April 26, 2024, 12:00 am

Tháng Tư năm ấy có ba mươi bảy ngày và những câu thơ trực tiếp

 

1.

Ngày 17/4/1975 từ Phan Rang, đại đội mình trong đội hình trung đoàn 101, sư đoàn 325 đang hành quân bằng xe cơ giới tiến về Sài Gòn. Trên mũ bộ đội hay bên xe đều có câu khẩu hiệu: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Lính lái xe vốn là tù binh được trưng dụng. Xe cắm đầy lá ngụy trang, mỗi xe chở theo một trung đội, đầy đủ cơ số đạn dược, súng ống, thuốc men, cơm nắm, gạo sấy, nước uống sẵn sàng chiến đấu bất kỳ tình huống nào. Qua những xóm làng vừa giải phóng, những cánh đồng hai bên đường lúa đã chín, không một bóng người, nắng miền Trung lúc nào cũng hầm hập. Đôi làn mây trắng lạc trôi giữa trời xanh…

Vừa qua Phan Rang máy bay lao xuống ném bom chặn đường. Khói bom trùm kín đường quốc lộ. Tiếng pháo ro ro trên đầu. Bộ đội được lệnh nhảy xuống xe và chạy vào con hào khô ẩn náu. Ở đây có rất nhiều người dân và một số thanh niên có người cởi trần đang trú ẩn. Bất ngờ nhìn thấy quân giải phóng, mũ tai bèo, khoác súng AK trong tư thế chiến đấu xuất hiện thì đều sợ hãi, tái mặt, có người thất thần. Một lát, bình yên trên khuôn mặt những người dân tươi lại, khói bom chưa tan hết, bộ đội lại nhảy lên xe, một màu xanh đi. Không nhớ nơi nào thì xe dừng lại, thay lá ngụy trang và bắt đầu hành quân bộ. Phía sân bay Thành Sơn trận chiến vẫn còn dữ dội. Nghe tiếng pháo nổ, cối cá nhân, AR15 và cả tiếng AK xa lụp bụp như rang ngô đậy vung. Khói bốc lên đen ngòm, cuộn từng lọn bay lên, trong khói vẫn thấy có những chiếc máy bay lóa nắng, vội vã bay. Bộ đội được lệnh đi cách nhau năm mét sát vệ đường, ngụy trang lẫn vào mép cỏ. Có khi lom khom, có khi nằm bẹp xuống bên vệ đường, bom nổ gần, khói đen thốc vào mặt, trùm kín một quãng dài. Một lúc, gió quét, đường một lại hiện dần ra trong nắng như chưa có chuyện gì xẩy ra.

Bỏ lại sau lưng nhiều nấm mộ trọc, khi nằm heo hút giữa rừng già, khi nằm cô quạnh bên đường, không cỏ, không hoa, sơ sài mộ chí. Đoàn quân xanh cứ lao về phía khói đen lẫn nắng... Mười ngày đêm cơm vắt ngang lưng/ nước uống không còn kịp lọc/ giấc ngủ vo tròn không kịp buộc/ chốt quanh những cặp mắt thâm quầng...

 

2.

Ngày 22/4/1975 đơn vị hành quân bộ. Đến một khu rừng cao su bạt ngàn của Bà Rịa thì dừng lại. Đất khô cứng như đá, đào mãi cũng chỉ được cái lỗ toen hoẻn. Đi suốt đêm phần lớn trong rừng cao su. Sáng ra, nắng nóng đến 37-38 độ. Tất cả các bình tông đều hết nước. Mệt. Khát. Đói. Bộ đội hành quân trong rừng cao su, khoảng cách năm mét một người. Khát quá sức chịu đựng, những bước đi thất thểu, nhiều người phải uống nước đái. Mình cảm giác lưỡi được làm bằng gỗ gắn vào. Thấy bát hứng mủ cao su, đầy mạng nhện, có ít nước trong, liếm chút cho ướt lưỡi. Không ngờ nó đắng, hàng giờ sau vẫn còn đắng. Ở miền Tây Thừa Thiên biết muối quan trọng thế nào khi ba ngày không có muối. Giờ thì khát. Mơ nước...

Mắt lờ đờ tôi nhìn giọt sương

rơi giật cục theo nhịp đều tôi đếm

bàn tay vội xòe ra để hứng

lại thu về vẫn những nốt chai...

.....................

Lưỡi tôi cố tình liếm mãi đôi môi

nghe ram ráp như gỗ chà lên gỗ

rừng cao su đứng yên trong lò lửa

nhện chăng đầy bát nhựa

 khô nghiêng...

 

3.

