April 17, 2024, 5:26 am

Thơ đoạt giải cuộc thi Thơ báo Văn nghệ (1019 - 2020)

GIẢI B

 

TÒNG VĂN HÂN

 


Mẹ tôi chửi kẻ trộm

 

Những lần gà nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
- Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!
Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
- Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé!
Từ thuở bé đến giờ
Hễ nhà mình mất gà mất lợn
Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế
Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.
Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường
Nhan sắc không bằng đám bạn
Khéo léo không bằng người ta
Thế mà có hẳn bốn nhà
Muốn được tôi làm con dâu của họ.

 

Làm rể

 

Ngày anh sang nhà em làm rể
anh đi phát nương
con dao nhỏ bằng ba ngón tay
phát được nhiều bằng ba người khác.
Những buổi sáng trời đổ sương muối
cá suối trú rét đầy trong hốc
anh đi bắt cá về ăn
nước suối ấm như nước em đun tắm.
Có những bữa hai ta ăn cơm ở trên nương
bẫy và nỏ chẳng săn bắn được gì
chỉ ăn lá vả, lá sung chấm muối ớt
ngon như ăn thịt hoẵng thịt nai.
Có những hôm hai ta ngủ trên nương
đêm mùa hè trời oi và nóng lắm
cái lán nhỏ nằm một mình đã chật
mà ngủ ngon hơn bất cứ nơi nào.

 

Nhà dưới nhà trên

 

Bản ta ở sườn dốc
Nhà sát nhà
Kê nhau cao dần cao dần lên đầu núi
Gọi quen “Nhà dưới nhà trên”
Ánh mặt trời xuyên qua vách nhà trên lọt vào cửa sổ nhà dưới
Gió hắt qua nhà dưới thông thống cửa sổ nhà trên
Không làm hàng rào ngăn cách
Gánh nước vương ra ướt sân nhà nhau
Con vịt nhà trên bơi lội ao nhà dưới
Con gà nhà dưới bới ăn trong gầm sàn nhà trên.
Đời cha đời ông
Ăn chung cây xoài cây me
Đời con đời cháu
Ăn chung giàn bí giàn bầu.
Khi một nhà đi đâu không cần khóa cửa
Chỉ cần nói một câu “Trông nhà hộ nhé!”
Đồ bé đồ to chẳng mất bao giờ.
Khi một nhà có khách
Chỉ cần gọi một câu “Về đây ăn cơm đê”
Chai rượu lâu năm chăng đầy mạng nhện
Mang sang để cùng tiếp khách
Tiếng thơm lòng nhà dưới
Cũng thơm lòng nhà trên.
Sống với nhau bằng tấm lòng ngay thẳng
Nhà dưới kê nhà trên cao lên.

 

NGUYỄN VĂN SONG

 


Từ ngày lên phố

 

Đất nhà mẹ có mấy sào
Đàn con ra phố mẹ rào trồng rau
Vườn trăng thơm nức hương cau
Bốn mùa hoa trái tươi màu nhà quê

 

Bỗng nhiên thành thị tràn về
Xóm làng lên phố bộn bề đua chen
Đàn con hối hả về liền
Giục đo chia đất, chia quyền phân minh

 

Đất vàng đọ với thâm tình
Ruột rà máu mủ giật mình lìa xa
Năm con chia sáu phần ra
Một phần nuôi mẹ thế là công tâm

 

Hàng cau cao vút đổ rầm
Vườn cây xanh mướt băm vằm tả tơi
Nhà cao tầng mọc ngút trời
Mẹ ngồi bốn phía tường vôi thẫn thờ

 

Năm phần đổi chủ lặng tờ
Khoảng sân mẹ đứng phạc phờ bão giông
Trông con cả một đời ròng
Mẹ chờ rời khỏi đất không phần mình.

 

Gọng vó đầu làng

 

Đầu làng một gọng vó bè
Kĩu cà kéo cả bốn bề trăng trong
Túp lều nằm nép mé sông
Ông ngồi vớt những ước mong đời thường

 

Điếu cày rít xé đêm sương
Gió khuya tiếng cá quẫy vương lưới mềm
Sao trời thức đáy sông đêm
Lòng ông thức với những niềm đầy vơi

 

Bạn đời sớm bỏ theo người
Con thơ nheo nhếch, miệng đời mỉa mai
Gia tài ắp tiếng thở dài
Mái buồn vách thủng gió hoài canh thâu

 

Bến quê tay kéo khoan mau
Bốn mùa con nước dòng sâu cuộn dềnh
Đôi khi gọng vó lặng thinh
Nằm nghe cây gạo giật mình rụng hoa

 

Bây giờ mỗi độ tháng ba
Đầu làng vẫn gạo đỏ hoa rụng đầy
Bóng người khuất nẻo chân mây
Chỉ còn gọng vó trơ gầy nằm khô.

