April 24, 2024, 7:40 pm

Thấy gì ở Mĩ thuật hôm nay?

Thuật ngữ Mỹ thuật đương đại.

Các nhà nghiên cứu Mĩ thuật cuối thế kỉ trước hẳn là đã phải rất khổ công để cho ra đời thuật ngữ Nghệ thuật đương đại (Contemporary Art). Nó bao gồm khá nhiều loại hình liên quan đến mĩ thuật. Dùng bút vẽ, dao khắc và cả những tác phẩm không dùng đến những công cụ và vật liệu truyền thống. Ta có thể thấy vài loại hình như Sắp đặt (Installation Art), trình diễn (Perfomance Art), Video Art…

Dần dà, ngày càng có nhiều biến tướng sáng tạo đôi khi không xác định được hệ thống ngôn ngữ là chúng thực sự thuộc ngành nghệ thuật nào. Đại khái như Trình diễn thơ, dù rằng thơ đã có người làm và người đọc; tranh vẽ hiện thực ảnh, dù rằng đã có nghệ thuật nhiếp ảnh…

Thế nhưng xét trên góc độ chữ nghĩa thì thuật ngữ “Nghệ thuật đương đại” lại gần như không cần thiết. Nghệ thuật nào lúc mới ra đời chẳng là đương đại. Nghệ thuật Phục hưng ra đời vào thế kỉ 15 là nghệ thuật đương đại của thời ấy. Bởi lí do ấy cho nên người ta lại phải tìm cho nó một cái mốc thời gian nhất định. Đại khái là vào khoảng cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI. Đó là khoảng thời gian nở rộ nhất của những phương pháp sáng tạo mĩ thuật phi truyền thống.

Mĩ thuật Việt Nam cũng nhanh chóng bắt nhịp với các trào lưu mới nhất của thế giới, bỏ lại đằng sau nó vô số những ao ước mày mò cách tân của nửa cuối thế kỉ XX. Những nghệ thuật ấn tượng, lập thể, biểu hiện, dã thú, siêu thực, Pop art…lập tức trở nên lỗi thời cũ kĩ như nó vốn đang thế. Những hăm hở kiếm tìm thử nghiệm trở nên nguội lạnh trước các trào lưu mới. Siêu thực phải lùi bước trước cực thực và hiện thực ảnh. Biểu hiện, trừu tượng trở thành một thứ nghệ thuật có tên là na ná một ai đấy.

Thế nhưng Nghệ thuật đương đại cũng giống như tất cả những nghệ thuật khác. Nó cần thời gian để định hình, đào thải và phát triển. Và thật ngạc nhiên, cái đích đến của nó đã dần hé lộ và đó là việc đào thải không thương tiếc những tìm kiếm không trụ nổi với thời gian. Điều này xảy ra với tất cả nghệ sĩ toàn thế giới chứ không riêng gì nước mình.

Đơn cử như nghệ thuật trình diễn chẳng hạn. Hồi mới lan truyền khoảng vài năm trước thiên niên kỉ mới hình như đã có những thành công nhất định. Những màn trình diễn “Người cơm” của nghệ sĩ Trần Lương hay “Tôi là cột điện” của nghệ sĩ Lê Anh Hoài một thời gian từng gây dấu ấn và tranh cãi. Những cuộc trình diễn lúc ấy còn gửi đi những thông điệp mạnh mẽ, hóm hỉnh và có thể hiểu được. Về sau chỉ còn lại những màn rú rít, gào thét, đốt lửa, thổi gió gần với sự vô nghĩa hơn dù rằng lúc này những kĩ thuật và nghệ thuật phụ trợ khác như ánh sáng, âm nhạc, múa đã muôn phần phong phú hơn. Hoặc ý nghĩa của nó chỉ có mình tác giả hiểu được.

Nghệ thuật trình diễn như cái van một chiều. Nó chỉ cho phép người ta thực hành và thưởng thức nó. Yếu tố thị trường hoàn toàn không được nhắc đến. Nghĩa là cần phải có một ai đấy đồng cảm để rút túi tiền của mình ra đầu tư. Nghệ sĩ vỡ lẽ ra nhiều điều. Một trong những điều ấy là thế kỉ mới cũng không cần đến việc phát minh ra chiếc xe đạp để làm gì. Thế nhưng loại hình nghệ thuật này và vài loại hình khác vẫn tồn tại. Lí do là bởi các nghệ sĩ vẫn còn hi vọng một phút lóe sáng.

