March 28, 2024, 10:47 pm

Thanh khiết hoa chanh

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ NGUYỄN BAO

Nhà thơ Nguyễn Bao, bút danh khác: Mạc Tú, Thùy Anh, Vũ Tuyên Minh, sinh ngày 18/11/1932, quê quán Làng Sét, Định Hải, Yên Định, Thanh Hóa. Ông nguyên là học sinh cấp III trường Lam Sơn - Thanh Hóa, sau học Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội I. Nhà thơ Nguyễn Bao là một trong số những đại biểu tham dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957; nguyên biên tập viên Báo Tổ quốc, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn học.

Các tập thơ chính: Đôi cánh, Suối bên đường, Gió thơm, Sang thu, Thơ với tuổi thơ...

Giải thưởng thơ của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Giải thưởng thơ cho thiếu nhi của Ủy ban Thiếu niên nhi đồng toàn quốc.

Sau một thời gian lâm bệnh, do tuổi cao sức yếu, nhà thơ Nguyễn Bao đã từ trần ngày 17/11/2022, tức ngày 24 tháng 10 năm Nhâm Dần, hưởng thọ 91 tuổi.

Bài viết sau đây của tác giả Duy Ngọc xin được thay cho nén tâm hương tiễn ông về cõi vĩnh hằng.                                                             

VN

Nhà thơ Nguyễn Bao sinh năm 1932, người làng Sét, xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Cái làng cổ ven sông Mã dữ dằn thuộc Phủ Thiệu, Ái Châu xưa. Làng có một gò đồi, thuở nhỏ cậu bé Bao thường trèo lên đứng, đắm mắt nhìn những cánh đồng bát ngát, những nương vườn xanh tươi và tập làm thơ:

Đứng trên đỉnh núi

Lúa nhiều như nắng.

Nhà thơ Nguyễn Bao

Đứng trên núi ấy ngắm về phía bắc xa mờ là Phủ Quảng thấp thoáng thành nhà Hồ. Ngắm về nam gặp núi Đọ, di chỉ đồ đá cũ của người Việt. Vượt ngã ba Bông, gặp làng cổ Đông Sơn với trống đồng nổi tiếng. Kế bên là làng Thiệu Dương quê Dương Đình Nghệ, người khởi đầu cho sự nghiệp độc lập tự chủ của đất nước. Ông Bao tự hào về quê hương lắm, hay nhắc đến sự hiếu học của bao danh tài: Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Nguyễn Quán Nho... ghi dấu ấn trong lịch sử Đại Việt.

Năm 1949-1952, Nguyễn Bao học Cấp III Lam Sơn cùng với Hà Minh Đức, Trần Quốc Vượng, Vũ Giáng Hương, Vũ Tuyên Hoàng... toàn bạn bè thành danh về văn chương, học thuật sau này. Năm 1954-1957 Nguyễn Bao học Đại học Sư phạm Văn khoa khóa đầu do Giáo sư Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng. Lớp sinh viên còn có Phan Cự Đệ, Nguyễn Đình Chú, Hà Minh Đức... cũng toàn bậc cự phách, tài cao của đất nước. Những năm đầu tiên miền Bắc hòa bình, khí thế sinh viên hào hùng lắm, say sưa học tập, nghiên cứu, say sưa hoạt động xã hội. Năm 1955 Nguyễn Bao cùng Đình Bảng, Nguyễn Phan Cảnh, Kim Đính... làm Tạp chí Sinh viên Việt Nam do Minh Thông (Hà Minh Đức) giữ Thư ký tòa soạn. Tạp chí ra hàng tháng được sinh viên và bạn đọc cả nước chấp nhận, chào đón nồng nhiệt.

Học xong đại học, Nguyễn Bao không đi dạy, mà chuyển sang nghề viết - ham muốn của ông từ thời trẻ. Ông về Báo Tổ quốc, là phóng viên xông xáo, mê đi thực tế hòa mình với thiên nhiên, con người của miền Bắc hừng hực khí thế lao động. Nguyễn Bao cần cù, cẩn trọng trong từng trang viết. Nhân cách của chàng nhà báo trẻ được Tổng biên tập Lê Huy Vân mến trọng. Cô con gái cưng của ông Vân là chị Tú Mạc, sinh viên Đại học Bách Khoa yêu thương rồi hợp thành đôi lứa đẹp. “một cặp đôi hoàn hảo” như Giáo sư Hà Minh Đức bình chọn cho bạn mình.

