April 26, 2024, 4:32 am

Thầy tôi

Là thầy Đinh Nho Hoan. Thầy sinh năm 1933. Hiện vợ chồng thầy sinh sống tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, một làng khoa bảng, nổi tiếng từ xưa tới nay. Từ nhà tôi xuống làng Quỳnh Đôi không xa nên tôi thường đi thăm thầy. Lần nào đến tôi cũng thấy, hôm thì thầy rảo bước trong khoảng sân hẹp, tay cầm bình nước nhỏ xịt cho mấy cụm phong lan, hôm thì bắt gặp thầy ngồi trước máy tính.

Đã xấp xỉ tuổi 90, mái đầu thầy trắng như cước, phong thái khoan thai, ung dung tự tại. Phun tưới cho hoa thì thầy đủng đỉnh, nhẩn nha nâng từng chiếc lá, sửa từng cụm rễ. Trước máy tính màn hình lớn thì thầy lúc chăm chú đọc, chăm chú gõ say mê, miệt mài. Toàn bộ sân vườn nhà thầy phảng phất hương hoa. Phong lan, địa lan, trên cây, trên tường rào, dọc thềm sân, nào cúc, nào hồng, nào mai… quanh năm, mùa nào hoa nấy khoe sắc, khoe hương. Trong nhà, bàn ghế, đồ đạc, sách báo gọn gàng, ngăn nắp, nhìn đâu cũng thấy tri thức, chữ nghĩa...

 

Thầy giáo Đinh Nho Hoan (trái) và tác giả

 

Tôi chỉ được là học trò của thầy một học kỳ của năm cuối cấp 2. Ấy là học kỳ 1 năm học 1966-1967 tại trường cấp 2 Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An quê tôi. Lúc này đang là thời kỳ Mỹ đánh phá dữ dội miền Bắc nước ta nên các lớp học phải phân tán rải rác vào các xóm. Lớp chúng tôi sơ tán vào xóm Phú Thành. Lúc đó thầy mới ngoài ba mươi, cho tới mãi sau này tôi vẫn ghi nhớ được dáng người thanh mảnh, phong thái ung dung mực thước và đầy vẻ tự tin của một người có học và ăm ắp năng lượng sống của thầy. Đang thời chiến mà thầy vẫn giữ phong độ của nhà giáo mô phạm, sơ mi trắng bỏ trong quần, chân đi săng đan, vẻ mặt tươi sáng. Thầy đến sớm, đứng chờ dưới bụi tre bên hông lớp học.

Chỉ một học kỳ thôi, với những tiết học trong tiếng bom, tiếng gầm rú của máy bay phản lực Mỹ chúng tôi vẫn chăm chú, miệt mài. Đặc biệt là với những tiết văn của thầy. Những tiết văn như dòng nước mát lành len lỏi vào những tâm hồn trong trẻo của đám học trò chúng tôi. Bao điều lạ lẫm, bao điều mới mẻ đã mở ra… Cuộc đời thật đáng yêu, thật đáng sống, chúng tôi trở thành những thiếu niên biết mơ mộng và đầy hoài bão… Có thể nói, chỉ mấy tháng là học trò của thầy tôi đã bắt đầu viết được những câu văn đầu tiên. Có những câu văn được thầy uốn nắn, sửa chữa cho bớt phần vụng dại mà tới nay tôi vẫn còn nhớ.