*Mĩ thuật và khán giả đương đại

Nghệ thuật nào thì cũng có khán giả của nó. Nghệ thuật đương đại không ngoại lệ. Chỉ có cách hiểu giờ đây cởi mở hơn so với khi khái niệm này mới ra đời. Cuối cùng thì khán giả đương đại vẫn là yếu tố quyết định hơn cả.

Cơn lốc tiêu thụ những tác phẩm thời kì Trường cao đẳng mĩ thuật Đông Dương vài năm gần đây là minh chứng rõ nét cho việc thay đổi thẩm mĩ của người xem tranh, tượng. Còn nhớ khoảng đầu những năm 2000, ở vài chợ đồ cũ Paris vẫn có thể mua được tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Phổ với giá vài trăm euro. Giờ thì những tranh ấy đã và đang trở thành những tài sản lớn của các nhà sưu tập và người chơi tranh trong nước. Điều khó hiểu là những tác phẩm thuộc thế hệ Trường cao đẳng mĩ thuật Đông Dương không hề mới lạ hoặc tìm tòi sáng tạo gì nhiều. Đó chỉ là những tác phẩm theo trường phái hậu ấn tượng được các ông thày Pháp truyền thụ sang xứ Đông Dương hồi đầu thế kỉ trước.

Tuy nhiên, phải công bằng để thấy rằng đó là những tác phẩm tốt. Và việc người ta yêu quí nó là hoàn toàn đúng. Hơn nữa, đó là những sáng tạo không bao giờ còn có thể xuất hiện được nữa bởi thay đổi của con người, cảnh vật và tư duy là của nửa đầu thế kỉ trước. Yếu tố quí hiếm và độc bản cũng hết sức quan trọng với tác phẩm mĩ thuật. Và cũng có không nhiều họa sĩ hiện đại ý thức được điều đó.

Việc công chúng quay trở lại với thẩm mĩ hồi đầu thế kỉ trước là việc không sớm thì muộn phải xảy ra. Và nó đã xảy ra. Điều đó nói lên một vấn đề hết sức quan trọng. Đó là sự trau dồi kiến thức thẩm mĩ của công chúng đã bắt đầu có những dấu hiệu chuyển biến tích cực.

*Mỹ thuật " hôm nay

Một trong những điều đáng mừng nhất của mĩ thuật hôm nay là sự phát triển của nó ở cả bề rộng và bề sâu. Nhà nước đã có cách quản lí rộng mở hơn và bước đầu công nhận những sáng tạo không quen mắt. Đó là một quá trình nhận thức lâu dài và dần trở nên một lựa chọn tốt nhất.

Họa sĩ giờ đây có thể sáng tạo tất cả những gì mình muốn chỉ trừ việc vi phạm thuần phong mĩ tục hay chính sách của nhà nước. Cũng không mấy ai còn băn khoăn đến phương pháp sáng tác; vật liệu rất dồi dào, đề tài là vô tận. Chỉ còn mỗi việc cuối cùng thôi, đó là vẽ cho đẹp.

Ta chưa thể quên mới thập kỉ 1990 thế kỉ trước thôi, muốn bày một triển lãm tranh khỏa thân là cả một rừng phép tắc kiểm duyệt rất lằng nhằng. Và phần lớn bị từ chối cấp phép. Vài triển lãm ra đời còn bị cấm trương biển quảng cáo. Những biển quảng cáo quanh hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội còn bị lực lượng cảnh sát cho thu hồi mang về đồn. Giờ đây tranh khỏa thân có mặt ở hầu hết các triển lãm cá nhân và kể cả Triển lãm mĩ thuật toàn quốc. Người ta đã bắt đầu nhận thức được tính chất vật thể của một tác phẩm mĩ thuật là chẳng có gì quan trọng. Quan trọng là ở chỗ nó có đẹp hay không. Nó truyền được cảm hứng gì cho người xem? Vui tươi tích cực hay bi quan tuyệt vọng cũng là…

