March 29, 2024, 7:58 pm

Thi sĩ Hàn Mặc Tử với KARL MARX

 

Nhân 200 năm sinh Karl Marx (5.5.1818 – 5.5.2018)

            Sinh thời Hàn Mặc Tử (1912-1940) không chỉ sáng tác thơ mà còn nêu quan niệm thơ và trao đổi về luật thơ với Phan Bội Châu, Lam Giang, Trương Tửu; có dẫn giải, bình luận thơ Quách Tấn, Bích Khê, Chế Lan Viên; có giảng luận về Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan; có ghi chép văn xuôi, tranh luận về vấn đề triết học “Nhân thế chỉ cảnh” của Đinh Bá Kha; có khảo luận về lịch sử Nhật Bản, phong dao Ai Cập; có phác vẽ chân dung nhà văn, nhà triết học người Pháp J.J. Rousseau (1712-1778) và nhà thơ, nhà viết kịch người IrelandW.B. Yeats (1865-1939), giải Nobel Văn học năm 1923 và đi sâu giới thiệu nguồn thơ tình của người Cộng sản vĩ đại Karl Heinrich Marx(5.5.1818 – 14.3.1883)… Ở đây chỉ xin giới thiệu một phần bài viết Karl Marx thi sĩ của Hàn Mặc Tử in trên báo Công luận (Sài Gòn, số6825, ra ngày 4-5-1935, tr.5).

Nhận diện đời sống văn học đương thời liên quan đến một tập thơ tình xuất hiện ở nước Đức, Hàn Mặc Tử cho biết:

            “Như một tiếng sấm nổ, tập thi ấy Buch der Lieder (Ca ngâm thi tập) làm chấn động dư luận, đến nỗi Đức quốc phải triệu tập Đại hội đồng (Dièle) để ra đạo luật cấm không cho lưu hành quyển thi ấy trong nước nữa.

            Bởi đâu mà tiên sinh có tài liệu phong phú để viết ra tập Ca ngâm ấy?

            Kết quả, uyên nguyên một phần ở máu nóng của tuổi thanh niên, một phần ở cái tình cảm nồng nàn, thứ tình mơ mộng mà các nhà thi sĩ hầu hết ai cũng có cả. Xa cách ý trung nhân đã lâu, tiên sinh khao khát, nhớ nhung, mà mỗi lần nghĩ tới cái sắc đẹp lộng lẫy, cái phong thái yêu kiều của một vị tiểu thơ con nhà đài các thì tiên sinh lo ngại nàng sẽ về tay các vương tôn công tử khác”…

            Từ đây Hàn Mặc Tử thông tin khái lược về mối tình thắm thiết của chàng trai trẻvừa tròn 18 tuổi Karl Marxvới Jenny de Westphalen để chàng có thể viết liền ba tập thơ. Những vần thơ yêu đương chân thành giúp cho tình yêu đôi trẻ thêm phần thăng hoa, vượt qua mọi trở ngại, khó khăn:

            “Cái kết quả đầu tiên của những công trình ấy, là ba tập thi văn mà tiên sinh gởi tặng cho người tình hồi tháng Chạp năm 1836, ba tháng sau khi tiên sinh tựu trường ở Đại học đường Bá Linh  (Đại học Berlin - NHS thêm). Tập đầu nhan đề: Ca ngâm thi tập, tác giả Karl Marx, Bá Linh (1836) và hai tập sau: Buch der Lieder,Ái tình thi tập, tác giả Karl Heinrich Marx, tháng mười một, năm 1836. Cũng trong năm ấy, lúc nghỉ hè ở thành Trêves, tiên sinh liền đính hôn bí mật với người yêu.

            Nhờ cái ái tình của đôi bên đã san sẻ cho nhau, tiên sinh sung sướng quá liền hăng hái ngâm vịnh thêm, bổ cứu lại những đoạn khuyết điểm trong mấy tập nói trên kia. Những tập ấy có đề mấy chữ như vầy: “Kính tặng tình nương yêu quí Jenny de Westphalen”. Trong một bức thư của người chị tiên sinh gửi đến cho tiên sinh hay rằng, Jenny đọc những hàng chữ ấy thì cảm động quá, cười ra nước mắt”…

            Dựa trên các nguồn tư liệutừ tậpsách tiểu sử xuất sắc Karl Marx: The Story of His Life (in lần đầu năm 1918)của Franz Mehring, Hàn Mặc Tử đã tỏ ý phản biện và đi đến khẳng định, nhấn mạnh tính chất sinh động, nồng nhiệt của thơKarl Marx bằng chính bài thơ của Marx.Hàn Mặc Tử đặt câu hỏi phản vấn rồi khéo định hướng bạn đọc cùng trả lời:

            “Trong tập Tiểu sử Karl Marx, Franz Mehring có phê bình rằng: “Những tập thi của Marx có tính cách thiếu niên, đại để đều có chịu ảnh hưởng một thứ văn lãng mạn Hàn Mặc Tử xấu xa nếu không thấy có những đoạn hay…”.

