March 29, 2024, 6:19 pm

Thi tuyển giáo viên

 

            Việc xét tuyển giáo viên là vấn đề nóng của huyện Kiên Thành bởi số giáo sinh tốt nghiệp ra trường chờ việc mấy năm đã lên con số vài trăm nhưng năm học này người ta chỉ tuyển dụng chưa đầy 30 người ở tất cả các bậc học. Khối Mầm non dự tuyển bốn bảy người chỉ chọn lấy 6. Khối Tiểu học chọn 5 trong số gần bảy chục có đơn. Khối Trung học cơ sở đông đảo hơn, tuyển 19 giáo viên ở các bộ môn nhưng có tới hơn trăm giáo sinh dự tuyển. Riêng môn Toán chỉ chọn 4 trong số hai chục. Người ta đặt ra các tiêu chí lấy từ cao xuống thấp từ cao học xuống dần đến cao đẳng, rồi diện chính sách, rồi xếp loại tốt nghiệp… và cuối cùng là điểm thi hai bài: một bài kiểm tra về luật giáo dục, luật công chức… và một bài thi thao giảng trực tiếp.

            Hội đồng xét tuyển Giáo viên Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Kiên Thành đặt tại trường Trung học cơ sở xã Đức Thành. Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch UBND huyện và hai Phó Chủ tịch Hội đồng là Trưởng Phòng Nội vụ và Trưởng Phòng Giáo dục đào tạo. Các ủy viên là chuyên viên hai phòng cùng một số cán bộ quản lý nhà trường và các Giáo viên giỏi.

            Trần Lương được triệu tập làm thành viên hội đồng xét tuyển. Anh hồ hởi đón nhận quyết định với sự phấn khởi pha chút tự hào không giấu diếm. Là người quản lý và là người trực tiếp giảng dạy anh hiểu rất rõ thực trạng dạy và học ở nhà trường. Người quyết định chất lượng trong nhà trường là đội ngũ giáo viên. Đặc thù công việc không thể lấy cần cù bù thông minh như lao động ngành khác. Những người trình độ năng lực yếu thì dù cố gắng đến mấy cũng không thể có chất lượng cao ổn định. Những người này thường chỉ biết dạy bài tủ, học sinh làm bài theo lối mòn mà không hề có tư duy nên thất bát về chất lượng. Nguy hiểm hơn nữa là chưa bao giờ họ biết dạy cho học sinh phương pháp học, cách tư duy trước hoàn cảnh có vấn đề. Kết quả là một lứa sản phẩm con người thụ động ra lò chỉ biết làm theo mà chưa bao giờ dám tự mình làm được việc.

            Mặt khác đây là sinh mạng, là cuộc sống của một con người. Qua nhận xét của anh kết hợp cùng hai đồng nghiệp nữa sẽ có bốn người trong tổng số hai chục giáo sinh ngành Toán được chọn, họ sẽ là đồng nghiệp của anh ngay trong năm học này. Nếu không chọn đúng thì những người còn lại sẽ không tâm phục khẩu phục… họ sẽ phản ứng làm mất uy tín Ban Giám khảo và nguy hiểm hơn họ sẽ mất lòng tin vào sự công minh của cả hệ thống quản lý. Đó là điều mà Trần Lương suy nghĩ nhiều nhất.

            Với suy nghĩ như vậy, Trần Lương đề xuất xin được tiếp cận hồ sơ. Ông Trưởng phòng Nội vụ lạnh lùng bảo: “Nhiệm vụ của thầy là chấm bài thi, bài thao giảng. Việc soát xét hồ sơ là việc của Tổ chức”. Trần Lương thất vọng bởi anh nghĩ nếu được tiếp cận hồ sơ, mình sẽ có cơ sở để đánh giá chính xác trình độ năng lực của một con người cụ thể. Nhưng thôi. Người ta đã nói vậy thì cũng chả nên đòi hỏi. Tuy nhiên anh vẫn tin vào sự sáng suốt của những người được giao trách nhiệm. Anh tin vào đồng nghiệp và chắc chắn rằng họ cũng có suy nghĩ như mình.

