March 29, 2024, 2:35 am

Thím Kiểu

Trời tối thui. Mưa vừa tạnh, đường làng còn chỗ lầy, chỗ ngập, chú Kiểu đã lò dò vào nhà ông Đức. Cũng là một sự lạ. Vào với ông Đức thì thường xuyên, chả hẹn trước gì, nhưng chú vào ban ngày. Từ nhà chú đến nhà ông cũng hơn cây số, lại phải băng qua đường quốc lộ ô tô chạy liên tục, bụi mù rồi vượt cánh đồng vắng ngắt, vắng ngơ. Chú thì nào có khỏe. Tuổi cũng xấp xỉ năm mươi rồi. Chú bị bệnh run chân tay từ lâu. Lập cập đi lại, lập cập nói năng. Người chú nhỏ thó, gày gò, đen đúa. Mái tóc rễ tre nhiều khi để quá lứa vẫn bờm xờm. Được cái chú ít ốm đau, chứ một thân một mình, ốm đau thì thật khổ.

Minh họa của ĐỖ DŨNG

Chú nghèo nhưng rất ý tứ, giữ gìn. Chú là em họ ông Đức, dù xa cũng là máu mủ ruột rà. Vậy mà, lúc đói kém, vay giật đồng tiền, bát gạo chú trả đúng hẹn, sòng phẳng. Mời chú ăn cơm bữa còn khó. Phải kiếm cớ nhờ chú làm việc nọ, việc kia, may ra chú mới nhận lời. Quanh năm đi làm thuê, hết cuốc ruộng đến đánh bùn dưới sông, dưới ao đổ vườn cho người ta mà chú không dựng nổi căn nhà tường đất, lợp rạ rộng rãi, chắc chắn. Ông Đức chặt tre nhà vác ra giúp chú làm một gian trát vách, kê đủ cái giường tre, một góc để cái bồ con đựng thóc. Đun nấu gì thì ở ngoài hiên. Chú cười mãn nguyện: “Thế này là tươm chán rồi, anh nhỉ?”.

Làng nhiều người còn bảo chú dở hơi. Nào là hồi cải cách, được xếp thành phần cố nông, được chia “quả thực”: hai sào ruộng, một cái mâm đồng, dăm cái bát, một lu đựng nước. Lu, bát chú giữ dùng, mâm đồng chú kín đáo gửi lại chủ ngay; còn ruộng thì ngay lúc “sửa sai”, chú cũng trả chủ, với cớ: “Em suốt ngày đi làm thuê, không làm nổi ruộng, giữ lại thì phí phạm!”. Đội cải cách mớm lời tố địa chủ để chia thêm cho một góc con trâu, chú lắc đầu thưa: “Em không biết nói. Run lắm”. Chú nói vụng với ông Đức: “Người ta cứu sống em, không khinh em, em làm người ta trả công, bây giờ tố người ta bóc lột, tố người ta ác, thì em ra cái giống gì”. Nào là bảo chú có tật sợ đàn bà: không dám gần, không dám bắt chuyện. Hỏi chú sao không lấy vợ, hai người nương tựa nhau, chú chỉ lặng lẽ cười. Ông Đức giục, chú cũng mủm mỉm: “Anh thư thư cho em. Cũng để ý một đám rồi nhưng chưa phải lúc ạ!”. Ông Đức phá lên cười: “Chú còn kén lựa đến bao giờ?”. “Thư thư” thế mà cũng gần hai mươi năm rồi! 

Thấy chú vào bất thường thế này, ông bà Đức nghĩ là có chuyện rồi. Bà rót đầy bát nước chè xanh, mời chú. Chú run run đỡ lấy:

- Em xin chị.

Rồi chú lại đặt bát nước xuống. Nước sánh ra mặt bàn. Chú lắp bắp nói với ông Đức:

- Anh... anh cho em... điếu thuốc... lào.

Ông Đức mở tráp thuốc, vo vo một mồi nhồi vào nõ điếu đã được chú lảy bảy thông sạch, rồi đẩy khẽ chiếc điếu bát về phía chú. Ông rút cái đóm, xòe bật lửa châm đưa chú.

