April 19, 2024, 6:58 am

Thiền sư Ikkyuu Sojun - Một hiện tượng thơ ca Nhật Bản đặc sắc



Ikkyuu Sojun - Nhất Hưu thiền sư (1394 - 1481) là một trong những thiền sư nổi tiếng với cá tính khác biệt trong dòng chảy lịch sử Nhật Bản. Sư Ikkyuu tự gọi mình là “cuồng vân”, phá vỡ mọi quy tắc, khuôn mẫu trong thể nghiệm tôn giáo và nghệ thuật. Ikkyuu được xem là một hiện tượng độc đáo trong dòng chảy Phật giáo Nhật Bản nói riêng và rộng hơn là Phật giáo Thiền tông khu vực Đông Á. Sư là một trà nhân có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trà đạo Nhật Bản đồng thời là một nhà thư họa, một họa sĩ tranh thủy mặc, một nhà thơ tài hoa có tiếng thời ấy.


Thiền sư Ikkyuu sống trong khoảng gần hết thế kỉ XV nhiều binh đao loạn lạc của nước Nhật thời Trung thế. Ikkyuu đã tu tập thiền đạo theo sư phụ Kasou thuộc phái Lâm Tế, hệ phái Đạo Đức tự (chùa Daitokuji ở Kyoto). Giữa đời hỗn loạn, giữa đêm năm hai mươi sáu tuổi, nghe tiếng quạ kêu, sư Ikkyuu thức ngộ. Ngài rời bỏ chốn chùa chiền thanh tịnh, ngao du bốn phương, phiêu bồng giữa nhân gian. Cuộc đời và cách ứng xử, quan niệm và ảnh hưởng của sư Ikkyuu đối với Thiền tông nói riêng và Phật giáo Nhật Bản thời Trung hưng nói chung vừa là nguồn cảm hứng lớn, vừa gây ra những cuộc tranh luận lớn cho hậu thế. Do đó, không ngạc nhiên khi xung quanh sư Ikkyuu dần dần được bao phủ một lớp sương hư thực của giai thoại. Người ta đồn rằng sư có dòng máu hoàng gia (con ngoài luồng của Nhật hoàng Go-Komatsu) nên được gửi vào chùa nhờ nuôi giúp, rồi sư đã từ chối giấy chứng nhận giác ngộ (ấn khả) từ thầy, sau đó còn xé nát và hóa tro tờ giấy này, rồi chuyện sư yêu, dan díu với nhan sắc đến mức có con rơi... Những câu chuyện nửa thực nửa hư như vậy càng làm cho cuộc đời của sư Ikkyuu thêm phần hấp dẫn, hứng thú với giới nghiên cứu sau này.

Dấu ấn lớn nhất của sư Ikkyuu với thơ là ở Cuồng vân tập gồm 1060 bài thơ chữ Hán, không rõ thời gian sáng tác chính xác, được viết bằng thể kanbun (tức viết bằng chữ Hán). Sử dụng chữ Hán trong viết văn vốn là cách thức quen thuộc của nhiều thiền sư Nhật Bản ở thời Muromachi, đặc biệt là nhóm Gozan Bungaku (văn học Ngũ Sơn). Giữa thi giới kiểu gozan, mặc dù vẫn dùng chữ Hán với thể thơ tứ tuyệt (4 dòng 28 chữ), Ikkyuu dường như đối lập hoàn toàn với các biểu lộ khác. Thơ Ikkyuu là sự hòa hợp đáng kinh ngạc giữa sắc dục, sự hài hước và thiền tính. Đó là sự “tự thú” một cách chân thực nhất bản thể của mình (một ý thức tự trào, phê phán, cuồng giận, ghét bỏ, yêu thương, nhục dục…) là một bản tiểu sử kiểu picaresque (hành tẩu giang hồ, ngao du lịch duyệt) và phản ánh những nguyên lí tối thượng của thiền. Mỗi tác phẩm để lại của thiền sư Ikkyuu là một bài kệ, một công án (koan), một phát hiện cái vô cùng trong sự hữu hạn (như sau này Matsuo Basho phát hiện cái vô hạn trong 17 âm tiết).