Một trong những đặc trưng tiêu biểu nhất của mĩ thuật hôm nay là sự đa dạng. Khán giả là những trọng tài vô tư nhất. Gần như chẳng ai để ý đến việc anh vẽ trừu tượng hay hiện thực làm gì. Bởi thế cho nên loại hình, phong cách nào cũng có khán giả của nó. Và loại hình nào cũng hướng đến cái đích cuối cùng là thẩm mĩ. Gần như vắng bóng hoàn toàn thứ nghệ thuật tuyên truyền thù tạc. Điều này là hết sức quan trọng. Đã không có những tác phẩm ra đời theo chỉ thị thì cũng chẳng cần đến mệnh lệnh để quản lí nó. Ta không nên và cũng đừng bao giờ mong ước một bức tranh có thể thỏa mãn thẩm mĩ của số đông. Bức tranh dù có là kiệt tác thì sau khi về tay một ai đó sở hữu cũng chỉ còn một lượng khán giả rất nhỏ. Thậm chí người trong chính gia đình sở hữu ấy không phải ai cũng thưởng thức nó.

Điều mà giới mĩ thuật băn khoăn lo lắng nhất là mĩ cảm của người xem sau vài chục năm trì trệ thì nay đã có những tín hiệu đáng mừng. Còn nhớ thập kỉ 1990 trở về trước thường thì phòng triển lãm vắng tanh như thời covid bây giờ. Thậm chí vài phòng triển lãm còn là chỗ nghỉ ngơi cho mấy người buôn thúng bán mẹt chạy công an vào trú chân.

Không còn quá lo lắng đến chuyện cơm áo gạo tiền, các nghệ sĩ dồn sức vào công việc sáng tạo một cách chuyên nghiệp nhất. Đã thấy xuất hiện nhiều xưởng vẽ của các họa sĩ trẻ rộng thênh thang với nguyên vật liệu và dụng cụ cao cấp. Cũng thấy nhiều tác phẩm mĩ thuật với khuôn khổ lớn chưa từng có, những xưởng in tranh đồ họa tư nhân đầu tư máy móc vào hàng hiện đại nhất.

Nhưng đã bắt đầu thấy những lo lắng từ phía công chúng yêu nghệ thuật về việc họa sĩ nào đấy đã chuyên nghiệp hóa sáng tác bằng cách nhân bản tác phẩm của mình ra hàng loạt. Hoặc một họa sĩ nào đấy vẽ tranh nhang nhác một ai đó. Lo lắng đó là tín hiệu đáng mừng. Trong khía cạnh thương mại hóa nghệ thuật thì khán giả có quyền và chính là người cầm cương kìm hãm những phát triển lệch lạc như thế.

Những sáng tạo gần đây của một số họa sĩ không chuyên cũng là một nét phát triển đặc biệt. Họ tự tin sáng tạo, đưa ra công chúng những tâm tư tình cảm chân thực và trong sáng nhất của mình. Cuối cùng thì mĩ thuật là ngành có lẽ đã tiếp cận sâu rộng nhất với cuộc sống hôm nay. Thực ra thì lối vẽ nghiệp dư hay chuyên nghiệp là phạm trù chỉ có những người chuyên nghiệp biết với nhau. Nó cũng chẳng quan trọng gì khi bày ra một phòng tranh. Thậm chí một phòng tranh xấu của họa sĩ chuyên nghiệp trong mắt các đồng nghiệp còn gây những mĩ cảm trái chiều khó kiểm soát.

Tất nhiên những người làm mĩ thuật chuyên nghiệp cũng cần và nên biết rõ vị trí của mình trên trường quốc tế. Nó vẫn đang nằm ở một bảng xếp hạng tương đối thấp. Những tác phẩm mĩ thuật Đông Dương gần đây đấu giá trên thị trường có khi lên đến hàng triệu USD nhưng nó là nghệ thuật của thời quá vãng mất rồi.

Nguồn Văn nghệ số 27/2021


Có thể bạn quan tâm