- Khéo say nhé!

Chú lỏn lẻn cười. Chú chỉ dám rít nhẹ rồi từ từ nhả khói.

Yên lặng. Ông bà Đức chờ đợi.

Thúng thắng ho xong, chú khẽ nói, giọng đứt quãng:

- Em vào thưa... thưa... với anh chị. Em... sắp... có... có con rồi!

Ông bà Đức như nghe không rõ, cùng hỏi lại, cũng lắp bắp:

- Chú... chú... bảo sao?

Tiếng chú run run nhưng rõ ràng: 

- Em sắp có... có con, anh chị ạ!

Nhìn nét mặt chú thật khó đánh giá: rạng ngời vui mừng hay méo xệch sợ hãi? Ông Đức chừng như đã đoán ra cơ sự. Như để trấn an chú, ông thân tình, ấm áp:

- Chưa biết thế nào, nhưng có con là mừng cho chú rồi! Mà cả trâu cả nghé chứ? Chú kể anh nghe nào, có phải đón về thì anh chị giúp!

Chú nhoẻn cười nhưng không ra tiếng:

- Không!... Không ạ! Gần... gần thôi! Mà chưa đẻ...

Bà Đức ngạc nhiên:

- Là thế nào chú?

Chú thấp giọng, ngượng ngùng:

- Vợ Đấu nó có chửa với em ạ!

Ôi giời! Vợ Đấu, vợ liệt sĩ, có chửa với chú! Thế này thì chết rồi! Chuyện này mà loang ra thì chú thật khó sống. Cái ông này, tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi.

Anh Đấu là một cán bộ xã đội, một liệt sĩ nổi tiếng, một huyền thoại đánh Pháp không chỉ của làng, của xã, mà của cả huyện, cả tỉnh. Tên tuổi, chiến công của anh được tôn vinh, được bảo vệ, giữ gìn và thường xuyên tổ chức học tập. Vợ, con anh cũng được chăm sóc, tôn vinh. 

Anh Đấu hy sinh, vợ anh chưa đến 20, con trai anh mới được mấy tháng. Người ta truyền tai nhau, anh đặt tên con là Pháo là mong nó lớn lên vào bộ đội chủ lực, vũ khí oách hơn bố nó. Nhà anh chị vốn nghèo, họ hàng thân thích đã ít lại toàn người túng. Hợp tác giúp dựng cho hai mẹ con nếp nhà tường đất đắp một gian hai chái, kèo tre, mái rạ. Con trai anh đi học không phải đóng tiền, được cấp sách vở. Năm nó 13, 14 thì được đi học trường Thiếu sinh quân. 

Khi anh hy sinh, người ta gọi vợ anh là chị. Năm tháng trôi qua, ở hội nghị người ta gọi liệt sĩ Đấu là “đồng chí”, chứ làng xóm vẫn mãi gọi là “anh”, nhưng vợ anh, từ “chị” đã thành “cô” rồi thành “bà”. Làng này có tục khi phụ nữ lấy chồng là “mất tên”, người ta lấy tên chồng để gọi họ.  Cô Đấu mang tên chồng từ năm 17 đến nay cũng 40 rồi. Cô đi họp làng, họp xã đều được mời ngồi ghế trên, được vào chấp hành phụ nữ xã. Các hội nghị của phụ nữ bao giờ cũng nêu tên cô như là một tấm gương tiêu biểu vợ liệt sĩ thờ chồng, nuôi con. Các chị, các bà được phân công “kèm cặp, trông nom, bảo ban”. Họ nói nhiều về cái lợi nếu cô ở vậy.

- Chị mà đi lấy chồng, hàng ghế đầu, ai ngồi? Các hội nghị ở xã, ở huyện ai mời chị dự, mời chị nói năng? Tên của anh Đấu lúc ấy chắc chắn chị không được mang. Thằng Pháo sẽ ra sao?

Mà tài, thằng Pháo cũng trở thành người gác mẹ nó. Trừ khi đi học, hay họp thiếu nhi, còn nó bám riết lấy mẹ.

