April 20, 2024, 5:06 pm

THƠ, chính tôi chẳng nhìn thấy

Tôi thường mơ về sáng. Những cái chết. Tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ, bạn bè và cả những người chưa từng biết mặt. Những cái chết biết đi như những con người – nhưng, không phải từ ánh mặt trời đầu tiên đến cái nhắm mắt cuối cùng, mà chúng lặng lẽ trong một thế giới huy hoàng đầy những ước vọng, chân lý, hòa bình, văn minh mà loài người cố công gặt hái từ nguyên thủy.

Đất chẳng hề nứt ra và trời chẳng hề sập xuống để hoàn tất cuộc Tận thế mà Chúa trời hoài công tạo dựng. Con tàu Noah đẻ ra một bầy tàu Noah con, Noah cháu và gen phai lạt dần màu sắc yêu thương theo luật tiến hóa. Cơn Đại hồng thủy cũng chẳng nhường phần sinh sản, tạo ra một đàn Đại hồng thủy con, Đại hồng thủy cháu. Bầy tàu Noah và đàn Đại hồng thủy nhập vào nhau – giằng xé để sinh tồn và cuối cùng dừng lại ở một thỏa hiệp vắng mặt Thượng đế: Cái chết! Vâng, sống là giới hạn, chết là vĩnh cữu. Có lần tôi hỏi một cái chết: Chúng ta có tiến hóa nữa không? Hắn mỉm cười và đi vào cõi vĩnh hằng, không cho tôi một mảy may cơ hội gặp gỡ lần thứ hai. Khi ấy, cái gối ôm gầy như nỗi cô đơn bị bỏ đói lâu ngày cọ đầu vào mũi tôi để đánh thức một ngày mới. Một ngày chưa biết.

Để ra khỏi một giấc mơ, tôi nhai vào tâm trí bất cứ thứ gì bắt gặp. Có khi là Dostoievski, Nietzsche, Honore de Balzac; có khi là Alfred de Musset, Shakespeare, Thanh Tâm Tuyền. Có khi là Marx, Khổng, Hitler, có khi là Krishnamurti, Martin Luther King, Hàn Mặc Tử. Có khi là chẳng có gì cả. Có lần, tôi nhai phải một cánh đồng: Thiền luận của DT. Suzuki. Như đứa bé chạy nhảy mùa rạ trơ, tôi gặp mặt trời nằm chết điếng trong một vết chân trâu bỏ lại. Hoàng hôn sụp đổ. Bình minh sụp đổ. Giáo lý sụp đổ. Còn lại một cánh diều hớt hơ hớt hải níu tôi lại với mảnh đất ấu nhỏ bằng sợi dây mông lung ánh sáng. Từ mắt chúng ta, thế giới mở ra như cánh cửa đầu tiên và từ tâm hồn chúng ta, thế giới khép lại khi đã đến chân tường. Trong những ngày khốn khó với những giấc mơ giẫy dụa, tôi biết làm gì? Bạn thường làm gì trong một giấc mơ?

Thơ đến khi giấc mơ vừa đến. Thơ là gì? Chưa bao giờ tôi hỏi Thơ là gì cũng như chưa bao giờ tôi hỏi tôi đã thải ra cuộc đời này những gì sau khi ngấu nghiến nhai hết bao nhiêu danh nhân, tượng đài cùng hàng núi sách vở. Niềm tin không làm nên Thơ, chỉ có Thơ đơn phương làm nên Niềm tin và người ta hay lẫn lộn hoặc cố tình đánh tráo chúng với nhau. Lật lại văn chương Đông Tây kim cổ, không khó để nhận ra rất nhiều mối mọt đã được khai sinh cùng với chữ nghĩa và chúng không ngừng sinh sôi, tự sáng tạo thêm trăm ngàn kiểu cách gặm nhấm tâm hồn độc giả. Một trong vài kiểu sáng tạo của lũ mối mọt, có tên là Trường phái. Nó vẽ nên thời kỳ, giai đoạn, hình thức, trào lưu. Nó vẽ nên cũ, mới, hay, dở, mịt mù, sáng láng. Nó là Adam và Eva chắc chắn mang tên Thể loại trong vườn địa đàng của lòng ham muốn thay đổi. Trong những ngày khốn khó với những giấc mơ giẫy dụa, tôi thường chọn cho mình cách nằm im và giữ lại một tiếng thở dài nào đó đáng lẽ đã ra đời. Dồn nén đến cùng cực của một lồng ngực lạm phát thở dài không thể cứu vãn nổi, Thơ biến khỏi tôi. Thơ trở thành của đêm, của ngày, của anh em bè bạn, của kẻ thù bầm gan tím ruột, của hòa bình đẫy dáng bồ câu, của chiến tranh khốc liệt máu và máu… Thơ bay lên trời cao xanh vời vợi, Thơ chui xuống cống rãnh ngập ngụa tanh hôi, Thơ đi vào thành phố rực rỡ hoa đèn, Thơ lầm lũi vác thánh giá lên núi đồi, Thơ chảy đến giọt rượu Tây cuối cùng trong bữa tiệc sang trọng, Thơ hành hương vào các trại trẻ mồ côi… Thơ lấp đầy những khoảng trống và lấy đi những khoảng trống, Thơ ngắt một bông hoa và Thơ dịu dàng đi tìm hy vọng trong tâm hồn Hoàng Tử Bé, Thơ lấp bụi mù lên ánh trăng xói mòn Lầu Ông Hoàng và Thơ tuyệt giao với bức tường thăm thẳm logic… Trong lá thư nhan đề QUAN NIỆM THƠ gởi cho Trọng Miên, Hàn Mặc Tử viết: “Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là ‘thiên thần và loài người ta’, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài Thi sĩ. Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mệnh rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch. Bởi muốn làm cho loài Thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này – nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời – Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình” (Qui Nhơn, Juin 1939, trích Tạp chí Rạng Đông, số kỷ niệm Hàn Mặc Tử, 15/11/1958). Chúng ta đã thấy, một trong những “công trình châu báu” mà Thi sĩ họ Hàn tận hưởng đến ngút ngàn tuyệt bích, là Cô đơn. Chàng ôm ấp Cô đơn, ngủ với Cô đơn, làm tình với Cô đơn, sống với Cô đơn và hóa thành Cô đơn mãi mãi. Giá trị đích thực của Cô đơn chỉ có thể nhìn thấy khi chúng ta đối diện nó, nâng niu nó và giết nó bằng cái chết của ngữ ngôn trong trắng. Hạnh phúc mê ly cũng trắng mà đau thương loạn cuồng cũng trắng. Thiên đàng cũng trắng mà địa ngục cũng trắng. Sáng tạo là Cô đơn đã tẩy trắng tất thảy u mê nhục dục trải qua con ngươi chứ không phải Sáng tạo là Cô đơn bị dìm sâu vào thời gian và xác chữ.

