April 20, 2024, 4:48 pm

Thơ ca – ngôn ngữ không biên giới

Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan Thơ Quốc tế lần thứ III

Dường như ngày làm việc đầu tiên của các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị Quảng bá Văn học Việt lần thứ IV và Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ III khá kín lịch, phải dịch chuyển liên tục. Tuy nhiên ai cũng tỏ ra hào hứng, vui vẻ với các hoạt động đó, bởi thông qua các hoạt động, họ hiểu hơn về con người, về văn hóa Việt Nam…
Liên hoan văn nghệ khai mạc chương trình thơ Trên đôi cánh thi ca tại trường Đại học Văn hóa, Hà Nội

Sau khi dự Lễ khai mạc hai sự kiện văn học quan trọng này tại Hà Nội, các đại biểu ăn cơm trưa xong là gần như phải lên xe ô tô rồi chia ra làm các nhóm, nhóm thì đến trường đại học Văn hóa, nhóm thì đến đại học Sư Phạm để cùng giao lưu với các sinh viên ở đây. Có các đại biểu thì tới Hội thảo văn học tại Nhà khách Chính phủ... Tại các điểm giao lưu nghệ thuật và đọc thơ này, các đại biểu quốc tế đã rất xúc động trước sự đón tiếp nồng nhiệt của các em sinh viên và công chúng yêu thơ. Có đại biểu khi đứng trên sân khấu đã phải thốt lên rằng, đất nước của các bạn đúng là một đất nước thi ca, qua đó tôi đã hiểu được lý do tại sao con người Việt Nam lại luôn tỏ ra nồng hậu và thân thiện đến vậy. Và tôi cũng hiểu tại sao dân tộc Việt Nam lại có thể chiến thắng những đế quốc xâm lược hùng mạnh trong thế kỷ trước, bởi các bạn có một tâm hồn nhân hậu, giữ được những giá trị nhân văn cốt lõi của dân tộc, vì các bạn luôn là những người khát khao tình yêu, khát khao hòa bình….

Các đại biểu quốc tế tỏ ra ngạc nhiên khi thấy có nhiều em sinh viên tay cầm giấy bút lắng nghe các nhà thơ trò chuyện và đọc thơ, khi tâm đắc một câu nói hay một câu thơ là các em lập tức ghi ngay vào giấy. Có vẻ như những hình ảnh đó họ chưa từng thấy bao giờ tại những nơi, những lần đọc thơ trước đó. Có lẽ chỉ có thơ ca mới đem lại một bầu không khí gần gũi yêu thương đến vậy. Có thể bất đồng về ngôn ngữ, nhưng chỉ qua ánh nhìn, với cùng suy nghĩ chúng ta là những người yêu thơ đã khiến cho mọi khoảng cách dường như bị xóa nhòa. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa tại buổi giao lưu với các em sinh viên trường đại học Sư Phạm, rằng Giá như các vị lãnh đạo, các vị tướng lĩnh của các quốc gia trên toàn thế giới đều mang một trái tim của các nhà thơ thì trái đất này tươi đẹp biết bao. Lúc đó sẽ không còn tranh giành, cướp bóc, chiến tranh..., khắp nơi chỉ ngập tràn tình yêu thương và tiếng cười. Có chăng chỉ là những cuộc bút chiến của các nhà phê bình văn học về các tác phẩm văn chương. Nhưng khi đó mọi người sẽ ngắm nghía họ đầy thích thú và đáng yêu giống nhưn những Đôn Ki Hô Tê đang đánh nhau với cối xay gió vậy…

 
 
Một số nhà thơ Quốc tế đọc thơ tại buổi giao lưu tại trường Đaiị học Văn hóa, Hà Nội

Các buổi giao lưu dường như không muốn dừng lại, thời gian dã kéo dài hơn dự kiến rất nhiều. Đến tận chiều tối các đại biểu lại ra xe để tiếp tục hành trình đến với xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội để tham dự buổi chiêu đãi chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên TINH HOA BẮC BỘ. Có thể nói buổi biểu diễn nghệ thuật này đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng các đại biểu quốc tế, với một sân khấu hoành tráng về không gian, đạo cụ, ánh sáng… Nhưng đặc biệt hơn cả, điều mà khiến các đại biểu vô cùng thích thú, đó là các diễn viên tham gia biểu diễn, họ chính là những người nông dân chân lấm tay bùn, các em học sinh, các cụ ông cụ bà... là người của chính địa phương. Ban ngày họ vẫn có công việc bình thường để mưu sinh, học tập, tối lại họ say sưa tập luyện và biểu diễn cho du khách. Nếu không nói ra thì chắc hẳn sẽ không ai biết họ là những diễn viên nghiệp dư, bởi họ đã chinh phục được người xem bằng chính sự hồn nhiên khi thể hiện lại cuộc sống thường ngày của mình. Qua chương trình nghệ thuật đặc sắc này, không chỉ các vị khách quốc tế mà chính các đại biểu Việt Nam càng hiểu thêm về những giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần, tập tục, lao động sản xuất của người nông dân đồng bằng Bắc bộ.

Các nhà thơ chụp ảnh lưu niệm tại buổi giao lưu. 

Sáng ngày 17/2/2019 các vị đại biểu quốc tế sẽ có mặt tại Văn miếu Quốc tử giám để tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII với chủ đề SÔNG NÚI TRÊN VAI. Tên gọi ngày thơ năm nay cũng mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt là khi nó được khai mạc đúng vào ngày mà 40 năm trước tiếng súng vừa vang rền trên khắp 6 tỉnh biên giới phía Bắc, mở đầu cho cuộc chiến tranh giữ nước tuy ngắn ngủi nhưng không kém phần ác liệt của dân tộc, để chống lại chủ nghĩa bành tướng bá quyền. Đó là một lễ hội của thơ ca, trở thành một nét đẹp văn hóa của Việt Nam vào mỗi độ rằm tháng giêng.

PV

Ảnh Văn Thắng


Có thể bạn quan tâm