April 25, 2024, 7:59 am

Thầy ơi!

        

Lớp tôi là lớp chọn của trường. Các thầy cô vẫn bảo: “Cả một tập thể học tốt, phải tội...”. Cái tội mà các thầy nói ấy chính là tôi, thằng con trai mười bốn tuổi, con trai duy nhất của ông chủ tịch quận, với đủ các trò nghịch ngợm quái ác, những trò đủ để những người gần tôi trở thành trò cười cho những người khác bất cứ lúc nào. Điều đó làm cho các bạn và các thầy cô cảnh giác mỗi khi tôi đến gần. Nhưng chẳng ai có thể tránh được khi tôi đã cố tình lấy họ làm mục tiêu. “Mình có mặt trên đời để nghĩ ra những trò tai ngược ấy” – đôi khi tôi tự đắc nghĩ thầm..

Có một hôm, tôi vẽ cái mặt người to tướng trên bảng lớp với hai má phính như má lợn,  thêm đôi mắt ti hí như mắt lươn, mũi là quả táo đỏ chót và cặp môi là hai quả chuối mắn vàng rực. Tôi chú thích bên cạnh bằng dòng chữ đầy ấn tượng: “Cao Hoà, bà cố của Thị Nở”. Đứa nào xoá đi nghĩa là tự nguyện làm nạn nhân tiếp theo. Bởi vậy, bức chân dung kiệt tác ấy vẫn cứ nằm chình ình trên bảng cho cả lớp lăn ra cười, chỉ có một đứa khóc thút thít nhưng chẳng dám làm gì tôi. Khi thầy giáo hỏi, tôi thản nhiên trả lời: “Thưa thầy, em chỉ tả thực, có một chút xíu sáng tạo, mà sáng tạo mới là công việc đích thực của hoạ sĩ”. Thầy lắc đầu, nhắc nhở tôi vài câu rồi cho qua.

Một hôm khác, tôi dính kẹo cao su lên ghế khiến cô giáo trẻ dạy địa lí loay hoay mãi không đứng lên được, mặt cô đỏ bừng còn lũ chúng tôi cười khúc khích. Không nhân chứng vật chứng, chẳng ai dám buộc tội cho tôi. Đó cũng chính là lí do khiến cho từ đó trở đi, mỗi lần vào lớp tôi là các thầy cô cứ phải soi mặt ghế, chắc hơn thì đặt hẳn tờ báo lên để ngồi.

Lại có một hôm, không chỉ lớp tôi mà cả trường được một trận cười no nê khi “bà Lo – ren” (biệt hiệu tôi đặt cho cô giáo dạy hoá) kéo cái đuôi giấy dài lê thê, bay phấp phới theo nhịp bước từ lớp học lên đến văn phòng.

Ấy chỉ là một số trong vô số những trò đùa của tôi. Thế mà chưa bao giờ tôi bị kỉ luật, cùng lắm là bị nhắc nhở nhẹ nhàng rồi thôi. Các thầy cô khác bảo đấy là do thầy chủ nhiệm của tôi quá hiền. Mà thầy hiền thật, hiền đến nỗi chả biết gì cả, tôi nghĩ thế. Giờ học của thầy, chúng tôi được tự do hơn nhiều giờ học khác. Thầy bảo “Học là quyền lợi của các em, ai muốn chối bỏ nó thì tuỳ, miễn là đừng làm ảnh hưởng đến người khác.” Mỗi giờ lên lớp thầy vẫn giảng say sưa, rất nhiều đứa chăm chú nghe, chúng bảo thầy giảng sâu sắc và dễ hiểu. Nhưng tôi lại là một trong số ít những đứa không chịu nghe giảng. Nghe làm gì khi tôi không cần thuộc bài vẫn cứ đều đều có điểm. Các thầy chỉ doạ tôi thôi, chẳng ai dám cho tôi điểm kém. Năm học nào cũng vậy, cứ đầu năm là mẹ tôi chu đáo với tất cả các thầy cô, ai cũng vui vẻ cả. Duy chỉ với thầy Dương, thầy chủ nhiệm, là có chút vấn đề...

- Cái ông Dương này, nói thế nào cũng không nhận, đã nghèo lại còn sĩ...

Đấy là lời mẹ tôi phàn nàn khi mang nguyên vẹn gói quà biếu từ nhà thầy trở về.