Ngày 25/4 lại hành quân, trưa dừng chân giữa rừng cao su Bình Sơn, đào hầm nghỉ. Đất cao su mùa hạn cứng hơn đá. Xẻng khoét mãi cũng chỉ được cái lỗ toen hoẻn đủ chỗ mèo nằm. Trời nóng quá, nhiều người không nằm mà ngồi trên miệng hầm hóng gió. Mở lương khô ra ăn. Ăn lương khô, không có nước lại khát kinh khủng. Bỗng nghe tiếng máy bay và một loáng cả khu rừng cao su rung lên bần bật. Ba chiếc C130 đổ bom. Loại máy bay này, bay ngang, không phải bổ nhào như các loại F khi ném bom. Kiểu như B52 thu nhỏ. Dứt ba loạt bom, tiếng đất đá, cây đổ vẫn còn vang, nghe rõ tiếng chân người chạy, tiếng gọi cứu người gấp gáp. Trưa hôm đó trung đoàn cả thương vong mất 153 người. Những người lính trận chưa bao giờ kịp khóc bạn. Nhìn nấm mộ nằm heo hút một mình ở góc rừng, xa dần những bước chân đi về phía tiếng súng mà lòng đầy thương cảm... Đã vượt qua cả ngàn cây số đạn bom/ bạn nằm lại ở rừng cao su Bà Rịa/ đành chịu lỗi với mẹ/ ngày mai chiến dịch cuối cùng sẽ mở/ chắc mẹ ở nhà dõi theo chờ/ máu chảy theo hình chữ S/ chảy đến mỗi ngõ nhà...

 

4.

Tiểu đoàn đi thẳng, đánh vào huyện lỵ Long Thành, mở cánh cửa hướng Đông vào Sài Gòn đúng năm giờ rưỡi chiều ngày đầu tiên của chiến dịch Hồ Chí Minh 26/4. Trước đó, khoảng mười sáu giờ, bên cạnh vài cái hầm toen hoẻn vừa khoét vội, đầu đội mũ tai bèo, tay cầm súng, ngồi bên miệng hầm, chi bộ đại đội họp. Rừng cao su đất đỏ Bà Rịa, trời chưng nắng, nóng đến 37-38 độ. Trên trời vẫn nghe tiếng máy bay xa, thỉnh thoảng vài tiếng pháo bay ro ro trên đầu. Khi đi chiến dịch xuân 1975 chi bộ có hai mươi mốt, giờ chỉ còn mười người, mặt ai cũng gầy đen sạm, quần áo quyện mồ hôi, chân tay, giày dép lấm láp, chỉ còn ánh mắt là nguyên vẹn như đầu chiến dịch. Đại đội giờ toàn lính mới bốn lần dọc đường bổ sung, nhiều người chưa tham gia trận đánh nào. Lính cũ chỉ còn chưa đến hai mươi người. Phần lớn bị thương và hy sinh dọc đường chiến dịch.

Chính trị viên đại đội, bí thư chi bộ Nguyễn Văn Bảo mở đầu cuộc họp: - “Chúng ta đã hy sinh và còn tiếp tục hy sinh. Dù hoàn cảnh nào cũng lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không còn xa nữa chúng ta đánh vào giải phóng Sài Gòn. Đây là cuộc họp cuối cùng trong chiến tranh nhưng là buổi họp chuẩn bị trận mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Người Đảng viên lấy làm vinh dự được chết cho sự nghiệp cách mạng của Đảng”.

Tất cả các đảng viên dự họp đều im lặng, nắm tay biểu quyết thay cho nghị quyết bằng văn bản.

Chi bộ họp xong, đã nghe pháo ta từ nhiều hướng, nhiều loại bắn dồn dập vào huyện lỵ Long Thành. Dưới đồi cây lúp xúp, dưới làn pháo đang dọn đường, đại đội hội ý nhanh với cán bộ chỉ huy từ tiểu đội, trung đội. Đại đội trưởng Trịnh Đình Hạnh hạ lệnh: “Đây là cánh cửa phía đông bắc chúng ta có vinh dự mở ra để đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Quân địch từ các nơi bỏ chạy về đây lập phòng tuyến tử thủ. Cuộc chiến sẽ rất ác liệt. Dù thế nào các trung đội, tiểu đội và từng chiến sỹ phải nêu cao tinh thần không sợ hy sinh, bằng mọi giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lần này đánh hợp đồng quân binh chủng. Pháo ta từ các hướng, đủ các loại đang dọn đường. Tiếp xe tăng đi đầu chở theo một số bộ binh vừa đủ, mở đường, bộ binh theo sau đánh chiếm các mục tiêu đã định. Các đồng chí phải nhanh chóng chuyển tinh thần ấy đến với từng chiến sỹ”. Nghe truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu và phân công trung đội 2 và 3 phối hợp với xe tăng. Mình được giao phụ trách bộ đội mười hai người đi xe tăng số 1. Vừa lúc đó, pháo các loại bắn vào Long Thành im bặt…

