March 29, 2024, 6:01 am

Tháng Tư, nhớ câu chuyện giữa nhà văn Nguyễn Khải và Anh hùng Biệt động Sài Gòn Tư Chu

Trong những năm trở vào sinh sống tại Sài Gòn sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Khải vẫn giữ nếp sống gần gụi, gắn bó, thâm nhập cuộc sống để thu nhận, chiêm nghiệm những sự kiện diễn ra tại vùng đất vừa qua thời đạn lửa chiến tranh và hiện đang hòa nhịp chuyển động cùng đất nước bước sang thời kỳ mới.

Trở lại miền ký ức của chiến tranh, Nguyễn Khải dự định sẽ viết về Sài Gòn, nơi có những sự kiện và con người làm nên những chiến công thần kỳ, vang dội của cuộc kháng chiến chống xâm lược. Ông tìm lại những tư liệu lịch sử, đến nhiều địa điểm, tiếp xúc, gặp gỡ những nhân chứng của thời chiến tranh và có mối kết giao gần gụi với người đồng chí, người bạn đồng ngũ đã gắn bó cùng sự tích chiến đấu của người Sài Gòn là Đại tá Nguyễn Đức Hùng, người chỉ huy Lực lượng Biệt động Sài Gòn. Tuổi đời giữa hai ông xấp xỉ bằng nhau, có hoàn cảnh giống nhau: cùng xuất thân từ chiến sĩ - tự vệ khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ (1946-1947), một người là chiến sĩ tự vệ ở đồng bằng Bắc bộ, còn người kia là lính tự vệ Sài Gòn - Gia Định của Nam bộ kháng chiến. Rong ruổi qua hai cuộc chiến tranh, Nguyễn Khải trở thành nhà văn - chiến sĩ, còn người đồng chí của ông là Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia định kiêm Chỉ huy trưởng Lực lượng Biệt động với biệt danh “Tư Chu”. Đến ngày nghỉ hưu, rời quân ngũ, cả hai người đều cùng mang hàm Đại tá, cùng trở về bên sông Sài Gòn và kết nối tình bạn, tình đồng đội tâm giao.

Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Hùng, tức Tư Chu (1928-2012)

Từng biết tới cuộc đời và thành tích chiến đấu của Tư Chu nổi tiếng từ lâu, nay gặp lại ông, tiếp xúc trực tiếp, gần gụi với người từng là “tác giả kịch bản” của những trận đánh táo bạo, xuất quỷ nhập thần của đội quân Biệt động tài trí, xông xáo, xả thân lập nên những chiến công gây chấn động dư luận tại đất Sài Gòn - Gia Định, Nguyễn Khải tựa như gặp một nguyên mẫu người thực việc thực giữa đời sống, giúp ông định hình những phác thảo về chân dung nhân vật cho những trang viết đang dự tính. Gặp Tư Chu giữa những ngày tại miền Nam dư âm của chiến tranh còn vọng lại và đang chuyển động theo công cuộc xây dựng đất nước vào thời kỳ mới, Nguyễn Khải càng tâm đắc như có thêm người đồng chí, người bạn để trao đổi, tâm sự về những điều quan tâm…

