April 19, 2024, 7:18 am

Thèm vô cùng bóng mát khóm cây xanh

 

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015) là gương mặt không phải quá quen thuộc với công chúng thi ca cả nước, nhưng lại khá sinh động với nhiều giai thoại trong một bộ phận độc giả miền Nam. Ngay từ thuở ban đầu nhập cuộc sáng tạo, ông đã tự vẽ chân dung mình: “Trong Nguyễn Bắc Sơn có kẻ làm thơ/ Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng/ Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa”. Còn người đọc hôm nay, qua chính thơ Nguyễn Bắc Sơn, có thể phác thảo chân dung ông như thế nào?

Tập thơ tiêu biểu để định danh Nguyễn Bắc Sơn là Chiến tranh Việt Nam và tôi xuất bản trước năm 1975. Đất nước thống nhất, tác phẩm của Nguyễn Bắc Sơn cũng thưa thớt bóng dáng trên thi đàn. Người ta có thể đọc vài câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn ở chiếu rượu hay ở bàn trà rồi tấm tắc với nhau, cũng là một giá trị thú vị tôn vinh thi sĩ. Vì vậy, thơ Nguyễn Bắc Sơn có nhiều dị bản. Với mong muốn người yêu thơ được thưởng thức thơ Nguyễn Bắc Sơn một cách đầy đủ khi ông đã qua đời, Công ty văn hóa Huyền Đức đã cùng gia đình biên soạn cuốn Nguyễn Bắc Sơn - Tác phẩm & Dư luận và Nxb Hội Nhà văn đã cho ấn hành tác phẩm này vào tháng 8/2019.

Nếu đánh giá một đời viết, thì Nguyễn Bắc Sơn không phải trường hợp dồi dào bút lực. Những bài thơ có cốt cách nhất, chủ yếu vẫn nằm ở giai đoạn ông 30 tuổi. Nguyễn Bắc Sơn làm thơ như một sự run rủi của định mệnh. Nếu không phải tham gia quân dịch ở chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chưa chắc ông đã thành nhà thơ. Nguyễn Bắc Sơn luôn thể hiện một người thích rong chơi với thiên hạ, hơn là một người ưa suy tư trước trang giấy. Buộc phải cầm súng trở thành lính địa phương, nên Nguyễn Bắc Sơn làm thơ để kể lại nỗi mình éo le: “Chuyện một nhà thơ yêu hòa bình/ nên bị đời cho đi khiêng đạn”. Nguyễn Bắc Sơn có muốn đi lính đâu, nên Nguyễn Bắc Sơn tự trào với vai trò bất đắc dĩ: “Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu/ Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo/ Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo/ Xem cuộc chiến như tai trời ách nước” và Nguyễn Bắc Sơn thảng thốt với chiến trường khói lửa: “Vì sao ta đến đây hò hét/ Học trò bẻ bút tập cầm gươm/ Tập uống máu thay người uống nước/ Múa may theo lịch sử điên cuồng”.

Thơ Nguyễn Bắc Sơn cộng hưởng giữa thể “hành” và thể “tấu”, nên bài dài mới đủ giọng còn bài ngắn thì ngượng ngịu. Ưu điểm của thơ Nguyễn Bắc Sơn thể hiện ở khí chất ngông ngạo và kiêu bạc. Nơi chiến trường khôn lường sinh tử, yếu tố ấy kích hoạt sự chân thành của con người khi đối diện chính bản thân, dù muốn nhận là “Thảo khấu” cũng yếu mềm: “Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt/ Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà”.

Chẳng đặng đừng cất bước vào bom đạn hận thù, Nguyễn Bắc Sơn để lại một dấu ấn trong thơ Việt bằng sự tếu táo trẻ trung và sự hoang mang thi sĩ. Nếu như ở bên kia chiến tuyến, Phạm Tiến Duật lãng mạn “đường ra trận mùa này đẹp lắm” còn Hoàng Nhuận Cầm say sưa “nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, thì Nguyễn Bắc Sơn lại cợt đùa: “Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất/ Dừng chân đây nói chuyện tiếu lâm chơi/ Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời/ Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic”. Nói cách khác, Nguyễn Bắc Sơn lấy sự lạc quan chốc lát để xua tan nỗi sợ hãi thường tình…

