April 20, 2024, 2:43 pm

Thêm một lời hẹn với Ngày Thơ

Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vừa thông báo Quyết định dừng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm 2021 trên toàn quốc do tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Đây là lần thứ ba, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVIII bị gián đoạn cùng vì lý do này. Lần đầu tiên cách đây đúng 1 năm, vào dịp Nguyên Tiêu 2020, khi virus Corona mới xuất hiện và bắt đầu lan rộng, Ngày thơ Việt Nam 2020 dự kiến sẽ diễn ra trên cả nước vào ngày rằm tháng Giêng năm Canh Tý với chủ đề Đồng hành cùng đất nước được tổ chức tại ba địa điểm: Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh) và thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế), thành phần tham gia dự kiến sẽ có 7 đoàn nhà thơ quốc tế tham dự, gồm: Hoa Kỳ, Hàn Quốc (2 đoàn), Ấn Độ, Ý, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc); đã phải tạm dừng để chuyển sang một thời điểm khác thích hợp hơn. Ban Tổ chức dự định vào dịp 2/9. Tuy nhiên đến thời điểm đó, mặc dù kế hoạch tổ chức Ngày thơ Việt Nam đã được chuẩn bị chu đáo, song lại một lần nữa không thực hiện được do sự tái bùng phát lần thứ hai của dịch Covid-19… Cho đến năm nay…

Trước đó, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang tiềm ẩn những diễn biến khó lường, Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ Hai – khóa X (nhiệm kỳ 2021-2025) được tổ chức vào đầu tháng 1/2021 đã quyết định không tổ chức ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào Nguyên Tiêu Tân Sửu (26/2/2021). Tuy nhiên, để đảm bảo duy trì Ngày thơ Việt Nam như một sinh hoạt văn hóa đã trở thành truyền thống trong đời sống văn học mỗi dịp Tết dến Xuân về, Ban chấp hành đã có công văn gửi tới Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân và các Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh thành trong cả nước, thông báo việc hoãn Ngày thơ Việt Nam tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, đồng thời hướng dẫn tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại các địa phương dựa trên tình hình thực tế, căn cứ vào quyết định của thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố để đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ quy định.

Trong bối cảnh đất nước đang có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn Đảng, toàn dân thi đua lập thành tích chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ngày thơ Việt Nam năm 2021 dự kiến sẽ mang chủ đề Tổ quốc và Mẹ, tập trung các tác phẩm thơ ca ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, ca ngợi những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng; đồng thời ca ngợi và tôn vinh những tác phẩm viết về người Mẹ Việt Nam anh dũng, kiên cường... Trong thông báo gửi các tỉnh, thành phố, Hội Nhà văn Việt Nam đã yêu cầu Hội Văn học Nghệ thuật các địa phương nếu tổ chức Ngày Thơ thì cần lưu ý chọn nhiều hình thức thể hiện phong phú, như: thơ ca, âm nhạc, múa, trình diễn thơ, câu đối... và tổ chức các hội thảo chuyên đề, để Ngày thơ Việt Nam thực sự có chất lượng. Song dù tổ chức ở quy mô và hình thức nào thì yêu cầu quan trọng nhất vẫn là phải bảo đảm sự an toàn cho những người tham dự và đúng với quy định 

Tuy nhiên cho đến nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định dừng việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm 2021 trên toàn quốc. Điều này hoàn toàn phù hợp với những chỉ đạo chung về những biện pháp chống dịch của Chính phủ

Không phải chỉ là “hy vọng Xuân năm tới, khi không còn vấn đề Covid-19 nữa, Ngày Thơ Việt Nam sẽ được tổ chức với những đổi mới sau hơn 10 năm tổ chức Ngày Thơ” như lời nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, mà theo sáng kiến của ông, đúng vào ngày Rằm tháng Giêng (26/2), các nhà thơ sẽ cùng tổ chức đọc thơ trực tuyến trên trang cá nhân bằng livestream hoặc các hình thức đa phương tiện trên Mạng Xã hội. Hưởng ứng sáng kiến này, nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, đã lập ra trang Faceboock tại địa chỉ Ngày thơ Nguyên Tiêu 2021 để mời các nhà thơ là friends của mình và bạn yêu thơ trong friends list tham gia đọc thơ trực tuyến cùng nhau vào lúc 9:00 ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu. 

Lần đầu tiên thực hiện công việc này không khỏi bỡ ngỡ, đặc biệt là với các nhà thơ. Song với tình yêu và sự đam mê thì chắc chắn những bỡ ngỡ đó sẽ nhanh chóng lui lại phía sau để nhường chỗ cho sự sẻ chia và sáng tạo. Và đó cũng là cách thiết thực nhất mà các nhà thơ và những người yêu thơ dùng để chống lại dịch bệnh cùng những bất an trên thế gian này…

Văn nghệ

Nguồn Văn nghệ số 9/2021


Có thể bạn quan tâm