March 29, 2024, 11:37 am

Thênh nhàn một lối

Chiều Bắc Giang, cả miền đất sóng sánh thơm như tảng mật ong rừng. Ngàn năm qua, cái miền đất bán sơn địa ấy có sức gợi những hình dung về một bình địa lắng sâu trầm tích văn hóa Kinh Bắc nhưng đầy khoáng đạt với sắc thái sơn cước tiếp dẫn từ cửa ngõ biên cương. Mùa hoa cải vàng còn bịn rịn buổi lập xuân thì hương bưởi đã ngát thơm từ đầu nương cuối bãi. Tiếng con chim Queng Quy hót vào lòng người như nhắc nhớ về một miền hoài chứa trong mình trùng trùng trầm tích.

Nếu bạn từng có lần tự hỏi mình là ai trong vạn lần đổi kiếp, xin hãy một lần thênh thênh lối nhỏ hướng Thiền tông trong hành trình tâm linh xuyên suốt mùa cỏ thơm của vùng đất bình dị như tên núi, tên sông. Có người ví Bắc Giang nằm trọn trong hai dãy Bắc Sơn và Đông Triều như cái quạt xòe rộng, và ba con sông là ba cái nan lớn hình thành nên miền châu thổ. Điều lý thú là ba cái nan lớn - ba con sông bao quanh lấy trù mật xóm làng ấy đều có triết tự mang chữ Đức là Nhật Đức, tức sông Thương, Minh Đức, tức sông Lục Nam và Nguyệt Đức, tức sông Cầu.

Mùa này, thuyền ai ngược xuôi hối hả nhịp quan hà, hai bên sông xanh bóng cây và ửng hồng sắc hoa đào, miên man tím triền xoan và mỗi bến nước lại rực màu hoa gạo khiến tôi tự hỏi, phải chăng ba dòng sông giao hòa tam đức chở điềm lành, đã mang yên ổn, thịnh vượng cho muôn dân trăm họ nên nơi đây in dấu biết bao đền chùa cùng phong tục thờ cúng từ ngàn xưa. Nằm trong không gian văn hóa Kinh Bắc và tiếp giáp vùng Đông Triều với non thiêng Yên Tử, người dân Bắc Giang từ ngàn xưa đã một lòng hướng Phật. Bách tính trong vùng cùng góp công của tạo nên những ngôi chùa quan trọng trong lịch sử phát triển Phật giáo ở Việt Nam và bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Hành trình theo hương hoa chốn thiền môn ấy có lẽ nên bắt đầu từ di tích chùa Dâu dưới chân núi Nham Biền ở xã Nội Hoàng (Yên Dũng) hay thành kính chạm tay vào những dấu chân Phật được in trên sa thạch ở phế tích chùa Bạch Liên (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn), được đục rõ nét năm ngón chân trên khối đá cát kết dựng đứng ở chùa Am Vãi (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) hay được khắc hình chiếc giày vải trên khối đá nổi từ lòng núi mẹ ở chùa Yên Mã (xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam). Những dấu chân này có niên đại cả nghìn năm về trước, tái hiện hành trình Phật giáo du nhập vào miền Bắc nước ta. Nhìn sâu vào những dấu chân ấy, sẽ có được những cảm xạ khó tả về con đường hoằng dương phổ độ chúng sinh của người xưa.

Khi trời xuân phơi phới, sẽ là chưa trọn vẹn nếu không đến chùa Pháp Lôi, đền Tam Đông Vọng, đình Hậu... là những nơi lưu giữ tục thờ Tứ Pháp ở Hiệp Hòa, biểu tượng cho sự dung hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa. Gắn với sự tích bà Man Nương đến chùa Phúc Nghiêm học đạo, vớt được cây Dung Thụ trôi về từ ngàn sâu để tạc 4 pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện mang vào chùa Dâu thờ tự, rồi bà hóa về trời nhằm chính ngày đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa và xưng tụng thành Phật Mẫu Man Nương. Và cũng ở Hiệp Hòa, những làng Sấm, làng Chớp, kẻ Gió... sẽ cho bạn sống lại tục cầu mưa gắn liền với tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân Việt cổ được tiến hành vào những năm hạn hán.

Nhắc đến miền tùng lâm ở chốn này, chắc hẳn vang danh khắp chốn là cổ tự Bổ Đà gắn liền với câu thành ngữ “Bắc Bổ Đà - Nam Hương Tích” lưu truyền trong dân gian đã nhiều năm. Trong tinh khôi hương lúa, ngọn Bổ Đà Sơn thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên như chiếc bát úp hứng trọn âm dương giao hòa khi hừng đông và đêm trăng đều có những quầng sáng ảo diệu trên bầu trời. Cùng với chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà là một trong hai trung tâm Phật giáo lớn của miền Bắc nước ta thời phong kiến.

Với giá trị kiến trúc độc đáo được bảo tồn khá nguyên vẹn từ thế kỷ XVII, Bổ Đà mang lại cho khách đến chiêm bái một không gian tĩnh lặng và những trải nghiệm về một kiến trúc cổ xưa “nội thông ngoại bế”. Phía ngoài được bao bọc bởi hệ thống rặng tre xanh tốt, hệ thống tường trình đất như một chiến lũy bảo vệ vững chắc, tạo vẻ u tịch, linh thiêng… Hệ thống tường đất bao quanh được xây bằng gạch nung già lửa hóa sành không trát vữa mặt ngoài đã khiến cho khối kiến trúc này thêm đặc sắc. Và khi chạm tay lên các mảng chạm khắc tinh xảo, sẽ thấy trăm năm thì thầm kể chuyện tang hải thương điền.