            Ông Đức Hợp - Phó Chủ tịch huyện là người còn trẻ, khá đẹp trai dáng nhanh nhẹn hoạt bát vốn là một cán bộ xã Đoàn đi lên. Ông này là con rể của Bí thư Huyện ủy cũ và là em vợ của đương kim Bí thư huyện ủy. Thiên hạ hay khen rằng ông này vui tính và hòa đồng với mọi người lắm. Trần Lương chưa tiếp xúc bao giờ nhưng cũng để ý mọi cử chỉ động tác để xem thiên hạ nói có đúng không.

            Đầu ngảnh về bên phải như một cố tật, mắt không nhìn vào ai mà tập trung vào ngọn đèn chùm treo lủng lẳng trên trần nhà, tay phải chém đều đều vào không khí, Đức Hợp lắp bắp:

            - Thưa các đồng chí! Nhiệm vụ của Hội đồng ta rất là quan trọng có nghĩa là có vị trí đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ nghĩa là quyết định chọn cử gần ba mươi nghĩa là hai tám người trong tổng số hai trăm nghĩa là chưa đến mười năm phần trăm… Chính vì vậy đề nghị các đồng chí phải công tâm nghĩa là đảm bảo khách quan với lại công bằng trong đánh giá. Phải không ạ! Vì sao lại phải công tâm với lại khách quan nghĩa là không chủ quan áp đặt, nghĩa là phải làm đúng. Vì vậy có mấy yêu cầu… nghĩa là ta gọi là quy chế làm việc như thế này. Một là nội bất xuất ngoại bất nhập nghĩa là trong ba ngày làm việc chúng tôi sẽ đảm bảo sinh hoạt cho các đồng chí nghĩa là không ai được ra ngoài. Hai là không được sử dụng điện thoại nghĩa là đề nghị gửi toàn bộ máy điện thoại của mọi người nghĩa là mọi người nộp điện thoại gửi về Lãnh đạo Hội đồng nghĩa là gửi tại chỗ đồng chí Trưởng phòng Giáo dục…

            Trần Lương bật cười. Hay nhỉ… cái gì cũng “Nghĩa là”. Anh buột mồm:

            - “Nghĩa là” như cán bộ ngày xưa đi làm nhiệm vụ đổi tiền …

            Ông Phó Chủ tịch cười tỏ vẻ khoái chí khi được người phụ họa:

            - Đúng đấy đúng đấy. Đồng chí gì nói rất đúng. Nghĩa là như cán bộ làm nhiệm vụ đổi tiền như ngày xưa ý. Đã rõ chưa ạ - Ông hỏi cái chùm đèn trên trần bởi mắt vẫn hướng về nơi trần nhà.

            Chán kinh người lên với cái ông này. Trần Lương thầm nghĩ.

            - Đã rõ chưa ạ! - Chủ tọa nhắc lại với cái đèn chùm trên trần nhà. Nhưng cái chùm đèn không biết nói nên lác đác đám người ngồi dưới đành nói hộ: Rõ rồi đấy ạ.

            - Vâng… thế là tốt. À còn tý nữa. Không được tiếp xúc với thí sinh!

            Trần Lương lại vóng lên: Không được tiếp xúc với thí sinh thì phải giấu mặt ạ?

            Trưởng Phòng Giáo dục với ánh mắt khó chịu chiếu thẳng vào người vừa nói leo bằng giọng đá xoáy. Trần Lương chợt thấy ngại ngại. Nhưng không ngờ ông Phó Chủ tịch lại chộp ngay cái ý đó:

            - Đúng! Nếu có điều kiện mà bố trí ca – mê - ra rồi truyền sang phòng giám khảo thì tốt. Liệu có chuẩn bị được không đồng chí Trưởng phòng Giáo dục? Ông này báo cáo anh không kịp ạ. Không kịp à! Vậy ta chỉ hạn chế trong giờ thao giảng với lại lúc coi thi viết vẫn phải tiếp xúc nhưng không được nói gì có nghĩa là không trao đổi bàn bạc gì với thí sinh. Nhá. Thống nhất vậy các đồng chí nhá.

            Điên hết cả người… Từ bấy giờ trở đi Trần Lương chả biết ông Chủ tịch Hội đồng phát biểu gì nữa mà anh chỉ mong cuộc họp chóng kết thúc.