Tuy chưa đến bao giờ nhưng tôi đoán nhà thầy nghèo thật. Nghe đâu thầy “gà trống nuôi con”, mà những ba đứa đang tuổi ăn học. Vợ thầy đã bỏ theo người khác vì không chịu nổi cái hâm của thầy. Ai đời làm giáo viên, lương đã ít mà người ta thuê dạy thêm không dạy, chỉ khăng khăng kèm không công mấy đứa học sinh có năng khiếu môn văn. Vợ thầy có nhiếc móc lắm thì thầy cũng chỉ gắt: “Tôi thà nuôi lợn tăng gia còn hơn bán rẻ chữ nghĩa của mình theo kiểu thuê mướn chợ búa ấy”. Như thế, thầy nghèo, thầy khổ là phải thôi. Dù cuộc sống khi ấy, người ta không còn phải thiếu thốn cái ăn, người ta khá tươm tất trong cái mặc, nhiều người đã mua được xe máy, chí ít cũng là chiếc xe mini hai gióng của Nhật để đi làm, thì thầy, mỗi lần đến trường, vẫn đi cái xe đạp cũ mèm, quần áo tuềnh toàng, nhất là chỗ khoeo chân của cái quần, nhiều hôm nó xoăn tít như lò xo. Đặc biệt nhất là đôi dép của thầy. Đó là một đôi tông coỏng của Trung Quốc có quai màu xanh, đế cao su đã ngả sang màu nâu xỉn. Của này bền thật, tôi thấy thầy đi lâu lắm rồi mà cái quai của nó vẫn chắc nguyên, chỉ có phần gót đế là mòn vẹt đi mà thôi. Phải nói là chính đôi tông có một không hai ấy đã góp phần đáng kể để tôn cho dáng vẻ khẳng khiu của thầy thêm thảm hại. Đã thế, thầy lại còn bị cận. Cặp kính dầy nặng trĩu như muốn kéo tụt cái sống mũi xương xương mỏng mảnh của thầy xuống. “Người như thế có mà nghèo cả đời!” - mẹ tôi vẫn bảo thế mỗi lần nhắc đến thầy. Nguyên cái vụ thầy từ chối nhận quà của mẹ tôi đã là một chuyện gây không ít điều tiếng. Thế nhưng đó lại chính là lý do khiến tôi thấy hơi nể thầy. Dù vậy, thói lười biếng và ỷ thế ngang ngược của tôi vẫn không có thuốc chữa.

Mỗi tiết học có 5 phút tử thần. Ấy là lúc các thầy kiểm tra bài cũ. Đứa nào thuộc bài thì hớn hở xung phong, đứa không thuộc thì cúi gằm mặt. Tôi không xung phong bao giờ, mà cũng chẳng bao giờ cúi gằm mặt, trừ giờ học của thầy. Ánh nhìn của thầy không hiểu sao cứ khiến tôi thấy gai gai. Thế rồi điều gì đến vẫn đến. Vào một ngày đẹp trời, thật thảm, thầy gọi tôi lên bảng. Dù là một câu hỏi dễ nhất, dù là thầy đã gợi ý và khuyến khích thì tôi cũng vẫn câm như hến. Trong đầu tôi làm gì có chữ nào. “Tôi cho em nợ để lần sau gỡ”, thầy sẽ lại nói thế và tôi vẫn cứ có điểm trong sổ như các thầy cô khác vẫn làm, tôi nghĩ vậy. Nhưng không, thầy nghiêm mặt: “Em không thuộc bài, thầy ghi điểm 1”. Điểm 1 đầu tiên trong đời đi học của tôi, nó nằm chình ình, đỏ chót ngay trên sổ đầu bài của lớp và trong cuốn sổ điểm, thứ sạch sẽ và tinh tươm nhất của thầy. Cả lớp nhìn tôi với con mắt chế giễu dành cho kẻ thất trận. Điều đó khuấy lên lòng tự ái trong tôi. Tôi nung nấu ý định trả thù thầy.

Trên bục giảng láng xi măng của lớp tôi vẫn có một lỗ thủng. Mỗi ngày lớp xi măng cứng xung quanh vỡ ra một ít, làm cho lớp cát xốp bên dưới chảy ra. Càng quét cát càng chảy nhiều, lại vỡ rộng ra thêm. Đến lúc này nó đã trở thành một cái hố đủ để bẫy các cô giáo đi guốc cao. Mỗi lần bị thụt gót xuống đó, các cô giật mình, chới với rồi đỏ mặt, lũ chúng tôi cười rào, nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện lấp nó đi.