Cổ tự Vĩnh Nghiêm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tương truyền được dựng từ thời nhà Lý và trở thành trung tâm đào tạo tăng đồ của dòng thiền Trúc Lâm. Đây cũng là một trong những kinh đô Phật giáo dưới thời nhà Trần, gắn liền với lai lịch ba vị tổ Trúc Lâm: Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa tôn giả Đồng Kiên Cương và Thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái. 3050 đơn vị ván khắc trong bộ mộc bản độc nhất vô nhị mà nhà chùa bảo quản suốt năm trăm năm qua đã trở thành Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới của khu vực cũng là một bảo vật quốc gia được thế giới tôn vinh.

Nói về danh thắng này, có lẽ không mỹ từ nào qua được lời người xưa được khắc trên văn bia cách đây 400 năm: “Chùa Vĩnh Nghiêm là một danh lam thắng tích. Trước mặt bên phải thì có Xương Giang, Đức Giang, chẽ nhánh hội vào Lục Đầu Giang mênh mông uốn khúc đưa con thuyền từ bi cứu vớt chúng sinh. Đằng sau mé phải có Phương Sơn, Lạng Sơn, Hình Sơn, Quả Sơn trập trùng, quanh co muôn lớp sánh với cảnh Phật Bổ Đà. Phong cảnh nơi đây thật kỳ diệu”.

Nằm trọn vẹn giữa hai dãy Bắc Sơn và Đông Triều, miền đất Bắc Giang từ lâu đã là trung tâm quần cư của người Việt và hệ thống di tích của nơi đây cũng có nhiều nét giá trị riêng. Điểm đến hoàn mỹ nhất của hành trình vào miền tùng lâm dung dưỡng thiện lành chính là chốn non thiêng Yên Tử. Ẩn chứa nhiều thắng tích có từ thời Lý - Trần, Tây Yên Tử giờ đây đã được đầu tư phục chế, khảo cứu và xây dựng liên hoàn thành Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử đầy sức hút đạo pháp và thiên nhiên kỳ ảo.

Các công trình mới bề thế với công năng cao được kết nối tinh tế với hệ thống danh sơn cổ tích mang đậm tinh thần thiền phái Trúc Lâm do đức Trần Nhân Tông sáng lập từ 500 năm trước. Từ Am Vãi sang Huyền Sơn, Khám Lạng rồi ngược Hòn Tháp - Yên Mã, lên đến chùa Trình, chùa Đồng, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh mây trước đây phải đi mất hai ngày với ngàn bước chân không mỏi vượt dốc đá, thềm rêu thì nay đã thênh nhàn với hệ thống cáp treo hiện đại, để khách hành hương có thể phóng tầm mắt bao trọn lấy cảnh sắc non ngàn và cảm nhận khí thiêng nơi đất Phật.

Đến Bắc Giang, hãy dành thời gian đến thăm các ngôi đình rất độc đáo, vừa bề thế, uy lẫm của đình làng Việt vừa có nét tương đồng các ngôi nhà sàn vùng núi, mái ngói mềm mại và chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo như đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa) được ghi nhận là ngôi đình cổ nhất Việt Nam, đình Cao Thượng (Tân Yên) và đình Phù Lão (Lạng Giang), đình Thổ Hà (Việt Yên)… Các đình, chùa này thường có cột gỗ to khỏe, bộ mái lớn, phản ánh về một miền rừng với nhiều cây gỗ lớn, tường bao xây bằng đá ong giống với văn hóa xứ Đoài mây trắng thể hiện sự giao thoa về kiến trúc và vật liệu.

Cùng với đó, một hệ thống gần 50 lăng đá là sự kết hợp kiến trúc mộ táng và nơi thờ tự của các quan lại cao cấp thời Lê - Trịnh được xây dựng từ thế kỷ 17 cũng là một điểm đến lý thú mà ít nơi có được. Câu chuyện về vùng đất bán sơn địa một lần nữa được chuyển tải qua vật liệu xây cất đặc trưng của vùng bán sơn địa như đá xanh, đá ong và gạch, ngói sành... Hơn tất thảy, là sự khéo léo, tinh tế của người xưa khi thực hiện những công trình kiến trúc này chỉ bằng sức người và những vật liệu tự nhiên tại chỗ.

Còn nhiều lắm những di tích đã lưu dấu thời gian trên ngói nâu, gạch đỏ giữa một miền đất đang phát triển từng ngày chờ bạn đến và cảm nhận phong vận “địa cửu thiên trường” hun đúc từ thuở khai thiên lập địa. Rồi từ cửa thiền hòa vào thênh thang phố xá, những tòa nhà đua mây xanh, những cây cầu trong trục giao lộ mới…, sẽ thấy yêu thêm vùng đất phơi phới tình xuân.

Nguồn Văn nghệ số 14/2022


Có thể bạn quan tâm