            Rồi cuộc họp cũng kết thúc. Trong bữa liên hoan khai mạc Chủ tịch Hội đồng cầm cốc bia đến chỗ Trần Lương ngảnh cổ bảo: Thầy giỏi lắm. Nào uống chúc mừng!

            Trần Lương chạm cốc mà băn khoăn trong đầu không biết ông này khen thật hay là đe dọa. Mà sao lão chỉ nhìn cái chùm đèn trên trần nhà mà cũng biết mình nói đế? À… có lẽ do… do cái đầu ngảnh… chỉ hơi liếc mắt một cái là xác định được ngay người nói ở dưới. Tự nhiên anh thấy hối hận vì cái tật mau mồm thẳng ruột ngựa của mình.

*

            Buổi thao giảng ngày thứ hai tiết 7 là của Phương Loan.

            Mỗi ngày dự khán 7 tiết dạy làm Trần Lương rã rời. Hôm nay cũng vậy. Sau sáu tiết dự giờ, Trần Lương thấy giáo sinh dạy tương đối khá. Nhưng vẫn chưa có giờ dạy nào được anh đánh giá là giờ giỏi. Dẫu mệt anh vẫn háo hức chờ tiết thứ 7 trong ngày đồng thời là tiết thứ mười bốn của cả đợt. Không phải sự háo hức đó đơn giản là con của Tuấn - bạn học của anh, người đã đến nhờ anh giúp đỡ mà còn là tiết dạy của một Sinh viên Đại học ra trường. Sở dĩ anh biết điều này vì đã được Tuấn cho biết Phương Loan trình độ Đại học, là đối tượng được ưu tiên tuyển dụng theo thứ bậc ưu tiên trong quy chế.

            Ba giám khảo đã ngồi chờ sẵn. Hai chục học sinh của trường sở tại cũng đã chuẩn bị xong. Phương Loan vào lớp nhắc nhở ổn định trật tự. Trần Lương thấy cô bé có khuôn mặt khá xinh, dáng người cân đối và cử chỉ mềm mại trong nếp áo dài trắng. Đoan trang, tự tin đúng tác phong của nhà Sư phạm lắm - Trần Lương thầm nghĩ. Hai đồng nghiệp của anh chắc cũng cảm thấy như vậy vì anh thấy ánh mắt của họ hút vào cô giáo đang chuẩn bị thao giảng với một vẻ ngưỡng mộ.

            Trống báo hiệu tiết học bắt đầu. Phương Loan lúng búng giới thiệu người dự và kiểm tra bài cũ. Câu hỏi tối nghĩa và hết sức mập mờ. Trần Lương ngạc nhiên nhưng rồi anh tự nghĩ: Có thể con bé đang mất bình tĩnh. Hãy cứ chờ vào bài mới xem thế nào. Nghĩ vậy nên anh cố giữ vẻ mặt tươi tắn, đầu còn hơi gật gật ánh mắt khích lệ để trấn an tâm lý của người đứng lớp.

            Nhưng anh hoàn toàn thất vọng vì bài giảng của Phương Loan không đạt được mục đích yêu cầu cả về nội dung và phương pháp. Cô giáo nói nhiều nhưng không rõ ràng, câu hỏi phát vấn không phát huy tính tích cực tư duy của học sinh. Tại sao lại như thế này. Đó là do giáo viên không nắm được nội dung bài dạy một cách đầy đủ nên bài giảng chẳng đi đến đâu và trở thành một mớ hỗn độn. Thực ra bài này học sinh đã được học ở tiểu học, nhưng ở cấp Trung học nó cần khái quát và mở rộng cho tất cả các trường hợp nhưng giáo viên không biết hướng dẫn học sinh khai thác. Chán quá. Đại học mà thế này ư.

            Tiết học kết thúc. Trần Lương cùng hai đồng nghiệp chán nản lắc đầu.

            Khi tổng hợp ý kiến đánh giá về bảy tiết dạy trong ngày, cả ba người cùng nhất trí giờ giảng của Phương Loan chỉ đạt trung bình, điểm số thấp nhất trong cả mười bốn tiết dạy đã qua. Thực ra Trần Lương có nghĩ tới việc Phương Loan là con của Tuấn và đã được Tuấn nhờ nâng đỡ. Nhưng anh nghĩ như lời Đức Hợp - Phó Chủ tịch Huyên đã quán triệt: Phải công bằng khách quan.