Năm 1974 Nguyễn Bao về Nhà xuất bản Văn học làm biên tập viên rồi Phó Giám đốc phụ trách mảng văn học Việt Nam. Đây là thời kỳ ông đóng góp công sức, tâm huyết cho nhiều tác phẩm của nền văn học cổ điển, hiện đại của các tác gia Việt Nam đến với bạn đọc. Ông xin tái bản lại Vào đời của Hà Minh Tuân, Cửa mở của Việt Phương. Ngay cả chuyện “lình sình” xung quanh Chân dung văn học của Xuân Sách, sách in ở Sài Gòn, ông không được đọc duyệt bản thảo, khi có chuyện ông cùng ban giám đốc tháo gỡ việc này. Cũng như vài sự cố văn chương xảy ra của nền văn học nước nhà, nó giúp thêm ta kiểm định cái đúng, cái sai, cái cơ hội, non nớt của người cầm bút. Ngày làm Phó Giám đốc, ông còn mời các cây bút trẻ tài năng về Nhà xuất bản như: Nhật Tuấn, Vũ Quần Phương, Quang Huy, Nguyễn Văn Lưu. Sau này ông Lưu, ông Huy đều trở thành các Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Văn hóa năng nổ, có tâm. Nhà thơ Vũ Quần Phương ngoài tài năng về thơ còn là người đọc, thẩm định các tác phẩm văn học. Nhà thơ Quang Huy hồ hởi nói trong điện thoại cho tôi: “Nhà thơ Nguyễn Bao là người anh trong nghề xuất bản và thơ của chúng mình. Một người hiền lành, tử tế, thông minh, ít lời, biết nuốt giận để giữ hòa khí cho tập thể đồng nghiệp”. Nhận xét thật chí tình.

Nhà thơ Nguyễn Bao có năng khiếu văn chương sớm. Khi ở tuổi học trò ông đã viết lách được bạn bè ngưỡng mộ. Thời sinh viên ông có thơ in ở các báo. Dấu ấn cho bạn đọc khi bài Hoa chanh của ông in ở tuần báo Văn tháng 2/1957. Nhà văn Nguyên Hồng - Tổng biên tập khen nức nở: Tuần báo Văn có tiếng cả nước, giới thiệu những sáng tác hay như Hoa chanh của tác giả trẻ Nguyễn Bao. Có thể nói Hoa chanh là tấm vé đưa nhà thơ Nguyễn Bao được mời dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất - 1957. Nguyễn Bao, Phùng Quán, Nguyên Ngọc là ba nhà văn trẻ được dự đại hội lần đó. Thật vinh dự và trách nhiệm của nhà thơ ở tuổi 25…

Hoa chanh tự sự trữ tình, dịu lắng, khổ thơ khuôn gọn như mảnh vườn, ô ruộng làng quê dễ đi vào lòng người. Nếu Màu tím hoa sim của Hữu Loan Núi đôi của Vũ Cao, Quê hương của Giang Nam là tiếng kêu đau thương mất mát xé lòng của tình yêu trong chiến tranh thì Hoa chanh cho ta niềm tin, hy vọng của đôi lứa sẽ đoàn tụ trong cuộc kháng chiến thần thánh. Đó là bản chất nhân ái, có hậu, của người Việt, bài thơ được nhiều người lính trong kháng chiến chống Mỹ mê thuộc. Nhà thơ Lã Hoan, lính cơ giới kể: “Đêm ở Trường Sơn đồng đội thường bắt tôi đọc Hoa chanh, họ chỉ nói đọc bài Hai chúng mình ấy. Mỗi lần đọc xong được bồi dưỡng một điếu thuốc Trường Sơn...”. Một thương binh ở Bắc Giang gặp Nguyễn Bao ở buổi giao lưu, xung phong đọc một mạch Hoa chanh, hỏi sao thuộc? Trả lời “Trong chiến trường Tây Nguyên đêm đêm tiểu đội mở đài nghe Hoa chanh ở buổi Tiếng thơ, phân công mỗi người thuộc một đoạn rồi ghép lại thành bài”...