Thật tình, cô Đấu cũng không có điều tiếng gì. Làng trên, xóm dưới phục cô sát đất!

Vậy mà bây giờ cô có chửa với chú Kiểu! Thôi phải rồi, cái “đám” chú “để ý” từ năm nảo, năm nào hóa ra là cô.

Ông Đức trầm ngâm:

- Vui thì vui rồi. Nhưng mà chú vẫn phải kín tiếng. Khó của chú là vừa phải trách nhiệm với cô ấy, vừa không được phô phang. Chưa phải lúc phô phang.

Bà Đức vào trong buồng, một lúc bước ra:

- Chị không có nhiều. Chú cầm tạm mấy đồng khéo léo đưa để cô ấy bồi dưỡng. Chả đáng là bao nhưng cũng phải ra dáng đàn ông.

Lần này thì chú vui vẻ cầm ngay:

- Em cảm ơn chị. Em kiếm được sẽ gửi trả anh chị ngay ạ.

Chú Kiểu về rồi, ông bà Đức vẫn chưa đi nghỉ. Ông bảo bà:

- Lúc nào mẹ mày kín đáo ra trò chuyện với cô Đấu, xem sự tình cụ thể thế nào! Người nhà mình gây họa cho người ta, mình phải có nhời. Giữ được đứa bé cho chú ấy là tốt nhất, nhưng cô ấy muốn giữ danh, giữ tiếng thì sao. Rồi cô ấy xồn xồn tố cáo, bắt đền, chính quyền, đoàn thể không để yên thì thật khổ cho chú ấy! Không tù tội thì cũng bị đấu tố như đấu tố địa chủ! Chuyện ở làng bên, nhỡn tiền rồi đấy!

Bà gật đầu:

- Chú ấy còn biết trông cậy vào ai, ngoài nhà mình. Khổ, mồ côi mồ cút từ tấm bé; giờ có được niềm vui lại oái ăm, phấp phỏng âu lo. Cũng may, tôi cũng là chỗ thân tình với cô ấy từ lâu, một thời từng trong chấp hành phụ nữ xã, thỉnh thoảng chị em gặp nhau, cũng lá trầu, quả cau têm ăn chung. Cũng có thể tôi hỏi thẳng xem ý tứ cô ấy ra sao. Sáng ngày kia, tôi thu xếp ra.

Bà Đức chưa kịp ra thì sáng ấy, cô Đấu đã vào nhà. Người đàn bà trên dưới bốn mươi thật mặn mòi, đúng là đang độ hồi xuân. Một cơ thể gọn gàng, chắc nịch, đầy ắp sự sống. Mái tóc đen được vấn cẩn thận, lấp ló dưới chiếc khăn mỏ quạ. Hàm răng đều và đen nhánh. Đôi mắt hiền dịu mà sáng trong. Bà Đức ngỡ ngàng, lúng túng chỉ kịp nói một câu:

- Cô vào chơi!

Cô Đấu vừa ngồi xuống ghế đã rụt rè mở lời:

- Hôm nay em vào có đôi lời với hai bá!

Tiếng cô nhẹ nhàng, mềm mại nhưng rõ ràng. Bà Đức bắt chuyện:

- Thật tình, tôi cũng định sáng nay ra chơi với cô.

Cô Đấu giấu tiếng cười nhẹ:

- Thế ạ! Em cảm ơn bá! Thế là anh Kiểu đã nói với các bá rồi. Thế là các bá trong này đã biết chuyện. Hôm nay, bá giai đi vắng, em càng có dịp cởi lòng, cởi dạ với bá!

Cô nhả miếng bã trầu, cầm bỏ vào chiếc hộp dưới chân bàn rồi đón bát nước chè bà Đức đưa, chiêu một ngụm nhỏ: 

- Chà! Chè xanh bá nấu ngon thế! Đặc cắm tăm, màu nước vàng óng. Em thích chè xanh nhưng chỉ đi uống ghé nhà người mới được uống ngon. Một thân một mình, có nấu ấm chè cũng chỉ bỏ vài lá, loãng, có khi hâm đi, hâm lại. Nấu đặc, một mình uống không hết lại để thiu.

