April 25, 2024, 11:41 am

Thay đổi dựa trên nền tảng khoa học - Cần những lộ trình phù hợp

 

Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020 đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo chính thức báo cáo tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực vào những ngày cuối cùng của tháng 9. Đón nhận thông tin về những thay đổi có tính cơ học, dư luận xã hội lại không mấy lạc quan thậm chí lo ngại về một kỳ thi sẽ được số hoá.

 

Gọn nhẹ, giảm áp lực

Năm nào cũng vậy, sau mỗi mùa thi, dư luận xã hội lại được dịp hướng sự quan tâm vào những đánh giá, tổng kết và phương án tổ chức thi mới (nếu có) từ phía Bộ Giáo dục & Đào tạo. Đây được xem là những căn cứ để các trường Trung học phổ thông trên cả nước sớm xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể đối với học sinh lớp 12 (lớp cuối cấp) và cũng là bước chuẩn bị tâm lý cho chính học sinh, cha mẹ học sinh trước khi bước vào một mùa thi mới. Theo đó, Phương án thi Trung học phổ thông quốc gia sau năm 2020 được đề xuất trên cơ sở bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh; không gây xáo trộn đối với việc dạy và học; không gây bức xúc trong xã hội; bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém.

  • Phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đăng từ sau năm 2020, cho biết: Năm 2020, Bộ Giáo dục & Đào tạo tiếp tục tổ chức ổn định Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như năm 2019.  
  • Sau năm 2020, việc tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sẽ được đổi mới theo lộ trình 2015-2020 với hình chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy; đánh giá được kết quả học tập ở bậc học Trung học phổ thông theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông. Đồng thời, tác động tích cực trở lại đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường; đảm bảo có độ phân hóa phù hợp nhằm có thể phát hiện nhân tài để cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có thể tham khảo sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. 

Cùng thời điểm Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố dự thảo, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó đề cập đến Chính sách phát triển nguồn nhân lực khi khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số… Công bằng mà nói, Nghị quyết của Bộ Chính trị nên được xem là  nền tảng khoa học để giáo dục Việt Nam có thể xây dựng chiến lược giáo dục mới phù hợp với xu hướng thế giới, hay nói đúng hơn là tạo cơ hội  để giáo dục Việt Nam có thể rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển, của khu vực cũng như thế giới.

 

Cần lộ trình phù hợp

Cuối năm 2018, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có công văn gửi các sở Giáo dục & Đào tạo về việc tăng cường xây dựng và sử dụng ngân hàng đề thi trên mạng. Với yêu cầu mỗi Sở cử từ 20 đến 22 cán bộ (chủ yếu là giáo viên cốt cán tại địa phương) tham gia biên soạn ngân hàng đề thi cho tất cả các môn học: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh, tiếng Pháp… Điều đáng nói là công tác tập huấn được triển khai trong 12 ngày gồm tập huấn trực tiếp thông qua việc tập trung giáo viên các tỉnh và tập huấn trực tuyến qua mạng. Toàn bộ các cán bộ, giáo viên được tập huấn phải mang theo máy tính xách tay có kết nối internet, sách giáo khoa lớp 12 và tài liệu phục vụ biên soạn câu hỏi kiểm tra, đánh giá. Toàn bộ chi phí tập huấn sẽ do Dự án phát triển giáo dục Trung học phổ thông giai đoạn 2 của Bộ chịu trách nhiệm. Sau quá trình tập huấn, toàn bộ số giáo viên sẽ trở về các Sở, triển khai tập huấn tại địa phương và tại các trường dưới hình thức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi trực tuyến. Tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016 chỉ tính riêng việc thuê địa điểm phục vụ cho việc xây dựng ma trận và ra đề thi minh hoạ, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chi 15 tỷ đồng.  Năm 2017 là 4,2 tỷ đồng trong đó kinh phí giành cho thuê địa điểm tổ chức ra đề thi, chấm thi là 421 triệu đồng… Những con số biết nói kể trên, dù muốn hay không cũng cho thấy sự lãng phí, thậm chí kém hiệu quả trong những tính toán của Bộ Giáo dục & Đào tạo về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hiện nay.

Nêu quan điểm về đổi mới thi cử, trong đó có việc sớm đưa hình thức thi trực tuyến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm cần làm chắc chắn, nhưng cũng phải rất tích cực. Đồng thời yêu cầu ngân hàng đề thi phải làm tích cực hơn, làm sao huy động được nhiều nguồn lực cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi; nhưng không vì ngân hàng câu hỏi mà trì hoãn việc tổ chức thi trên máy. Song để chủ trương có thể đi vào thực tiễn cần có lộ trình.Trên thực tế, việc sử dụng máy tính phục vụ thi cử là xu hướng tất yếu và phù hợp với thé giới, nhưng với thực tiễn của giáo dục Việt Nam vẫn còn  khoảng cách. Đặc biệt là điều kiện về cơ sở vật chất giữa các vùng miền còn có sự bất tương đồng, nếu như không muốn nói máy tính vẫn còn là món đồ xa xỉ đối với hầu hết học sinh miền núi. Chưa kể  giáo viên giảng dạy môn học vừa yếu vừa thiếu. Theo số liệu rà soát của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đối với bậc tiểu học, cả nước đang thiếu khoảng 5.600 giáo viên Tin học. Để đáp ứng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2021-2022 đến 2023-2024, Bộ khuyến cáo mỗi năm cần tuyển bổ sung khoảng 2.000 giáo viên cho môn học này. Ở bậc trung học cơ sở, với môn Tin học, chương trình hiện hành là môn tự chọn nhưng khi chuyển sang chương trình mới là bắt buộc. Bộ đã yêu cầu các địa phương cần rà soát để xác định giáo viên đã được tuyển dụng, giáo viên hợp đồng để có phương án tuyển dụng ngay từ năm học 2018-2019. Như vậy, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên giảng dạy vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chưa kể nỗi lo hack máy tính đang trở thành vấn nạn không chỉ của riêng các cơ sở giáo dục mà của hầu hết các ngành nghề và rộng hơn là mọi quốc gia trong khi chế độ bảo mật thông tin vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó việc đổi mới thi cử tiến tới số hoá các kỳ thi vẫn cần có lộ trình và được thực hiện bài bản tránh “ dục tốc bất đạt”.

Nguồn Văn nghệ số 41/2019


Có thể bạn quan tâm