April 16, 2024, 11:12 am

Thiên chức của nhà văn…

Ðề cương văn hoá Việt Nam xuất hiện trên văn đàn vào năm 1943, có năm phần; 14 luận đề và hàng chục tiểu mục, đề cập đến hầu hết những vấn đề thuộc nội hàm văn hoá văn nghệ, báo chí, xuất bản… trong đó vai trò của nhà văn hoá, nhà nghệ sĩ, nhà báo như chủ thể sáng tạo của nền văn hoá được đề cập trong 5 điểm…

Nhiệm vụ hàng đầu của Đề cương đặt ra như vậy là đúng và sát với thực tiễn lịch sử Cách mạng Việt Nam khi đó. Tuy nhiên vẫn có thể thấy vai trò chủ thể trong Đề cương còn mờ nhạt, chưa có tiền đề lịch sử để bàn nhiều đến vai trò chủ thể trong sáng tạo văn nghệ. Từ đó cho đến hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, do nhiều lẽ, sứ mệnh người nghệ sĩ chỉ được nhấn mạnh ở vai trò nghĩa vụ công dân, trách nhiệm xã hội. Phải đến năm 1948, khi đồng chí Trường Chinh đã khẳng định trong Chủ nghĩa và văn hoá Việt Nam: “Văn hóa cách mạng đã đi trước thực trạng kinh tế và ảnh hưởng lại xã hội một cách mãnh liệt”, thì vai trò nhà văn hoá, nghệ sĩ mới được đề cập rõ hơn. Đến Đại hội VI, NQ 05 của Bộ Chính trị, và nhất là các văn kiện của Đại hội VII và gần nhất là Nghị quyết Hội nghị TW V (1999) bàn về chiến lược con người, thì nhà văn hoá, nghệ sĩ với tư cách là chủ thể sáng tạo mới được đề cập và ghi thành văn tương đối đầy đủ: vị trí, vai trò, thiên chức, cá tính sáng tạo, tài năng nghệ thuật và một loạt cặp phạm trù có tác động biện chứng lẫn nhau như: tự do và trách nhiệm, thế giới quan và phương pháp sáng tác, tự do và tài năng, tự do sáng tác và tự do phê bình...

Toàn văn đề cương về văn hóa Việt Nam, in trên Tạp chí Tiền Phong số 1, tháng 11/1945 
Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vậy còn những luận điểm gì phải nêu hôm nay có liên quan tới đề tài đang bàn? Có thể tóm lại trong ba vấn đề sau:

1. Nhà văn

không nhất thiết phải là nhà tư tưởng?

Điều này không làm bé tầm thước tư tưởng của họ trong tác phẩm và cũng không mâu thuẫn gì với nhiều nhà văn, nghệ sĩ lớn trên thế giới và ở nước ta trở thành những nhà văn hoá lớn, là bởi vì họ trước hết là nghệ sĩ tài năng nghệ thuật qui định bản chất của họ. Còn khi nói đến nhà tư tưởng là nói đến sự hoạt động chính trị, chính kiến, lập trường xã hội, thế giới quan tiên tiến, nhất quán trên cơ sở một triết học nhất định. Chúng ta ca ngợi những chính kiến của Victo Huygô, nhưng ông không phải là nhà tư tưởng lớn. Sống cùng thời đại với Mác và Ănghen, nhưng nhà văn nổi tiếng này chưa vươn tới thế giới quan duy vật. Từ một người bảo hoàng trở thành chiếc sĩ đấu tranh tích cực cho nền Cộng hoà dân chủ, mơ ước chủ nghĩa xã hội không tưởng. Thái độ của Huygô là điển hình cho tầng lớp trí thức trung gian nước Pháp; căm thù áp bức, nhưng sợ quần chúng nổi dậy, tin vào và dồn sức xây dựng nền Cộng hoà thứ ba này là bước lùi so với Công xã Pari, mà ông không hiểu và không theo. Nhà thơ vĩ đại Đức, F.W.Goethe cũng không phải là nhà tư tưởng. Ông căm thù chế độ xã hội Phổ đương thời, nhưng lại bỏ chạy trốn khỏi Áo. Mẫu thuẫn hằn sâu giữa nhà thơ hiện đại và vị bộ trưởng trung thành của vương triều Frăngfuốc đã biến ông thành con người vừa hết sức vĩ đại, vừa quá ư nhỏ nhen. Lép Tônxtôi là nhà văn “vĩ đại và độc đáo” (lời V.I.Lênin) nhưng ông không phải là nhà tư tưởng của cuộc cách mạng tư sản nông dân Nga cuối thế kỷ XIX. Mâu thuẫn chồng chất trong thế giới quan đã thu hẹp kích thước vĩ đại của ông. L.Tôn xtôi không thể nào hiểu nổi phong trào công nhân và vai trò của nó trong cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, cũng không thể nào hiểu nổi cách mạng Nga. Đó là chưa nói đến việc ông hãng say thuyết giáo “không nên dùng bạo lực chống lại điều ác”, giữa lúc cái ác đang nhan nhản khắp nơi.