Cô rơm rớm nước mắt. Bà Đức ấp úng thăm dò:

- Chúng tôi xin lỗi cô... Dù chú Kiểu là em họ thì vẫn là người nhà chúng tôi...

Không để bà Đức nói hết, cô Đấu cắt ngang:

- Bá không phải xin lỗi. Anh Kiểu không có lỗi gì. Nếu gọi là có lỗi, có tội thì người ấy là em. Chính em làm anh ấy sợ. Chính em làm các bác khó xử. Em phải xin lỗi hai bá.

Giọng cô nghèn nghẹn:

- Tính đến nay, vì nước vì dân, anh Đấu đã bỏ em đi 19 năm 8 tháng có lẻ rồi. Ngần ấy năm, mẹ con em hưởng từ anh biết bao tiếng thơm và cả sự ưu ái. Nhưng có mấy ai hiểu hết em đâu! Người ta khen em, người ta nói bao điều tốt đẹp về em. Tốt quá chứ ạ. Em cũng cảm ơn và hãnh diện. Lòng dặn lòng là thôi mình chịu thua thiệt, chịu nhịn để giữ cho vong linh anh ấy, cho con, cho cả họ hàng, làng nước...

Cô Đấu dừng lời. Nhưng sao lại hiện lên rõ thế này những tao đoạn cô phải trải qua?... Ngần ấy năm cô phải gồng mình mà sống. Có hai con người trong cô đấy.  Con người ở hội họp, ở chỗ đông người khác con người ở căn nhà và mảnh vườn vắng, ở những đêm tưởng dài đến bất tận. Cô nôn nao khi thấy tiếng chí chóe, nũng nịu nhau của đôi vợ chồng trẻ, thèm cả tiếng dằn hắt, chửi bới nhau của cặp vợ chồng già. Bản năng và đòi hỏi của người đàn bà cứ chực trào phát trong cô. Có đêm cô phải vùng dậy, cầm cuốc ra vườn băm bổ huỳnh huỵch. Ai biết, hỏi thì bảo là tranh thủ làm vườn, mai bận việc khác. Còn nhiều việc ngay cô còn khó tin sao mình làm thế nữa, chung quy là hành xác để kìm nén. Chả biết giãi bày với ai, giờ nghĩ lại còn thấy xấu hổ. Khi thằng Pháo còn bé, ôm chặt lấy nó, khóc vụng; nó đi học xa, thành giường phía dưới đã nhẵn bóng vì lực, vì mồ hôi từ tay cô... 

Nhìn cô Đấu mặt đỏ bừng rồi rấm rứt khóc, không biết cô nghĩ gì nhưng nước mắt bà Đức cũng trào theo. Cả hai người đàn bà đều rút khăn chấm mắt.

- Hồi trẻ, mấy phen em đã định liều, đi bước nữa. Nhưng phần vì thương thằng Pháo côi cút, phần có lẽ không ai dám đến với em. Vợ một người ra trận đằng đẵng đợi chồng, đã khổ, ông nào đụng vào là phạm chính sách hậu phương, là làm ngã lòng người ra trận; vợ một liệt sĩ tiếng tăm khổ gấp bội phần. Đến một câu trêu ghẹo, một cái đấm lưng, sờ vai cũng không được nhận. Làng nước cũng ối đám góa bụa nhưng rồi mãn tang chồng, nhiều người tái giá. Họ còn được cảm thông, ủng hộ. Vì chồng họ chết ốm, chết bệnh. Còn em, thỉnh thoảng lại có người gặp động viên: đừng nhé, nhịn nhé!  Đủ thứ bủa vây em! 

Cô Đấu ngừng lời, run run bưng bát nước lên, bà Đức vội vàng:

- Nguội rồi, để tôi rót bát khác.

Cô đỡ bát chè mới, khoan khoái uống một hơi rồi thủ thỉ:

- Thằng Pháo nhà em giờ lớn, được đây đó, học hành cũng hiểu chuyện. Có bận nó về, em ướm hỏi xa xa, nó giả tảng không nghe thấy gì, không nói, nhìn đi chỗ khác, chứ không khóc òa, giận dỗi, cấm đoán mẹ nữa. Em phải tính cho em thôi. Ai cười kệ họ. Cười ba năm ai cười cả đời được. Chả ai sống thay em hoặc cho em được... Lúc em tỉnh ra thì thật khó bá ạ. Luống tuổi rồi. Người trẻ thì không màng. Người gần thì đũa có đôi, người ta sợ dính vào em thì tai tiếng, tù tội; em dính vào người ta thì làm người ta tan cửa, nát nhà. Người thiên hạ vợ chết, vợ bỏ tìm đến em thì bị mấy bà, mấy ông hàng xóm em dọa nạt. Thế này là em bị rào kín xung quanh, hóa đá dần dần. Em phải tự bung ra thôi, tự tìm thôi. Em không trèo cây cao, không kén cá, chọn canh. Em tìm người thương em thật, không để em lẽ mọn. Hóa ra, người ấy chả đâu xa. Liền vườn, cùng giậu. Thôi, nồi méo úp vung méo. Em biết anh Kiểu để ý đến em, từ lâu lắm rồi cơ, anh ấy cố ý đợi em, nhưng cả hai đều sợ. Không phải em khinh anh ấy đâu, mà em sợ.

Bà Đức thăm dò: 

- Thế chú Kiểu nhà tôi lại gan to thế cơ à?

Cô Đấu cười:

- Ngược lại đấy. Anh ấy nhát cáy. Chả bao giờ dám bước chân sang vườn em. Là em đấy. Em là kẻ chủ động.

Cô tủm tỉm cười. Cô ngã vì chú Kiểu cũng bởi một đêm trăng suông. Cô đang hùng hục bổ đất sát vườn nhà chú. Nghĩ rằng khuya khoắt thế này còn ma nào thức, hoặc chả kịp cả nghĩ thế, cô cứ “tự do thả rông”, yếm áo xộc xệch. Bỗng cô giật bắn người vì tiếng cười khì khì ở gốc cây bên nhà chú ấy, sát hàng rào hai nhà. Định thần kéo vội áo che ngực, cô nhận ra chú. Tiếng chú lắp bắp: “Tớ... là ... là... tớ... thấy hết rồi nhé!”. Cô xấu hổ quá bỏ cuốc đấy, chạy thẳng vào nhà, tim đập thình thịch. Ngày hôm sau, hôm sau nữa, cô không dám ra vườn. Ấy thế mà đâm ra nhớ “lão”, chỉ muốn nghe tiếng cười khì khì. Mà lạ mấy hôm ấy lão cũng không đi đâu, thỉnh thoảng ra hàng rào nhìn sang nhà cô như ngóng đợi. Đôi mắt ông lúc như người có lỗi, lúc lại thấy như âu yếm, cảm thông. Chợt cô nhớ lại một đôi lần lão rủ cô thổi cơm chung “cho đỡ dính nồi, tốn rạ”; cô nghĩ là bị trêu chòng, mắng át đi: “Này, lão già rồi, đừng lỡm!”. Lão cụt hứng, bỏ đi. Từ ấy lão lầm lỳ, không nói, nhưng hễ cô làm vườn mình là lão cũng hí húi vườn lão. Cho đến một đêm giông gió. Nhà cô rung bần bật. Cô hạ tấm liếp cửa, cài kín mà gió vẫn xô vào. Không chằng chống được khéo nhà bay. Bỗng nhìn qua khe liếp cô thấy bóng người đàn ông từ vườn cầm dây thừng, dây chão bước đến nhà. Lão ta, lão ta rồi! 

