April 18, 2024, 7:47 am

Thành công của câu chuyện “hai trong một”

Thời chiến chinh, có vài năm lăn lộn dọc Trường Sơn Đông nên dải núi xương sống của đất nước đã trở thành nỗi ám ảnh của tôi. Vì vậy, trong những thứ thích đọc từ sau chiến tranh, thứ mà tôi tâm đắc nhất là những trang hồi ức về Trường Sơn của những người từng dấn thân, dâng hiến ở đó. Trong số những hồi ức này tôi rất cảm mến cuốn Nơi ấy là chiến trường của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị. Cuốn sách đem lại cho tôi chút hy vọng giữa nhiều thất vọng hôm nay…

Gần đây Phạm Quang Nghị gửi tặng tôi cuốn tự truyện dày 650 trang mang tên Đi tìm một vì sao với lời đề tặng đầy tình cảm: “Rất vui được tặng anh Nguyễn Thụy Kha – những kỷ niệm và những tình cảm thân quý nhất”… Đọc Phạm Quang Nghị, đoạn từ ấu thơ cho đến hết thời chiến tranh, có cảm giác như đang đọc lại chính mình vào những năm tháng ấy. Chỉ có khác không gian, không gian của Phạm Quang Nghị là bên bờ sông Mã của Yên Định – Thanh Hóa. Không gian của tôi là bên bờ sông Cấm của thành phố Hải Phòng. Khác nữa là từ đấy là Phạm Quang Nghị thời lớn lên ở làng, còn tôi thì lớn lên ở phố. Nhưng những biến động của thời ấy thì chúng tôi đều bị tác động như nhau. Bởi thế, Phạm Quang Nghị đang học dở đại học Tổng hợp, khoa Sử thì lên đường vượt Trường Sơn năm 1971. Còn tôi tuy nhập ngũ 1971 sau khi tốt nghiệp Đại học kỹ thuật thông tin liên lạc mấy tháng, nhưng phải đến cuối mùa xuân 1972 mới vào Trường Sơn, rồi rẽ Quảng Trị, rồi lại lên Trường Sơn. Đến đoạn này, chúng tôi cảm thấy hồi ức gần nhau hơn.

Như nhiều người vượt Trường Sơn một lần rồi rẽ vào các ngả chiến trường ở Trị - Thiên, khu Năm, Tây Nguyên, khu Sáu và Nam Bộ, Phạm Quang Nghị đã nếm trải đủ mọi thăng trầm của cuộc xuyên Trường Sơn trong tâm thế người lính ra trận. Tôi có may mắn được chiêm ngưỡng nhiều dấn thân, dâng hiến như thế bởi tôi đi lại dọc Trường Sơn nhiều lần do công việc khảo sát, thiết kế đường dây trần thông tin xuyên Trường Sơn từ 1973 đến 1975. Thấy rõ chúng tôi giống nhau nhất là thể xác tràn đầy thanh xuân, tâm hồn dạt dào lý tưởng. Chính tâm trạng ấy giúp chúng tôi vượt qua nhiều thử thách ngỡ không thể vượt qua để được chứng kiến ngày thống nhất đất nước.

Có lẽ do xuất thân và nhãn quan của từng người nên trong tôi xuất hiện bao nhiêu câu hỏi cần phải tìm được lời giải thì Phạm Quang Nghị vẫn dạt dào lý tưởng rất chân thành. Chính sự dạt dào ấy đã hướng cho số phận ông đi theo con đường chính tắc để trở thành một cán bộ chính trị đích thực – một cán bộ chính trị có đam mê văn nghệ cũng rất thành thực. Nhờ phẩm chất này mà Phạm Quang Nghị đã viết rất có văn phần tự truyện mà ông đã trải qua khi bắt đầu thực sự ở vị trí “quan đầu tỉnh” mà ông gọi là “Hạn 49 – 53” có một chút tự trào. Phần viết này hay đến nỗi có thể trở thành mẫu mực, trở thành sách gối đầu cho các “quan đầu tỉnh” hiện nay. Ai rút ra được những kinh nghiệm lãnh đạo từ những trang viết này, người ấy chắc chắn sẽ thành công và sẽ thành đạt ít nhất cũng như tác giả Phạm Quang Nghị.

Do xuất thân và nhãn quan, tôi đã bỏ nghề kỹ sư thông tin để mang vào mình nghiệp văn nghệ mấy chục năm nay. Còn Phạm Quang Nghị sau khi hoàn thành trọng trách lãnh đạo, đam mê văn nghệ lại dẫn ông đến với việc viết tự truyện này. Một tự truyện thành công và mới mẻ ở độ chân thành cao, văn phong giản dị. Điều đó sẽ không thể đạt đạo nếu tự truyện do một người kể và một người khác viết. Thành công của Phạm Quang Nghị là thành công của câu chuyện “hai trong một”.

Nguồn Văn nghệ số 39/2022


Có thể bạn quan tâm