Vẫn dáng nhẹ nhàng, linh hoạt trên chiếc xe đạp thô sơ, Nguyễn Khải có những cuộc hẹn gặp mặt, trao đổi cởi mở với một “nhân vật của tiểu thuyết” - như ông vẫn nói. Các lần gặp diễn ra gần như đều đặn, lúc tại ngôi biệt thự yên tĩnh trên đường Trương Định, Quận 3 là địa chỉ cơ quan và thường xuyên hơn tại nhà riêng của Tư Chu ở Phường Thảo Điền Quận 2, nơi có cảnh quan thanh vắng bên sông Sài Gòn. Nguyễn Khải như bị cuốn hút vào cuộc trò chuyện, tâm sự khó dứt, theo thói quen của người cầm bút. Ông lắng nghe, hỏi han, ghi chép về những sự việc diễn ra quanh cuộc đời của nhân vật, trải chặng đường hơn nửa thế kỉ, kể từ tuổi niên thiếu khi rời làng quê miền Trung, lưu lạc vào Sài Gòn tìm đường sinh sống, rồi cuốn theo cùng những biến động của cách mạng và kháng chiến, Tư Chu trở thành người công dân thực thụ, người lính chiến đấu gắn bó của đất Sài Gòn. Qua tôi luyện thử thách từ cuộc chiến đấu sinh tử chống quân xâm lược giữa lòng đô thành, ông là hiện thân cho phẩm chất, tính cách người lính, người chỉ huy gan dạ, mưu lược, không quản hi sinh, giữ vững lòng trung thành với cách mạng của Đội quân Biệt động. Người chỉ huy gánh vác nhiệm vụ đặc biệt, hành động theo phận sự, trách nhiệm của người được giao phó trọng trách, trải bao thử thách khó khăn trong điều kiện chiến đấu ác liệt. Nhưng hoàn cảnh của con người phải lăn lộn, chịu đựng giữa trận tuyến không phân làn ranh, được ngụy trang với bao lớp vỏ bảo bọc giữa đô thị vùng địch chiếm đóng vốn không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thuận chiều. Vì thế, Tư Chu từng gặp những tình huống bất trắc, trở ngại thậm chí có lúc đã chịu những rủi ro rình rập, những vướng mắc khó tháo gỡ cho bản thân. Chính những tình huống mâu thuẫn, xung đột nói đó đã tạo nên sức mạnh ý chí, lòng quả cảm vượt qua bao trở ngại, hiểm nguy rình rập để kết tinh thành phẩm chất bình dị, anh hùng của người chiến sỹ chiến đấu vì độc lập tự do dân tộc.

Giữa những ngày gặp gỡ hào hứng của hai người vào thời gian đó, Tư Chu cũng đang bắt tay vào việc thu thập tư liệu, nhân chứng để “phục hồi” lại phiên hiệu và biên chế cùa đội quân Biệt động vốn đã giải thể sau ngày thống nhất đất nước. Cơ hội lại đến, vào dịp chuẩn bị kỉ niệm 30 năm trận đánh Mậu Thân (1968-1998), cũng là khoảng thời gian đánh dấu kết thúc chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam. Đó là những kỳ Hội thảo về cuộc chiến đấu oanh liệt của quân dân Sài Gòn - Gia Định được tổ chức, chiến công của Biệt động được nhắc nhở, ghi nhớ, biểu dương. Đồng thời vào lúc này, để phục vụ cho công tác tổng kết chiến tranh, Tư Chu (là thành viên Ban tổng kết chiến tranh của Quân Khu 7) đã thu thập, đối chiếu, xác minh tư liệu, gặp gỡ những người có trọng trách của thành phố trong thời kì vừa qua, liên hệ, kết nối với những cán bộ, chiến sĩ biệt động đang sinh sống phân tán ở nhiều nơi và với vai trò người tổ chức chỉ huy lực lượng vũ trang đặc biệt này từ ngày đầu thành lập với biệt danh là đơn vị F.100 - tiền thân của Biệt động Sài Gòn, ông xoay xở làm việc, suy nghĩ, trao đổi bàn luận không ngơi nghỉ. Những trang tư liệu, những bản tổng kết chứa đựng bao sự kiện, hình ảnh về những người của Sài Gòn giàu lòng yêu nước, nêu cao tinh thần chiến đấu quả cảm, xả thân lập nên bao chiến công vang dội. Đó là sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược thần kỳ diễn ra tại miền Nam. Được sự khích lệ của những vị lãnh đạo tại thành phố qua các thời kỳ, sự động viên, ủng hộ của đồng chí, đồng đội cũ, Tư Chu dành sức lực cho công việc như dự tính. Hồi ký Biệt động Sài gòn - Gia Định kịp hoàn thành đúng vào dịp kỉ niệm 30 năm cuộc tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân - 1968. Tư Chu đã cố gắng dựng lại trang sử của cuộc kháng chiến thần kỳ giữa lòng đô thị bị địch tạm chiếm, trong đó có chiến công của lực lượng Biệt động. Sách ra đời như một lời nhắc nhở, ghi nhớ và nêu gương chiến đấu hi sinh của những chiến sỹ biệt động trung dũng kiên cường lập nên chiến công bất tử. Nối tiếp công việc này, Tư Chu thảo nhiều văn bản kiến nghị tới các cấp lãnh đạo chính quyền và quân sự Thành phố cũng như Trung ương đề xuất việc giải quyết những vấn đề về chế độ, chính sách đối với thành tích chiến đấu của đội quân Biệt động trong cuộc kháng chiến vừa qua. Với vai trò của người tổ chức, chỉ huy lực lượng chiến đấu, ông nhận trách nhiệm của mình đối với những cán bộ, chiến sĩ từng tham gia đơn vị chiến đấu tại chỗ của thành phố. Ông tái hiện đầy đủ, cụ thể, chính xác từng trận đánh cùng gương chiến đấu hy sinh xả thân dũng cảm của những người lính biệt động xuất thân từ nguồn gốc khác nhau trong các tầng lớp cư dân đô thị mà ông dày công tổ chức xây dựng.

