March 29, 2024, 2:49 pm

Thanh Hóa với việc triển khai Chương trình chăm sóc người cao tuổi

Người cao tuổi (NCT) có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, bởi vì họ vừa là kho kinh nghiệm, kiến thức vô giá của đất nước, vừa là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo.

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến NCT với nhiều chủ trương và chính sách liên tục qua các thời kỳ nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của NCT. Ngay sau cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã có “Thư gửi các vị phụ lão” vào ngày 21/9/1945, trong đó, Bác đã thăm hỏi, chúc sức khỏe và nhắn nhủ những NCT tiếp tục nêu gương sáng và truyền dạy kinh nghiệm quý báu cho con cháu. Luật NCT năm 2009 đã dành toàn bộ chương II để quy định về phụng dưỡng, chăm sóc NCT. Ngày 20/01/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-BYT về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình chăm sóc NCT đến năm 2030.

 

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thanh Hóa tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế cấp xã về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

 

Thanh Hóa là một tỉnh đông dân, với số dân đứng thứ 3 toàn quốc, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 470.890 NCT, chiếm 12,3% tổng dân số của tỉnh. Trong những năm qua, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nói chung và công tác chăm sóc NCT nói riêng luôn được các cấp, các ban ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Thực hiện Kế hoạch số 229/KH-UBND, ngày 26/10/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; Theo đó Chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT được triển khai trên phạm vi 200 xã của 16 huyện, thị, thành phố: Quảng Xương, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Yên Định, Hà Trung, Cẩm Thủy, Như Xuân, Thường Xuân và TP. Thanh Hóa.

Chương trình nhằm mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe NCT bảo đảm thích ứng với tình trạng già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. 100% các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe NCT vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số và quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT đạt 70% vào năm 2025; 85% lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% vào năm 2025; 100% vào năm 2030; NCT được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...) đạt 70% vào năm 2025; 90% vào năm 2030. NCT có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe đạt 50% vào năm 2025; 90% vào năm 2030. 100% NCT không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

Để đạt các mục tiêu trên, trong 09 tháng năm 2022, Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố tiến hành triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả. Cụ thể, tại cấp tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch cho Trung tâm Y tế 16 huyện, thị, thành phố; tổ chức 01 cuộc Hội thảo cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe NCT và già hóa Dân số cho 70 người là Lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị, TP. Đại diện Hội Người cao tuổi tại tỉnh và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh....; Tập huấn 05 lớp cho 250 cán bộ làm công tác dân số xã những kiến thức về sức khỏe NCT; cách tự chăm sóc, những bệnh liên quan: cao huyết áp, bệnh phổi mãn tính, bệnh suy giảm chức năng..; sản xuất và đăng tải 01 phóng sự, 02 chuyên trang về chăm sóc sức khỏe NCT; Tiến hành quản lý, giám sát xuống cơ sở.

Tại cấp huyện, Trung tâm Y tế các huyện, thị đã phối hợp ban Dân số xã thành lập 200 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT (mỗi xã 01 Câu lạc bộ). Nội dung của buổi sinh hoạt câu lạc bộ là lồng ghép hoạt động văn hóa, văn nghệ với các nội dung về những kiến thức phổ thông, những bệnh thường gặp của NCT; các thành viên câu lạc bộ chia sẻ kinh nghiệm tự chăm sóc sức khỏe bản thân. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế còn xây dựng và phát triển mạng lưới tình nguyện viên nhằm chăm sóc NCT tại địa bàn và hỗ trợ triển khai các hoạt động khác của Chương trình.

Có thể nói, bằng những hoạt động đa dạng, thiết thực, Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề chăm sóc sức khỏe NCT. Trao đổi với chúng tôi, Bs.CKI Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: “Thời gian tới, để phát huy vai trò NCT, cần có sự quan tâm, phối hợp hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể, các cấp ủy Đảng chính quyền; Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động.. về phát huy vai trò của NCT nói riêng và những thách thức của quá trình “già hòa dân số” nói chung đối với sự phát triển bền vững của đất nước; Giáo dục, nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và toàn xã hội về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT; Xây dựng, hoàn thiện các chính sách nhằm tận dụng tốt giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”; Xây dựng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế của mạng lưới lão khoa”.

 Nguồn Văn nghệ số 39/2022


Có thể bạn quan tâm