April 25, 2024, 11:54 pm

Thêm một cách hiểu về chủ nghĩa xã hội

Trên báo Văn nghệ số 23 (3147) ngày 7/6/2020 có đăng bài: Vẫn còn là mơ ước của tác giả Thanh Thảo; sau đó báo Văn nghệ số 25 (3149) có đăng bài: Ngôi nhà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của tác giả Trương Đức Cảnh. Đọc hai bài báo tôi thấy còn nhiều trăn trở muốn trao đổi thêm về vấn đề này.

Tôi tán thành với tác giả Thanh Thảo là mầm mống nảy sinh ý tưởng Cộng sản chủ nghĩa đã manh nha xuất hiện từ thời kỳ “Công xã La Mã”. Mặc dù thời kỳ đó phương thức sản xuất hết sức thô sơ với những dụng cụ bằng gỗ, đá để săn bắt và hái lượm nhưng quan hệ trong cộng đồng lại là quan hệ cộng sản nguyên thủy (cùng làm, ăn chia, ca hát và sinh tồn). Theo tác giả viết: “sự hình thành của chủ nghĩa xã hội đích thực thì từ lòng nhân ái của số đông nhân loại. Nó chống lại mọi sự cướp đoạt, tranh giành, chiến tranh, đổ máu, nó chỉ xuất hiện khi số đông nhân loại ý thức cần một xã hội như thế cho con người sống tự do và nhân ái. Đã từng có những mô hình chủ nghĩa xã hội được người nghèo trên thế giới kỳ vọng rất nhiều, như mô hình Bắc Âu, mô hình Thụy Điển (cũng thuộc Bắc Âu)”. Do vậy, CNXH vẫn còn là mơ ước của chúng ta và với cả loài người. Việt Nam tự nhận mình là quốc gia theo chủ nghĩa xã hội, nhưng chủ nghĩa xã hội thực chất (substance) đã thực sự có mặt tại Việt Nam chưa, điều đó không ai dám chắc.

Nói như tác giả theo chúng tôi là chưa thật chuẩn xác vì dù là “CNXH thực chất hay không” thì nó vẫn tồn như một thực tế lịch sử ở hàng loạt các nước đi theo định hướng XHCN từ sau cách mạng tháng 10 Nga (1917) đến nay.

Mặt khác, trong phân tích của mình tác giả còn có phần cực đoan khi cho rằng: “Kinh tế thị trường về hình thức là bình đẳng nhưng thực chất lại không công bằng, cạnh tranh theo kiểu cá lớn nuốt cá bé, giai cấp tư sản là những kẻ cướp đoạt tài sản của nhân dân, kể cả cướp đoạt tài sản của nhiều quốc gia bất hạnh”. Nó có phần đúng với giai đoạn phát triển ban đầu của CNTB từ những thế kỷ thứ XVII, XVIII. Ở giai đọan này, để tích lũy tư bản và làm giàu nhanh, giai cấp tư sản đã không từ một thủ đoạn nào nhằm tước đoạt ruộng đất của nông dân, đẩy hàng triệu người ra các thành phố trở thành công nhân làm thuê tới 12 giờ thậm chí 15 giờ mỗi ngày. Điển hình là việc chiếm đoạt ruộng đất của nông dân thành đồng cỏ để chăn nuôi cừu sản xuất len dạ ở nước Anh vào thế kỷ XVII. Chính Mác đã từng lên tiếng cảnh tỉnh về sự tham lam bóc lột đầm đìa máu và bùn nhơ của giai cấp tư sản đối với giai cấp vô sản trong thời kỳ kinh tế thị trường hoang dã này.

Bước sang thế kỷ XX, trước sự ra đời của hệ thống các nước XHCN từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II (1945), sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc vào những năm 50-60 và phong trào đòi quyền dân sinh, dân chủ của công nhân, lao động ở các nước tư bản thì đã có sự điều chỉnh trong quan hệ sở hữu, quản lý và phân phối trong hệ thống các nước TBCN. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức với các ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao (tự động hóa, vật liệu mới, hàng không vũ trụ,…) đã giảm bớt những công việc nặng nhọc cho người lao động. Người lao động được hưởng nhiều hơn các phúc lợi chung (y tế, giáo dục,…) như: mô hình nhà nước phúc lợi đã xuất hiện ở CHLB Đức hoặc những nước ở Bắc Âu (Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy,…). Mâu thuẫn tồn tại dai dẳng giữa giới chủ và công nhân, lao động cũng đã giảm bớt không như tác giả quy kết.