 

Từ ngày cha mất

 

Từ ngày cha mất đi rồi
Mẹ như một giọt nắng rơi bậc thềm
Gậy tre đỡ trái chín mềm
Mắt nhìn xa thẳm một miền khói sương

 

Ba gian loang lổ quanh tường
Rộng thênh một khoảng mấy phương gió lùa
Vườn nhà thả giữa nắng mưa
Hàng cau nghẹn bẹ mấy mùa không hoa

 

Các con mấy đứa ở xa
Vội vàng thăm mẹ tháng ba bốn lần
Đứa gần dẫu có ân cần
Bù sao cho đủ lặng thầm cha trao

 

Anh em mấy giọt máu đào
Vắng cha giông gió tác tao ít nhiều
Mái trầm ngói cũ phong rêu
Dấu xưa còn được bao nhiêu sum vầy

 

Từ ngày cha mất đến nay
Con đi như một cụm mây luân hồi
Hợp tan qua mấy vòng đời
Vẫn đau đáu một phương trời có cha.

 

GIẢI C

 

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG

 

Biên giới

 

Tiếng cất lên như trong lòng đất
hay vọng lại từ đá và cây
cũng có thể trời xanh dộng xuống
thiêng liêng dải đất này
Biên giới
Nơi ai cũng khẽ khàng chân bước
phía bên kia hung hiểm khó lường
bên này là thân thương xa xót
núi nghiêng mình lấy bóng che quê
Núi như người trai ấy
ngực xanh làm lá chắn
Không vì một cuộc chiến
mà chốn này gian lao
ngàn năm vùng biên viễn
núi dựng lên chiến hào
Những đêm này ta thường khó ngủ
biên cương đón khách chẳng ồn ào
ý nghĩ nhiều năm thành dự cảm

 

ta đã đến nơi này từ những giấc mơ
Không còn ai nhắc về cuộc chiến
hay họ nhắc mà không ai nghe
hay bởi vì không ai quên cả
nhắc làm gì điều đã nhớ ghi
Những giấc mơ của người thiếu nữ
chạm vào đâu cũng thấy ngại ngùng
lời muốn nói nghẹn trong bóng tối
biên viễn là gì mà xa xôi.

 

Mùa thu Sơn Tây

 

Trong vời xa của nắng
những con đường vẫn dẫn về nhau
mầu áo ấy chưa thôi sờn bạc
hết chiến chinh đỏ bụi thao trường
Sơn Tây thoảng lời nhắc
đồn binh lẻ chân đồi
nắng mang mầu đu đủ chín
người còn cách mấy thôi mưa
Trẻ trai như là nâu đất
dào lên ngọn vắng tàn xanh
đêm giấu bao nhiêu khao khát
cháy bùng một đốm khuya xa
Tháng mười bừng cơn sốt
mây trắng mải miết đắp khăn
em cách một nhịp thở
hoa keo trổ những chùm buồn
Nơi ngọn đồi sót lại
một đám mây chờm xuống mùa thu
những tiếng súng găm vào tàn tích
còn ai gọi mà thưa.

 


CHÂU HOÀI THANH

 

Triết lý về thời gian

 

Khi ta gỡ một tờ lịch bỏ đi
cũng là khi một ngày vừa kết thúc
có người buồn vì phải hết một ngày vui
cũng có người vui vì đã hết một ngày buồn

 

thời gian chính là ngân hàng mở để chúng ta
ký gửi tất cả những gì đang có mà không cần bất cứ sự thế chấp nào
không sổ đỏ!
không tiền vàng!
không quan hệ!
không ngoại lệ!