Nguyễn Khải đã có dịp chứng kiến công việc Tư Chu đang lo lắng dốc lòng làm hàng ngày với ý chí quyết thắng và sự nỗ lực bền bỉ, cần cù hiếm thấy. Đây cũng là dịp thuận lợi để ông cùng trao đổi, chia sẻ những suy nghĩ kinh nghiệm của mình giúp Tư Chu thực hiện công việc đang làm. Với thói quen của người cầm bút, Nguyễn Khải chú ý ghi chép, thu thập những tư liệu phong phú để tìm hiểu môi trường hoàn cảnh chiến đấu của đội quân Biệt động cũng như nắm bắt thêm tình hình của chiến trường tại đô thị lớn ở Nam bộ trong cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ.

Nhưng liền ngay thời điểm đó, Tư Chu phát hiện mắc căn bệnh ung thư vòm hầu ở giai đoạn di căn. Sự cố sức khỏe làm ông lo lắng, nhưng điều ông cảm thấy bối rối, trăn trở nhiều hơn chính là quỹ thời gian còn lại ở tuổi già dường như đang bị dồn đuổi trong khi còn bề bộn giữa bao chuyện lo toan. Có thể nói đây là lúc cường độ làm việc tăng mà thời gian, sức khỏe lại hạn chế. Lại tiếp tục một cuộc chiến đấu mới thầm lặng, bền bỉ, người lính già phải gắng sức vượt qua. Sang những năm gần cuối thập niên 90, bệnh tật thêm nặng, sinh hoạt của ông thêm khó khăn, trở ngại lớn nhất là thanh quản bị xâm hại, dần dần bị mất tiếng nói. Tư Chu phải nằm điều trị tại bệnh viện nhiều đợt. Tuy gặp trở ngại, nhưng ông vẫn cố gắng trao gởi những ý kiến, đề xuất của mình bằng những bản thảo dày do bản thân tự viết hay nhờ người giúp đỡ. Giữa lúc công việc bề bộn thúc bách, lại có những sự việc diễn ra ngoài ý muốn làm ông thêm băn khoăn suy nghĩ và phải dành thời gian để trao đổi, phản bác lúc còn điều kiện nhằm tôn trọng, bảo vệ tính chính xác khách quan của sự thực lịch sử. Bởi ông từng nghĩ chiến công lập nên trong thời chiến tranh là nhờ sự hy sinh cao cả vì nghĩa lớn của bao đồng đội, của một tập thể cùng chung ý chí, hành động dưới sự lãnh đạo - chỉ huy thống nhất của tổ chức, không thể vì lòng vị kỷ, thói cơ hội mà mưu tìm lợi ích cá nhân.