Thơ Ikkyuu không chỉ đơn giản là thơ thiền, đúng hơn, phải khẳng định rằng, các thi phẩm ấy là nguyên lí cơ bản của thiền trong hình thức thể nghiệm thơ ca. Đây vốn là đặc trưng rất nổi bật của văn hóa Nhật Bản, nơi mà nghệ thuật và tôn giáo hòa quyện tinh tế. Tôn giáo thâm nhập vào đời sống như một triết lí mĩ học chứ không phải đạo đức. Vì thế, D.T.Suzuki cho rằng: tôn giáo có thể không gắn với đạo đức (tức có thể đi ngoài giới luật) nhưng không thể không nghệ thuật. Điều này chúng ta nhận thấy là đặc điểm rất riêng biệt của Phật giáo Nhật Bản khi bám rễ trong đời sống tinh thần người Nhật, tạo nên dòng chảy thú vị của Phật giáo trong khu vực Đông Á. Ikkyuu tạo nên một truyền thống riêng của ngài. Không bậc thầy thiền nào lúc bấy giờ phô bày thái độ phủ nhận cách tu hành thuần túy như Ikkyuu. Ngài sẵn sàng dặn đệ tử: hãy hành thiền chuyên tâm trong rừng thẳm, hoặc vui vẻ bên rượu sake và hưởng lạc thú bên phụ nữ. Cách nào cũng tốt. Ikkyuu không những đi ngược lại với các giáo lí thông thường, tạo nên một lối hành xử cổ quái khác thường, mà thơ ca của ngài, dù vẫn viết theo kiểu kan bun như nhóm Ngũ sơn vốn chịu ảnh hưởng mạnh của tinh thần Trung Quốc, nhưng với sự bứt thoát khỏi tư tưởng “tùng lâm” của chùa chiền tu hành lúc bấy giờ, góp phần vào xu hướng chung của Phật giáo Nhật Bản trong thế kỉ XV về sau thời Muromachi muốn quay ngược lại Phật giáo truyền thống thời đầu. Người đời yêu quý Ikkyuu bởi phong cách “Bồ Tát mắc đọa”. Cho nên, thái độ và thơ ca của Ikkyuu thiết nghĩ cũng là một kí hiệu văn hóa để thấu hiểu bản sắc Nhật Bản và sự phát triển của thiền Nhật trong giai đoạn này, đặt trong tương quan so sánh với thiền trong toàn bộ khu vực Đông Á. Nghệ thuật thiền nhằm phát hiện sự vô hạn trong cái hữu hạn.

Trong thi tập, Ikkyuu không ngần ngại tự nhận mình là một “cuồng nhân” say đắm trong hoan lạc: Cuồng nhân khuấy đảo lối cuồng qua/ Ra vào quán tửu với lầu hoa/ Kẻ nào có thể làm sa ngã/ Bởi Đông, Tây, Nam, Bắc chính là ta. Và say đắm người đẹp như mọi thi nhân: Tôi không biết/ Nàng sẽ đến bao giờ/ Nay thì đã có/ Cuộc đời bên nhau/ Chẳng cần chi nữa (Nhật Chiêu dịch).

Nhưng người cuồng nhân say sưa trong hoan lạc tửu sắc ấy lại có những lúc tĩnh tại, khải ngộ đến bất ngờ. Khi mùa xuân đến, gió xuân thì thầm làm gốc đào nở hoa, Ikkyuu viết:
Xẻ toang thân anh đào
Ở vùng núi Cát Dã
Liệu ngươi có tìm thấy
Những nụ hoa
Nở thắm mỗi độ xuân về?

                                (Thanh Chân dịch)
Hình ảnh “cuồng vân” Nhật Bản gợi nhắc nhân vật Tế Điên hòa thượng người Trung Quốc đời Tống (khoảng 1150-1209), cũng thuộc tông phái Lâm Tế. Tế Điên hay còn gọi là Tế Công, nổi danh tăng sĩ tu hành quái kiệt, chuyên uống rượu ăn thịt chó, mang tư tưởng tâm thức – thế gian chỉ là trò đùa của sắc thân, tâm và thức thực ra không liên quan. Mọi thứ vọng cảnh là vọng thức, còn tâm vốn không sinh không diệt, nhưng hiểu được thực tâm thì khó muôn màu. Tâm đấy mới chính là bản lai diện mục. Ikkyuu cũng nói ý giống như ngài Tế Điên:
Vô thủy, vô chung
Tâm chúng ta
Sinh rồi diệt
Hư không trong cõi hư không.


Nhưng chuyện của Tế Công hòa thượng nhuốm màu huyền thoại phi thường nhiều hơn. Còn thực hư trong đời Ikkyuu tuy không giải mã được tất cả, song chính di sản thơ để lại của ngài đã cho thấy các quan niệm thực hành tâm linh và lẽ sống trong đạo trong đời.