Sáng hôm ấy, tôi đến trường thật sớm, đập cho cái hố rộng thêm ra một tí, moi cát đi cho cái hố sâu thêm một tí, chẳng ai để ý nên chẳng ai biết gì. Mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường cho đến giờ văn của thầy Dương. Thầy say sưa giảng như thường lệ. Tôi bắt đầu gấp đạn giấy, móc vào dây cao su và bắn nhau với mấy đứa ghét môn văn trong lớp. Khi thầy quay xuống, lớp im phăng phắc. Thầy quay lên ghi bảng, đạn giấy chíu chíu bay. Thi thoảng có đứa ré lên vì bị bắn trúng lưng. Thầy cau mày nhìn xuống, không thấy gì, lại giảng rồi ghi. Bỗng “đẹt!”, một viên đạn giấy vụt qua mang tai thầy, lao vào mặt bảng. Thầy giật mình nhìn theo thứ vừa gây ra tiếng động ấy rơi xuống đất. Thầy nhặt lên, đưa ngang mắt, giương cặp kính lên soi. Và thầy nổi cáu:

- Ai? Ai bắn? Tôi đã bảo cô cậu nào không thích học thì thôi, tôi không ép, nhưng đừng có làm ảnh hưởng đến người khác. Tôi đã bảo... ối....

Thầy loạng choạng, suýt ngã. Thầy sập bẫy rồi. Tôi khoái trá. Cả lớp trố mắt nhìn. Thầy rút bàn chân lên khỏi cái hố. Ô hô, đôi dép độc nhất vô nhị của thầy. Cái quai dép đã rời hẳn ra, bám vào mu bàn chân cong cong gầy guộc, còn cái đế lủng lẳng phía dưới trông như mồm con cá sấu vừa há ra. Mấy đứa nén tiếng cười. Thầy lúng túng cúi xuống, xỏ quai vào cái lỗ dưới thân dép. Được rồi! Thầy nhấc chân lên toan bước thì “bịch”, nó lại tuột ra, lòng thòng. Mấy đứa bật cười. Thầy cũng cười, nụ cười méo xệch.

Có đứa nhanh ý bảo:

- Thầy ơi, em có mẩu dây đồng, thầy buộc tạm.

Chả là hôm ấy lớp tôi có giờ thực hành kĩ thuật nối dây điện. Thế là mẩu dây đồng được dùng để xiết chặt cái quai vào thân dép. Thầy xỏ vào, nhấc chân lên:

- Được rồi, tốt rồi, cảm ơn các em.

Thầy tiếp tục bài giảng, quên cả việc truy cứu và trách phạt đứa học trò hỗn xược. Bỗng dưng giây phút ấy, tôi thấy một cảm giác ăn năn hối lỗi tự dưng trào lên trong lòng. Hình như mình đã hơi quá đáng. Nụ cười méo xệch của thầy cứ ám ảnh tôi suốt hai tiết học còn lại.

Tan trường, tôi đợi ở cổng, định gặp thầy để xin lỗi. Đợi mãi, đến khi sân trường vắng tanh mà không thấy thầy đâu. Chắc thầy về từ tiết bốn. Tôi lủi thủi đạp xe về, cảm giác tội lỗi chưa bao giờ dâng đầy trong tôi đến thế.

Dù gì, thầy cũng là một người thật hiền lành, chưa bao giờ nặng lời mắng nhiếc học sinh. Công bằng mà nói, tiết giảng văn của thầy là tiết học mà nhiều đứa trong lớp tôi mong đợi nhất. Bài giảng của thầy như một bài nói chuyện thông thường, chỉ khác là lời thầy lúc nhanh lúc chậm, có nhịp điệu trầm bổng nhịp nhàng, có cả động tác phụ hoạ nữa. Lúc đầu chưa quen, có đứa nhắc:

- Thầy ơi, nhanh quá em không ghi kịp.

Thầy ngạc nhiên:

- Em chép từng chữ à? Không cần phải thế, em chỉ cần nghe, chọn những ý cơ bản, ghi vắn tắt là được rồi.