Năm chiếc T54 gầm rú, dàn hàng bạt đồi cây lúp xúp ập đến. Những người lính đội mũ tai bèo, mang ngụy trang, ba lô sau lưng, tay ôm súng AK lom khom chạy tới, xe tăng không dừng mà chạy chậm. Tất cả đã nhảy lên trong chớp mắt, ngồi quanh sườn xe, tay nhăm nhăm súng. Khói vẫn còn bốc lên trước mặt từng cuộn, từng cuộn nhạt dần. Xe tăng cứ nhằm theo hướng khói mà chạy với tốc độ ngày càng cao. Có khi mất hút trong khói, bụi đen ngòm. Nó không cần biết dưới các bánh xích đường như thế nào. Chỉ một loáng gầm thét đã đến ngã ba Long Thành. Súng AK và AR15 nổ, pháo tăng bắn, nó rùng mình một cái, cả đất trời như đảo lộn. Khói pháo, súng hắt vào mặt trùm kín xe tăng, thoáng ngạt thở. Mình vừa nói to vừa ra hiệu cho mọi người để khóa súng ở nấc một. Thời Quảng Trị, nếu nghe tiếng AK giật cục, từng tiếng một, bọn địch nghe và cho rằng đây là lính mới, chúng sẽ ào lên, “bắt sống trẻ em Hà Nội!”. Bộ đội học bắn súng, phải là điểm xạ hai viên một, mới được xem là lính thiện chiến. Giờ ngồi trên xe tăng, số đạn mang theo có hạn mình sợ nhỡ ra hết đạn nên mới nói với mọi người như thế. Đại đội xe tăng gầm vượt qua ngã ba. Phía sau hai bên xe tăng là bộ binh khi bò, khi lom khom chạy trong khói bụi, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương trực tiếp chỉ huy. Trận chiến từ mũi bộ binh vô cùng ác liệt, Nhiều chiến sĩ bị đạn thẳng hy sinh hoặc bị thương ngay trước cửa mở, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương.

Xe tăng vẫn thẳng tiến, đến một ngã ba, thấy xe tăng địch đi vuông góc cũng chạy ra đường lớn. Hai bên chạm mặt mà không nhận ra. Một lát xe tăng mình nhận ra. Giữa xe tăng địch và ta có chiếc GMC xen giữa. Pháo tăng ta buộc phải dùng đạn xuyên bắn xuyên qua cái GMC ở giữa và xuyên cả xe tăng cháy. GMC trở thành chướng ngại vật, buộc xe tăng ta phải tránh sang bên phải và tiếp tục đi. Vượt qua Long Thành, đại đội xe tăng lạc về phía Biên Hòa chừng mười bảy cây số thì dừng lại bên đường, cạnh rừng cao su. Một xe tăng đi lạc. Bốn chiếc vẫn nguyên. Trời đầy chớp sáng. Pháo sáng rải nhiều đến mức mình nhìn thấy cả máy bay trực thăng bay…

Khi xe tăng ta đánh vào, quân địch tản ra. Khi xe tăng ta đi qua, chúng tụ lại đánh bộ binh. Cuộc chiến phía sau vẫn còn nguyên vẹn, cứ giằng co… Trên đường chuẩn bị quay lại, máy bay địch bắn rốc két vào đội hình. Tất cả được lệnh tản ra ngay giữa cánh đồng, có những ụ đất cỏ mọc um tùm. Những người lính chạy lom khom, tản ra theo đội hình tổ ba người. Bộ đội còn khoảng hơn ba mươi người…

Khóc tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương:

Sài Gòn xa mấy ngàn cây số máu đi mãi không cùng

anh dừng lại ở Long Thành với lính sống có nhau giờ chết cũng còn nhau...

 

5.

Sau ngày 30/4/1975, niềm vui sống sót tràn ngập trong tim, hiện rõ trên mặt của từng người lính. Họ vội vàng viết thư báo tin, còn sống và sẽ về thăm mẹ, vợ hay người yêu... Họ đã không cần đào hầm mỗi khi dừng chân. Thương nhất những người lính hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn. Chỉ vài giờ, thậm chí vài phút mà không thể vượt qua.

Nhưng tháng tư năm ấy có đến ba mươi bảy ngày...

Bốn giờ sáng, ngày thứ ba mươi bảy, tức ngày 7/5/1975, trung đoàn mình hành quân đến tổng kho Long Bình. Khi chiếc xe đầu chạm cổng chính thì được lệnh dừng lại, các xe lần lượt sắp hàng, điểm quân trước khi vào. Bỗng nghe một tiếng nổ lớn rung chuyển cả không gian vừa yên tĩnh. Lệnh miệng tới tấp chuyền xuống, y tá lên ngay! Y tá lên phía trên ngay! Mình nhìn xuống thấy nhiều y tá vai đeo túi thuốc chạy... Một xe phía trước đoàn quân bị gài mìn hẹn giờ. Mìn nổ, trong cabin, có ba người, lái xe và người ngồi ngoài cùng không việc gì. Người ngồi giữa là anh Tương, người Quảng Bình, tiểu đoàn phó bị một mảnh nhỏ găm vào gáy. Thời Quảng Trị anh ước, hết chiến tranh mang cái hango nhiều tiện dụng về đi biển. Điều ước ấy của anh suýt nữa không thành; còn thùng xe bị mìn lõm xuống, không còn ai nguyên vẹn…. Thương lắm...

Đã vượt qua hàng trăm cửa tử

phút cuối cùng anh nằm lại ở cửa sinh

chia từng nắm thịt xương vùi đất

sống từng chia chết cũng còn chia…

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021


Có thể bạn quan tâm