp những khay khẩu phần ăn cho những người thợ lò. Để chuẩn bị cho gần một ngàn suất ăn ca 1 vào đầu giờ sáng, những người phụ vụ nhà ăn đã phải làm việc từ 3 giờ sáng. Dậy sớm, vất vả là vậy nhưng họ vẫn dành cho những người thợ mỏ nụ cười thân thiện. Mỗi suất ăn có cơm, canh, rau, cá, tôm, thịt, trứng luân phiên thay đổi, đủ dinh dưỡng cho người thợ mỏ; ngoài ra họ còn được cũng cấp thêm một bữa ăn giữa ca, xôi thịt, bánh mì hay sữa. Cũng như người thợ mỏ khi vào hầm lo khai thác than, an toàn phải được đặt lên hàng đầu thì đối với những cấp dưỡng cũng thế. Quản đốc phân xưởng đời sống 1 có cái tên tưởng là một phụ nữ xinh đẹp - Nguyễn Thanh Nga, nào ngờ lại là một người đàn ông đã gắn bó hơn 20 năm với nghề cấp dưỡng. Ông bảo ở phân xưởng do ông phụ trách cũng như các phân xưởng khác, an toàn cho từng suất ăn của thợ mỏ là công việc quan trọng; phải đảm bảo an toàn vệ sinh từ khâu nhập thực phẩm, chế biến và nấu ăn, khay đựng khẩu phần ăn và thìa, nĩa, ngay cả cái tăm nho nhỏ phải sạch sẽ.

Công ty than Uông Bí có ba mỏ than lớn Hoành Bồ, Đồng Vông, Tràng Bạch nằm cách xa nhau ngót nghét 100km,  với  5.800 cán bộ công nhân viên và thợ mỏ; mỗi ngày cung cấp gần một vạn khẩu phần ăn cho 3 ca thợ mỏ và một bữa trưa cho cán bộ, nhân viên các phòng ban, quả thật những người làm nghề cấp dưỡng chẳng khác gì người lính anh nuôi phục vụ cho những người lính mỏ vào ca chiến đấu với gian nan vất vả, hiểm nguy để từ những đường lò sâu thăm thẳm hàng trăm m so với mực nước biển, đào ra hàng triệu triệu tấn than đen mỗi năm cho đất nước; không những nuôi sống mình, gia đình mà còn nộp cho ngân sách Nhà nước. Năm 2017, công ty than Uông Bí khai thác được 1.270.000 tấn than, nộp ngân sách trên 420 tỷ đồng; 6 tháng năm 2018 khai thác được 1.255.000 tấn than, nộp ngân sách trên 268 tỷ đồng.

*

            Ăn uống xong, hàng trăm thợ mỏ lại tỏa về các phòng để giao ban ca, ở đây họ được các quản đốc, đội trưởng, cán bộ an toàn lao động phổ biến công việc chi tiết cho từng người hoặc từng tổ và kết thức buổi giao ban là những tiếng hô to: an toàn, an toàn, an toàn! Và ngay từ khi người thợ mỏ bắt đầu bước chân vào đường hầm, những người kiểm soát đã khám xét người họ kỹ lưỡng để phòng xem có quên mang theo điện thoại hay bất cứ vật gì không được phép mang vào. Cả mấy nhà văn chúng tôi vào lò cùng thợ mỏ cũng không ngoại lệ, ngay cả máy ảnh cũng không được phép mang theo để phòng nguy cơ cháy nổ.

            Ngày xưa, thợ mỏ vào lò phải đi bộ, có khi đi mấy km mới đến nơi khai thác, vừa mất thời gian vừa mất sức lực; nay họ được đưa vào hầm lò bằng các toa xe chở than trên đường ray hoặc bằng đường cáp treo. Chúng tôi vào lò theo đường cáp treo, ngồi trên những chiếc yên như yên ngựa. Kỹ sư Vũ Văn Cường, Phó phòng An toàn cho chúng tôi biết rằng hình ảnh của thợ mỏ và chúng tôi sẽ được camera truyền trực tiếp về Phòng điều khiển trung tâm đặt ở tổng hành dinh của công ty cách đây hơn 20km. Ở đấy có hơn 10 màn hình theo dõi tất cả các hoạt động chính đang diễn ra tại các mỏ và có cả một màn hình đặc biệt theo dõi nồng độ khí 0xy, CH4, C02, C0 nếu có sự cố gì, vạch đỏ báo động trên màn hình sẽ xuất hiện và cán bộ Trung tâm sẽ báo cho nơi đó để nhanh chóng xử lý.

            Tiếng nước chảy róc rách như tiếng suối nhưng càng xuống sâu âm 150m thì tiếng nước lại ào ào, xối xả trong đường thoát nước trong đường hầm. Mùa khô nước chảy ít hơn nhưng mùa mưa lũ, nước trong các khe chảy ra rất nhiều. Tôi hỏi anh Vũ Văn Toàn, phó văn phòng đi cùng, nước nhiều như thế thì thoát ra bằng đường nào? Thay cho câu trả lời, anh đưa chúng tôi chỗ trạm bơm. Hai thợ điện Đỗ Minh Đức và Nguyễn Văn Tuấn  đang vận hành 9 máy bơm nước, công suất mỗi máy 720m3/giờ. Thợ Đức cho biết, bây giờ đang là mùa mưa nhiều nước nên hai máy bơm sẽ hoạt động liên tục trong 1 ca để bơm nước ra ngoài theo đường ống rồi đổ vào mấy cái hồ, còn mùa khô thì chỉ cần vận hành một máy bơm. Và để phục vụ cho 9 máy bơm này phải có 9 máy phát điện công suất 6kv. Điện không được phép mất, hai đường dây điện quốc gia, một chính, một dự phòng, mất điện cái chính sẽ có cái phụ thay thế; mất điện quốc gia sẽ phải có máy phát riêng thay thế, cái này trục trặc sẽ có 8 cái kia lần lượt thay thế. Máy bơm cũng vậy, không được phép ngừng nghỉ, cái này hỏng sẽ có cái khác thay thế, nếu không nước chả mấy lúc mà gây ra cơn đại hồng thủy trong hầm lò. Cứ tưởng đóng điện vào là máy bơm bơm nước từ đường lò ra nhưng không vẫn còn một công việc tưởng như nhỏ nữa nhưng lại rất quan trọng, đó là nạo vét máng nước. Mỗi ca phải có hai người nạo vét bùn, rác. Trong bóng tối lờ mờ, chúng tôi nhận hai ra thợ nạo vét đang dùng xẻng xúc bùn đổ lên bờ. Họ mặc quần áo bảo hộ, nước đen ngầu ngập đến ngang người. Tôi hỏi thợ nạo vét Ngô Tiến Quân đang làm ca 1:

- Anh làm ở mỏ lâu chưa?

- Mười ba năm rồi anh ạ!

- Thu nhập có khá không?

- Dạ, cũng khá!

      Lương thợ lò năm 2017 ở công ty than Uông Bí bình quân là 13,99 triệu đồng/1 tháng, 6 tháng đầu năm 2018 là 14,9 triệu đồng/1 tháng. Tuy nhiên mỗi vị trí và tay nghề  đều có mức thu nhập khác nhau như anh Trần Tuấn Lộc, 27 tuổi, quê ở xã Đoàn Kết, Thanh Miện, Hải dương, thợ bậc 3/6 có 5 năm trong nghề, thu nhập 16,7 triệu đồng một tháng. Anh Nguyễn Đình Cường, 46 tuổi, thợ bậc 6/6 có 17 năm trong nghề, anh có nhiều sáng kiến áp dụng vào thực tiễn như sáng kiến sử dụng băng tải thu hồi làm máng tách thoát nước tại lò thượng TGVT mức -30/+30 làm cho nước thoát không chảy tràn lan trên đường gây mất an toàn cho người và vận chuyển vật tư vật liệu; Sáng kiến sử dụng bích sắt làm bích đỡ xà và gỗ lắp đặt tuyến thành be lò thượng TGVT mức -150/-30 V1(36) khu Đông Nam, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và thời gian tồn tại lâu hơn đảm bảo duy trì ổn định khung chống; Sáng kiến sử dụng bích sắt linh hoạt và gỗ văng làm mặt cược gương khi thi công lò thượng TGVT mức -150/-30 trong trường hợp gương than mềm yếu dễ tụt lở, làm cửa gió điều tiết gió tại lò XV, DV mức -30 khu Đông Nam, sáng kiến này nâng cao năng xuất lao động, giảm sức lao động của công nhân. cải thiện điều kiện làm việc tại nơi sản xuất, rút ngắn thời gian thi công công trìnhm, đảm bảo ao toàn lao động. Vừa có tay nghề cao, vừa có sáng kiến nên thu nhập của anh hơn 20 triệu một tháng. Số tiền này đủ nuôi bản thân, vợ anh không có việc làm và hai người con ăn học. Người con lớn của anh hiện đang học Đại học cơ khí bên Nhật còn người con thứ hai đang học lớp 12. Cuộc sống của gia đình người thợ mỏ như anh không giàu sang nhưng êm ấm, hạnh phúc. Cán bộ nhiều khi thu nhập kém xa thợ khai thác. Kỹ sư Trần Việt Cường, sinh năm 1978, quê ở xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, Thái Bình, trước học cao đẳng Mỏ, sau học đại học Mỏ địa chất, đã gắn bó với mỏ 17 năm, khởi đầu là một thợ mỏ, giờ đang  làm quản đốc phân xưởng K9 khai thác. Anh quản lý 118 người trong đó có 83 thợ mỏ, năm 2017, phân xưởng anh khai thác được 139 ngàn tấn than, thu nhập của anh 14 triệu 800 ngàn một tháng trong khi đó thợ khai thác giỏi trực tiếp, khoảng 10 thợ có mức thu nhập từ 24 đến 25 triệu đồng một tháng.

Trước đây ở các mỏ than, nhất là thời bao cấp,ban lãnh đạo mà đứng đầu là giám đốc được coi là trung tâm giờ thì tư duy đã thay đổi, ở công ty than Uông Bí này, người thợ mới là nhân vật trung tâm. Trong hầm lò là tiền tuyến, mỗi khi thợ mỏ vào ca cũng như chiến sĩ ra trận bởi trong hầm lò, tuy đã được bảo vệ an toàn rất cao nhưng vất vả, độc hại và hiểm nguy vẫn còn rình rập. Trong bốn mươi nghề được coi là nguy hiểm thì nghề thợ mỏ được coi là nghề có tính nguy hiểm thứ hai, chỉ đứng sau nghề thợ lặn. Tuy nhiên trong thờicông nghệ hiện nay, hiểm nguy trong hầm lò ngày càng được đẩy lui bởi nhiều hầm lò đã được chống đỡ bằng những phương pháp hiện đại mà công ty than Uông Bí đang áp dụng như khai thác bằng công nghệ giá khung di động, dàn chống mềm ZRY, cột thủy lực đơn.

