April 19, 2024, 1:01 pm

Thơ 1-2-3 đọc là ham và muốn cầm bút!

Thơ 1-2-3 khiến người đọc không có cảm giác nhàm bởi nghĩa của câu từ đều rất mới nhưng không dị biệt. Với đà cộng hưởng sáng tạo, lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay, tin rằng thơ 1-2-3 sẽ có tiếng nói lâu bền trong đời sống thi ca…

Sự thăm thẳm nội tâm chưa hẳn đã nằm trong cách dàn trải con chữ. Tôi đã khẳng định như thế khi đọc thể thơ 1-2-3 trên trang web vanhocsaigon.com do một số văn nghệ sĩ, trí thức Văn Học Sài Gòn chủ trương.

Vanhocsaigon.com (VHSG) có thể nói là một diễn đàn văn học đã và đang thu hút được lượng độc giả quan tâm khá đông tại thời buổi văn hóa mạng dày đặc, đa chiều. Và tôi đã tìm thấy sự thỏa đáng trong quá trình chọn lựa nguồn thông tin về văn học nói riêng cũng như văn hóa nghệ thuật tại đây.

Chỉ trong khoảng thời gian vài tháng trước, tất cả số lượng bài viết được đăng lên VHSG tôi đọc còn có thể nhớ được tên từng tác giả. Vậy mà giờ đây chỉ riêng số lượng tác giả tham gia sáng tác thơ 1-2-3 đã đến hàng trăm người, mỗi người dăm bảy chùm, mỗi chùm dăm bảy bài liên tục xuất hiện. Nhiều tác giả thơ chưa kịp lên mặt trang lần thứ hai. Tôi nhẩm tính con số hưởng ứng thể thơ mới này cũng đã là một thành quả đáng ghi nhận.

Riêng cá nhân tôi, thơ 1-2-3 là loài hoa lạ xuất hiện trong vườn hoa đủ các sắc màu vốn đã cắm rễ ăn sâu vào tiềm thức con người từ bao nhiêu thế kỷ. Thể thức mới này cũng không phải đánh đố người sáng tác, tư duy không khu bó trong một quy tắc chật chội. Thơ 1-2-3 được phóng chữ theo cảm hứng hướng ngoại nhưng sự quyết định bài thơ có nâng cánh bay lên hay không thì còn chờ vào người viết có biết gạn lọc câu từ để cô đọng nội tâm làm bung bật tỏa nắng cả bài thơ.

Tuy ngắn, có luật chơi nhưng tựu chung thơ 1-2-3 vẫn tự do, vẫn phóng khoáng, vẫn đa chiều, vẫn lãng mạn, vẫn bao hàm được yếu tố chia sẻ cõi riêng của mỗi con người với nhau. Đọc là thú, đọc là ham và muốn cầm bút. Điều đáng lưu tâm là thơ 1-2-3 giúp cho người sáng tác tránh được sự vô tình đạo văn, vì ngay tên bài thơ cũng là câu thơ và đoạn thơ thứ nhất hoàn toàn độc lập. Người làm thơ hay đặt tên bài thơ, thậm chí cả tên tập thơ một cách dễ dãi dẫn tới trùng lắp với tên những bài thơ xuất hiện trước của tác giả khác.

Lúc đầu tôi đọc thơ 1-2-3 cảm giác còn lạ lẫm, e dè như đi vào mảnh đất chưa có dấu chân người, nhưng khi đọc kỹ vài lượt bài thơ 1-2-3 nào đó thì tôi thấy nhạc tính rộn ràng, sáo diều vi vút, thấy cả hình ảnh quê hương Việt Nam dập dìu trên những ruộng đồng sải cánh cò bay, thấy mái nhà quê nằm yên bình dưới trăng dìu dặt “Một ngày ruổi rong sa mạc đời bỗng khát/ Mơ cánh đồng quê nhà rười rượi gió đẫm trăng” của Nguyễn Doãn Việt; ta lại bắt gặp đâu đó hình ảnh đài các của Phạm Thị Kim Khánh - người đàn bà và cây đàn violin “Chị không chơi mà chải chuốt âm thanh/ Vút vắt vẻo lưng trời ngăn ngắt”.

Thơ 1-2-3 khiến người đọc không có cảm giác nhàm bởi nghĩa của câu từ đều rất mới nhưng không dị biệt. Đọc thơ của nhiều tác giả tôi còn thấy những mảnh đời lắt lay sống mòn, tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, hay cơn cuồng nộ trước đại dịch đã có thể viết thành những bài thơ 1-2-3 chất chứa sức nặng của nghệ thuật diễn ngôn: “Người hối hả ra khỏi vùng cách ly bệnh dịch/ Kẻ rước lậu ngoại kiều gây sóng gió quê hương” của Phạm Phương Lan. Tôi còn được thấy cả thắng cảnh đất nước Nga hùng vĩ đang bày ra tươi đẹp ẩn hiện trong thơ 1-2-3 của nhà thơ Phan Hoàng “Saint Petersburg hạ ấm chuyển thu lạnh mây mưa đá/ Ánh vàng cung điện trầm tư sông Neva in bóng vĩ nhân”. Và thơ của rất nhiều bạn thơ khác như Mai Thìn, Hà Phi Phượng, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Trọng Văn, Trương Mỹ Ngọc, Võ Hoàng Phương, Võ Văn Trường, Trần Thế Vinh, Lê Đỗ Lan Anh, Bình Địa Mộc, Khang Quốc Ngọc, Lê Tuyết Lan,… kết thành trào lưu làm phong phú thể thơ mới thuần Việt đương đại mà từ lâu thi đàn cần có.

Một điều đặc biệt nữa là dòng thơ 1-2-3 chuyển tải được tâm tư tình cảm, phong cảnh, công việc đời thường nhưng lại… rất thơ. Hồn cốt chữ chính nằm ở sự công phu chắt lọc tìm tòi ngôn ngữ uyển chuyển nhưng không thiếu tính hiện đại của thể thơ mới. Nếu dễ dãi bài thơ sẽ chỉ thành những câu văn không đầu không cuối, vô hồn vô cảm, hoặc bài thơ sẽ rơi vào tình trạng đại ngôn, xóc chữ lung tung khiến cho độc giả chẳng cảm chẳng hiểu được gì. Nhưng không! Đối với thơ 1-2-3 ai đã đọc cũng sẽ thấy trùng trùng cảnh trí, bề bề cảm xúc, và điều đáng nói về cấu trúc là mỗi câu chỉ tối đa 11-13 từ trở lại nhưng mỗi cụm từ gánh trách nhiệm giải quyết thỏa đáng tư tưởng nghệ thuật của người viết lẫn cảm nhận của người đọc. Với đà cộng hưởng sáng tạo, lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay, tin rằng thơ 1-2-3 sẽ có tiếng nói lâu bền trong đời sống thi ca 

Tác giả Vũ Thanh Thủy (bên phải) và nhà văn Tống Ngọc Hân

Việt Trì, ngày 21.8.2020

 

 

 


Có thể bạn quan tâm