Vậy có nhà văn nào là nhà tư tưởng? Nhà văn chỉ trở thành nhà tư tưởng của thời đại mình khi:

- Lý tưởng thẩm mỹ trong sáng tạo nghệ thuật trùng khít với lý tưởng chính trị; đến lượt mình lý tưởng chính trị chiếu sáng cho lý tưởng thẩm mỹ.

- Họ bước vào đời trước hết với tư cách là nhà hoạt động chính trị - xã hội, rồi sau đó mới là nhà văn tài năng.

- Họ là phát ngôn nhân cho ý thức hệ của một phong trào, một cuộc cách mạng, một khuynh hướng chính trị tiến bộ.

- Văn chương, nghệ thuật đối với họ là phương tiện dấu tranh chính trị.

Trong văn học Việt Nam, Lê Thánh Tông Nguyễn Trãi. Hồ Chí Minh, Tố Hữu... là kiểu nhà văn - nhà tư tưởng.

Nhận thức như vậy chắc sẽ còn nông cạn, nhưng chúng tôi muốn chứng minh rằng, lâu nay, chúng ta thường đồng nhất nhà văn với nhà hoạt động chính trị, nhà tư tưởng là không đúng, mặc dầu động cơ tốt, tưởng đó là điều kiện cần thiết để nhà văn gia tăng trách nhiệm xã hội đối với tác phẩm mình. Thật ra, đó là việc làm ấu trĩ, thường dẫn nhà văn đến tình trạng minh hoạ chính sách, biến nghệ thuật vốn mang tính đặc thù thành bộ phận của chính trị đơn thuần, thủ tiêu cá tính sáng tạo của nhà văn. Đối với chúng ta, nhà văn trước hết là nhà văn, không sợ nói như thế là xa rời chính trị. Đã là nhà văn phải có tác phẩm hay, phải có tài năng. Đóng góp lớn nhất của anh ta đối với xã hội là tác phẩm nghệ thuật. Nhà văn phải có lý tưởng chính trị và lý tưởng thẩm mỹ tương ứng. Nghề văn là nghề đặc biệt, phân biệt rõ rệt với nghề hoạt động chính trị, bởi vì động cơ, mục đích, phương thức hoạt động, tư duy, nhận thức của nhà văn không đồng nhất với nhà chính trị. Nghệ sĩ thường có tâm lý khác, thường hoạt động theo tâm trạng, có khi át hết cả những suy nghĩ khác. Trong hoạt động chính trị, nhà văn thường dễ đánh rơi bản lĩnh nghệ thuật, ảnh hưởng đến tình cảm, tâm trạng. Ngoài ra, hoạt động chính trị (hiểu theo nghĩa hẹp) đòi hỏi phải có tri thức, kinh nghiệm, chiến thuật, sách lược, thủ đoạn... Kinh nghiệm lịch sử chỉ ra rằng, khi nào nhà văn “say mê” đến chính trị, đến triết học (ở đây cần phân biệt lý tưởng chính trị, nền tảng triết học mà nhà văn theo đuổi và cần được trang bị) thì nói chung, hoạt động nghệ thuật anh ta đi chệch hướng hoặc không thành công.

2. Tự do và trách nhiệm của nhà văn

Bàn về tự do và trách nhiệm các nhà văn ở nước ta cần thống nhất về mặt nhận thức mấy đặc thù của lịch sử dân tộc có liên quan tới vấn đề đang bàn.

- Tính cộng đồng cao của người Việt Nam là biểu hiện tình trạng tư hữu kém phát triển. Cái tôi, cái riêng, cái tự do cá nhân còn là phạm trù khó hiểu và không phổ biến.

- Văn học Việt Nam từ cổ đại, trung đại đến cận đại, hiện đại gắn rất chặt với chính trị. Nhà văn lo nghề nghiệp mình như lo việc nước, việc nhà. Và ngược lại việc nước, việc nhà được thể hiện bằng văn bằng thơ... Nhà văn là người trong cuộc.