Thiết bị, máy móc là quan trọng nhưng quan trọng hơn hết vẫn chính là con người; người thợ mỏ bây giờ cũng đã được đào tạo bài bản về khai thác về an toàn lao động. Mỗi khi vào lò, trước hết mình hãy bảo vệ chính mình. Năm 2017, ở khu khai thác 3, vào ngày thứ 7, một đoạn hầm lò bị sập 10m, cách cửa lò 1km, thợ mỏ đã nhanh chóng trèo lên một chỗ cao; bên ngoàihàng chục con ngườithay nhau đào từ lúc 11g trưa đến 18 giờ chiều thì đến nơi, giải thoát được người thợ an toàn. Một cuộc giải thoát ngoạn mục khác như trong phim hành động, một thợ mỏ bị sập lò, đất đá đè lên cánh tay không thể rút ra được. Lãnh đạo công ty trực tiếp chỉ huy cuộc giải cứu căng thẳng, một mặt ra lệnh cho các công nhân tìm cách đào bới, một mặt ra lệnh cho một tay thợ khỏe có thần kinh thép sẵn sàng chặt đứt cánh tay của thợ bị kẹt để cứu người kẻo hầm lò sập tiếp thì chết cả thợ bị nạn lẫn những người ứng cứu. Rất may cánh tay đã được lôi ra trong niềm vui sướng vỡ òa nước mắt của mọi người. Sau này, lãnh đạo công ty hỏi người thợ tay lăm lăm con dao chỉ chờ thủ trưởng ra lệnh là chặt phăng cánh tay của người bị nạn rằng lúc ấy tôi ra lệnh thì cậu có dám chặt không? Chặt chứ, chặt tay để cứu người mà! Còn tớ thì sẽ nhắm mắt lại nếu cậu vung dao lên. Nhưng dao đã không vung lên bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người thợ mỏ không bao giờ bị bỏ rơi. Thậm chí có những cán bộ vì sự an toàn của thợ mỏ đã rời bỏ vị trí công tác nhàn hạ để lao vào nơi gian khó, hiểm nguy. Đó không phải là một nam giới cao to, mạnh mẽ là lại một người phụ nữ đẹp Phạm Hồng Phin. Đang là Phó phòng tổ chức cán bộ của công ty, chị tình nguyện xuống làm ở Phòng an toàn để được đi xuống với thợ mỏ. Trong ngành khai thác mỏ, nữ giới chỉ được làm công tác văn phòng hay các phòng ban trên mặt đất chứ không được xuống hầm lò vì sức khỏe và cả vì kiêng kỵ nhưng trước sự quyết tâm của chị, lãnh đạo công ty đành chấp thuận để chị làm Phó phòng phụ trách công tác an toàn bảo hộ lao động. Như chim sổ lồng, chị đã đi đến tất cả các ngõ ngách trong hầm lò ban ngày cũng như ban đêm, mùa đông cũng như mùa hè, chị gặp gỡ thợ mỏ, trò chuyện, quan sát, nghiên cứu để viết tuyên truyền về an toàn lao động cho người thợ mỏ. Trong 6 năm, chị đã viết được 40 kịch bản phim thời lượng từ 5 đến 45 phút; nhiều kịch bản đã đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi và liên hoan cấp Bộ, nghành và tỉnh Quảng Ninh về nội dung hướng dẫn quy trình công nghệ khai thác than hầm lò, sơ cứu nạn nhân khi bị tai nạn lao động trong hầm lò khi chưa có sự can thiệp của y tế; hướng dẫn sử dụng bình tự cứu, máy thở, phòng chống cháy nổ. Sau 39 năm gắn bó với nghề thợ mỏ, nay chị đã về nghỉ hưu nhưng nhiều lúc nhớ công ty, nhớ thợ mỏ, chị lại về ngôinhà mỏ ấm áp, thân thương, nơi chị đã ký thác một nửa cuộc đời đẹp đẽ nhất của mình. Ngôi nhà ấy nằm trên một quả đồi, cây cối tốt tươi, nhiều lúc có cả đàn chim hàng trăm con bay về hót líu lo. Chị Đào Thị Lan Hương, tổ trưởng tổ bảo vệ, từng là vận động viên chủ công của đội bóng chuyền công ty, giành giải Ba giải bóng chuyền A1 toàn quốc tại Kiên Giang năm 2003 nói vớichúng tôi, không chỉ có chim mà còn cả ong. Chỉ chị tay lên trên.Ồ! Chúng tôi thốt lên đầy thú vị; một tổ ong to như cái diều treo lơ lửng trên cành cây cao ngay gần cổng ra vào. Điều hết sức kinh ngạc là cứ vài giây đồng hồ, những cánh ong lại đồng loạt xòe ra như cái nan quạt để xua đuổi những con ong lạ tìm cách xâm lăng ngôi nhà của chúng.

Thợ mỏ cho ra lò vàng đen, chim cho tiếng hót líu lo, ong cho mật ngọt; Một bức nhạc họa tô đẹp thêm cho ngôi nhà người thợ mỏ ngày một no đủ, ấm ấp hơn.

  Nguồn Văn nghệ số 45/2018


Có thể bạn quan tâm