Hồi đó tôi chỉ biết thầy là người Hà Tĩnh, thế thôi. Mãi sau này, khi tham gia bộ đội chống Mỹ, tháng 10 năm 1972, đường ra trận hành quân dọc con sông Ngàn Phố tôi mới được tận mắt chiêm ngưỡng phong cảnh quê thầy. Làng Gội đất Hương Sơn của thầy là một làng có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Thầy Đinh Nho Hoan là cháu 6 đời của ông tổ Đinh Nho Công, tiến sĩ đời vua Lê Thánh Tông, là cháu 5 đời của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn năm1772. Ông cố của thầy là tiến sĩ Đinh Nho Điển đậu năm 1838. Thân sinh thầy chính là tiến sĩ Đinh Nho Hân - Tiến sĩ hóa học đầu tiên của toàn cõi Đông Dương. Tuy là hậu duệ của một dòng họ có truyền thống vẻ vang, được sinh ra trong một gia đình danh giá, thế nhưng cuộc đời thầy lại long đong ngay từ lúc mới lọt lòng. Bốn tháng tuổi thì bố mất, thầy được mẹ đưa vào Sài Gòn gửi người bà con là một gia đình giầu có.  Rồi thầy được gia đình này gửi vào học ở trường Ta pe - là một trường của đạo Thiên chúa lừng lẫy nhất Sài Gòn. Chính tại ngôi trường này thầy Đinh Nho Hoan được tiếp thu những kiến thức Tây học đầu tiên. Và cũng chính từ ngôi trường này, với sự cần cù và tư chất thông minh bẩm sinh thầy đã được trau dồi vốn Pháp ngữ đến độ đọc thông viết thạo để thầy có thể đọc trực tiếp các sách triết học cũng như các tác phẩm văn học Pháp.

Lên 9 tuổi, mẹ mất, được bà nội ở quê cho người đón về, từ đây thầy rơi vào khốn khó. 12 tuổi, bà nội mất không còn ai nuôi, thầy phải bỏ học. Nhưng nhờ học giỏi, Đinh Nho Hoan được các thầy thương yêu, giúp đỡ nên đã theo học hết cấp 2. Mới hết cấp 2 nhưng Đinh Nho Hoan đã làm được bài văn tiếng Pháp cho các anh lớp trên. Năm 1952, thầy ghi tên thi vào trường Sư phạm Liên khu 4 và là một trong hai người đỗ cao nhất trong 46 chỉ tiêu nhận học trên 2.000 thí sinh.

Tốt nghiệp ra trường, thầy được bổ dụng về Yên Thành dạy học. Nghề dạy học, những buổi sinh hoạt chuyên môn, những đợt tiếp thu chỉ đạo của cấp trên, không ít lần thầy phải nghe những ý kiến “chướng tai”, những việc làm “gai mắt” của những quan chức kiến thức hạn hẹp nhưng muốn “lên mặt”. Thầy cãi, thầy tranh luận bằng tất cả tiết tháo của một người có tâm hồn trong sáng và đầy lòng nhân ái mà ông cha truyền lại đang dạt dào trong huyết quản. Dù chịu sự hằn học, ghét bỏ và kìm hãm của một vài kẻ có chức quyền, bù lại thầy luôn được đồng nghiệp mến phục, học trò yêu kính. Những đợt chuyên đề, hội thảo do Bộ Giáo dục tổ chức thầy thường được Ty giáo dục cử tham dự và phản biện. Bằng những ý kiến sắc sảo, tuy khiến không ít người khó chịu và bị coi là kẻ ương ngạnh, bướng bỉnh nhưng thầy luôn được lãnh đạo ngành đánh giá cao. Ngoài năng lực cao về chuyên môn, thầy còn có nhiều kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngót nửa thế kỷ trên bục giảng, không thể thống kê, không thể nhớ hết bao nhiêu học sinh giỏi được thầy phát hiện, bồi dưỡng…

Thực tế, tuy quê ở làng Gội, nhưng vì sớm mất cha rồi mất mẹ nên thầy như cánh bèo trôi giạt. Tuổi ấu thơ ở Sài Gòn, 9 tuổi về quê  vất vưởng vừa học vừa kiếm sống và học lên nên thầy chỉ sống ở làng Gội 5 năm, từ 1942 đến 1948. Xong khóa Sư phạm về dạy học ở Yên Thành, và tại đây, sau một thời gian đã diễn ra cuộc Cải cách ruộng đất. Cũng như nhiều nơi khác trong cả nước, sự kiện “long trời lở đất” này đã làm đảo lộn mọi nếp sống, nếp nghĩ và mọi giá trị vốn được kết tụ bền lâu ở một vùng quê vốn bình yên sau lũy tre làng. Vì trắng trẻo, thư sinh, thầy giáo trẻ Đinh Nho Hoan bị nghi là con cái địa chủ, đi đâu, làm gì cũng bị theo dõi, dòm ngó và bị gây không ít khó khăn. Tuy vậy thầy vẫn kiên trì với nếp suy nghĩ và giữ nguyên nếp sống, say mê công việc chuyên môn và hết lòng thương yêu học trò, nhất là những trò gặp hoàn cảnh khó khăn. Thời kỳ này, những học sinh là con cái những gia đình bị qui là địa chủ đều bị kỳ thị, gây khó dễ, đã luôn được thầy tìm cách bênh vực, bảo vệ.