*

Mỗi lúc trò chuyện cùng Tư Chu vào thời điểm này, Nguyễn Khải cảm thấy công việc đang dự tính của mình như đang thúc bách rồi sẽ thu hẹp dần. Kết quả của những ngày nối tình giao kết với người đồng chí thân thiết, Nguyễn Khải càng thấy rõ hơn những nét tính cách nổi bật từ con người nguyên mẫu. Tư Chu sớm trải qua những lăn lộn, chịu đựng khó khăn trong cuộc sống, được tiếp xúc với những cảnh ngộ khác nhau của cuộc đời người lao động giữa đô thị sầm uất, đến khi được cách mạng, kháng chiến đào tạo, rèn luyện và giao trọng trách, đã trở thành kiểu - người - hành động với bản lĩnh quyết đoán, năng động có tư duy nhạy bén, biết cách phát hiện tìm tòi những điều mới mẻ. Đó là con người có sức thể hiện lôi cuốn, là mẫu nhân vật thực của cuộc sống có thể gợi cảm hứng để người viết chọn lựa, xây dựng cho sáng tác của mình.

Vào giữa năm 1993, trên báo Lao Động xuất hiện truyện vừa Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu của Nguyễn Khải, được đăng tải nhiều kỳ. Truyện thuật lại cuộc gặp gỡ, kết giao bất ngờ giữa vị Sư già và ông Đại tá về hưu tại một địa chỉ gần Hà Nội. Qua chuyện trò, hàn huyên, họ mới biết mình là những người từng chung trận tuyến đấu tranh trong thời thử thách máu lửa tại Sài Gòn. Theo chiều không gian trải dài, diễn biến của chuyện gặp gỡ dẫn dắt người đọc sống lại không khí sôi động, căng thẳng vào thời điểm cuộc chiến đấu chống quân xâm lược và chế độ độc tài diễn ra mạnh mẽ tại đô thị miền Nam. Qua hồi ức của hai nhân vật chính, vị Sư già và ông Đại tá - người chỉ huy đội quân Biệt động, truyện dựng lại những gương chiến đấu anh dũng, những chiến công lừng lẫy, chấn động của những cư dân Sài Gòn giàu lòng yêu nước và sự quả cảm hi sinh. Hình ảnh cuộc đấu tranh rộng lớn giữa lòng đô thị thu hút sức mạnh của quần chúng từ các tầng lớp xã hội, các tổ chức hội đoàn, tôn giáo đã tạo nên sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân. Từ những sự kiện mà chính họ là những chứng nhân lịch sử, mối quan hệ quen biết giữa vị Sư già và ông Đại tá càng trở nên gần gụi, gắn bó.

