March 29, 2024, 5:31 pm

Thơ lắp ghép

Tiến trình đổi mới thơ cùng với sự phát triển của xã hội là một quy luật khách quan. Cách đây gần một thế kỷ, phong trào thơ mới đã có những đóng góp đáng kể và có thể coi như một cuộc cách mạng cho sự phát triển nền văn học của đất nước. Các nhà thơ tiên phong đã đổi mới mạnh mẽ cả nội dung và hình thức nghệ thuật của thơ, nó chứng minh khả năng biểu đạt phong phú và đa dạng của tiếng Việt. Kể từ đó đến nay đã có biết bao nhiêu nhà thơ cố gắng tìm cách đổi mới thơ cả về nội dung và hình thức thể hiện.

Trong kháng chiến chống Pháp và thời kì đầu hòa bình, xuất hiện một trường phái thơ Bút Tre, người khởi xướng là ông Đặng Văn Đăng (1911-1987) nguyên Trưởng ty Văn hóa tỉnh Phú Thọ. Với phong cách thơ độc đáo, bằng thủ pháp “cưỡng ý - đoạt vần, ngắt dòng - đổi chữ”, thơ Bút Tre đã trở thành một trường phái thơ bình dân, tạo ra tiếng cười vui vẻ mang phong vị dân gian thời hiện đại. Nó được đông đảo quần chúng lao động đón nhận và sáng tác tạo ra rất nhiều dị bản về thơ Bút Tre và Hậu Bút Tre tồn tại trong đời sống thơ ca Việt Nam.

Hiện nay, trước sự phát triển ồ ạt các Câu lạc bộ Thơ ở cả 63 tỉnh thành trên cả nước, cộng với phong trào thơ trên Facebook, trên mạng xã hội, thì có thể nói chưa bao giờ phong trào thơ quần chúng lại phát triển nhiều và rực rỡ như hiện nay. Mỗi ngày có đến hàng chục tập thơ được các Nhà xuất bản cấp phép hợp pháp, thì cũng có từng ấy tập thơ tự xuất bản, chưa kể đến hàng ngàn bài thơ đăng trên báo giấy và trên mạng. Tình trạng này vừa mừng vừa lo, có nhà phê bình gọi là sự “bội thực” của thơ, rồi là lạm phát thơ, có nhà quản lý đề xuất giải tán các Câu lạc bộ Thơ, hạn chế xuất bản… Nhưng ở một góc nhìn tích cực thì có thể thấy đây là một dấu hiệu đáng mừng về văn hóa. Chúng ta đã từng tự hào đất nước ta là một “cường quốc thơ”, kể từ khi “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành thơ”. Dân tộc Việt Nam là dân tộc có một tâm hồn thi ca, từng vịn vào câu thơ để vượt qua bao khó khăn, gian khổ giành thắng lợi trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Qua đó để thấy thơ quan trọng và có sức mạnh như thế nào trong cuộc sống của người Việt Nam.

Nhưng cùng với những thành tựu đáng nể về sáng tác và xuất bản thơ, thì có một hiện tượng không đẹp xẩy ra, đó là việc “đạo thơ”. Một số tác phẩm thơ đã được trao giải thưởng danh giá, lại bị bạn đọc phát hiện đạo thơ, đến nỗi đơn vị tổ chức đã phải ra quyết định thu hồi giải thưởng. Tình trạng này ở các Câu lạc bộ Thơ còn nhiều hơn, rất nhiều vụ kiện tụng đã xảy ra làm cho thơ vốn là một sân chơi lịch lãm và trí tuệ bị ảnh hưởng không tốt.

Bàn về vấn đề này sẽ có một bài viết riêng và phải có nhiều giải pháp đồng bộ, như nâng cao dân trí, giáo dục công dân thậm chí phải có Luật xử lí vi phạm về sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên có một giải pháp có tính nhân văn, đó là tạo ra một trường phái thơ mới, mà tôi gọi là THƠ LẮP GHÉP. Trong thơ lắp ghép, người viết được phép mượn một cách công khai, minh bạch (chứ không phải đạo thơ) các câu thơ mà mình yêu thích của các nhà thơ đã sáng tác và công bố, rồi bằng kĩ thuật và cảm xúc của mình tạo ra một văn bản thơ mới theo một đề tài nào đó. Nó thỏa mãn sự đam mê các câu thơ hay, đồng thời cũng thể hiện sự lao động nghiêm túc về nghệ thuật của người viết.