            Câu phẩm bình nghiêm khắc ấy có đúng với sự thật không?

            Xin mời độc giả hãy đọc thử bài thơ của tiên sinh sau đây:

                        Tôi không thể ngồi yên không hoạt động,

                        Trong khi tâm hồn bồng bột như sóng.

                        Tôi không thể tọa thị làm thinh,

                        Khi muôn vật quyến rũ tôi vào trận đấu tranh.

                        Tôi muốn chinh phục cả bầu vũ trụ,

                        Nào hưởng lấy ân huệ của ngôi sao Thượng đế,

                        Nào dung hòa những học thuyết trứ danh,

                        Nào hy sinh với tất cả nghệ thuật trọn lành,

                        Hăng hái ta mau sấn bước…

            Xem một đoạn trên này cũng đủ thấy tính cách thi văn của tiên sinh là ưa hoạt động biết dường nào”...

            Từ đây Hàn Mặc Tử lý giải cuộc đấu tranh tư tưởng trong Marx về mối quan hệ giữa niềm yêu thơ ca với sự nghiệp chính trị, giữa xúc cảm yêu đương cá nhân với cuộc tranh đấu vì tiến bộ xã hội, giữa sở thích nghệ thuật riêng tư với vận mệnh của cả thế giới loài người rộng lớn. Với những trích dẫn chọn lọc đặc sắc, Hàn Mặc Tử đi sâu phân tích, đúc kết ngắn gọn về khả năng tự phản biện, tự thức tỉnh, chuyển hóa nhằm xác định giá trị và lựa chọn lý tưởng sống: “Một năm sau khi gởi tặng vị hôn thê những tập thi lần đầu thì tiên sinh hình như chán ngán với cái danh hiệu “thi sĩ”. Nhưng cũng may nhờ thân phụ tiên sinh viết thơ khuyến khích, nên tiên sinh trở lại âu yếm với Nàng Thơ, tình duyên chưa đến nỗi đoạn tuyệt. Lối tháng ba năm 1837, tiên sinh có viết câu: “… Sau kỳ khảo hạch tôi lại đi tìm nàng Ly Tao trong những âm hưởng lâm ly hùng tráng”. Rồi tiên sinh lại nhìn đến những quyển thơ trước kia, tự phê bình rằng:    “Một mớ cảm tình phức tạp, không có gì là đặc sắc, toàn những câu ngâm huê vịnh nguyệt viển vông… Những tập thơ ấy là cái quan niệm về khoa ngôn ngữ hơn là những tư tưởng về thi văn”. Tự biết mình không thể đeo đai với nghề thơ, tiên sinh bèn đổ cho thơ văn là một món tiêu khiển tạm thời. Bắt đầu năm 1837, Karl Marx mới “ly dị” hẳn với Nàng Thơ. Vì tiên sinh lúc ấy chuyên chú về triết học, quyết tâm áp đảo tay địch thủ là Hegel”...

            Đến đoạn cuối, Hàn Mặc Tử cho biết trước sau Karl Marx vẫn không xa rời được thơ ca, không xa rời được nguồn sáng trào lưu lãng mạn do Goethe (1749-1832) khởi xướng từ vài ba thập kỷ trước. Điều này xác nhận thơ ca thuộc lĩnh vực tinh thần thực sự cao sang, trí tuệ, có giá trị và sức hấp dẫn riêng, cho đến chính Karl Marx vẫn mãi gắn bó: “Thời kỳ ấy những thi ca bình dân rất thạnh hành ở nước Đức. Nhà thi sĩ Goethe lúc bấy giờ còn là học sanh ở Strasbourg, liền triệu tập một số danh nhơn trong khi du ngoạn ở Alsace và lập thành lối văn lãng mạn (Ecole Romantique). Những nhà văn có tiếng tăm như Schlegel, Tieck, Novalis, Clemens, Brentano và Achim von Arnim, Eichendorf, v.v... đều có xuất bản nhiều tập thi ca… Bị phong trào lôi cuốn, Marx lại tham dự vào công cuộc ấy”...

Hàn Mặc Tử cho đăng báo bài viết Karl Marx thi sĩ vào năm 1935, khi thi sĩ mới ngoài hai mươi tuổi, chưa thành danh, chưa xuất bản tập thơ nào. Bài báo thể hiện sự đồng điệu của hồn thơ Hàn Mặc Tử  từ nước Việt thuộc địa phương Đông với tiếng thơ của người đứng đầu phong trào Cộng sản quốc tế. Qua sự kiện này có thể xác định Hàn Mặc Tử đã có sự hiểu biết quan trọng về cuộc đời, sự nghiệp và thơ ca Karl Marx. Điều quan trọng hơn, giữa vòng vây của chế độ kiểm duyệt đương thời, cây bút trẻ Hàn Mặc Tử vẫn có cách giới thiệu, tuyên truyền, đưa thơ Karl Marx và quan điểm nghệ thuật của Marx Trẻ đến với đông đảo công chúng bạn đọc.

           


Có thể bạn quan tâm