            Đành vậy, phải làm vì việc chung thôi. Danh dự và lương tâm nhà giáo không cho phép làm khác được - Trần Lương tự an ủi bào chữa cho mình. Rồi ông bạn có không thông cảm, có trách cứ thì mình đành chịu vậy.

            May mắn sao ngày hôm sau có năm tiết giảng được xếp loại giỏi trong số sáu tiết. Các cháu đều con nhà nghèo - Trần Lương đoán vậy thông qua cách ăn mặc, cách nói năng và cách ứng xử - nhưng có kiến thức vững vàng và có phương pháp phù hợp. Tuy còn nhiều yếu tố khác nhưng Trần Lương thực sự vui mừng vì đã phát hiện được những nhân tố xứng đáng cho cái nghề vất vả này.

            Trần Lương thở phào nhẹ nhõm. Vậy là xong bốn ngày vất vả. Mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Tối nay tháo khoán về nhà. Anh cảm thấy nhớ vợ con… cả năm ngày nay không được nhắn tin, gọi điện nên không biết ở nhà ba mẹ con xoay xỏa thế nào…

            Đang định lên chỗ Trưởng Phòng Giáo dục nhận lại cái điện thoại để chuẩn bị về thì Trần Lương được Trường phòng Nội vụ mời lên gặp Phó Chủ tịch Đức Hợp. Thôi chết rồi. Chắc lão này thù dai trị mình cái tội nói leo đây. Kệ! Có sao đâu. Cùng lắm chỉ vài câu trách chứ mình có nói gì sai đâu. Nghĩ vậy Trần Lương lên ngay phòng Đức Hợp.

            Trái với dự đoán của Lương. Vừa thấy anh đến, Đức Hợp đang ngồi trong phòng vội đứng dậy niềm nở kéo ghế mời thầy giáo ngồi, rồi xăng xái pha trà mời thầy giáo xơi nước. Có chuyện gì mà cấp trên lại quan tâm hạ cố chiều chuộng một anh giáo làng vậy nhỉ. Trần Lương băn khoăn nhìn ông Phó Chủ tịch huyện bằng ánh mắt dò hỏi.

            - Thưa thầy - ông Phó Chủ tịch nhẹ nhàng với vẻ lễ phép hơi thái quá - Có trường hợp này khó xử quá. Mong thầy giúp đỡ.

            Trần Lương từ tốn: Vâng. Tôi đang nghe anh ạ.

            Lãnh đạo nói với giọng băn khoăn:

            - Báo cáo thầy. Có một trường hợp hết sức khó xử nghĩa là rất nhạy cảm. Nó là quan hệ cấp trên cấp dưới đồng thời liên quan đến công việc chung nghĩa là việc tư nhưng có ảnh hưởng tới việc chung. Nó ảnh hưởng tới việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương…

            Việc gì mà tư với riêng lại là việc ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính trị của địa phương nhỉ - Trần Lương thầm nghĩ.

            - Chả là trong đợt thi tuyển này có mấy cháu ở trên tỉnh các anh ấy có gửi về địa phương ta. Nhìn chung các cháu đều đạt điểm cao cả. Riêng có một trường hợp ở bộ môn của thầy thì điểm thấp quá nghĩa là không thể xét tuyển được. Vậy nên đề nghị thầy châm chước nghĩa là nâng điểm cho cháu.

            À ra thế. Chắc là trường hợp con bé Phương Loan. Trần Lương nói luôn:

            - Tôi không nghĩ vậy. Nó không đủ năng lực, nó vào ngành rồi nó bỏ gio vào mắt con em mình, nó về trường nào thì cả mấy chục học sinh ở đấy chết… ảnh hưởng tới địa phương đấy. Những cái khác tôi không biết nhưng trường hợp ấy thì không được anh ạ.

            Đức Hợp vẫn kiên trì:

            - Thầy ơi! Việc ấy không lo. Chúng nó chỉ cần thi tuyển ở đây, được biên chế rồi thì dăm bữa nửa tháng các anh ấy lại kéo nó về trên thành phố nghĩa là nó có dạy ở đây đâu mà lo ảnh hưởng...