Trong bài Mật khu Lê Hồng Phong, Nguyễn Bắc Sơn có được những câu thơ viết về chiến tranh mang tính đột phá nhận thức cho độc giả. Thơ viết về chiến tranh thường chia làm hai cực, hoặc hào hùng, hoặc ủy mị. Còn Nguyễn Bắc Sơn phản ánh được sự ngang tàng riêng biệt... Thế nhưng, bên cạnh thái độ xem nhẹ tất thảy, Nguyễn Bắc Sơn cũng nhận diện được mất mát và đau thương của chiến tranh. Từ việc thấm thía “Căn bệnh thời chiến” đầy ám ảnh, Nguyễn Bắc Sơn thèm khát ngày ngưng tiếng súng: “Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt/ Xin giã từ đời vũ khí huy chương/ Xin trở về như một kẻ hoàn lương/ Xin vứt hết xin bắt đầu lại hết

Bằng thơ của mình, người con xứ sở Phan Thiết - Nguyễn Bắc Sơn đã đánh động thanh âm những địa danh vốn âm thầm ở vùng Bình Thuận chói chăng cát nắng như Tà Dôn, Ma Lâm, Thiện Giáo… Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn có khát vọng tồn tại theo tiêu chuẩn “Kẻ làm thơ chính trực/ Là kẻ tặng cho mọi người/ Những gì y có/ Sau cùng còn cái mạng không/ Y tặng nốt cho người y yêu”. Và ông làm thơ như kể chuyện, kể chuyện ngay từ cái tựa. Nguyễn Bắc Sơn kể chuyện “Những năm tâm hồn còn trữ tình điên mê vì thi ca và triết học” trước chiến tranh, Nguyễn Bắc Sơn kể chuyện “Tháng ngày của một người lính làm thơ” trong chiến tranh, rồi Nguyễn Bắc Sơn kể chuyện “Một ngày nhàn rỗi” đi hớt tóc sau chiến tranh. Đó là lối thơ tuân thủ nhịp điệu và âm vận. Mặt khác, thi ảnh trong thơ Nguyễn Bắc Sơn chủ yếu là thực ảnh, chứ không phải ảo ảnh. Thông qua cách kể chuyện, thơ Nguyễn Bắc Sơn tuôn chảy theo sự kiện hoặc theo chi tiết rồi mới bùng lên cảm giác tưng tửng xót xa hoặc lơ đãng nghẹn ngào. Nguyễn Bắc Sơn kể chuyện “Trên đường tới nhà Xuân Hồng” có câu thơ “Trăng mọc đêm nay lạnh chỗ nằm” neo lại những tản mát. Kể chuyện “Tháng chạp sầu đời trên núi cao” trào lộng, nhưng nhờ câu thơ “Tiếng chuông em gõ bên chùa cổ/ Mà sao lạnh điếng cõi sương mù” xóa nhòa sự dung tục! Ngay cả khi Nguyễn Bắc Sơn kể chuyện “Những điều cần nói khi thôi học 1963” cũng xuôi ngược hàng chục câu manh mún trước khi bước vào phần cốt lõi: “Khi ta thôi học/ Ta không biết con người sinh ra để làm gì/ Và ta mải miết/ Đi tìm câu trả lời/ Để sống yên tâm”.

Thơ Nguyễn Bắc Sơn mạnh ở sự phóng túng và sự phiêu bồng, mà không có cấu tứ chặt chẽ để gắn kết mỗi bài. Nguyễn Bắc Sơn khi thong dong viết cái cá nhân thì thấy cái đại cuộc, mà khi hồ hởi viết cái đại cuộc thì không thấy cái cá nhân. Ví dụ, bài thơ có cái tên nghe rất khái quát Ở đời như một nhà thơ Đông Phương thì khá rời rạc. Nguyễn Bắc Sơn bông phèng với thế sự thì thấy số phận, mà Nguyễn Bắc Sơn cố tình triết luận số phận thì chỉ thấy ngổn ngang mớ lý thuyết thế sự, như các bài Thân phận con người, Đại lãn hoặc Cái chết và lòng yêu đời...

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn đã khép lại cuộc đời rong chơi tự tại 71 năm của ông trên nhân gian. Thế hệ sau sẽ còn nhắc ông trong hơi thơ chếnh choáng, và sẽ còn đọc thơ ông để an ủi kiếp người mong manh: “Buổi chiều kia ta thấy mình bé nhỏ/ Thèm vô cùng bóng mát khóm cây xanh”./.

 

     Nguồn Văn nghệ số 39/2019

           

 


Có thể bạn quan tâm