April 20, 2024, 5:13 am

“Thơ chống Mỹ” và mấy suy nghĩ về xây dựng đội ngũ tác giả kế tục

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam ra đã sản sinh ra thế hệ “nhà văn chống Mỹ” và “nền văn học chống Mỹ”, là một hiện tượng độc đáo được nhiều học giả thừa nhận là hiếm có và khó có thể lặp lại trong lịch sử văn học Việt Nam. Mặc dù vẫn còn những hạn chế, nhất là về hình thức nghệ thuật, do những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử qui định, nhưng nền văn học chống Mỹ cứu nước đã tiếp sức cho cả dân tộc trong một giai đoạn lịch sử khốc liệt; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà lịch sử giao phó; nuôi dưỡng dòng chảy liên tục của văn hóa dân tộc và góp phần chống lại một sự áp đặt văn hóa từ những thế lực bên ngoài hết sức giàu mạnh. Nổi bật trong nền văn học ấy là thơ ca chống Mỹ cứu nước!

     

“Bộ đội tranh thủ nghỉ đọc thư” chụp tại dãy Trường Sơn năm 1972 (Ảnh: Đoàn Công Tính)

Tinh thần dấn thân, nhập cuộc

Trước hết cần xác minh rằng di sản “thơ chống Mỹ” cứu nước là bao gồm toàn bộ những sáng tác của cả một thế hệ cầm bút trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; trong đó có các nhà thơ áo lính và đông đảo các nhà thơ đang công tác trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Và nội dung của dòng thơ ấy cũng vì vậy mà chứa đựng toàn bộ cuộc sống con người và vận động xã hội trong hơn 20 năm (1954-1975) dân tộc ta lao động và chiến đấu để thực hiện khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu) và Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật) là hai trong số những câu thơ thường được một số người cho rằng đó là “lên gân”, “khẩu hiệu”. Nhưng những ai đã được sống trong những năm tháng ấy, được chứng kiến và can dự vào các sinh hoạt của những năm tháng ấy, kể cả những người nước ngoài từng đến Việt Nam vào những năm tháng ấy, đều phải thừa nhận rằng đó là hào khí, là tâm thế của cả dân tộc Việt Nam trước vận mệnh của dân tộc. Và “thơ chống Mỹ” đã thể hiện hết sức sinh động hào khí ấy, tâm thế ấy. Được như vậy, bởi những năm tháng ấy các nhà thơ đã hăng hái, tự nguyện dấn thân vào cuộc chiến tranh vệ quốc và toàn bộ sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Họ là những con đẻ của cách mạng, lớn lên trong hào khí cách mạng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nên từ nhận thức cuộc sống đến quan điểm nghệ thuật là rõ ràng dứt khoát. Họ xác định phải phản ánh trung thực và sinh động cuộc sống mà mình đang ký thác toàn bộ cuộc đời mình trong đó. Chính từ tinh thần dấn thân và tâm thế nhập cuộc hết sức tự giác mà thơ chống Mỹ cứu nước đã hòa quyện được cái “Tôi” trữ trình và cái “Ta” hào sảng; đã “thu xếp” hết sức ổn thỏa mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân và cộng đồng. Cảm hứng chủ đạo của thơ thời chống Mỹ gắn với mọi nỗi vui buồn thường trực của hiện thực và gắn liền với cuộc chiến đấu vì sự tồn vong của đất nước. Tinh thần dấn thân ấy cộng hưởng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là nền tảng để cảm hứng công dân thăng hoa: Hà Nội mang tầm vóc hôm nay/ Cộng với tầm cao quá khứ / Tôi đi dọc những lối vào lịch sử/ Nghe suốt năm châu bè bạn nối gần/ Tôi đi ngang những cuộc đời thường/ Biết ở đó chia nỗi lo nhân loại… (Bằng Việt). Đó là là tâm huyết phổ biến của một thời, một thế hệ. Phải đặt vào hoàn cảnh ấy mới thấy những câu thơ như: Đi qua hết tuổi thanh xuân/ Để lại trong rừng những gì quý nhất/ Mất mọi thứ để nhân dân không mất… (Phạm Tiến Duật); Trời ơi, nếu kẻ thù chiếm được/ Chỉ một gốc sim thôi, dù chỉ gốc sim cằn/ Tổ quốc sẽ ra sao, Tổ quốc! (Hữu Thỉnh); Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc? (Thanh Thảo) v.v… thực sự là những lời gan ruột tự đáy lòng.