Thế là không cần tốc kí để học thuộc từng câu từng lời của thầy cô như mọi năm nữa. Thậm chí còn được đứng lên trước lớp để bày tỏ quan điểm riêng, được tranh luận với thầy về một vấn đề nào đó. Nhiều đứa lắng nghe, tích cực hưởng ứng, nhưng cũng có đứa làm việc khác. Thầy cứ giảng, say sưa và nhiệt tình. Có lẽ vì thế mà một số người bảo thầy hâm. Hâm không chẳng biết, chỉ biết khi kiểm tra cuối kì 1, điểm văn lớp tôi cao nhất trường.

Dù gì, thầy cũng là người đánh thức trong tôi chút ý thức về lòng tự trọng của một con người. Không phủ nhận rằng, nhiều khi bài giảng của thầy cũng làm cho tôi thấy cuốn hút. Ấy là khi thầy nhấn mạnh về ý nghĩa nhân văn sâu sắc và cao đẹp của một tác phẩm văn học hay. Hoá ra, anh Chí Phèo không chỉ biết cào mặt ăn vạ như tôi nghĩ, mà đằng sau vẻ ngoài xấu xa đó là khát vọng cháy bỏng được làm một con người lương thiện hiền lành. Ấy là khi tôi thấy thầy nghẹn ngào rơi nước mắt khi giảng bài “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên. Với bấy nhiêu đó thôi, thầy có đáng phải nhận lấy những tai ương từ một đứa học trò ngỗ nghịch?

Vụ “tai nạn” khá nghiêm trọng kia đã gây ra một hiện tượng lạ ở lớp tôi vào sáng hôm sau: chẳng ai bảo ai, mười mấy đứa lớp tôi mang xi măng đến để bít cái hố trên bục giảng. Rồi lần lượt từng ấy đứa chưng hửng và ngơ ngác hỏi nhau: Ai đã lấp cái hố? Lại còn láng xi măng bóng loáng, phẳng lì? Chưa có câu trả lời thì thầy tất tả đến. Thêm một túi xi măng thừa. Câu trả lời vẫn là một bí ẩn. Cả giờ học hôm ấy, thầy vui ra mặt, thầy khen ai đó đã có ý thức tự giác, biết nghĩ và quan tâm đến mọi người... Tôi thấy lòng lâng lâng lạ.

Sáng mồng ba Tết, tôi cùng bố chuẩn bị đến nhà thầy. Lần đầu tiên trong đời tôi tự nguyện đến thăm nhà thầy cô giáo. Mẹ đặt vào tay tôi túi quà Tết khá to nhưng tôi nhất quyết chối từ:

- Mấy lần thầy đã không nhận rồi mà mẹ còn cố. Thầy không thích những thứ ấy đâu. Thầy thích cái này cơ.

Tôi nói rồi giơ cho mẹ xem quyển sách tôi đã mua để tặng thầy mà chưa có dịp. Đó  là cuốn “Tuyển  tập  Hoài Thanh - Hoài Trân”, nghe nói đó là một tư liệu quý mà những thầy cô dạy văn cần có. Hôm ấy, tôi ra hiệu sách tìm mua truyện, vô tình trông thấy thầy ở quầy thanh toán. Thầy đã tần ngần tiếc nuối trả lại cuốn sách này vì chỉ đủ tiền để mua mấy quyển sách dùng cho kì hai của học sinh, những quyển mà cũng chính mắt tôi thấy thầy đưa cho thằng Tú lớp tôi vào sáng hôm sau. Nhà nó nghèo, học vào chương trình của kì hai rồi mà sách vở nó thiếu tơi tả.

Ngồi sau chiếc xe bố mới tậu, tôi chẳng có cảm giác hãnh diện như mọi khi. Thay vào đó là sự hồi hộp: Liệu thầy có nhận món quà này không nhỉ? Thầy mà trả lại thì tôi xấu hổ lắm. Cầu mong thầy đừng nghĩ là tôi có ý muốn hối lộ thầy như mọi khi mẹ tôi vẫn làm.

- Con hồi hộp à? - Tiếng bố hỏi cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

- Đâu mà. - tôi chối - Bố hồi hộp thì có, đây là lần đầu tiên bố đến thăm thầy giáo con còn gì?

- Thầy giáo con? Con không gọi thầy cô giáo bằng “ông ấy, bà ấy” từ bao giờ thế nhỉ?

Im lặng. Tôi cũng chẳng biết là từ bao giờ.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà chật chội và tuyềnh toàng là chị Diệp, con gái thầy.

- Bố cháu đi chúc Tết hả? - Bố tôi hỏi trong khi ngắm nghía quanh nhà.

