April 25, 2024, 5:40 pm

Thiêng liêng Tết Độc lập

75 mùa thu đã đi qua kể từ thành công vang dội của Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945. Bản thân cuộc Cách mạng vĩ đại ấy không mang phép màu nào trong lòng nó. Đây là cuộc cách mạng do Đảng ta, một Đảng tiên phong của giai cấp, của dân tộc, khi ấy mới 15 tuổi, với khoảng 5000 đảng viên dẫn đường. Ý lớn và chí lớn của Đảng, của Bác Hồ đã gặp ý chí đoàn kết, sức mạnh vô địch của toàn dân, thắp lên ngọn lửa cháy bùng thời đại, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại. Không lâu sau đó, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Tuyên ngôn Độc lập như Hịch truyền sông núi, vang vọng trên đất nước bên bờ sóng Biển Đông, thức tỉnh các dân tộc đang bị áp bức trên toàn thế giới hãy vùng lên tự cứu mình.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 kết tinh trong đó truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc.  Con đường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nâng con người đứng dậy, dẫn dắt họ bước vào cuộc chiến đấu, với sức mạnh và niềm tin, ý chí giống nòi. Thế nhưng để giành chiến thắng không phải chỉ hô vang những mệnh lệnh mà phải bằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lý luận soi đường; về tư duy khoa học nắm thời cơ, tạo dựng thời cơ và chớp thời cơ; về lực lượng đấu tranh ở mỗi địa phương và trong toàn quốc. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng ấy bắt đầu ngay từ các cao trào cách mạng của Đảng. Sự chuẩn bị trước “trận đánh lớn” bắt đầu từ những phong trào cách mạng dâng cao. Từ  một quyết định sáng suốt, tài tình trong đêm 9/3/1945 của Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Từ việc chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Từ việc Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa. Và rồi vào ngày 16/8, Đại hội Quốc dân họp dưới mái đình Hồng Thái, thông qua “Mười chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”… Tất cả diễn ra vô cùng nhanh chóng. Mệnh lệnh được truyền đi. Nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy. “Cuộc khởi nghĩa phá tan đời nô bộc/ Lần đầu tiên theo cờ đỏ sao vàng” (Ngọn quốc kỳ - Xuân Diệu). Mở đầu, khởi nghĩa thành công ở đồng bằng Bắc bộ và một số nơi khác.

 Với khí thế ngút trời, trúc chẻ ngói tan, chỉ trong vòng 15 ngày chúng ta đã giành toàn thắng, buộc Pháp phải chạy, Nhật phải hàng, và vua Bảo Đại thoái vị. Chuyện hệ trọng mà đơn giản đến không ngờ! Khi nghe Đổng lý văn phòng Phạm Khắc Hòe tâu trình Cụ Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc thì Bảo Đại giơ hai tay lên và buột miệng nói một câu tiếng Pháp “Ca vaut bien le coup alors” (Như thế thì thật đáng thoái vị). Ngai vàng vua chúa không còn. Giờ đây chỉ có những người thợ, những người nông dân áo nâu nhuộm bùn giang tay nhận lấy đất trời này, nhận lấy nhà máy, ruộng đồng, nhận lấy cái búa, cái liềm, đứng dậy dựng xây cuộc đời mới.

Mới đây tôi có dịp đọc lại một tài liệu liên quan đến bản Tuyên ngôn Độc lập.  Đó là bài viết của nhà thơ Chế Lan Viên, viết theo đề nghị của Ban Biên tập Giảng văn, do Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 1981. Trong bài có đoạn: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Và đó là sự “tiếp xúc” lớn giữa người nói và người nghe, tiếp xúc giữa Bác và đồng bào, không những của thủ đô mà cả nước, không những ở thời đại Hồ Chí Minh mà mãi sau này. Ngày nay Bác không còn là vị Chủ tịch của Chính phủ lâm thời phức tạp ấy. Thế nhưng giá trị bản Tuyên ngôn Độc lập không hề thay đổi. Trái lại, hình như đi xa trong thời gian, gạt bỏ cái tính chất tạm thời, nó càng có tính vĩnh cửu. Vĩnh cửu trong ấy là vấn đề lần đầu tiên nhờ có Bác, nhờ có Đảng, dân là chủ, làm chủ non sông và làm chủ cuộc đời mình. “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Thưa Bác, Bác đi xa rồi, nhưng chúng con còn nghe rõ. Con cháu muôn đời sau còn nghe rõ… Không những nghe mà còn như thấy cả bầu trời xanh cao cả của sáng Tuyên ngôn”.