Có một giấc mơ ám ảnh tôi suốt những giấc mơ sau ấy, là cái chết của những đứa con tôi. Những đứa con chưa tượng hình bao giờ. Chúng lững thững sau lưng tôi với những cái lưỡi hái bén ngót và một vòng hoa, chỉ cần tôi dừng lại một bước thôi, hai món quà ấy sẽ theo trái tim tôi trở về với cuộc sống thực đang chảy trôi qua trái đất này khi tôi nằm mớ ngủ. Không dừng lại được và chẳng thể chạy nhanh hơn được, tôi lẩm nhẩm những câu chắp nối bất chợt trong tập Fleurs du Mal và nhớ lại hoàn cảnh khốn khổ của Baudelaire khi thi phẩm có thể xem là hay nhất cuộc đời sáng tạo của ông ra mắt năm 1857: Bị đưa ra tòa và bị phạt 300 quan tiền về tội sách có nhiều tư tưởng ô nhục, xấu xa, đồi trụy. Khi ấy, Victor Hugo chia buồn bằng những dòng thế này: “Một danh dự hiếm có mà chế độ hiện thời có thể ban cho, ông vừa nhận được. Điều mà chế độ ấy gọi là công bằng đã kết tội ông trên danh nghĩa mà chế độ gọi là luân lý; ông lại được thêm một vòng hoa nữa. Tôi bắt tay thi sĩ” (Baudelaire par Luc Decannes). Không biết cái chết của những đứa con tôi có nghe hay không, nhạc điệu lãng mạn nhất nước Pháp ấy, nhưng, chúng đã vượt qua tôi ngay khúc đường tối cuối cùng, ngâm ngợi lại những lời này: Con người là gì nếu không phải là nơi quy tụ của những nỗi niềm: vui, buồn, hèn hạ, cao sang, phiền não ưu tư cũng như thanh cao lộng lẫy? Thi sĩ là một con người và huy hoàng thay cho kiếp người thi sĩ! Con người thi sĩ đã dùng thi ca làm vũ khí chống lại tất cả, sẵn sàng đương đầu với mọi gió lốc tàn nhẫn bất cứ từ đâu tới. Ở trong nhà tù, thi ca reo lên những lời cách mạng. Chung quanh bốn bức tường của nghĩa địa, thi ca tán tụng điệp khúc tái sanh. Trong bóng tối, những nơi chui rúc của đoàn yêu tinh, thi ca hiển hiện như một nàng tiên với muôn vàn hào quang và phép tắc mầu nhiệm! Thi ca đến không phải để chứng kiến, mà để bồi đắp, an ủi, trang sức và làm lại tất cả” (Hoàng Diệp). Nhiều năm tháng đằng đẵng sau giấc mơ ấy, giấc mơ về cái chết của những đứa con mình, tôi vẫn còn trinh với giọng khàn khàn bắt đầu dậy thì và những sợi lông măng không ngừng bỏ rơi khuôn mặt.

Tôi yêu những chiến bại hãi hùng và ảo ảnh kinh dị. Tôi có một khối tao loạn tư tưởng và ý tưởng yếu đuối. Tôi không vô thần như Baudelaire và cũng chẳng đủ thành tâm tôn sùng Đức Chúa Trời như Hàn Mặc Tử. Thượng đế với tôi, nếu có, là cuộc đời này với những giấc mơ nảy nở từng giây phút về cái chết bất tử. Nghệ thuật trở nên vô nghĩa, lạc khỏi mọi vòng kiểm soát của chữ nghĩa, đạo lý, khoa học. Thơ nhập vào tất cả sự vật/ việc tôi đã/ sẽ trải qua, chính tôi chẳng nhìn thấy nó. 

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2022


Có thể bạn quan tâm