Đoạn đời chìm nổi gian nan, tiếp đến là quãng thời gian nhiều biến cố, thăng trầm. Cách mạng tháng 8, rồi kháng chiến chống Pháp… Hiện thực đời sống ngồn ngộn trở thành “năng lượng” đầy ắp, đã đến lúc phải “giải phóng”. Năm 1961 thầy cầm bút viết truyện ngắn đầu tiên, và tác phẩm này đã giành giải 3 cuộc thi truyện ngắn do Bộ Giáo dục và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức. Kết quả này như cú hích, tiếp đó thầy viết tiếp một truyện dài gửi ra Hội Nhà văn. Sau thời gian khá dài chờ đợi rồi bản thảo này bị trả trở lại. Thấy vậy, vị Hiệu trưởng nhà trường lúc đó đã nói, thứ thuộc “nhân văn giai phẩm…” ai người dùng. Chả là dạo đó người ta thấy thầy thường đọc các ấn phẩm của nhóm gọi là “Nhân văn, giai phẩm” như báo Nhân văn, tạp chí Giai phẩm mùa xuân… Nhóm gọi là “Nhân văn giai phẩm” lúc này đang là đối tượng bị phê phán và đấu tố kịch liệt. Thất vọng và phẫn chí, thầy đốt luôn bản thảo này và buông bút. Tiếc là 3 năm sau, một hôm anh cán bộ Văn phòng nhà trường đưa cho thầy bản nhận xét rất tốt của nhà văn Bùi Huy Phồn về truyện dài kia, nhưng đã quá muộn.

Về dạy học ở Quỳnh Lưu năm 1956. Năm 1959, thầy bén duyên cùng cô Hồ Thị Thảo. Cô Thảo cũng là một người được sinh ra trong một gia đình hiếu học… Dạo đó đang là thời kỳ chống Mỹ, cũng như bao nhiêu giáo viên khác với đời sống thiếu thốn, kham khổ. Đồng lương ít ỏi, thầy cô phải tha theo những đứa con qua rất nhiều nơi. Nào Quỳnh Hậu, nào Hoàng Mai… Tôi vẫn nhớ hình ảnh bữa ăn của gia đình thầy cô với bát cơm độn, bát canh rau…