- Không nên đối lập tự do và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tất cả các nền tự do, dân cử trong lịch sử đều có sự lãnh đạo. Lãnh đạo trong xã hội tư bản là các tổ chức độc quyền về tài chính, các tổ hợp quân sự. Nếu ta hiểu lãnh đạo là định hướng, là tính mục đích của sáng tạo nghệ thuật thì sự lãnh đạo của một tổ chức là tự nhiên, cần thiết như ta thở khí trời vậy.

- Phạm trù tự do và trách nhiệm của bất cứ nước nào cũng đều có chuẩn mực của nó, nghĩa là bị qui định bởi lịch sử, truyền thống, văn hoá, giai cấp... Thoát ly những chuẩn mực đó, bê nguyên xi những phạm trù tự do, dân chủ, nhân quyền của phương Tây để gán cho văn nghệ sĩ Việt Nam không chỉ không đúng mà còn gây cản trở cho sự sáng tạo và cảm hứng các nghệ sĩ.

Hiểu như vậy thì mối quan hệ giữa tự do và trách nhiệm là thống nhất - biện chứng - chuyển hoá lẫn nhau. Cái trước là kết quả các cái sau, và cái sau là cơ sở cho cái trước với điều kiện là nhà văn, nghệ sĩ phải có tài năng.

Vài năm trở lại đây, một số nhà văn, chủ yếu là mới vào nghề, hiểu sai tự do và thiếu trách nhiệm trước nhân dân, bạn đọc đã viết ra những cuốn sách, truyện ngắn lệch lạc về mặt nội dung, vô luân, yếu kém về mặt nghệ thuật, gây tác hại đến việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cao đẹp của người đọc, ảnh hưởng xấu đến uy tín xã hội và thiên chức cao quý của nhà văn. Vậy nguyên nhân của những hiện tượng tiêu cực đó là ở đâu? Theo chúng tôi, chúng bắt nguồn từ những tư tưởng và tâm trạng sau:

- Tư tưởng kiêu ngạo, tự cho mình là có tài năng và dũng khí để phanh phui những mặt trái của xã hội, kể cả những lỗi lầm trong quá khứ cùng với tâm trạng ẩn ức bị nén nhịn từ nhiều năm (dù là ẩn ức cá nhân), bắt gặp tư tưởng “cấp tiến” của những nhà lý luận phê bình tự đứng ra ngoài và đứng cao hơn đội ngũ đi tiên phong giương cao ngọn cờ “đổi mới”... Thế là như nắng hạn gặp mưa rào, cơn mưa “đổi mới” kiểu đó đổ xuống không làm cho cánh đồng văn học trổ bông, mà ruộng nương mọc thêm cỏ dại.

- Sự hẫng hụt về lý tưởng chính trị và lý tưởng nghề nghiệp chủ yếu ở một số nhà văn mới vào nghề. Khác với các thế hệ nhà văn lớp trước, có thể có khó khăn trong nhận thức nhưng dường như khi đã nhận ra thì hăng hái, tự nguyện đi theo và phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến; lớp nhà văn trẻ này bước vào đời khi loài người bước vào thập kỷ đầy biến động. Đông Âu và Liên Xô lần lượt sụp đổ, chủ nghĩa xã hội ở nước ta đang đứng trước những cơn bão thách thức sự tồn vong của mình và bao nhiêu nỗi niềm, lo âu của đời sống thường nhật, khó khăn trăm bề của từng con người.

- Khuynh hướng thương mại hóa vốn tồn tại từ nhiều năm trước, nay được thế, lồng lộn, thao túng ở nhiều ngành nghệ thuật, xô đẩy nhiều nghệ sĩ và nhà văn đi làm thuê, viết mướn, biến văn học trở thành công cụ kiếm tiền... Ở đây, sự thiếu hụt trí thức về kinh tế thị trường của những cơ quan quản lý văn nghệ và lòng tham vô đáy, sự “liên minh ma quỷ” của những nhân viên nhà nước với sức mạnh đồng tiền, của những kẻ bất lương đã và đang gây ra bao nhiêu tấn bi kịch cho xã hội và cho nghề văn.

- Cuộc hôn nhân khập khiễng giữa một bên là sự ve vãn, sự phỉnh nịnh của một số người, một số tổ chức ở bên ngoài, và tâm lý sùng ngoại, choáng ngợp trước phương Tây... Đằng sau những hiện tượng đó là những ý đồ có hại, những chất men phản kháng đối với sự nghiệp văn học và sự nghiệp xây dựng đất nước nước. Những cuộc kết duyên như vậy cũng gây nên sự nhiễu loạn trong đời sống văn học và ảnh hưởng xấu đến tự do và trách nhiệm của nhà văn.