            Trần Lương không thể chịu nổi nữa. Anh nhổm người nhìn thẳng vào mắt Đức Hợp nói to:

            - Cho tôi nói thật nhá: các anh làm vậy là không được. Các anh trên tỉnh gửi mấy trường hợp để vào biên chế đợt này, các anh chấp nhận tức là các anh đã tước bỏ cơ hội việc làm của bằng ấy trường hợp các cháu con em nhà mình. Mà chưa kể đến việc phải nâng điểm cho họ tức là đánh gục con em nông dân nghèo để con cháu quan trên được hưởng. Làm vậy là không có lương tâm. Tôi không thể làm nổi việc ấy!

            Yên lặng một lát. Có lẽ cũng hơi ngượng về câu to tiếng của anh giáo làng, vị Phó Chủ tịch huyện sầm mặt xuống. Trần Lương nhìn thấy anh ta cứ xoay xoay cái chén và chắc chắn hắn sẽ tung đòn. Quả nhiên đúng như vậy. Đức Hợp dằn cái chén xuống rồi nói giong đanh lại:

            - Tôi biết thầy cũng có con gái năm tới sẽ ra trường. Sang năm sẽ xét tuyển. Cũng phải để cửa cho con mình chứ. Chả nhẽ thầy định chốt cửa của con mình sao?

            Lời đe dọa hiệu nghiệm ngay tức khắc. Trần Lương vã mồ hôi. Liệu sang năm con bé Kim Duyên nhà mình sẽ thế nào. Ruột gan anh cồn lên như lửa đốt. Nhưng vẫn không chịu đầu hàng:

            - Con tôi sang năm tốt nghiệp Đại học thật, sang năm thi tuyển Giáo viên thật. Nhưng nó sẽ không thi tuyển ở đây vì nó thi tuyển giáo viên Phổ thông Trung học. Nó thi ở Sở Giáo dục…

            Đức Hợp nhếch mép cười:

            - Nói thật với thầy… thi tuyển ở đây may ra còn có cửa vì chí ít anh em mình có thể còn nể nhau một tí thầy ạ. Nếu cái việc thầy không chịu châm chước hôm nay sẽ đến tai các anh trên Tỉnh thì chắc chắn sang năm con thầy sẽ trượt đầu tiên.Vì sao tôi lại nói vậy vì thi ở cấp Sở do đích thân các anh trên Tỉnh làm mà. Tôi dám cam đoan với thầy như vậy đấy - Anh ta dịu giọng nói tiếp: Thôi thầy ạ được việc công được việc ta… Nó có dốt các anh ấy mới nhờ mình chứ nó hơi kha khá một tý thì họ cũng chả cần đến mình. Thời buổi dựa vào nhau mà sống thầy ơi.

            Không ngờ sự việc nó lại như vậy. Đây là cái quy trình hay là kịch bản vậy. Nhưng lời cảnh báo ấy đã làm Trần Lương lo lắng thực sự. Thôi cũng đành. Anh thấy người như rỗng ra, cảm giác bất lực làm anh rã rời. Rồi anh nói như người hụt hơi:

            - Thôi. Tôi đồng ý. Nhưng còn hai người nữa cùng chấm với tôi. Chắc gì họ đã chịu.

            Đức Hợp lạnh lùng:

            - Thầy cứ yên tâm. Chúng tôi đã thay lại bản nhận xét và điểm số của cháu ấy rồi. Thầy ký vào đây là xong!

            Anh ta chìa tờ biên bản nhận xét giờ dạy… Họ tên Phạm Phương Loan… Nhận xét… Trần Lương đọc thầm: toàn ưu điểm… Đánh giá giờ dạy 19 điểm - Xếp loại Giỏi. Bên dưới đã có chữ ký của hai đồng nghiệp chỉ còn thiếu chữ ký của anh.

            Trần Lương đặt bút ký vào biên bản được người ta làm lại mà thấy ấm ức như có cục đá chẹn trong ngực. Vậy thì tổ chức thi để làm gì? Vậy mình lên đây mấy ngày để làm gì?

            Thôi đành vậy. Cũng làm xong lời hứa với ông bạn Tuấn.