Hoa chanh không chỉ một bài thơ Nguyễn Bao viết về làng quê. Ta đọc các tập thơ Suối bên đường, Sang thu thấy lấp lánh một dòng thơ đồng quê đẹp đẽ. Các nhà thơ Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, viết về làng quê mới dựng cảnh, tả tình. Còn thơ Nguyễn Bao đi xa hơn, trong khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ đó có người lao động của đất nước tự do, hòa bình… Những câu thơ đắm đuối viết ra từ một tâm hồn đa cảm. Bây giờ thật tiếc cho các nhà thơ chúng ta lao vào lập ngôn, thuyết giáo đã bỏ quên những mảng màu tươi ấm sinh động này.

Với cốt cách làm chủ tâm thế của mình Nguyễn Bao trung thành bền bỉ đi trên con đường thơ của mình. Hơn 60 năm cầm bút ông không chạy theo số lượng, các giải thưởng, không hùa theo mốt cách tân, không ồn ào kiếm danh lợi ở thơ. Nhà phê bình Nguyễn Huy Thông đánh giá: “Nguyễn Bao là một trong những nhà thơ đương đại rất dụng công, coi trọng lao động thơ và niềm say mê hứng khởi của mình”. Thơ Nguyễn Bao có nét như thơ của các bậc túc nho xưa, lấy tâm hồn mình phổ vào thiên nhiên con người của cuộc sống đương đại. Mấy năm gần đây với túi vải nhỏ bên người đựng cuốn sổ mỏng, vài cái bút, ông chầm chậm đi dự các cuộc họp văn học, đi thăm bè bạn và miệt mài viết. Ông viết được nhiều bài tứ tuyệt hay, nhiều câu thơ ứa nước mắt khóc bạn bè thơ văn phải về cõi vĩnh hằng. Đó là hồn thơ của kẻ sĩ, biết tri kỷ biết tri âm của cõi nhân gian, để có cảm xúc trong trẻo bao dung.

Một ngày cuối năm Nhâm Thìn, sau mấy lần lỡ hẹn, tôi tới thăm nhà thơ Nguyễn Bao, ông ân cần ra tận bến xe bus đầu đường Cát Linh đón tôi. Vợ chồng ông vẫn ở một mình, căn hộ nhỏ từ những năm 1987, bên một ngôi chùa. Các con ông ở riêng, thành đạt, muốn mua cho bố mẹ một căn hộ cao cấp, tiện nghi, ông chối từ: “Quen rồi, nhiều kỉ niệm và lại còn cả đống sách báo tư liệu bề bộn thế kia”. Bây giờ “cặp đôi hoàn hảo” lại ấm cúng, nuông chiều như hồi trẻ. Ông cũng đã vào viện, may bệnh không hiểm, trời tha cho ra làm thơ tiếp. Chị Tú Mạc pha một ấm trà thơm, cắt một đĩa táo rồi nhẹ nhàng lui ra “để anh em ông tự do bàn luận về thơ nhé”. Trong phòng khách nhỏ có treo bức ảnh chụp cảnh một cành hoa chanh trắng nở rộ có đề từ trích từ bài Hoa chanh:

Cây chanh đang mùa hoa trắng

Gió đưa thơm ngát lòng anh.

Ông Bao cười vui: “Tấm ảnh của một người hâm mộ Hoa chanh gửi tặng nhân dịp mình 80 tuổi đấy”.

Hỏi ông về thơ, về nghề viết, nhà thơ Nguyễn Bao khúc triết sôi nổi tâm tình: “Thơ phải lấy cái tình làm gốc, viết tự tâm hồn mình có. Mình tâm đắc lời của nhà thơ Tố Hữu: ‘Thơ hay làm người ta quên thơ đi, chỉ còn cảm thấy có tình người’, mà nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhắc lại trong một bài viết kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu”.

Điều giản dị ấy sao cứ ồn ào tranh cãi hoài hỡi các nhà thơ đương đại và hậu đương đại. Một đời làm thơ mong có một câu, một bài lưu trong trí nhớ người đọc là mãn nguyện rồi. Ân nghĩa cuộc đời là vậy và Hoa chanh mãi thơm ngát vườn thơ.

Duy Ngọc

Nguồn Văn nghệ số 48/2022


Có thể bạn quan tâm