 

nghe có vẻ nực cười nhưng thời gian cũng chính là kẻ cắp có quyền lực nhất bởi chính nó cũng
âm thầm lấy đi tất cả những gì chúng ta đang có ai cũng mất sức khỏe
ai cũng mất tuổi trẻ
nhưng tất cả chúng ta, những người bị đánh cắp không thể kêu oan

 

có phải vì thế nên bằng cách này hay cách khác
tất cả chúng ta đang giết thời gian
người giết thời gian bằng việc làm vô ích thì thời gian chết
người giết thời gian bằng việc làm có ích thì thời gian sống

 

người như ngựa, tung hô rồi kéo thời gian phi nhanh
người như sên, lặng lẽ nếm từng giọt thời gian mật ngọt
người muốn co thời gian ngắn lại
người muốn kéo thời gian giãn ra
nhưng cũng có người vừa muốn co, vừa muốn kéo nhưng tất cả đều vô vọng
định luật đã lên đèn
hai mươi bốn giờ mỗi ngày

 

không phải là vận động viên nhưng con người và thời gian đang cùng song hành trên một chặng đường
ai chết?
ai sống?
ai nghèo?
ai giầu?
ai khổ?
ai sướng?
chỉ có thời gian mới có thể trả lời… Bởi thời gian cũng chính là vị quan tòa duy nhất trong không gian sự sống…

 

Hương tóc mẹ

 

Đi bao lâu sẽ gặp cánh đồng
sẽ gặp mùi hương trên tóc mẹ?
mẹ chở niềm tin như gió chở cơn mưa nặng hạt
mỗi ngày đắng đót ru cánh đồng con

 

chiến tranh như vết cắt
để lâu thêm héo mòn
mẹ vẫn trò chuyện với cái bóng của bà ngoại và các dì
hàng đêm
cánh đồng cày sâu đỏ máu

 

con lớn lên
mắt phù sa trôi trên bãi bồi
hạt lúa, củ khoai vẽ lại hình khuôn mặt có nhiều nếp nhăn
và những tiếng cười trong như sương
những khuôn mặt con chưa bao giờ gặp

 

mỗi lần về
con vẫn mỏi gót chân
tìm trên cánh đồng cơn mưa của mẹ

 

đã lâu
mẹ chẳng ra cánh đồng
chỉ ra mộ phần của bà và các dì hát ru những nhành cỏ dại
hương tóc mẹ
bay
bay…

 

KHUẤT BÌNH NGUYÊN

 

Xa hơn cả thời xưa

 

Cổng làng xưa
Xa hơn cả thời xưa
Xưa như người già áo tơi nón lá
Đứng ở đầu làng đợi mưa bốn mùa
Đợi kẻ tha hương.
Trẻ con làng tôi khóc ba tiếng chào đời
Bên trong cổng làng vọng ra ba tiếng nữa.
Tuổi thơ thia lia trên mặt nước
Vẩn vơ đi tìm lại mình
Dọc bờ sông Đà, sông Tích ngập đầy mây.
Chỉ thấy trăng xứ Đoài
Lặn sâu xuống các dòng sông ấy.

 

Bước qua cổng làng tôi thành người lớn
Tha hương học cách làm người
Xa rồi đồng đất Sơn Tây
Dọc ngang chưa đủ đường cày
Trở ra gặp sông trở vào gặp núi.

 

Nhà quê nhẫn nhịn một đời
Củ nâu xấu xí nhuộm người nâu non.

 

Lá đa rơi kín mùa hè ngày mẹ ra đi
Cổng làng đứng ngóng
Trăng xứ Đoài xa hơn cả thời xưa.
Bao nhiêu người đi ra
Bao nhiêu người không trở về
Áo tơi nón lá
Âm thầm tử biệt sinh ly,
Cổng làng đứng ngóng.

 

Trăng quê hương tròn khuyết
Tôi theo trăng tìm về câu hát

 

Xứ Đoài dừng lại mà trông
Kìa núi ba ngọn, kìa sông hai dòng

 

Qua cổng làng xưa
Tôi trở thành đứa trẻ
Tôi trở về với mẹ
Khao khát làm người nhà quê
Sống lại những ngày tôi đã sống.

 

Về làng mở cổng làng ra
Bao nhiêu xưa cũ nhà nhà trăng trăng.