Không nói không rằng, chú Kiểu đội mưa run rảy chằng bên ngoài bốn góc nhà cho cô. Cô cũng không bước ra. Xong việc, chú lặng lẽ về. Chú về rồi, cô mới sực nghĩ: nhà mình thế này còn sắp đổ, nhà anh ấy, túp lều, khéo bay mất rồi! Chẳng nghĩ được hơn, cô khoác áo tơi, đội nón, xé rào sang. Đúng thật, mình lão đang vá víu, che chắn mái rạ. May nhà thấp, tre cắm trát vách nên không bị xiêu vẹo. Thấy cô đường đột xuất hiện, chú Kiểu lúng túng cười, nhưng cũng chẳng ai nói với ai câu nào. Chú ướt, run lập cập. Cùng chú chằng níu nhà xong, đẩy chú ấy vào nhà cô định bụng sẽ về. Chú luống cuống nắm lấy tay cô vô tình kéo cô vào theo. Trời xui đất khiến thế nào, một luồng gió thốc, cô dúi dụi vào chú. Cô ôm choàng lấy. Tấm thân rừng rực lửa của cô sưởi ấm cho chú.  Chú sợ hãi, yếu ớt đẩy cô ra. Nhưng đẩy thế nào được. Tình thương lớn hơn sự sợ hãi...  

Bà Đức nửa đùa, nửa thật:

- Vậy là cả cô và chú em tôi đều từ lâu để ý, phải lòng nhau. Tôi nghĩ hai người ghép lại được với nhau thì hay quá!

Tiếng bà Đức làm cô bừng tỉnh. Cô thèn thẹn:

- Cũng là cực chẳng đã. Em quá mù ra mưa rồi. Em bảo anh ấy đừng sợ. Rằng “không ai nghi ngờ anh đâu. Anh đừng sang nhà tôi, kệ tôi... “. Đêm em khóa trái cửa nhà em để ai có nhòm ngó cũng nghĩ em ở nhà, còn em sang với anh ấy. Thiên hạ ai cũng chê em, sợ em. Anh ấy không chê em là may cho em rồi. Dù anh ấy có thế nào cũng là đàn ông. Mà bá ạ, anh ấy chả hâm tý nào, kỉm rỉm, tình cảm ra phết!

Cô Đấu cười. Bà Đức cũng không nhịn được cười. 

- Thảo nào, hôm qua tôi thấy thần khí chú ấy khác. Sạch sẽ, tươm tất hơn. Nét mặt thì rạng rỡ. Còn cô, đúng là “gái bén hơi trai”. Hồi xuân, phơi phới nhỉ? Cho tôi hỏi thật nhé: đã ai biết cô có mang chửa?

Cô Đấu thôi cười:

- Biết! Người ta đã biết là em có mang. Nhanh thế chị ạ! Chắc người ta để ý từ lúc em đi xin khế, xin chanh. Nhưng mà không giấu được. Em cũng chẳng giấu. Bá nhìn thì cũng biết!

Bà Đức hỏi nhỏ:

- Thế đã ai biết chú Kiểu nhà tôi...

Cô Đấu rơm rớm:

- Chưa! Chưa ai biết bá ạ! Mấy ông dân quân đến nhà lục vấn em, mấy bà phụ nữ nỉ non bảo em khai ra ai dám làm điều phạm pháp này, có người còn xui em bỏ đứa bé. Em mới đáo để: “Các bà, ai ôm đã gối ngủ một mình hai mươi năm năm chưa hay đêm nào cũng vùi đầu vào ngực chồng? Các ông, có ông nào thiếu chỗ để tay? Sao các người dã man thế! Thôi việc của các ông các bà là vận động, các ông, các bà làm xong rồi. Tôi đội ơn mọi người. Tôi cũng vì làng, vì xã hai mươi năm rồi, đừng ép buộc tôi nữa. Tôi cũng là cái con người. Tôi đi kiếm để có đứa trẻ vui vầy đấy. Tôi… kiếm xa lắm... Quanh đây chả có ai thương tôi cả. Cắt hết chính sách với tôi, tôi chịu, chứ bỏ đứa trẻ thì tôi xin phép!”. Em khóc tức tưởi. Họ chùn, bực bội mà chả làm gì được.  Bây giờ nghĩ lại, em cũng thấy mình quá đáng. Thật tệ. Nhưng lúc ấy, em như cái lò xo bị ép, bật xổ ra. Quên hết mọi sợ sệt. Họ có chửi em ăn cháo đá bát, em cam chịu. Em mất để được.

Cô nhìn bà Đức như tìm sự san sẻ. Bà Đức đang lựa lời chực nói thì cô lại rì rầm:

- Bá à! Em dặn anh Kiểu thế này bá tính có được không?

- Cô bảo chú ấy thế nào?

- Em dặn: “Anh không được khoe với ai. Họ mà biết, khéo họ làm tình, làm tội anh. Anh cũng chẳng có của nả để nuôi con đâu. Tôi đẻ, tôi nuôi, thỉnh thoảng tôi mượn cớ nhờ anh trông nó, để bố con quen hơi nhau từ lúc nó còn đỏ hỏn. Anh đừng hèn bỏ rơi mẹ con tôi. Chả ai làm gì được anh đâu. Cứ để thế sau này hãy hay. Trước sau nó vẫn là con anh”.

Bà Đức gật đầu, mừng rỡ:

- Cô thật nghĩ trước, nghĩ sau và chịu thiệt thòi. Chúng tôi định ra bàn với cô làm thế nào cho danh chính ngôn thuận. 

Giọng cô Đấu ngàn ngạt:

- Khó lắm bá ạ! Giá như khi em chưa gì với anh ấy, cùng làm mâm cơm thưa tổ tiên hai bên, thưa anh Đấu nhà em, rồi về với nhau thì đi một nhẽ. Đằng này... Làng ta nặng nề lắm chuyện “hủ hóa”, rồi chiến tranh vẫn còn, làm thế là tự chui vào rọ. Anh Kiểu lành nhưng cục, ngộ nhỡ... Thôi cứ để làng đoán già đoán non.

Cô Đấu sinh con giai. Từ đấy người làng không lấy tên anh Đấu để gọi cô. Chả biết gọi cô là gì. Cô đặt tên đứa trẻ tên là Được. Người ta phá lệ, gọi cô theo tên đứa con mới sinh: cô Được.   

Thằng Được càng lớn càng giống chú Kiểu, càng quấn lấy chú Kiểu. Có điều chú cũng chưa dám xưng bố, mẹ nó cũng chưa cho nó xưng con.

Miền Nam giải phóng, Pháo đã là sĩ quan pháo binh, lấy vợ, cũng không thường xuyên ở nhà nhưng Pháo quý thằng Được, chu cấp cho em. Khi chú Kiểu ngỏ lời, kể hết sự tình, Pháo đã đồng ý để chú thắp nén hương tạ lỗi và xin phép bố nó, công khai chăm sóc mẹ và em. Cũng chẳng rùm beng, chỉ có mẹ con cô Được, chú Kiểu, vợ chồng Pháo bên mâm cơm cúng bố. Pháo nhờ người làm đầy đủ quyền lợi, chính sách cho mẹ. Rồi chuyện cũng lan ra. Trước còn xầm xì, bóng gió, chê bai nay mặc nhiên thấy thế là tốt, là hợp nhân tình, thế thái. Cũng từ ấy, cô Được có tên gọi mới: cô Kiểu.

Ông Đức, vốn là người có chữ nghĩa, thong thả bảo vợ:

- Tôi và bà cùng con cái được công khai gọi chú Kiểu, thím Kiểu rồi. Chuyển từ cô Đấu sang cô Được, một thời, là làm cho cô không dính dáng tới liệt sĩ, tước bỏ cái vẻ vang theo của cô. Chuyển từ cô Được sang cô Kiểu, bà Kiểu, không đơn giản chỉ là sự thay đổi cách gọi. Đó là một công nhận của họ hàng, làng nước về quan hệ vợ chồng của chú thím Kiểu. Đi đường vòng rồi họ cũng tới đích. Làng nước cũng thật rộng lòng thay đổi nếp nghĩ.   

Mảnh đất của chú, thím Kiểu không còn hàng rào cách ngăn nhưng hai nơi đã dựng lên hai nếp nhà xây khang trang. Thím lúc ở bên nhà Pháo, lúc sang với chú Kiểu và vợ chồng Được. Tiếng cười của hai người già và lũ trẻ nhỏ không bao giờ dứt.

Nguồn Văn nghệ số 28/2020


Có thể bạn quan tâm