Không phải là chỉ những năm giữa thế kỷ  20 mà từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, từ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 đã nêu điều bất hủ: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Độc lập, Tự do là những giá trị vĩnh cửu trao truyền cho các thế hệ mai sau gìn giữ và bảo vệ thành quả cách mạng. Tuyên ngôn ấy là lịch sử, là luật pháp, là chính trị, là văn học, bởi đó là tiếng nói của cả dân tộc, là hồn thiêng sông núi. Sau khi nước Việt Nam mới ra đời cả dân tộc ta lại đi tiếp cuộc trường chinh vạn dặm, tiếp tục chống giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt, nhiều khi ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Phải mất chín năm kháng chiến trường kỳ, với chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, dân tộc ta từ đây mới chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ. Và phải mất 21 năm sau, tháng 4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mới giành thắng lợi trọn vẹn, đất nước ta liền một dải từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau.

Cái giá của độc lập, tự do là vô cùng to lớn, vô cùng thiêng liêng. Nó được đổi bằng bao nhiêu  máu xương của các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Thế nhưng độc lập, tự do lại luôn đứng trước những thử thách, những nguy cơ phức tạp, khó lường. Trong thời đại ngày nay, trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã xác định vẫn luôn hiện hữu, trong đó đáng chú ý là nguy cơ tham nhũng, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Để giữ vững tự do và độc lập, Đảng và Nhà nước ta kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Những ngày này, trên các diễn đàn đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, có rất nhiều ý kiến phân tích sâu sắc, dự báo tình hình, khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; khẳng định những định hướng lớn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Giờ đây Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa – mảnh đất thiêng liêng ngàn đời nay cha ông ta để lại vẫn luôn dậy sóng. Chúng ta kiên trì chính sách quốc phòng: Giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ mỗi quốc gia.

Độc lập, tự do còn thể hiện ở việc luôn giữ ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội. Trước mỗi biến cố, biến động của lịch sử dân tộc ta lại thể hiện sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động. Truyền thống yêu nước của dân tộc lại được nhân lên, tỏa sáng và hóa thành lực lượng vật chất to lớn, nhấn chìm giặc ngoại xâm, trấn áp giặc nội xâm, nhân dân luôn là bức tường thành vững chãi của cách mạng, của công cuộc đổi mới đất nước đã phất cờ từ gần 35 năm trước. Gần đây nhất, một cuộc chiến vô cùng cam go, khốc liệt đã diễn ra trên khắp thế giới, và Việt Nam không là ngoại lệ - cuộc chiến chống đại dịch Covid -19. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn dân vào cuộc, mọi cấp, mọi ngành vào cuộc và chúng ta đã chiến thắng trong trận đánh đầu tiên, được thế giới tôn vinh như một “hiện tượng thần kỳ”. Nhưng rồi sau đúng 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, đại dịch bùng phát trở lại. Kinh nghiệm ở nơi này chưa hẳn có ích với nơi kia. Khó khăn sau chưa hẳn lặp lại và nhiều khi gian khó chồng lên gian khó, đòi hỏi bản lĩnh, sự tỉnh táo và dấn thân của người đứng mũi chịu sào. Trận địa lại rung chuyển. Không chỉ có Đà Nẵng, Quảng Nam; không chỉ có các y, bác sĩ nơi tuyến đầu; không chỉ có các chiến sĩ quân đội, công an cạn ngày, trắng đêm bàn chân rướm máu suốt dải biên cương, khắp các đường mòn lối mở, khắp các khu vực cách li, mà có cả sự vào cuộc khẩn trương như thời chiến của nhân dân cả nước. Thực hiện “trạng thái bình thường mới” chẳng khác chi thời chiến, vừa chiến đấu vừa sản xuất. Là thực hiện “nhiệm vụ kép”, quyết chống dịch thành công nhưng vẫn phải bảo đảm sản xuất phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, không bỏ người dân nào ở lại phía sau.

Ngày Tết độc lập 2/9 năm nay thật thiêng liêng, thật đặc biệt. Niềm vui lớn đến cùng những lo toan, những trăn trở lớn. Những trăn trở, lo toan ấy không làm nhụt chí, thoái lui mà nhắc nhở, thôi thúc mỗi chúng ta làm tốt hơn bổn phận, trách nhiệm của mình – trách nhiệm công dân trước thời cơ, vận hội mới của đất nước.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2020


Có thể bạn quan tâm