 

Nguyện ước ca trù

 

Suốt một đời xuôi ngược Bắc Nam
Chưa đi hết
Câu ca trù nguyện ước.
Đàn đáy ba dây
Thở than niềm non nước
Năm khổ trống chầu lá phách đổ dồn mưa.
Người cát bụi dặm trường rơi lệ
Kiếp nhân sinh
Lăn lóc tang bồng.
Nơi thôn dã
Rộn ràng trống gõ
Khúc Nguyên Hòa lúa đợi gió mưa trông.
Bao nhiêu năm cung bậc bổng trầm
Chẳng yên được tiếng tơ đồng đàn đáy
Số phận người nhấc lên đặt xuống
Cát bụi ca trù
Nhân thế vô chung.
Đời vui buồn khoan nhặt tiếng cầm ca
Đào nương hát ra vào tranh tố nữ  
Mái đình xưa
Chưa bao giờ cũ
Nước non xanh
Tháng đợi năm chờ.

 

ĐẶNG CƯƠNG LĂNG

 


Lắng nghe

 

Nghe núi đứng, nghe sông nằm
Nghe đồi úp mặt, nghe năm cạn ngày
Nghe trời cao, nghe đất dày
Cánh chuồn phận mỏng muốn bay lên ngàn.

 

Qua bao cung bậc tiếng đàn
Lắng nghe cây cỏ… trần gian giầu, nghèo
Nỗi niềm sông suối trong veo  
Nghe thương dân giã gieo neo… dã tràng.

 

Đường xa lắm nẻo ngỡ ngàng
Nghe lời chim hót mơ màng cây xanh
Nghe chiều thêu lụa vào tranh
Uy nghi núi dựng lũy thành vươn cao.

 

Ngày xưa nghe tiếng ngọt ngào
Tiếng em gọi nắng dạt dào mùa ơi!
Nay nghe ngọt mật đắng đời
Thương thuyền ai giữa chơi vơi sóng dồn.

 

Trở về

 

Trở về với tuổi thơ xưa
Đi tìm cơn gió, trận mưa thuở nào
Trời xanh xanh đến nôn nao
Biển xanh xanh đến nghẹn ngào năm canh

 

Trở về với khoảng xa xanh
Lâng lâng ngọn gió mỏng manh cánh diều
Trở về chùa cổ phong rêu
Cõi lòng ủ chín những điều bình yên

 

Trở về với bóng mẹ hiền
Về miền thương nhớ về miền xót xa
Trở về với chính hồn ta
Ngỡ gần gần lắm lại là trùng khơi

 

Trở về với những non tươi
Nhụy hoa trong trắng, mắt người trong veo
Một đêm mười sáu trăng treo
Gập ghềnh con suối, cheo leo cây cầu

 

Trở về ký ức thẳm sâu
Ở đâu sóng gió? Ở đâu vui buồn?

 

GIẢI KHUYẾN KHÍCH

HÀ HƯƠNG SƠN

 

Cậu bé

 

Có một câu chuyện tôi muốn sẻ chia về cậu bé
giọt nước mắt tôi rơi trong một lần tình cờ xem video
giọng nói vô tư như mũi dao đâm vào tim tôi!...

 

“Ba em đâu?”
“Ba chết rồi!”
“Mẹ em đâu?”
“Mẹ chết rồi!”
“Em sống với ai?”
“Con sống một mình!”

 

Căn chòi vắng, chỏng chơ trên đồi vắng
gió tràn qua như muốn ngả nghiêng
em bé xíu, lạc giữa đời cơ cực
hồn nhiên như chẳng thể hồn nhiên!...

 

Ba, mẹ đã chết
người thân không ai cả
em sống nhởn nhơ, rách rưới giữa núi rừng
ngày ba bữa, em ăn bằng cây cỏ
tự hái trái rừng và nấu măng tươi...

 

bao năm, em sống giữa vòm trời
người đương thời chưa biết em tồn tại
một hôm, vô tình hay hữu ý
có người tìm thấy
em hiện lên trên màn hình phẳng...

 

Thế giới nhỏ như lòng bàn tay
có hay đâu, nhiều mảnh đời đau xót
tôi chỉ nghĩ đến mình, những ước mơ và hy vọng…
đằng xa có một chân trời
một cậu bé chẳng có chân trời…

 

Em sẽ làm gì giữa thế giới này
khi em đã từng sống như người rừng vậy
bao năm tuổi, em chưa từng biết chữ
Vì sao em có mặt trên đời?...

 

Tuổi thơ tôi, có mẹ có cha
có bạn bè nô đùa chơi đá dế
ăn - mặc - ở, dẫu nghèo nhưng đủ ấm
trái tim an yên giữa cuộc sống bao người...