Tới ngày 3 tháng 5 năm 1997, trên Báo Văn nghệ vào dịp kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ, Nguyễn Khải cho đăng truyện ngắn Sức Vượt. Nhân vật chính của truyện là ông Năm, một người xuất thân là chiến sĩ rồi thành một vị chỉ huy dày dạn qua hai cuộc kháng chiến, nay ở tuổi hưu nhưng vẫn giữ thói quen nếp sống của thời xông pha trận mạc, từng giữ chức vụ chỉ huy Ban quân báo, rồi đội quân Biệt động. Những ngày lui về điền viên, ông vẫn ham hoạt động, vẫn còn đầy ắp những việc phải làm, ông đang ấp ủ những kế hoạch của người lính lúc tuổi già - ôn lại những ký ức của quá khứ. Giữa lúc “đang vui, đang là người của nhiều cuộc hẹn hò, gặp gỡ, của nhiều dự định, đang tự tin có thể sống khỏe mạnh thêm nhiều năm nữa…” thì ông gặp chứng bệnh ung thư thư vòm hầu. Căn bệnh bột phát, ông phải trải những lần lui tới bệnh viện kiểm tra, điều trị, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm... Nhưng đời người lính Biệt động từng trải sống chết, với ông “sống tới 68 tuổi là quá may mắn”. Vì thế, ông không chịu buồn một lúc nào. Bởi ông nghĩ nếu căn bệnh chưa quật ngã ngay thì vẫn còn thời gian dành tính toan cho việc của mình. Đó là “một chương trình đầy ắp những việc phải làm. Những việc hoàn toàn mới lạ, có thể thắng một lần nữa mà cũng có thể thua”. Ông Năm nuôi ý định “dựng đài bất tử không phải cho riêng ông mà cho bạn bè, cho đồng đội, cho những người đã mất trong suốt ba mươi năm chiến đấu dọc theo con sông Sài Gòn…”. Vậy là sau gần hai năm cắm cúi, chịu đựng bệnh tật giày vò “xem trang giấy là chiến trường, cây viết là vũ khí, ông sẽ dấn mình vào trận đánh mới, không có chỉ huy, không có đồng đội, một mình tiến vào cõi im lặng mênh mông để chiến thắng sự quên lãng của thời gian”, ông đã hoàn thành bản thảo cuốn Hồi ký. Ông lấy làm tâm huyết với những trang viết của mình, bởi nó được làm ra theo một cách riêng, theo trí nhớ tuyệt hảo và bằng chính kinh nghiệm của người trong cuộc trước những sự kiện chất chứa sức mạnh, sự thử thách của con người trong chiến đấu vì độc lập dân tộc… Rồi ông đưa tập Hồi ký cho các con đọc để “thử xem trang viết bằng tâm huyết có còn là quan trọng với tuổi trẻ?”. Đáp lại, chúng đọc khá thờ ơ, và trả lời “Viết khô quá ba ơi!”. Ông Năm ngạc nhiên, quả tình có chút ngỡ ngàng, bối rối khó hiểu trước phản ứng của các con. Chẳng lẽ những trang viết, những sự kiện, những con người từng dựng nên lịch sử chiến đấu hào hùng của một thời chiến tranh, nay lại trở nên xa lạ trước cảm xúc của lứa trẻ, rồi ông tự nghĩ, có thể ông “chỉ viết lại được những sự kiện xảy ra của một thời nhưng không thể tái tạo được cái không khí, cái thế thái nhân tình của một thời”…. Thế nhưng, có chuyện lạ, bọn trẻ lại chú ý bình phẩm về một chi tiết gợi lại qua Hồi ký. Đó là tình huống xảy ra vào hồi đầu kháng chiến chống Pháp, khi ông còn là người chiến sĩ quân báo trẻ đã mạo hiểm ném lựu đạn vào bốt giặc. Trái đạn không nổ, bị lộ, địch đuổi bắt, anh đã tìm cách chạy vào ngõ cụt, bí đường thoát, phải dừng lại trước một căn nhà cuối ngõ, may sao có bà má đang ngồi trước cửa. Bà nhanh trí cầm tay anh chỉ vào chỗ buồng nhỏ nơi có môt chiếc giường đang buông mùng trong đó có người con gái đang nằm nghỉ. Theo kế của mẹ, anh chui vào giường không kịp phản ứng trước đôi mắt ngỡ ngàng của cô gái… Sau khi nghe bọn trẻ xì xào về chuyện mà chúng nghĩ là “mối tình đầu của bố”, chuyện bất ngờ gây căng thẳng giữa vợ chồng làm ông Năm bối rối, khó xử. Cơn giận với những suy diễn vô lý của bà Năm khiến ông: “Vào tuổi 70 người anh hùng bách chiến bách thắng tự nhận là mình đã thua. Ở đời có những sự vô lý - bệnh tật và các bà vợ bỗng dưng trái chứng chẳng hạn - nhiều người cũng đành bó tay đầu hàng huống hồ một thằng lính chiến. Tốt nhất là không nên chống chọi, không nên buồn bã, càng không nên tạo ra những sự vô lý khác nữa. Hãy tìm cách vượt lên mọi sự vô lý một cách bình thản, một cách vui vẻ, và tốt hơn cả là biết quên nó”.