3. Nhà văn và nhân vật của nhà văn

Mỗi thời đại, mỗi nền văn hóa, trong văn học đều có mẫu nhân vật trung tâm của mình. Ở nước ta, vào các giai đoạn lịch sử khác nhau đều có những đối tượng phản ánh chính yếu khác nhau. Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, người đọc quen thuộc với những hình tượng nhân vật công, nông, binh và trí thức. Trong thời gian xây dựng CNXH, các nhà văn chú ý nhiều đến “người thật, việc thật” và con người mới Việt Nam. Giá trị lịch sử và ý nghĩa chính trị, ý nghĩa thực tiễn của những hình tượng vừa nói trên là không thể chối cãi. Vậy vấn đề chúng ta đang bàn hôm nay có gì đáng nói thêm. Theo tôi, có hai điểm; Nhân vật trung tâm của thời đại chúng ta là ai? Tài năng của nhà văn Việt Nam được thể hiện, trước hết là nghệ thuật điển hình hoá nhân vật, và hoàn cảnh nên hiểu như thế nào?

Phải thú nhận rằng, vào thời gian gần đây trong lý luận cũng như trong sáng tác văn nghệ, chúng ta ngại nói đến nhân vật trung tâm là công, nông, binh, tri thức. Có lẽ sợ rơi một lần nữa vào công thức, sơ lược. Nhưng, bệnh công thức, sơ lược không xuất phát từ đối tượng miêu tả. Căn bệnh đó bắt nguồn từ một căn bệnh gốc khác là chủ nghĩa giáo điều tả khuynh, từ sự thiếu hụt tài năng của nhà văn, từ tâm lý tù binh của thứ lý luận giản đơn. Bây giờ, nhờ ánh sáng của tư tưởng đổi mới, ta thấy nhiều cái sai, cái thiếu hụt. Sai thì sửa, thiếu hụt thì bổ sung, chứ quên mất nhân vật trung tâm của thời đại là thiếu trách nhiệm với dân tộc, là đánh mất thiên chức nhà văn… Có thể nào nhận diện được nền văn học vào cuối thế kỷ XX, khi nhân loại bước vào nền văn minh trí tuệ, nền văn minh hậu công nghiệp mà trong văn học lại thiếu hình tượng người công nhân có tay nghề cao, những người trí thức và người làm dịch vụ công nghệ đang hàng ngày hàng giờ sản xuất, sáng tạo hoặc chuyển giao hầu hết sản phẩm, hàng hoá và thành tựu khoa học công nghệ mới để phục vụ đời sống? Còn hình tượng người lính trong văn học? Nó phải có vị trí lớn trong lòng người đọc hôm nay và ngày mai như nó đã có trong nền văn học ta suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược… bởi vì nhớ câu chuyện sau chiến tranh thế giới lần thứ I, người ta hỏi một nhà chính trị thông thái:

- Đến bao giờ thì cuộc chém giết lại có thể xảy ra?

- Đến khi mọi thế hệ lớn lên mà không nhớ lại những cảnh khủng khiếp của cuộc chiến tranh trước đó. Quá khứ nhất định sẽ quay trở lại với những người quên quá khứ...

Cũng gần đây, một số người viết trẻ lại quá nhiều lời trách cứ quá khứ, tung ra lắm thứ lý luận: nào là tôi viết chẳng cần phương pháp, nào là tôi viết là do “sự giải thoát nỗi đau”, do “sự nôn mửa” do bất bình.... tôi viết là vì con người, nhân danh con người, trở về với “đời thường” và “con người thật” v.v.. và v.v... Thực chất đó là những nhãn hiệu xưa cũ trong văn học một số nước phương Tây đã bị lịch sử lãng quên từ lâu... Kết quả là chủ nghĩa sinh hoạt, chủ nghĩa tự nhiên tràn ngập, lối kể chuyện liệt kê được kết dính trên những trang viết…

Có người nói, Đôngkisốt thực hơn Xécvăngtét, Đông Juăng thực hơn Môlie, Chí Phèo quen thuộc hơn Nam Cao... chính là vì những nhân vật đó sống với chúng ta, canh cánh bên lòng chúng ta, chính là nhờ tài năng điển hình hoá điêu luyện, kỳ thú của các nhà văn xuất sắc đó. Nhà văn thì phải biết nhiều, nhưng viết ra miên man như kiểu làm tính cộng tất cả những gì mình biết, chưa chắc đã là nhà văn, nếu những điều anh viết ra không cao hơn cuộc sống…         

Hồ Sỹ Vịnh

Nguồn Văn nghệ số 16/2023


Có thể bạn quan tâm