 Kinh tế thị trường và giai cấp tư sản hoặc TBCN là những khái niệm hoàn toàn khác nhau. Từ lâu nay, không ít người đã ngộ nhận cứ phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường là gắn với hình thái TBCN. Bởi vậy, chính tác giả bài báo này cũng nhầm lẫn rằng nền kinh tế ở Việt Nam không phải là XHCN mà thực chất là kinh tế thị trường TBCN. Đến nay gần như đã sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn: Nền kinh tế thị trường với đối tượng là sản xuất hàng hóa vận động theo quy luật cung cầu và các quy luật kinh tế khác (như: quy luật cạnh tranh, quy luật giá cả,…) mặc dù còn có những hạn chế nhất định và cần có sự can thiệp điều tiết của Nhà nước nhưng cho đến nay vẫn là hình mẫu khoa học, phù hợp và hiệu quả nhất trong nền kinh tế thế giới. Chính nhờ những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường và quyền lợi người lao động của các nước tư bản phát triển (Như: Mỹ, Nhật, châu Âu,…) đã thúc đẩy quá trình tái cơ cấu sâu rộng các ngành kinh tế ở các nước đang phát triển. Nền kinh tế thị trường hiện nay đã bước vào thời kỳ văn minh dựa trên các ký kết hợp đồng, ủy thác, công chứng,… dưới sự giám sát của các cơ quan luật pháp.

Trong bài Ngôi nhà XHCN Việt Nam của tác giả Trương Đức Cảnh, một cựu chiến binh của TP. Hồ Chí Minh, đầu bài báo tác giả nêu: “Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả (Thanh Thảo), CNXH vẫn còn là mơ ước của chúng ta và với cả loài người. Điều mơ ước đó có lẽ còn lâu, rất lâu nữa mới có thể là sự thật”. Đến phần sau tác giả lại nói: “Song trên thực tế, CNXH ngược lại vẫn tồn tại và phát triển theo hình thức, bước đi mới của nó”. Tác giả cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu là do thi công sai ngôi nhà XHCN do Mác-Ăngghen thiết kế. Tôi nhớ lại năm 1991 khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã đã tốn không ít giấy mực của nhiều tác giả, kể cả một số giáo sư, tiến sĩ cùng nêu một quan điểm là do những nước này đã thực hiện sai học thuyết Mác-Lênin. Nhưng những lập luận kiểu này cũng thưa dần và ít được nêu lại vì nó không đúng với thực tế lịch sử tại các nước XHCN trong một thời gian dài thực hiện kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp.