Nhà văn James Joyce có nói rằng: nghệ thuật không đích thực có đặc tính “động” (kenetic), còn nghệ thuật đích thực có đặc tính “tĩnh” (static) tức đem lại sự an tịnh cho tâm hồn. Ở thiền, chiều kích động đôi khi được gọi là “tri”, còn chiều kích tĩnh là “vô tri”. Động cơ của nghệ thuật đích thực, theo Joyce, đưa tới sự “tỏa sáng”, hiển linh. Thiền gọi là sự vô vi, bình thản, kiến tánh. Ở Nhật Bản, với tinh thần yêu chuộng cái đẹp, tính thẩm mĩ, nghệ thuật không nằm trong những điều phi thường, những cảm xúc quá rực rỡ huy hoàng, mà trong những cảnh đời bình thường. Nghệ thuật cũng như thiền trình bày đặc trưng điều linh hiển và nhất tâm ở dạng bình thường nhất. Sư Ikkyuu đã tạo nên nghệ thuật đẫm chất Nhật Bản ấy qua mấy câu thơ:
Những giọt sương trắng
Rơi trên lá thu
Màu đỏ rực lá
Tràng hạt đỏ sương


Bài thơ vẽ nên một bức tranh thế gian không sai biệt, một là tất cả mà tất cả cũng là một. Lá và sương, đỏ và trắng, động và tĩnh, tan và hợp, âm và dương hốt nhiên quyện lại cùng thành chuỗi hạt a di đà. Thiền tính hòa lộ cùng thiên nhiên.
Tính thiền ấy chúng ta còn gặp trong nhiều bài thơ khác ở Cuồng vân tập.
Niềm vui và khổ ải
Chẳng sai biệt nhau
Trong tâm an lạc
Như vầng trăng sáng
Không núi khuất che.


Có rất nhiều con đường để dẫn ta lên núi, và trên đỉnh cao ấy, duy chỉ thấy một vầng trăng soi tỏ giữa trời. Thế gian trong mắt Ikkyuu thật giản dị: tất cả mọi đường đi đều chỉ dẫn lên đỉnh núi để thấy duy nhất một vầng trăng thôi:
Mọi con đường
Đều dẫn lên núi
Và trên cao ấy
Chúng ta nhìn thấy
Một vầng trăng soi


Bài thơ đã thể hiện tinh thần Tịnh Độ: Tịnh Độ ở nơi nào? Tịnh Độ nơi tâm ta. “Tâm tịnh thì Độ tịnh” (kinh Duy Ma Cật). Ikkyuu cũng viết: Vì không có đích/ nên ta không lạc. Nơi trú ngụ của sư giữa cõi đời này, không trụ, không mái, vì thế mưa gió cũng chẳng thể nhấn chìm, chẳng làm đổ sập.
Đời vô thường
Kể cả nỗi đau
Cũng dạy ta
Chớ níu giữ
Phù thế nổi trôi


Người tu phải là người đi tìm lại cái thật của mình, bỏ mọi chấp trước, trở về với gương mặt ban đầu của chính ta. Ikkyuu thành thật vô tận với bản thân mình, với những ham muốn thất tình lục dục trong mình và rồi buông bỏ mọi hình tướng vốn dĩ đã nằm trong định kiến một cách nhẹ nhàng để trở về với tánh Phật. Sư đã nhập Phật giới, rồi “nhập ma” và trở về với Phật giới một cách tài tình.

Trong diễn từ nhận giải Nobel văn học năm 1968 - Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản, Kawabata Yasunari đã viết về Ikkyuu như một khía cạnh vẻ đẹp bản lai diện mục của nước Nhật. Kawabata nhắc đến thư pháp của Ikkyuu, về một bức có ghi “Phật giới nhập dị, ma giới nhập nan” và khẳng định rằng: “Nói cho cùng, đối với những con người của nghệ thuật, những kẻ đi tìm Chân, Thiện và Mĩ, thì bao giờ cũng tồn tại khát vọng ẩn giấu trong câu “vào cõi ma khó”, nó hiện diện như số phận, dù là trong nỗi sợ hãi, trong lời cầu nguyện, kín đáo hay lộ liễu. Không có “cõi ma” thì cũng sẽ không có “cõi Phật”. Vào “cõi ma” khó hơn. Những kẻ yếu đuối tinh thần sẽ không đủ sức làm điều đó”.

Có thể nói cuộc đời và thi phẩm của sư Ikkyuu tiêu biểu cho hành trình ấy.
 
Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm