March 28, 2024, 4:40 pm

Thanh Đàm – nơi thương nhớ cũ

Ông là Võ Quyết, sinh năm 1922 tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình nông dân có truyền thống trọng Nho học. Từ thơ ấu, Võ Quyết đã được học chữ Hán, sau còn được lên trường huyện học vài năm, nên thông thạo chữ Quốc ngữ và sớm quan tâm đến báo chí, văn chương. Những năm tháng đó cao trào Thơ Mới là một thành tựu lớn trong đời sống văn hóa nước Việt ta, đương nhiên Võ Quyết cũng bị Thơ Mới cuốn hút mạnh mẽ. Và rồi, với bút danh Thanh Đàm, ông đã viết những bài thơ của mình: Tình mềm, năm 1939, Chải tóc, năm 1940. Chải tóc viết về tình yêu nơi thôn quê, xúc cảm, ngôn ngữ và hình ảnh thơ thật tươi mới: Bên gốc đa làng xõa tóc mây/ Em ngồi em chải mộng thơ ngây… Có thể nói, Thanh Đàm được thừa hưởng thành tựu đẹp đẽ của Thơ Mới, tuy nhiên, thơ ông cũng đã có sự khác biệt với Thơ Mới ở cách nhìn đời sống:

     Giá được áo lành ôm vóc trẻ

     Mắt thêm ánh chữ dọi thông minh

     Lòng nhen chút hận đời nô lệ

     Em đẹp hơn nhiều với tóc xanh

Nhà thơ Thanh Đàm (1922-1979) Ảnh chụp khi khoảng hơn 40 tuổi

Có sự khác biệt đó là do Thanh Đàm đã được bắt mối với tổ chức cách mạng. được đọc nhiều tài liệu truyền tay từ các đồng chí, trong đó có báo, chí của Đảng, đặc biệt là tờ Tự do, cơ quan tuyên truyền và đấu tranh bí mật của Mặt trận phản đế cứu quốc Thanh Hóa. Trên những tờ báo đó thường xuyên có bài của Nguyễn Thường Khanh, tức nhà thơ cách mạng đặc sắc Trần Mai Ninh. Tuy chưa gặp mặt, trong lòng Thanh Đàm đã rất quý trọng lý tưởng yêu nước cũng như tài năng văn chương của Trần Mai Ninh.

Những năm 1939 đến 1941, thực dân Pháp đàn áp và truy sát những người yêu nước rất gắt gao, phải sống trong hoàn cảnh gian nan, thiếu thốn, Thanh Đàm vẫn viết được nhiều bài thơ để đọc cho các đồng chí của mình nghe, hoặc gửi đăng trên báo chí bí mật. Mùa thu năm 1941, Thanh Đàm lên chiến khu Ngọc Trạo, trở thành chiến sĩ cầm súng trong Đội du kích cách mạng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Vậy là không chỉ gian nan, thiếu thốn, cuộc sống còn kề cận máu lửa, bởi thế, thơ ông cũng mạnh mẽ, quyết liệt hơn: Đoàn chúng ta người bốn phương hợp lại/ Bởi dây tình cách mạng quấn vào nhau…/ Vũ khí ta: những trái tim cừu hận/ Không chung trời với giặc Pháp, Phù Tang… Những năm 40 thế kỷ XX, khá hiếm thơ ca viết về những chiến sĩ du kích, lại càng rất hiếm thấy bài hay về đề tài này. Vậy mà Thanh Đàm có gần chục bài viết về đội quân du kích đầu tiên ở chiến khu Ngọc Trạo, đơn cử bài Đoàn du kích chúng ta chúng tôi vừa trích dẫn trên. Với sức bút đầy khí lực, những câu thơ thực sự lay động lòng người:

     Đồng bào ơi! Phá gông xiềng vùng dậy!

     Ngày tự do, độc lập đâu còn xa? 

     Hỡi nước non, hỡi đất trời yêu quý

     Xông lên cùng đoàn du kích chúng ta.

Từ 21 du kích buổi đầu, sau một tháng đã phát triển thành 86 chiến sĩ, phiên chế thành 2 trung đội; mỗi trung đội gồm 1 tiểu đội súng, 1 tiểu đội dao, kiếm, lại có tổ đặc vụ, tổ y tế, tổ hậu cần. Có một cuộc trùng phùng khá đặc biệt tại Ngọc Trạo giữa Thanh Đàm và Trần Mai Ninh. Chính Thanh Đàm đã đề nghị với tổ chức cho người tìm gặp và vận động Trần Mai Ninh lên chiến khu. Trần Mai Ninh được phân công vào tiểu đội dao, kiếm, còn Thanh Đàm đang là chỉ huy tiểu đội súng. Thực tế đời sống chiến khu đã bước tới thời điểm rất khẩn trương khi cả thực dân Pháp và phát-xít Nhật đang hòng chiếm cứ nước ta. Và thực tế đời sống du kích quân Ngọc Trạo lại vào thơ Thanh Đàm: Đã quyết gắn đời với núi sông/ Đà đao, đường kiếm luyện xung phong/ Cho khắc sâu dầy hàng chữ nhé:/“Hy sinh cho lý tưởng đại đồng” (Bài Rừng và du kích). Qua các bài thơ của Thah Đàm dẫn, ta thấy đời sống tinh thần những con người tới tụ nghĩa và sống hết lòng nơi chiến khu Ngọc Trạo. Sau khi chiến khu bị vỡ, Thanh Đàm cùng một số đồng chí, trong đó có Trần Mai Ninh, bị giặc bắt trong trận chiến ác liệt, rồi bị giam cầm ở nhà lao Thanh Hóa. Và, ngay khi bắt đầu sống “đời ngục thất”, như cách gọi của ông, Đời ngục thất trải màn tro tàn rụi/ Tay cơ hàn ngầm vẽ nét phôi pha, ông viết ngay một bài tứ tuyệt, khí lực trong người chiến sĩ như đã dồn thành bút lực nhà thơ:

     Ôi! Tình nghĩa riêng chung tràn thương nhớ

     Muốn phá tung nát vụn bốn tường lao

     Máu thanh xuân không ngớt chuyển dạt dào

     Nuôi lý tưởng đời trai đầy kiêu vọng!

Sống đời ngục thất, Thanh Đàm vẫn tiếp tục sáng tác thơ, để nuôi ý chí chiến đấu của mình và tiếp thêm niềm tin cho anh em. Thơ nẩy sinh trong ông từ một sự kiện trong trong nhà tù, như bài Tuyệt thực: Đời trai chí khí dày vò/ Đấu tranh tuyệt thực vì no căm hờn/… Đấu tranh nào chỉ miếng cơm/ Tương lai tiếng gọi nước non đợi chờ”. Có khi thơ đến với ông bởi giờ phút ngắn ngủi ra sân tắm nắng, như bài Nắng mới: Đánh trần đón vội nắng kim cương/ Mấy chuyện tâm giao, mấy đoạn trường/ Nhịp sống chảy tràn trong nắng mới/ Bên lòng đôi chút nhẹ thê lương”. Có khi thơ bùng lên trong tâm can ông từ nỗi thương nhớ những người thân thiết, tiêu biểu là bài Tên anh là ngọn lửa, viết tặng hương hồn Phạm Văn Hinh, một người anh hùng, phó chỉ huy du kích Ngọc Trạo: “Khi anh biết thân mình không thể sống/ Lời trối trăng như đường kiếm bổ đôi:/ “Hãy mau thoát và bảo toàn lực lượng/ Anh em ơi… mau kết liễu đời tôi”; là thơ tự sự, mà lời thơ đau đớn như thét lên:

     Vinh quang, nhưng đau đớn quá anh ơi

     Giặc quật xác anh ba lần nhận mặt…

     Ngày thoát ngục, nơi rừng xưa tôi quyết

Gạt non xanh tìm vết máu anh rơi!

Hơn bốn năm trời trong lao tù, Thanh Đàm viết gần ba mươi bài thơ. Thơ ông được truyền miệng trong tù, như một nguồn sinh lực tiếp sức cho đồng đội đồng chí. Đến đầu năm 1945, lũ cai ngục buộc phải phóng thích Thanh Đàm. Đầu trần, chân đất… ta chào nắng, ông mô tả mình trong bài thơ Ra tù. Với ngôn ngữ thơ, ông ghi lại tình cảnh đau đớn của người dân ta lúc đó: “Đường về từ Tỉnh đến Rừng Thông ([1]) xác nằm queo chết đói đường/ Chiếu rách phủ trần thân rác rưởi… Nạn đói lịch sử năm Ất Dậu đã ập xuống đầu dân Việt Nam ta là do chính sách ăn dân của đế quốc Pháp, Nhật, nó khiến nhà thơ vừa ra tù quặn lòng một câu hỏi: về đâu… về nhà mẹ, con, vợ yên vui? Và, những câu khép lại bài thơ chính là lời nhà thơ tự thúc giục mình:

     Không đâu! Súng Pháp xưa ăn xác

     Kiếm Nhật ngày nay chọc tiết người…

     Hãy thẳng về nơi Thương - Nhớ cũ

     Sao vàng cờ đỏ vẫy chờ ta!

Đọc thơ Thanh Đàm, ta hiểu, nơi Thương - Nhớ cũ của ông chính là Chiến khu Ngọc Trạo, nơi những người yêu nước thương nòi tụ nghĩa, như những dây tình cách mạng quấn vào nhau, để đánh đuổi thực dân Pháp và phát-xít Nhật!                                                                                            

*

Qua bài thơ Ra tù viết tháng 4 năm 1945, ta đã thấy, Thanh Đàm là một nhà thơ tiên phong của thời đại thi ca mới - Thơ Kháng chiến. Cái tôi trữ tình của thơ ông là cái tôi quyết chiến, không tiếc thân vì độc lập tự do dân tộc. Bốn tháng sau, vào đêm khởi nghĩa ở Thanh Hóa 18/8/1945, tại Eo Lê, một địa danh lịch sử ở Thanh Hóa, ông viết bài Cờ đỏ sao vàng, những câu thơ như cười vang: A ha! Trống thúc, mõ hồi/ Liên làng, liên huyện báo thời tiến công!.../ Giờ này, giờ xóa bất bình/ Đoàn quân du kích quyết tình xông pha/ Đánh cho Pháp đổ, Nhật thua… Nhưng rồi, từ thời điểm lịch sử này, Thanh Đàm được tổ chức giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh huyện Cẩm Thủy. Những năm tiếp theo, ông lần lượt đảm nhiệm những chức trách: Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Lộc, Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tôn giáo vận Thanh Hóa… Đến năm 1958, ông là Ủy viên hành chính tỉnh, Trưởng ty Văn hóa – Thông tin Thanh Hóa. Suốt một thời gian khá dài ấy, Thanh Đàm không thể để tâm trí vào sáng tạo văn chương, bởi tâm lực ông dồn cả vào công tác. Nhưng thật may, khi làm Trưởng ty Văn hóa - Thông tin, ông như được trở về với môi trường Văn hóa và Nghệ thuật nói chung, trong đó có thơ ca nói riêng!

Bước sang những năm 60 thế kỷ XX, nền Văn học hiện đại nước ta lại có bước chuyển biến mới, thế hệ chống Mỹ xuất hiện mạnh mẽ, rộng khắp nhiều địa phương trong cả nước. Với sự lịch lãm của một nhà thơ, Thanh Đàm hiểu rõ sức mạnh của văn chương trong đời sống xã hội. Vậy nên qua công tác Văn hóa - Thông tin, ông kiến tạo một phong trào sinh hoạt văn học và bồi dưỡng những nhân tố có năng khiếu sáng tác văn nghệ. Bước kế tiếp, ông tạo dựng Ban Vận động thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật Thanh Hóa. Sau hơn sáu năm trời, trong bối cảnh chiến tranh chống Mỹ ác liệt, Hội Văn học - Nghệ thuật Thanh Hóa được thành lập khi đã hình thành một đội ngũ các tác giả có uy tín trong đời sống văn học ở Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Có thể nói, đó là một thành công trong đời sống tinh thần của người xứ Thanh!

Ngoài những bài thơ phản ánh thực tế lao động và chiến đấu ở xứ Thanh trong những ngày kháng chiến chống Mỹ, ông còn viết thiên hồi ký Rừng Ngọc Trạo một ngày ta nhớ mãi. Thiên hồi ký tái hiện lại đời sống quân du kích ở chiến khu Ngọc Trạo trong sự đùm bọc che chở của nhân dân; tái hiện sinh động cuộc chiến cảm tử của hơn 80 du kích quân với trang bị thô sơ mà đối chọi với 500 tên lính nhà nghề của thực dân Pháp và tay sai; tái hiện cái chết bi tráng của liệt sĩ Phạm Văn Hinh… Hồi ký của ông, những chi tiết sống động và giản dị, nhưng bởi Thanh Đàm là một thi sĩ, nên nó cũng dồi dào xúc cảm. Trong Rừng Ngọc Trạo một ngày ta nhớ mãi, ông đã sáng tạo nên một hình tượng thật cao đẹp là những chiếc khánh đá của núi rừng Ngọc Trạo với ngôn ngữ giàu biểu cảm và thực sự cất cánh: “… Tiếng hát chúng ta lưu lại ở các mỏm đá kia, các tấm thạch nhũ kia, nó là những cái khánh đá. Sau này con cháu chúng ta tới đây cứ lấy gỗ rừng đánh vào những khánh đá đó, thì sẽ được nghe giọng hát chiến đấu của chúng ta vang lên…” 

Có thể nói, Thanh Đàm là người hiểu biết sớm nhất về cuộc đời và phẩm giá thi ca của Trần Mai Ninh, bởi hai ông là đôi bạn sinh tử trong chiến đấu, cũng là đôi bạn đồng chí hướng trong thi ca. Kể từ khi Trần Mai Ninh hy sinh, qua bao năm trường kháng Pháp rồi bước vào cuộc chống Mỹ, người đọc văn học và giới quan tâm còn chưa biết nhiều đến Trần Mai Ninh và càng chưa biết đó là một trong những nhà thơ kiệt xuất của nền Văn học Việt Nam hiện đại. Vậy nên trong lòng Thanh Đàm ngày càng trĩu nặng một món nợ, là nợ với người bạn chí thiết nhất, cũng là món nợ với đời sống văn chương nước nhà. Lặng lẽ tìm lại những thư từ, ghi chép từ hơn 30 năm trước, lần hỏi xin bạn bè, đồng chí xa gần, lục trong báo chí, thư tịch cũ từ thời tiền khởi nghĩa đến kháng chiến chống Pháp, Thanh Đàm có được một lượng thơ khá dày dặn của Trần Mai Ninh. Ông trao nó cho Ty Văn hóa và Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa kiểm định, biên tập. Năm 1970, tập thơ Nhớ đã được ấn hành và trở thành một sự kiện văn chương, bởi đây là lần đầu tiên thơ Trần Mai Ninh được xuất bản thành sách. Nhớ đã được bạn đọc và giới quan tâm ở Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung hồ hởi tìm đọc. Tuy vậy, Thanh Đàm vẫn chưa yên lòng, như ông viết trong Lời giới thiệu tập thơ Nhớ: … đây chỉ là bước tập hợp còn rất hẹp. Thơ Trần Mai Ninh còn được lưu nhớ ở nhiều bạn cùng sống và hoạt động với anh khi công khai, khi bí mật, khi ở Bắc, khi vào Nam, khi ở tù Ban Mê Thuột, khi khởi nghĩa và kháng chiến ở Liên khu V…”. Vậy nên, Thanh Đàm lại bỏ thêm nhiều thời gian và công sức nữa để làm sao phục hồi được tầm vóc và phẩm giá thi ca của nhà thơ cách mạng và chiến đấu Trần Mai Ninh trong lòng độc giả văn chương Việt Nam. Năm 1978, sau khi chỉnh lý cẩn thận, Thanh Đàm chuyển tập bản thảo đầy đủ nhất những tác phẩm của Trần Mai Ninh cho nhà văn Như Phong, giám đốc Nhà xuất bản Văn Học ([2]). Khi đó ông vui lắm, có thể nói là chưa bao giờ thấy Thanh Đàm vui như thế, vẻ như vừa đền đáp được món nợ thật lớn của một đời người. Và chúng tôi thấu hiểu, ngoài những sáng tác của mình, Thanh Đàm còn có một đóng góp rất đáng kể nữa cho đời sống Văn học Việt Nam hiện đại khi ông dành thật nhiều tâm sức và thời gian được sống cho việc phục hồi lại những giá trị thi ca và tầm vóc Trần Mai Ninh trong lịch sử Văn học Việt Nam!...

Nhiều tháng liền Thanh Đàm nằm trên giường bệnh. Kề bên giường ông là một bức tranh hoa huệ đẹp nuột nà, trong biếc, êm dịu vô cùng… Thế rồi, ngày 2 tháng 7 năm 1979, nhà thơ Thanh Đàm bình thản từ trần. Chỉ còn những bài thơ ông đã viết về tình yêu, tình bạn đồng chí hướng và lý tưởng yêu nước khi ngùn ngụt máu lửa, lúc lắng đọng sâu xa, thay ông ở lại lâu dài với cuộc đời này!

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

 


[1] Tên lối phố men bên một khu rừng thông, cách Thành phố Thanh Hóa 5km về phía tây

[2] Đó là tập Thơ văn Trần Mai Ninh, Nhà xuất bản Văn Học xuất bản năm 1980


Có thể bạn quan tâm