Những năm tháng ấy, khát vọng độc lập - tự do đã trở thành lý tưởng sống của thời đại, nó thấm nhuần một cách tự giác vào mỗi người. Vì thế, thơ chống Mỹ đã phục vụ nhiệm vụ chính trị một cách tự giác, nhuần nhị và hiệu quả. Trước hết là bởi nhân dân khi ấy cần những bài thơ thỏa mãn nhu cầu tình cảm, nhu cầu thẩm mỹ của họ, để họ học tập, lao động và chiến đấu hăng hái hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Và các nhà thơ đã nhiệt thành đáp ứng những nhu cầu đó. Cho nên, những giá trị của thơ chống Mỹ không cần đợi có “độ lùi” thời gian mà được khẳng định ngay sau khi ra đời. Nó được “định giá” bằng niềm hào hứng của công chúng đón đợi tiếng ngâm thơ trên đài, trên sân khấu, trong các cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng. Nó được tôn vinh bằng những nét bút chép nắn nót trong sổ tay của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong, học sinh, sinh viên… Hồi ấy, những tập thơ xuất bản số lượng hàng vạn bản, nhưng khuôn khổ chỉ nhỉnh hơn cái bàn tay, để tiện cho bộ đội đút túi cóc ba lô, thậm chí đút trong túi áo ngực. Có thể nói, bằng việc thõa mãn nhu cầu tinh thần, nhu cầu thẩm mỹ của các tầng lớp nhân dân, thơ chống Mỹ đã đáp ứng được yêu cầu của của thời cuộc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà dân tộc giao phó trong giai đoạn đó.

     

Vẫn rất cần công tác tổ chức

Lâu nay, khi đánh giá về thành tựu của nền văn học cách mạng Việt Nam, vẫn có nhận xét rằng các nhà văn nước ta còn mắc nợ sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta những tác phẩm lớn, xứng tầm. Để trả “món nợ” ấy, rõ ràng và chắc chắn phải trông chờ vào thế hệ nhà văn trẻ hôm nay và các thế hệ tiếp theo.

Đời sống văn học gần đây đã hình thành một thế hệ nhà văn trẻ viết về chiến tranh - người lính và họ cũng đã đạt được những thành quả nhất định. Đó là thế hệ nhà văn có nhiều lợi thế của thời đại khi khảo sát và cảm nhận về chiến tranh và người lính, nhưng khả năng phân tích các sự vật, hiện tượng trực quan và các tài liệu từ nhiều nguồn khảo sát ấy như thế nào để hiểu ra bản chất cuộc chiến tranh lại là một vấn đề không dễ đối với thế hệ trẻ trong môi trường chính trị - xã hội ngày nay. Bởi vậy cùng với việc phát hiện tài năng, vấn đề bồi dưỡng tài năng là vô cùng quan trọng. Tài năng văn chương không thể tách ra khỏi cộng đồng để luyện tập, bồi dưỡng riêng như trong thể thao, mà họ phải được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để gắn bó với đời sống chính trị - xã hội theo một hướng đúng đắn. Họ phải cùng chịu đựng những khó khăn, vượt lên những thử thách, trân trọng những giá trị của dân tộc, của nhân dân từ trong thẳm sâu tình cảm của mình. Những tài năng văn học trẻ phải có suy nghĩ chung, nhịp đập chung với thời cuộc, tâm huyết với sự nghiệp chung đang phát triển… thì tác phẩm của họ mới có tiếng nói chung với nhân dân, với dân tộc. Thực tế đã có những tài năng trẻ khi xuất hiện đã được tung hê một cách thái quá mà thiếu sự động viên, vun đắp đúng mực; hoặc là chỉ vì một vài tìm tòi “khác lạ” mà bị đối xử quá “nghiêm khắc”, đã dẫn đến sự thui chột tài năng hoặc bị chệch sang hướng khác.