- Dạ, bố cháu đi lấy nước “vo” chú ạ?

- Nhà cháu nuôi lợn à? Hôm nay mới có mồng 3 Tết mà?

- Vâng ạ, nhưng người ta nhắn bố cháu sang lấy. Thức ăn thừa để mấy ngày rồi, sợ nó bốc mùi hôi quá chú ạ? Cháu bảo để cháu đi lấy thay nhưng bố cháu nhất định không cho. Chú ngồi chơi một tí, chắc bố cháu về ngay bây giờ đấy ạ.

Tôi đi quanh nhà, ngắm nghía những tấm bằng khen, thứ có nhiều nhất và được treo trang trọng, ngay ngắn nhất trong nhà thầy. Biết bao nhiêu danh hiệu: Chiến sĩ thi đua; Giáo viên giỏi cấp quận, cấp thành phố; Giáo viên giỏi  văn cấp Quốc gia; Còn có cả bằng khen do Bộ Giáo dục tặng nữa. Tất cả làm tôi thấy hơi bất ngờ. Ở trường tôi, có những thầy cô mới đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp thành phố thôi mà đã có biết bao phụ huynh đem con đến gửi học thêm ngoài giờ. Với những thành tích lớn lao như thế này, nếu thầy nhận dạy thêm thì chắc không đến nỗi nghèo và vất vả như thế. Tiếng bố tôi hỏi chị Diệp cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:

- Bố cháu không dạy thêm ở nhà à? – Chắc bố cũng đang nghĩ giống như tôi.

- Bố cháu không nhận dạy thêm chú ạ. Mỗi năm, bố cháu chỉ kèm mấy em có năng khiếu văn thôi.

Vui miệng, chị Diệp kể tiếp:

- Năm nay, bố cháu kèm năm em. Hôm trước Tết, năm bác phụ huynh ấy mang quà Tết đến biếu, bố cháu phát hiện ra trong túi quà có phong bì tiền, thế là bố cháu tự ái, trả lại tiền và nói rằng không dạy năm em ấy nữa.

- Bố cháu không dạy nữa thật à?

- Không đâu chú ạ, bố cháu chỉ dọa thế thôi. Các bác ấy cầm tiền về rồi, vài hôm nữa bố cháu lại dạy tiếp ấy mà. Bố cháu quý học sinh lắm, nhất là những em giỏi văn. Bố cháu bảo rằng: vì chuyện của người lớn mà làm ảnh hưởng đến học sinh thì không nên chút nào.

Tôi thấy bố tôi nén tiếng thở dài. Chờ thêm một lúc lâu, bố bảo tôi gửi lại món quà rồi ra về nhưng tôi không chịu. Tôi muốn tận tay mình tặng thầy cuốn sách quý.

Ra khỏi ngõ nhà thầy được một quãng, tôi thoáng thấy thầy đang đạp xe phía đường bên kia. Tôi vội níu áo, gọi bố tôi dừng lại:

- Bố, thầy kia rồi.

Bố tôi tấp xe vào lề đường, hỏi:

- Thầy đâu?

- Kia kìa, bố.

Bố nhìn theo tay chỉ của tôi. Phía bên kia đường, xen giữa dòng xe nhộn nhịp, xen giữa những áo quần sặc sỡ, giữa những nụ cười hoan hỉ thảnh thơi, người đàn ông dáng xương xương với cái quần bạc phếch đang gò lưng nhấn đôi bàn chân lên pê-đan xe đạp, sau phóoc-ba-ga là hai thùng to tướng. Đấy đích thị là thầy giáo của tôi.

Bố tôi nghi hoặc:

- Con có nhìn nhầm không?

- Nhầm làm sao được – tôi quả quyết – bố nhìn xem, cái đôi tông kia, chỉ có thầy giáo con mới có.

Không hiểu sao, thay vì vui mừng quay lại để gọi thầy như tôi tưởng, bố lại ngần ngại kéo tay tôi:

- Thôi… mình về, để lúc khác gặp thầy sau.

Tôi nhìn bố, không hiểu.

Trong khoảnh khắc, tôi quyết định rất nhanh. Tôi giật phăng tay mình ra khỏi bàn tay đang lúng túng của bố, chạy băng qua bên kia đường. Vừa chạy, tôi vừa huơ quyển sách lên cao và gọi thật to:

- Thầy ơi… Thầy…

Nguồn Văn nghệ số 46/2018


Có thể bạn quan tâm