Khi đưa ra ý kiến về trường phái thơ này, tôi có vận dụng kiến thức của một kỹ sư xây dựng, đã nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy ở Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Trong các công nghệ giảng dạy ở đây đó có Công nghệ lắp ghép nhà dân dụng và công nghiệp. Theo công nghệ này, ngôi nhà lắp ghép sẽ được thiết kế chia ra thành một số cấu kiện cơ bản như: cột, dầm, tấm tường, tấm sàn, tấm mái… Các cấu kiện này được sản xuất hàng loạt trong các nhà máy, sau đó chở đến các công trường và được ghép với nhau bằng các mối nối, tạo ra ngôi nhà như đã thiết kế. Ưu điểm cơ bản của nhà lắp ghép là nhanh và rẻ, nhược điểm cơ bản là không đa dạng.

Từ công nghệ lắp ghép nhà tôi nảy ra ý định lắp ghép các câu thơ tôi thích thành một bài thơ. Thú vui này tôi tự chơi một mình từ những năm 90 của thế kỷ trước. Bây giờ thấy nên công bố để nhiều người cùng chơi.

Để thơ lắp ghép được phép tồn tại và phát triển, trước hết có lời xin phép các nhà thơ là tác giả của những câu thơ hay, cho phép người viết mượn làm “cấu kiện” để lắp ghép thơ, hãy coi đó là một niềm tự hào vì thơ mình đã có người yêu thích.

Tiếp theo là người viết phải chấp nhận một số qui định như sau:

1/ Dưới tên các bài thơ phải viết rõ ràng trong ngoặc đơn: (Thơ Lắp ghép).

2/ Chỉ được mượn 1 hoặc nhiều nhất là 2 câu trong một bài thơ đã công bố.

3 / Không được gửi dự thi dưới bất cứ hình thức nào (Trừ trường hợp tổ chức thi Thơ Lắp ghép nếu có)

4/ Bản quyền các câu thơ trong thơ lắp ghép là của các nhà thơ tác giả

Dưới đây xin giới thiệu một số kỹ thuật lắp ghép thơ mà tôi đã sử dụng:

1 - Lắp ghép từ: Mượn một hoặc vài từ trong một câu thơ yêu thích để sáng tạo ra một câu thơ khác. Khi này các từ mượn phải để trong “…’’

Ví dụ: “Từ ấy trong tôi đường đã khác.

2 - Mượn một câu thơ nguyên gốc thì cứ để nguyên trong “…’.

Ví dụ: “Bước đi một bước một dừng.

3 - Mượn một ý thơ để tạo ra một câu thơ khác.

Ví dụ: Bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử có câu:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ Điền

Để tạo ra một câu thơ mới:

Nắng đã lên rồi nắng đã lên

Lá xanh như ngọc gió êm đềm

4 - Mượn một motip thơ để tạo ra một bài thơ khác cùng Motip. Ví dụ:

Tôi hỏi mây: - Mây bay về đâu?

- Bay về phía núi cao

Tôi hỏi gió: - Gió thổi về đâu?

- Thổi về phía rừng sâu

Tôi hỏi em: - Em đi về đâu?

5 - Kỹ thuật bán lắp ghép: Nghĩa là bài thơ chỉ mượn một vài câu thơ làm nền, xen kẽ các câu thơ mình sáng tác. Khi này các câu thơ mượn để trong ngoặc kép “…”, còn các câu thơ khác được hiểu là của người viết. 

Ví dụ: Anh một mình dạo chơi trên bờ cát

Biển một bên và em một bên”  

Trên đây là một vài kỹ thuật cơ bản, nó giúp người viết ban đầu có được một số kỹ năng để lắp ghép các câu thơ mình yêu thích thành một bài thơ, hoặc mượn một mô típ thơ để sáng tạo ra một bài thơ mới. Trong quá trình lắp ghép người viết sẽ sáng tạo ra nhiều kỹ thuật mới làm phong phú thêm cho Thơ Lắp ghép.

Đây là một đề tài mới có tính chất quần chúng, nó giúp những người thích làm thơ nhưng không có nhiều khả năng sáng tạo, sẽ có một cách chơi thơ mới, theo xu hướng công nghệ thời 4.0

Thêm một người làm thơ là thêm một sự hướng thiện. Chúng ta tạo ra một cách chơi thơ mới cho nhiều người, cũng là một việc tốt nên làm. Rất mong được các nhà thơ, các nhà lí luận phê bình trao đổi, góp ý thêm, để Thơ lắp ghép có thể đi vào cuộc sống, góp phần làm phong phú thêm cho nền thơ nước ta.

Nguồn Văn nghệ số 42/2020

 


Có thể bạn quan tâm