April 25, 2024, 11:50 pm

Thơ Đỗ Trung Lai

Đá và cờ ở Đồng Văn

 

Dưới bóng vàng sao đầu Lũng Cú

Đá cũng là dân đất nước tôi

Chiều xuống, sương bò ra mặt đá

Như người giữ nước đổ mồ hôi

 

Cả đá lẫn người đều lẫm liệt

Muôn kiếp thi gan nhật nguyệt rồi

Ngậm gió Cổng Giời buông tiếng thét

Đá thề sống chết tựa người thôi

 

Sống chết, tận trung mà báo quốc

Chầu bên cột mốc chốn biên thùy

Ấm lạnh với người trong sương tuyết

Che đỡ cho người lúc hiểm nguy

 

Rồi đá cho người thân kiếp đá

Dựng thành chót vót với uy nghi

Hồn nước ngày đêm theo thạch trụ

Phần phật reo trên ngọn quốc kỳ.

 

 

Đêm sông Cầu (*)

 

Anh qua sông Hồng sông Đuống

Mùa mưa bọt nước đỏ ngầu

Không biết ở nơi em ở

Êm êm một khúc sông Cầu

 

Tiếng một con tôm búng nước

Vó bè ai cất sau lưng

Sao giời lọt qua mắt lưới

Rơi đầy xuống cả mặt sông

 

Con sông của người quan họ

Suốt đời nước chảy lơ thơ

Em ơi! Em là cô gái

Từ lâu anh đợi anh chờ

 

Em là cô Tấm thảo hiền

Đến giữa đời anh trẩy hội

Tình đã trao nhau êm đềm

Mà vẫn mắt nhìn bối rối

 

Sông Cầu khi đầy khi vơi

Chảy ngang qua câu quan họ

Ướt đầm vạt áo bao người

Vạt thương ướt cùng vạt nhớ
 

Em nói nhẹ như hơi thở

Anh nghe để nhớ suốt đời

Giữ tình yêu như giữ lửa

Đừng quên, đừng tàn, đừng nguôi!

 

Tình yêu có từ phương em

Đi qua tháng năm chờ đợi 

Tình yêu cũng từ phương anh

Lửa rừng bồn chồn góc núi

 

Tình yêu có từ hai ta

Chẳng đủ gần mà giận dỗi

Nhà xa, mặt trận càng xa

Gặp nhau lần nào cũng vội

 

Ngày mai chắc là nhiều nắng

Nên sao giăng khắp trên đầu

Ngày mai chặn miền Ải Bắc

Tựa lưng vào đêm sông Cầu.

_______

(*). Bài thơ này đã được nhạc sĩ Văn Thành Nho phổ thành bài hát “Từ phương anh, từ phương em”, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa phổ thành bài hát “Tình yêu bên dòng sông quan họ”, nhạc sĩ Trần Thanh Tùng phổ thành bài hát “Nơi em về làm dâu” v.v...

 

 

Vịnh nỗi buồn

 

Dây đàn cũ lâu ngày không rung nữa

Người chơi đàn cũng đã bỏ đi rồi

Chỉ có tiếng đàn xưa, đôi lúc

Ngân trong lòng người ở lại mà thôi

 

Người ở lại cũng già theo năm tháng

Tiếng đàn ngân trong lòng cũng thưa dần

Rồi đến lúc người bán cây đàn cũ

Rồi đến ngày tất cả hoá phù vân!

 

 

Làm thơ Tiếng... Anh

 

Bảy mươi tuổi lẻ, ngồi nâng chén

Với bảy chàng trai dòng hot boy

Chuyện đất, chuyện giời, sa số chuyện

Hết bảy chai rồi chuyện chửa vơi

 

Hot boy xanh đỏ hoặc trọc lốc

Đầu ta quá nửa hóa mây giời

Hot boy toàn “Trách nhiệm hữu hạn”

Ta vào “Biên chế” thuở còn boy

 

Boy của thời ta đều ra trận

“Biên chế” trong tầm bom Mỹ rơi

Boy giờ ngồi mơ giấc mơ Mỹ

“Chửa có công ty chửa hóa người”

 

Boy của thời ta thường ra trận

Ba tháng, người yêu đi lấy chồng

Sau ngày thống nhất tìm ta khóc

Chẳng hỏi lòng ta có khóc không

 

Ta đi, nàng tặng khăn thêu nhỏ

Giờ boy xăm girl đầy trên người

Khăn nhỏ xưa rồi còn khó bỏ

Tẩy hình xăm cũ dễ không boy?

 

Boy của thời ta ưa “Chủ nghĩa”

Boy giờ “Chủ nghĩa cũng thường thôi”

Thấy “Soái ca” nào thăng tỷ phú

boy tìm đến bái sư chơi

 

Thoắt cái, nửa ngày tan giữa rượu

Tà dương, buông chén chào hot boy

Boy rủ, tuần sau đi thiện nguyện

Girl cũng đi cùng “cho nó vui”

 

Khỉ thật! Sao bây giờ mới bảo?

Cạn thêm ly nữa cùng hot boy.

 

 

Tết Trùng Cửu,

cùng thu qua Chùa Hương

 

Em ạ! Mùa thu trang nhã thế

Vì năm nào, thu cũng qua chùa Hương

 

Sáu thôn(1), ngàn cửa then cài lỏng

Trùng Cửu(2), heo may trẩy ngập đường

Vạn đại phong sương hồn cổ thạch

Suối dài, mây hạc đến soi gương

 

Cá đợi nghe kinh là có thật

Mõ kình như gọi, như đưa đường

Nhẹ nhàng sóng động bên thuyền khách

Lòng người như lụa ướp trầm hương

 

Gác gió, chuông chùa buông đủng đỉnh

Sơn thủy đồng sàng cùng vô thường

Phật điện đồng môn tam - tứ phủ

Tục lụy xa dần, gần thiên lương

 

Lá chạm vai người dường tay bụt

Tán oan, phổ độ cả mười phương

Nâng lão mai trà là thu ẩm

Thiền đàm, Phật pháp được hoằng dương

 

Nhớ bóng ngư ông qua cầu Hội

Trông trẻ lùa trâu qua hang Luồn

Nghe tiếng rừng mai sơn nữ gọi

Cần gì vạn thọ với vô cương

 

Em ạ! Mùa thu trang nhã thế

Vì năm nào, thu cũng qua chùa Hương.

_______

(1) Hương Sơn gồm 6 thôn: Hội Xá, Đục Khê, Yến Vĩ, Phú Yên, Tiên Mai, Hạ Đoạn.

(2) Tết Trùng Cửu (9 - 9 âm lịch) còn gọi là Tết Trùng Dương. Vào ngày này, văn nhân - thi sĩ thường rủ nhau lên núi uống Hoàng hoa tửu (rượu Hoa cúc vàng), ngâm ngợi, thù tạc. Khi về thì đem theo thù du - những loại cành, dây hoa vàng thuộc họ cúc. Đó cũng là Tết tiễn thu sớm của người phương Đông.

Nguồn Văn nghệ số 19/2023


Có thể bạn quan tâm