Ở Liên Xô, dưới sự lãnh đạo của Stalin bằng việc thực hiện kế hoạch hóa tập trung cao độ và quốc hữu hóa ruộng đất, nhà máy của giai cấp địa chủ, tư sản thành sở hữu toàn dân, theo mô hình này nền kinh tế Xô Viết đã có những bước phát triển ngoạn mục. Từ một nước Nga phong kiến lạc hậu nhất châu Âu năm 1917, đến năm 1940 Thu nhập quốc dân (GDP) của Liên Xô (quy đổi theo thời giá USD năm 1990) đạt 417 tỷ USD, đứng đầu châu Âu và đứng thứ 2 thế giới, chỉ kém Mỹ (943 tỷ USD). Sản xuất công nghiệp Liên Xô năm 1937 tăng gần 10% so với năm 1917. Chỉ trong vòng 18 năm Liên Xô đã trở thành nước công nghiệp trong khi Anh cần 200 năm, Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm. Chính nhờ tiềm lực kinh tế đồ sộ đó đã giúp Liên Xô có đủ sức mạnh tinh thần và vật chất đánh bại Phát xít Đức góp phần cứu loài người khỏi thảm họa diệt chủng. Cho đến những năm 60 của thế kỷ XX, chưa bao giờ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lại phát triển mạnh mẽ và rộng khắp như thế, xu thế tiến lên CNXH đã trở thành trào lưu chung của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Nhưng từ những năm 70 đến nay, tốc độ phát triển của nhiều nước XHCN chậm lại, bất đồng chính kiến và chia rẽ giữa các nước XHCN và các đảng cộng sản ngày càng tăng lên và những mâu thuẫn nội tại trong từng nước (Như: Tệ nạn tham nhũng làm giàu bất chính, tình trạng suy đồi đạo đức, sự phân hóa giàu nghèo giữa các giai tầng trong xã hội,...) cũng ngày càng gia tăng. Điều đó cho thấy sự sụp đổ của một số nước XHCN có rất nhiều nguyên nhân nêu trên, việc quy là do thực hiện sai học thuyết Mác-Lênin là không đúng với thực tế lịch sử. Trong bài báo tác giả còn nêu: “Chúng ta hình dung XHCN như một ngôi nhà, ngôi nhà ấy đã được Mác - Ăngghen thiết kế, nó tốt đẹp hơn gấp ngàn lần so với CNTB hiện tại”. Đến đoạn sau chính tác giả lại nêu ngược lại: “Ngôi nhà XHCN lại chưa có hình mẫu, vì vậy chúng ta vừa thi công vừa chỉnh sửa, bổ sung bản thiết kế vừa làm vừa rút kinh nghiêm,…”.

Nghiên cứu kỹ những luận điểm của học thuyết Mác-Lênin, tôi lại cho rằng chính hậu thế chúng ta chưa nhận thức đúng ngôi nhà đã được thiết kế này. Theo học thuyết của Mác là CNXH chỉ có thể thực hiện thắng lợi cùng một lúc ở nhiều nước có nền sản xuất công nghiệp tư bản hiện đại. Mặc dù vấn đề này chưa thành hiện thực nhưng nó cho thấy muốn đi lên CNXH thì về mặt kinh tế không thể hoặc không nên bỏ qua giai đoạn phát triển kinh tế thị trường. Sau cách mạng tháng 10 (1917) do nóng vội chủ quan trong việc xóa bỏ nền kinh tế thị trường, cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa cộng với thù trong giặc ngoài cùng bao vây cấm vận của các nước tư bản, nền kinh tế Xô viết rơi vào suy thoái. Chính trong những thời khắc lịch sử đầy khó khăn đó Lê Nin đã đề ra và cho tiến hành thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP). Đây là chính sách dùng cơ chế kinh tế thị trường để kích thích sản xuất, khuyến khích đầu tư tư bản trong nước và nước ngoài dưới sự định hướng kiểm soát của nhà nước XHCN. Chính sách kinh tế mới của Lênin đã nhanh chóng cho kết quả: nạn đói nhanh chóng bị đẩy lùi, công nghiệp, thương mại được phục hồi, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt, chính trị ổn định, chính quyền Liên Xô được củng cố, phát triển. Nhưng rất tiếc là NEP chỉ được thực hiện trong vài năm thì Lênin mất (1924). Những người kế thừa ông đã không thực thi chính sách này. Nếu như Lênin sống lâu hơn và những người kế tục sự nghiệp của ông thực thi và phát triển chính sách kinh tế mới cho đến ngày nay thì có lẽ một số nước XHCN đã không sụp đổ, nền kinh tế của nhiều nước XHCN đã xếp vào những vị trí hàng đầu thế giới và bộ mặt chính trị của thế giới sẽ rất khác theo xu hướng hòa bình, ổn định, tin cậy và hợp tác hơn. Từ những lập luận đó chúng tôi cho rằng: các nước XHCN đang chuyển dịch từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN như Việt Nam cần nhận thức đầy đủ hơn về học thuyết Mác-Lênin mà hậu thế chúng ta chưa sáng suốt nhìn ra để phải đi con đường lòng vòng đến nhiều thập kỷ.

Nguyễn Hòa Bình

(Nguyên Phó vụ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 101 - I Chung cư Công ty CP SX & XNK Bao bì, Ngõ 15, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội

Nguồn Văn nghệ số 27/2020


Có thể bạn quan tâm