 

Tôi đã khóc khi xem video về cậu bé
một cậu bé rừng, không có mẹ cha
hàng triệu lượt like, hàng ngàn lượt share
nhưng liệu một ngày, đời em có đổi thay?...

 

ĐINH HẠ

 

Xin cho anh được tục huyền

 

Lạy em đã đoạn tang rồi
Nỗi đau nào dễ hồ nguôi tháng ngày
Giấc mơ thảng thốt quắt quay
Ai găm nỗi nhớ cỏ may vệ đường

 

Lạy em đã giỗ đại tường
Làm sao giữ được chiếu giường hơi em
Gửi vào thăm thẳm lòng đêm
Yêu thương men ủ say mềm giấc đau

 

Nhìn con biết giấu vào đâu
Ngây thơ chợt hỏi mẹ lâu chưa về
Lời ru khàn giọng gượng nghe
Bữa ăn cá mặn, cơm khê cũng đành

 

Lạy em cỏ mộ đã xanh
Mong chi gương vỡ lại lành nhân duyên
Nén hương này thắp. Anh xin
Tìm người thay thế phận em và rồi…

 

Để cho con trẻ mồ côi
Áo quần thẳng nếp nụ cười gót son
Sợ chi nồi méo vung tròn
Con chồng dì ghẻ đao gươm miệng đời

 

Lạy em di ảnh mỉm cười
Linh thiêng phù hộ cho người trần gian.

 

HUỲNH THÚY KIỀU

 

Trở lại miền Tây


 
Những mái dầm, mái chèo nhập nhoạng bóng đêm
Áo bà ba xưa
Bây giờ em còn mặc?
Mấy mươi năm trở lại miền Tây
Cái gì cũng khác
Chỉ chín nhánh sông lở bồi vẫn rấm rứt nhịp chảy nhớ thương


 
Đước như những chàng ngư phủ vạm vỡ cắm bàn chân ngập ngụa bùn non
Từng chùm rễ mắm vươn mình đội phù sa sóng sánh
Vạt tràm xanh đất U Minh miệt mài khôn lớn
Oằn lưng biết bao mùa nước ròng nước nổi
Thương dòng sông cuối mùa
Nước cứ len lén rút cạn thêm…


 
Áo bà ba hờ hững chiếc eo thon
Câu vọng cổ em xuống xề giữa cơn mưa đồng bằng lênh bênh nước
Tháng tám trời thu xanh da diết
Nụ cười hiền với lạ lẫm những ban mai


 
Ký ức dìu nhau trở về qua ly đế chuyền tay
Mầu thời gian hắt hiu buồn tênh từng mái lá
Thăm thẳm khuya vọng những lời đói nghèo rơm rạ
Bóng trăng chảy tràn lênh láng mặt sóng loang…


 
Nặng nợ miền Tây!
Đau đáu đời thương hồ nổi nênh chợ nổi. Đêm
Hỏi Tân Châu năm nay lũ có về không đó?
Con cá linh non đầu mùa bơi trong nồi canh chua bông điên điển
Theo phù sa anh về thương những con rạch nhỏ róc rách chảy xa xăm


 
Trở lại miền Tây
Thao thức với châu thổ
Ngậm ngùi
Đâu rồi những bà mẹ ngày xưa nhai trầu bỏm bẻm?
Quệt chút vôi hồng đỏ ký ức nồng say


 
Và bây giờ trở lại miền Tây
Anh muốn nghe chim quyên quầy rướn mình hót vang điệu lý
Đâu trái mù u
Đâu con cá kiều
Đâu con ba khía
Đâu những bấc non thổi dập dềnh hút hồn bao nhung nhớ miền Tây?

 

ĐỖ VĂN DINH

 

Em đi học từ phía cổng trời

 

Em tôi đi ra từ mầu của khói
Trên con đường  chênh vênh, dốc ngược  
Trong tiết trời  mùa đông
Từ cổng trời  hút gió
Em đến trường vẫn cười cười nói nói
Chiếc ô che nghiêng thấp thoáng phía cổng trời

 

Dòng sông sương đậu trên bờ vai,  
Sương làm ướt áo em  
Làm ướt cả đá cổng trời
Mà tiếng cười vẫn giòn tan trong rét mướt

 

Trời lập  đông trên cao nguyên
Em mặc áo tơi
Tới  lớp, tới trường
Vẫn nghiêm trang chào thầy
Tiếng chào thành mầu khói
Bay bay

 

Mây vẽ em trong không gian
Huyền ảo
Không bức tranh nào
Đẹp như bức tranh vẽ bằng mây, bằng gió
Bằng cả  nụ cười

 

Mây không cao bằng vai em tôi
Dòng  sông sương không ngăn nổi bước  chân em
Chiếc áo tơi và má em tôi ướt
Mà vai  em  vẫn đeo  cặp sách tới lớp, tới trường
Tiếng cười còn đọng lại trong sương

 

Em đi học  từ phía cổng trời đẹp như bức tranh
Tạc vào vách đá
Tạc vào màn sương bay bay.

 

MAI THÌN

 

Tạ lỗi với mây xanh

 

Ngày mười hai tháng bảy năm tám tư
chúng tôi trồng cây phượng bên góc trường
kỷ niệm buổi cuối cùng đời học sinh trung học
rồi vỗ cánh
mỗi đứa một phương
mỗi đứa một phương
nhưng không có đứa nào chia với các anh quả đạn pháo ở biên cương phương Bắc
không có đứa nào xắn hộ một xẻng đất
cho vuông vức chỗ các anh nằm
đêm mười hai tháng bảy năm tám tư
tôi chong đèn làm thơ trên trang lưu bút
gửi cho người bạn gái thường mặc chiếc áo vàng ngày chào cờ đầy nắng
buồn vẩn buồn vơ cơn mưa trút lá

 

nhưng chẳng có giọt nước mắt nào khóc cho mấy nghìn liệt sĩ
mấy vạn đốt xương hóa đá dọc chiến hào
suốt bao năm nằm lại non cao
chỉ có nắng và những mùa hoa gạo đỏ
thầm lặng ủ các anh
chút hơi ấm quê nhà.
trưa nay chúng tôi đến thăm
Nghĩa trang Vị Xuyên* ầm ầm giông đổ
nén nhang muộn thắp lên
mưa ướt hết
xin thắp mấy dòng này
tạ lỗi với mây xanh.

 


------------
* Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên ở Hà Giang có hơn 2.000 ngôi mộ, trong đó có rất nhiều người hy sinh ngày 12.7.1984. Vào ngày này hàng năm, cựu chiến binh cả nước về đây tổ chức “giỗ trận” để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược.

 

TRẦN ĐỨC TÍN

 

Mình ơi bão qua rồi

 

Sài Gòn vào mùa bão rồi em
cơn bão đầu tiên anh đón nơi đất khách
nghe là lạ từng hạt mưa giăng mắc
lắm lúc trở mình đau hơi gió phía xa xôi
phố hoang vu
phố chạy bão
phố gập người
ngọn đèn đường thức trắng đêm nhìn bão nổi
anh cũng nhìn em sau đôi mắt bão
bỗng thấy mình thời tuổi trẻ nông nênh
bão xoáy lòng
phố
trống trơn
bật gốc
em lại xoáy vào anh từng ánh nhìn quặn thắt
mảnh vụn nào rơi vãi phía xa xôi
nửa đời rồi anh đón bão cùng em
vẫn ngọn đèn dầu
chiếc áo tơi
mì gói
phố lặng lẽ run từng hơi thở
ừ thì
anh và em
vẫn tình tự như thuở bén duyên nhau
nhớ có lần
qua cơn bão số 5
đồng là nước
nhà là nước
lòng anh là nước
chạy tìm em trong chập chững phận người
anh vấp ngã giữa mênh mông sóng phố
khản đến buốt lòng anh cố gọi:
mình ơi!
mình ơi... bão vừa qua rồi
mái liêu xiêu co quặm
chợ tan hoang không bóng, không người
mình ơi... bão qua rồi
mình ở đâu?
ở đâu?
anh thấy toàn sóng nước
người là phận bèo trôi
anh chạy tìm em
như đứa trẻ
sắp
mồ côi
vẫn tiếng thét: mình ơi!
mà chân anh không nhấc qua nổi bậc cửa
cứ đứng lên rồi ngã như đứa trẻ bị bỏ rơi
mình ơi bão qua rồi
mà trong anh toàn hoàng hôn giàn giụa
tím đến lịm người gieo lên phố chòng chành
bão
rơi
mình à
anh đã đón nửa đời bão cùng em
như thành phố vẫn lao xao câu hát
dẫu mai sau lưng còng da bạc
chỉ cần ngọn đèn dầu làm lửa thắp tìm nhau!


Có thể bạn quan tâm