            Nhưng trong số những cháu giỏi thực sự kia, những cháu nào bị rớt. Rồi đời chúng sẽ ra sao. Chao ôi đau quá. Đứa dốt lên ngôi còn người giỏi thì bị vùi dập.

            Trần Lương cố ghìm những giọt nước mắt. Khốn nạn! Mình không thể làm gì đươc. Mình cũng chỉ là thằng hèn!

            Mình cũng chỉ là thằng hèn.

            Mỗi khi nghĩ đến việc phải thỏa hiệp để Phương Loan được điểm cao, Trần Lương lại nghe nhói trong đầu. Anh cảm thấy mình không còn là mình nữa. Sự thỏa hiệp ấy là một hành động tàn ác bởi vì sau việc làm của anh đồng ý cho Phạm Phương Loan lên điểm 19 thì một Giáo sinh khác thực đạt 18,75 điểm đã mất cơ hội có công ăn việc làm. Biết đâu cháu bị tuột mất cơ hội đó lại là con một nông dân suốt đời chân lấm tay bùn quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời hay con của một chiến sĩ đang ngoài biên giới hải đảo, hoặc con của một cựu chiến binh già… Những người ấy biết là con của mình thông minh giỏi giang nhưng phải chọn cho con đi học sư phạm bởi vì học ngành này được miễn học phí, đi học sư phạm là đỡ gánh nặng không nhỏ cho gia đình. Và người ta hy vọng với số điểm 18,75 là con mình sẽ được đi dạy… Nhưng họ không thể ngờ rằng đứa dốt hơn lại có điểm cao hơn. Bao nhiêu công sức tiền bạc vất vả đổ xuống sông xuống biển.

Ai là tội đồ nếu không phải là mình?

            Nhưng mình không thể làm khác… Còn đứa con gái của mình nữa. Những lời đe dọa từ tay Phó Chủ tịch huyện hoàn toàn có căn cứ và nếu mình kiên quyết không làm theo ý họ thì sự thể tồi tệ sẽ đến với chính bản thân mình. Nếu mình không thỏa hiệp thì con gái sang năm sẽ bị đánh trượt không thương tiếc. Lúc ấy con bé sẽ đau đớn mất hết động lực sống và vợ anh sẽ thất vọng đến cùng cực, nàng sẽ gào thét trách cứ ông chồng vô dụng. Nghĩ đến cơn thịnh nộ của vợ, Trần Lương rùng mình không dám nghĩ tiếp.

             Ôi chao. Giá mọi việc khách quan vận hành theo đúng quy luật thì làm gì mình phải day dứt trước tình huống trớ trêu này. Nhưng ác nỗi nó đi theo một chiều hướng khác… Những người lương thiện luôn phải chịu thiệt thòi, cơ hội ngóc đầu lên hình như chưa khi nào mỉm cười với họ.

            Mải suy nghĩ dằn vặt Trần Lương không biết là có khách đã vào đến sân. Chiếc xe máy to vật hình như là xe SH gì đấy, một ông khách kềnh càng quần bò áo hoa cộc tay, kính râm to sù che gần hết khuôn mặt bước vào với cái túi bằng bìa in hàng chữ tây. Ai thế nhỉ? Khách bỏ kính râm. Lương nhận ra đó là Tuấn.

            - Chào ông - Tuấn cất lời trước và tự nhiên ngồi vào ghế. Đặt cái túi lên mặt bản… một cái hộp thòi ra khỏi miệng túi.

            Lương ấp úng: Vâng chào ông Tuấn - Vừa pha nước Lương vừa nghĩ: thằng cha này về đây có việc gì nữa đây. Hay là hắn đã biết cái vụ con gái hắn bị điểm thấp nên về trách cứ. Nhưng mình đã thỏa hiệp nâng lên rồi. Chính vì vậy mà mình đang day dứt.

            Rót hai chén nước trà, Lương đẩy về phía Tuấn một chén: Mời ông xơi nước. Tuấn lạnh lùng nhìn chén nước rồi bảo: Uống trà làm gì xót ruột bỏ mẹ… Tôi mang chai Chivas 18 đây. Uống nhé! Lương vội xua tay: Không tôi không biết uống rượu tây với lại đang giấc lưng chừng này uống rượu mệt lắm. Tuấn cười khà khà: cái ông này, không biết uống thì phải tập. Làm đến cái anh Hiệu trưởng mà không biết tới ngụm rượu tây thì làm làm chó gì. Lương đần mặt nghĩ thật ra anh cũng chưa từng uống rượu tây bao giờ. Những mấy triệu một chai - bằng cả tháng lương nên có bao giờ dám uống. Còn rượu biếu ư, cũng có lần người ta biếu nhưng anh từ chối và trả lại thẳng thừng. Kiên quyết từ chối đến nỗi khi khách cầm chai rượu về thì Huế tiếc rẻ: Không uống thì cứ nhận, bán ra ngoài kia chả kiếm được mấy trăm à. Rõ dại. Nhưng Lương nghĩ khác. Mình nhận là họ coi thường…

            Tuấn xăng xái đi tìm cốc, tự nhiên như ở nhà rồi vặn nắp chai. Vừa rót vừa lắc mà rượu chỉ nhỏ từng giọt. Lương kêu lên:

            - Nó bị tắc à?

            Tay vẫn cầm cổ chai vừa rót vừa lắc, Tuấn cười cười:

            - Lạy thầy Hiệu trưởng… tưởng biết chứ. Tây nó tân tiến thế đấy, Có viên bi ở nút chai để hạn chế rượu rót ra… rượu quý nên nó không mất đi đâu giọt nào thầy ạ.

            Lương ngượng ngùng vì câu giải thích của Tuấn. Điều đơn giản vậy mà mình cũng không biết. Rồi như cái máy, anh cầm cốc rượu Tuấn đưa. Ừ thì thử tý xem sao.

            - Nào uống. Chúc sức khỏe.

            Đưa cốc rượu lên ngang mặt, Lương gặp cái mùi hắc hắc. Một ít rượu vào mồm. Đăng đắng. Nuốt. Nóng ran cổ họng. Giời ạ, tưởng rượu tây như thế nào… thua rượu quê nút lá chuối. Nghĩ vậy nhưng không nói ra.

            Tuấn vừa xoay xoay cốc rượu trên tay vừa nói:

            - Tôi đến ông có hai việc. Việc thứ nhất: cảm ơn ông đã giúp đỡ để con bé Loan con tôi được tuyển dụng. Nếu ông không mở lòng thì trượt là cái chắc. Nói thật với ông nó mải chơi lắm có chịu học hành gì mấy đâu…

            Lương thật thà:

            - Nói thật với ông, con bé dạy yếu lắm. Mà tôi chẳng có công lao gì đâu. Do mấy ông trên ban Thi tuyển ép chứ tôi đã cho nó trung bình yếu…

            Tuấn chả hề ngạc nhiên:

            - Thì tôi đã làm việc với các ông trên tỉnh rồi cầm thư tay xuống huyện nói với các ông dưới này mà. Dù sao cũng phải cảm ơn ông. Nào uống!

            Lương vẫn để nguyên cốc rượu trên bàn. Thì ra cha này biết hết. Chắc nó coi khinh mình là thằng cứng nhắc không chịu giúp đỡ bạn bè. Dù sao con hắn cũng đã có công ăn việc làm rồi. Còn con bé điểm thật 18,75 kia chắc giờ này nó đang oán mình, cả nhà nó đang oán mình. Nghĩ đến đây  anh thở dài: Mình không thể cưỡng lại được, người ta đã chuẩn bị các phương án một cách hoàn hảo.

            - Thế ông đã biết Huyện phân công con bé về trường nào chưa? Lương hỏi cho có chuyện. Thực lòng anh muốn tay Tuấn cuốn xéo khỏi nhà ngay tức khắc cho đỡ nghĩ ngợi về chuyện của bố con nhà hắn.

            Tuấn mau mắn: Rồi. Đấy là việc thứ hai tôi phải nhờ đến ông. Các anh ấy phân công nó về trường ông đấy. Tạo điều kiện giúp cháu với nhé.

            Trần Lương choáng váng như bị giáng một đòn vào đỉnh đầu. Sao lại đểu thế nhỉ. Gậy ông lại đập lưng ông. Mặt anh tối lại.

            - Chuyên môn nó hơi yếu, ông cũng biết rồi đấy - Tuấn nói trơn tru như không để ý đến vẻ mặt của người đối diện - Các anh ấy bảo cho nó về trường khác người ta sẽ trách cứ các anh ấy… Cho nó về trường ông rồi ông tạo điều kiện giúp đỡ cháu. Mà trường ông lại đang thiếu giáo viên Toán tin.

            Luật lệ của Huyện này đã đề ra bằng văn bản hẳn hoi: Để chống tiêu cực, Hiệu trưởng các nhà trường không được ký đơn nhận hoặc từ chối. Nhân sự trong các nhà trường do huyện sắp xếp. Vậy thì mình chẳng thể chối từ. Nếu mình từ chối, huyện cứ quyết định nó về và mình sẽ phải thuyên chuyển đi chỗ khác vì tội chống lại cấp trên. Khốn nạn thế!

            - Nhá… giúp cháu nhá. À mà có chút quà biếu ông. Thông cảm nhá -Tuấn rút ra từ túi áo ngực một cái phong bì. Chắc là tiền. Không biết nhiều hay ít nhưng thấy cái phong bì có vẻ dầy.

            Lương giãy nảy:

            - Không. Tôi không nhận đâu. Ông cất ngay đi!

            Tuấn vẫn từ tốn:

            - Có đáng mấy đâu, vài triệu thôi mà. Ông cầm lấy cho tôi khỏi áy náy.

            Lương nghiêm mặt:

            - Việc các ông trên sắp xếp là quyền của các ông ấy. Tôi là cấp dưới buộc phải chấp hành. Tôi chẳng có công lao gì để nhận. Ông đừng làm tôi khó xử.

            Bây giờ Tuấn mới ngạc nhiên:

            - Sao lại khó xử? Chỗ bạn bè tôi biếu ông thì có sao?

            Trần Lương nói rành rẽ:

            - Nếu không vì cái việc thi tuyển vừa rồi và việc con ông về trường tôi mà ông cho tôi với tình cảm bạn bè giúp đỡ nhau thì tôi rất cảm ơn. Nhưng bởi cái việc như vừa nói mà ông đưa tiền cho tôi chẳng hóa tôi nhận hối lộ của ông à. Nếu tôi cầm đồng tiền của ông, con bé Loan nó sẽ khinh tôi, vài hôm nữa về trường nó sẽ không nghe lời tôi, rồi mọi người cũng sẽ không nghe tôi. Sự điều hành quản lý của tôi không hiệu quả. Bởi vì tất cả mọi người sẽ khinh cái thằng tôi đã cầm đồng tiền của ông. Vậy là rõ rồi chứ. Ông cất ngay cái phong bì này đi!

            Tuấn ngượng nhưng cũng cố vớt vát:

            - Gàn bỏ mẹ… Trách nào nghèo bền túng dai. Thôi, không nhận thì thôi. Nhưng phải giúp cháu nhá. À mà nó cũng chẳng ở đây lâu đâu. Dăm ba tháng, cùng lắm là nửa năm thôi. Rồi tôi cũng phải tìm cách đưa nó về thành phố…

            Rồi Tuấn đút ngay cái phong bì vào túi áo của mình. Động tác gọn gàng thuần thục như đã thành kỹ xảo.

            - Tôi nể ông, ông Lương ạ - Tuấn nói giọng thành thật: Nể ở sự trong sáng của ông. Nhưng tôi nói với ông điều này. Ông có việc, nếu không có tiền sẽ chẳng có ai giải quyết cho ông. Xã hội bây giờ nó vậy rồi đấy, Kinh tế thị trường mà. Tôi cần ông: tôi mua, tiền ấy là để lúc ông cần việc gì thì lại bỏ ra mà mua… Vậy mai ông có việc, ông không có tiền có đứa nào giải quyết cho ông không. Ông cứ ngẫm điều tôi nói.

            Rồi Tuấn quày quả ra về. Lương đưa chai rượu: ông cầm về. Tuấn bảo ông cầm lấy mà uống.

            - Không! Tôi không uống rượu tây - Lương từ chối.

             Tuấn bảo: không uống thì đổ đi cũng được. Rượu đã mở rồi… giá trị gì nữa mà cầm…

                     

Trích Tiểu thuyết Đông trùng hạ thảo 

Nguồn Văn nghệ số 24/2019

 


Có thể bạn quan tâm