Hậu Sức vượt. Nguyễn Khải mang truyện ngắn vừa đăng “tặng anh chị Tư”. Giờ thì rõ ràng nhân vật chính của truyện - ông Năm, là hình bóng của người thực ngoài đời - Tư Chu. Có lẽ nhân dịp ra mắt truyện ngắn này, nhà văn cũng muốn bày tỏ mối tình chân thật, sâu xa của mình với con người mà ông luôn xem là một tính cách sống động, một nguyên mẫu đáng đi vào những trang viết. Truyện nói về ông Năm nhưng đó là hiện thân của Tư Chu trong cuộc sống chiến đấu và đời thường. Các nhà phê bình văn học thường nhận xét Nguyễn Khải là cây bút có sở trường xây dựng nhân vật trong truyện của mình dựa vào những nguyên mẫu trong cuộc sống. “Sức vượt” lại cho thấy thêm một bằng chứng cụ thể nói đó. Cuộc đời và những sự kiện xoay quanh ông Năm có khác gì những điều mà Tư Chu đã trải? Nguyễn Khải bám sát sự thực trong từng hiện tượng, sự việc, tình tiết tạo nên tính cách thực của con người. Thực đến nỗi tưởng chừng nhà văn chẳng cần thêm thắt hư cấu gì ngoài câu chuyện thực của đời sống… Ở lĩnh vực nào, năng lực, phẩm chất của người chiến sĩ cũng được phát huy, và nhờ đó, ông là người mang những sự tích chiến đấu huyền thoại của một chiến sĩ anh hùng. Nhưng con người thường chịu ảnh hưởng của các mối quan hệ xã hội - trong cuộc sống đời thường, trong gia đình, Tư Chu cũng là con người mang những nỗi niềm riêng, những vướng mắc, trăn trở có lúc tưởng phải buông thả. Câu chuyện khó xử giữa vợ chồng và cả với những người con như miêu tả trong truyện đó là câu chuyện thực trong gia đình từng làm ông chịu nỗi  giày vò khó xử. Nguyễn Khải với lối tả thực lạnh lùng dường như cũng muốn nhắc tới những tính bi hài trong đời sống con người. Qua đó, ông cũng gióng lời cảnh tỉnh trước những rạn nứt gia đình khi cuộc sống và thời thế đã có những thay đổi. Con người từng xông pha trận mạc, chưa từng chịu dừng bước trước khó khăn thử thách, vậy mà nay trong cảnh ngộ bất trắc xảy ra của chuyện nhà, đành bó tay. Cái khó xử chính là ở chỗ đó, trong cuộc sống đời thường, con người đôi khi chịu những va chạm, xung khắc bất ngờ. Và đây là chuyện gia đình, chuyện của một “xã hội thu nhỏ” giữa người thân, không hề có ranh giới rõ ràng dứt khoát để hành động như ở ngoài đời hay trên chiến tuyến…

Vì thế, khi đọc truyện Nguyễn Khải, ông Tư nở nụ cười xuề xòa như vốn có rồi nhận xét: “Ôi! nhà văn đã nói thì mọi chuyện đều có ngọn ngành”. Còn bà Tư, lại tỏ thái độ. Từ bữa đó, hễ gặp ai bà cũng không quên bày tỏ cơn giận, bà bực tức việc “ông nhà văn đưa chuyện gia đình để bêu xấu tôi”. Bà cầm bản phô-tô truyện ngắn chỉ vào từng chỗ đã dùng bút gạch chân hoặc đánh dấu trên đó, cốt để chỉ ra những điều làm bà bất bình. Bà còn làm đơn khiếu nại gởi tới các nơi. Ông Tư đang bị bệnh tật giày vò, chỉ biết giữ yên lặng, bởi ông đã quá ngán ngẩm chuyện rắc rối từng xảy ra, càng không muốn phí sức vào chuyện tức tối vô cớ đó làm gì…