Thế rồi đất nước hòa bình, thống nhất, các con thầy cô theo năm tháng, trưởng thành… Với đoàn con cháu đỗ đạt, thầy cô về hưu ung dung với cảnh sống tuổi già, chăm hoa, đọc sách, đánh cờ, vui vẻ tiêu dao ngày tháng. Tiếc cho một tài năng bị lãng phí, một bạn học vốn rất hiểu thầy, trong một lần từ Hà Nội về thăm quê đã nói với thầy: “Tài như cậu phải làm một việc gì cho gia đình, cho xã hội chứ…”. Không ngờ, lời nhắc nhở của bạn đã có tác dụng. Thầy đã lại cầm bút. Ngoài tuổi tám mươi mới cầm bút trở lại. Ngót cả thế kỷ tích lũy, bao kiến thức và vốn sống, bao trải nghiệm thăng trầm, bao ngọt bùi và cay đắng và chứng kiến kiến bao biến động… như bị dồn nén lúc này mới bung ra. Cảm xúc trào dâng, tư liệu dồi dào và ngôn ngữ phong phú, tôi có thể hình dung khi thầy viết, có lẽ bàn tay không theo kịp với ý nghĩ. Thầy đã viết một mạch… Năm 2012 thầy vừa hoàn thành thành cuốn Kể chuyện làng Côi. Sau đó thầy viết tiếp Mái trường một thuở cả hai cuốn đều được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Nếu như Mái trường một thuở kể về những ngày thầy cùng học trò vùng Hoàng Mai, Nghệ An vượt qua khó khăn dời trường dựng lớp dưới mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, thời gian và không gian có giới hạn, chừng mực, thì trong Kể chuyện làng Côi, tác giả đã làm sống lại một vùng quê được mở rộng, có độ lớn về thời gian và số nhân vật. Vùng làng Côi của huyện Nho Lâm bên dòng sông Phố, một vùng quê trù mật với núi đồi, bờ bãi, với dãy Dăng Màn, với núi Thiên Nhẫn có hổ báo, có ba ba, có suối khe trong vắt… Làng Côi trong chế độ phong kiến với những tập tục, hương ước, với những lề luật khắt khe nhưng vẫn duy trì được mọi trật tự và thấm đẫm tình người. Thế rồi cách mạng đến, cách mạng đã thổi tới làng Côi luồng gió mới làm đảo lộn tất cả, đưa con người lại gần nhau hơn. Cách mạng đưa người làng Côi trở thành những công dân của thể chế dân chủ cộng hòa, có trách nhiệm trước tồn vong của đất nước mà tham gia hết lòng cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, cho dù còn hết sức thiếu thốn, phải ăn đói mặc rách. Tưởng đâu cuộc sống, cho dù còn gian khổ, sẽ biến đổi đi lên, vậy mà… Tư tưởng từ một nước lớn tràn về, cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất như một cơn bão lốc ập đến đã làm cho làng Côi xơ xác, tiêu điều và bao giá trị tồn tại lâu bền nơi đây bị đảo lộn…

Giọng văn của thầy có lúc như thủ thỉ, lúc lại như gào thét, có lúc lại trầm xuống như ái ngại với những số phận. Kẻ lưu manh nhảy lên có quyền cưỡi đầu cưỡi cổ, những ông tú, ông cử… những người như là biểu tượng cho những giá trị nhân bản lâu bền bị chà đạp, giày xéo… Nhưng rồi làng Côi cũng vượt qua mọi biến cố. Người làng Côi trước đến nay vẫn vậy, hết lòng vì cách mạng, cùng chung số phận với cả nước. Dân làng Côi sẵn sàng xả thân, sẵn sàng vét đến hạt thóc cuối cùng  cho công cuộc kháng chiến… Thời gian của câu chuyện kéo dài từ đầu thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. Bao lớp người đã mất, nhiều lớp người mới được sinh ra. Đường biên văn học như bị phá vỡ… Nhưng làng Côi vẫn là cái làng Côi ấy. Cho dù trải qua thăng trầm biến cố, trải qua sóng gió của thời kinh tế thị trường, các giá trị dù có bị đảo lộn thì con người nơi đây, trong thẳm sâu máu huyết, vẫn giữ được tình người… Trong sâu thẳm của tâm tư, qua văn chương cũng như câu chuyện trao đổi, thầy muốn khẳng định rằng, nông dân Việt Nam nói chung, người làng Côi nói riêng, dù dưới chế độ nào, vẫn một lòng son sắt vì đất nước.

Hôm nay đây, trong ngồi nhà đơn sơ, chẳng khác mấy với nếp nhà tranh vách nứa cách nay ngót sáu chục năm, nơi mà tôi đã từng chứng kiến thầy cặm cụi bên cửa sổ với chiếc mỏ hàn nhỏ mầy mò lắp glen bán dẫn. Thầy vẫn vậy, luôn khám phá, luôn kiếm tìm. Và ngay giờ đây, khối óc, trái tim thầy vẫn chưa ngơi nghỉ. Bằng việc hàng ngày trầm tư nghiền ngẫm, thầy đang hiện diện với cuộc đời theo tinh thần của triết học duy lý Đề các: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”.

Nguồn Văn nghệ số 13/2020


Có thể bạn quan tâm