Ấy là chưa kể, nhà văn cũng là con người bình thường cần sống trong những điều kiện tối thiểu về vật chất. Hơn thế nữa, thời đại mà họ sống và viết bây giờ có mặt bằng đời sống, tiện nghi sinh hoạt, nhu cầu thụ hưởng… khác xa cái thời “sách vở xếp cạnh nồi niêu” của thế hệ cha anh. Vì vậy, cần phải có các hình thức đầu tư chiều sâu cho họ, đảm bảo các quyền lợi vật chất và tinh thần để họ yên tâm, hứng khởi sáng tác về chiến tranh và người lính. Xã hội ngày nay tràn ngập các phương tiện nghe nhìn, các hình thức giải trí… nhưng thực tế lại đang thiếu những “sân chơi” văn hóa cho các đối tượng. Trong lĩnh vực văn học cũng rất cần có một bầu không khí nghề nghiệp cởi mở, có tính chuyên nghiệp cao để qui tụ và tổ chức cho các nhà văn, trước hết là nhà văn trẻ, sinh hoạt nghề nghiệp một cách hữu ích và hiệu quả. Đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn nghệ của Đảng và Nhà nước, của các Hội văn nghệ, của các cơ quan hữu trách… 

Tất nhiên, dẫu sáng tạo văn học là một lĩnh vực đặc thù, cần một khoảng tự do cho tư duy, tìm tòi và thể hiện… nhưng quyết không phải là một thứ tự do vô hạn độ như không ít người ngộ nhận. Đổi mới, cách tân, thể nghiệm kiểu gì cũng không thể trái ngược, xa lạ với văn hóa Việt Nam, cũng phải trên tinh thần lí tưởng Chân - Thiện - Mỹ. Vì vậy, để có một đội ngũ nhà văn trẻ tiếp tục gặt hái những thành tựu mới về đề tài chiến tranh và người lính, cần phải có một sự tổ chức chu đáo và bài bản. Trước đây trong kháng chiến chống Pháp, nhờ tổ chức tốt phương châm “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” mà chúng ta đã tập hợp, rèn luyện, phát huy được một đội ngũ nhà văn - chiến sĩ đông đảo và chất lượng. Hoặc như sau năm 1975, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẩn trương tập hợp hàng chục nhà văn ở các chiến trường về các trại viết Vân Hồ, Tô Lịch, Đại Lải, Đà Lạt, Vũng Tàu… Rồi sau đó lại sớm phát hiện và cử đi học tại các trường đào tạo chính qui trong nước và nước ngoài. Nhờ đó mà chúng ta có được một “Thế hệ Vàng” các nhà văn áo lính bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và có được những tác phẩm xuất sắc về chiến tranh. Nhiều người trong số họ không chỉ trở thành những nhà văn nổi tiếng mà còn là những nhà quản lý văn nghệ chủ chốt của Đảng, Nhà nước và quân đội. Đó là những kinh nghiệm quý rất cần được vận dụng một cách phù hợp trong điều kiện hiện nay.

        Như vậy, có thể nói tính chất căn bản của nền văn học cách mạng Việt Nam là nền văn học có tổ chức. Ngày nay, để phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; trong đó có nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh và người lính xuất sắc, xứng tầm với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thì công tác tổ chức càng cần được coi trọng. Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, văn học nghệ thuật được ví như một “binh chủng đặc biệt”, góp phần bồi đắp tâm hồn, nhân cách các thế hệ nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ. Ngày nay, để văn học phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với sự nỗ lực “dấn thân, nhập cuộc” của đội ngũ nhà văn, nhất thiết phải có sự chung tay của toàn xã hội, nhất là các ngành tư tưởng, văn hóa, giáo dục và hệ thống chính trị; với sự thấu hiểu, am tường, trọng thị và quan tâm sâu sắc, thiết thực. Đó cũng là những bài học kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý văn hóa trong kháng chiến trước đây, mà những thành tựu to lớn của thơ chống Mỹ đã trình bày trên đây chỉ là một ví dụ thực tiễn.

Nguồn Văn nghệ số 52


Có thể bạn quan tâm