Nguyễn Khải nhiều lần trao đổi với ông Tư qua điện thoại, hai người vẫn giữ mối quan hệ đồng chí gắn bó. Bởi họ là người từng trải trong môi trường quân đội, trong đời sống, đã có kinh nghiệm xử lý những chuyện bất trắc xảy ra. Rồi nhà văn cũng có thư trả lời tường tận cho bà Tư và các con. Thấy thái độ rõ ràng của nhà văn khi nói về ý định viết truyện ngắn, cũng như sự góp ý vừa cởi mở, vừa thẳng thắn tỏ quan niệm của mình về những chuyện riêng gia đình, bà Tư dần cũng kìm lại cơn giận vừa bùng phát. Huống chi, bà cũng nhận ra ở người thân và bạn bè sự thiếu đồng tình với mình về cách xử lý chuyện vừa xảy ra trong gia đình, trong thái độ giao tiếp, hiểu biết xã hội, lại thêm tình hình sức khỏe ông Tư hiện tại, nên chuyện lùm xùm cũng tạm yên. Những ngày tiếp theo là quãng thời gian ông Tư liên tục đi điều trị, ông nằm tại bệnh viện có khi khá lâu. Bệnh tiến triển tới mức cần phải có sự trợ giúp của bác sĩ, nhân viên bệnh viện và sự hỗ trợ của các dụng cụ y tế, nên ông được dành một căn phòng riêng tại đó. Vì thế, cả những lúc về nhà, ông cũng cần tới sự chăm sóc kỹ càng, chu đáo. Nguyễn Khải đôi lần vào viện thăm ông, biết tính hoạt bát, xuề xòa, hài hước ở người bạn từng trải trong quận đôi, Tư Chu, giờ đây càng như muốn lắng nghe lời nhà văn nói, muốn có tiếng nói của bạn bè thân thiết để bớt thấy nỗi trống trải khi cách ly tại bệnh viện. Những dịp gặp gỡ cũng thưa dần. Tới hôm, trong căn phòng yên tĩnh tại bệnh viện, cầm tờ báo trên tay, ông ngỡ ngàng biết tin Nguyễn Khải vừa mất. Thêm một người đồng chí cùng chung thế hệ chiến đấu đi xa, ông trầm ngâm suy nghĩ về những biến đổi xảy ra trong cuộc sống đời người. Ai dè, Nguyễn Khải lại đột ngột ra đi trước ông 5 năm. Tư Chu mất ở tuổi 85, ông vẫn thường nghĩ so với nhiều người, với cuộc đời từng lăn lộn trên chiến trường, rồi ròng rã hơn 10 năm chống chọi với bệnh nan y, vận số ông xem ra vẫn còn may mắn.

*

Những ngày tháng Tư đang đến, thời gian như gợi nhắc những kỉ niệm gặp gỡ giữa những người bạn đồng đội, đồng chí tại thành phố Sài Gòn náo nhiệt kể từ sau ngày đất nước thống nhất. Thật khó ngờ rằng từ những năm tháng dầu dãi chiến tranh, trải qua hoàn cảnh chiến đấu khác nhau, trên cương vị nhiệm vụ khác nhau, người cầm cây viết làm vũ khí, người thì chiến đấu trên trận tuyến đối mặt với quân thù, dù cách xa nhau, nhưng họ vẫn rất gắn bó bên nhau trong cuôc đời phụng sự lý tưởng cách mạng. Cho đến khi cơ duyên gặp gỡ đến, họ đã kết nối tình đồng ngũ gắn bó, tình bạn thân thiết cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc chân thành của những người lính trên trận tuyến mới. Đó là mối tình thân thiết giữa Đại tá - Nhà văn Nguyễn Khải và Đại tá - Anh hùng Lực lượng Biệt động Sài Gòn Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu).

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm